12 thg 9, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 27)

Phong cảnh làng quê xã Quảng Hoà
Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN PHỔ

Mẹ tôi gánh cói xuống chợ Nguyễn bán được lời gấp rưỡi tiền vốn, nhưng của một đồng công một nén. Vất vả quá! Các chuyến cói sau tôi cố gắng gánh 5 gù. Về đến Cung Bịch, bố tôi đi rước, kêu nặng, vai đau gối mỏi, ì ạch mãi từ nửa chiều đến chập tối mới về đến nhà. Ông đặt gánh cói xuống giữa sân, hai tay nắm lại đấm vai, đấm lưng, bảo hơi thở ra đằng tai phào phào! Mẹ tôi biết sức tôi yếu, vóc tôi gầy nhỏ, khó kham nổi cái nghề ăn no vác nặng, nhưng chưa biết tính toán đường làm ăn thế nào.

Chú tôi vừa mới được tha tù, án 8 năm. Hiệp định đình chiến Giơ-ne -vơ đã lâu, đến nay mới thực hiện là quá muộn. Sống ở nơi rừng thiêng nước độc, chú tôi bị mắc bệnh sốt rét khá nặng, ốm yếu, nhiều lúc hai mắt trợn ngược, xều bọt mép, tưởng chừng đến phút về với ông bà, nhưng rồi lại hồi tỉnh.
Đã xong mùa cày, thím tôi bán con bò mệ, tính hoạn lại con me để lấy tiền mua thuốc cho chồng. Tôi bàn với mẹ tôi:
-Con đi Nga Sơn đã 5 chuyến, người ta gánh khoẻ gấp đôi mình, mỗi chuyến đủ nuôi cả vợ chồng con cái. Còn nhà ta chỉ đủ rau cháo qua bữa. Giá con có một cái xe đạp để thồ cói, vừa khoẻ người, vừa kiếm thêm được đồng dư dật. Thím Ất mới bán con bò, hay là mẹ thử vay mượn xem…
Nghĩ ngợi một lát, mẹ tôi nói:
-Con tính toán phải, nhưng cái khó bó cái khôn, để mẹ thử hỏi thím thử coi…
Thím Ất tên chính là Át, con nhà ông cố Giúc xóm Bắc, người cùng làng, hơn chú Thuyết tôi hai tuổi. Năm 18 tuổi,  thím đã tỏ ra một gái quê thực thụ, to cao, khoẻ mạnh, siêng làm, tham việc, không xấu, không đẹp. Thím hơn chú tôi hai tuổi, ông bà tôi cưới về cốt lấy người gánh vác công việc đồng áng để có điều kiện cho chồng ăn học. Tính thím bạo dạn, đêm mới cưới, trò chuyện với chồng cứ oang oang, chẳng e thẹn gì cả. Ông tôi nằm nhà trên, chỉ hết đằng hắng lại e hèm. Bà tôi ngủ nhà dưới, chờ lâu không thấy chúng nó im cho, buộc phải lên tiếng: “Vợ chồng nhà đỏ…à quên, nhà nhiêu có chuyện nhỏ cho người ta nghỉ ngơi không? Đình đám cả ngày, công ni việc khác sức voi mô mà không mệt nhọc!” [*].
          Thím tôi siêng năng, khoẻ mạnh, tham công tiếc việc có tiếng trong làng, được nhiều người khen ngợi, nhưng cũng có kẻ chê “chỉ được cái ăn no vác nặng!” hoặc “ăn no ngủ kĩ”, “nằm đâu ngủ đó”…Ông bà tôi rất hài lòng về thím tôi, càng khen thím tôi bao nhiêu, càng chê mẹ tôi bấy nhiêu, rằng “yếu như sên”, rằng “váy dài tốn vải, khôn ăn dại làm”, rằng “đi bên nội, lội bên ngoại”…Đến khi cảnh nhà khó khăn mới biết mẹ tôi không vững tay chống chèo thì “giang sơn nhà chồng” khó vượt qua cơn sóng gió.
Mẹ tôi và thím tôi giống nhau một điểm biết thương người. Năm Ất Dậu (1945) hai chị em đi chợ Thượng Cầu Quan (Nông Cống) thấy người ăn xin ăn mày chết đói hoặc ngắc ngoải nằm la liệt. Một bà mẹ bán con gái duy nhất đang lả đi vì đói. Không ai mua, rồi cho cũng không ai nhận, vì họ cũng đang đói. Bà mẹ khác có hai con, một bé trai đang cố trườn trên cái bụng lép kẹp để day đi day lại đôi núm vú đen sì, da dính sát ngực, không giọt sữa. Đứa chị xương bọc da nằm bên chân mẹ, cố chìa ra bàn tay xương xẩu run rẩy, nói chẳng còn hơi.
Trong đám mấy đứa trẻ, thím tôi định giá, bé gái 6 tuổi 5 tiền, đứa mới lên 5 thì 6 tiền. Mẹ tôi không hiểu tai sao đứa nhỏ nhiều tiền, đứa lớn lại ít tiền. Thím giải thích: đứa lớn khôn hơn, biết đường có thể trốn về với mẹ, đứa nhỏ có vẻ còn thơ dại không biết lối nào mà lần. Quả nhiên mấy năm sau trời yên bể lặng, con lớn mẹ nó tìm được, xin mất. Còn con nhỏ mẹ nó đã chết sau đận ấy. Người làng đi chợ Thượng về nói khi mẹ nó chết thằng em vẫn nằm trên bụng mẹ lạnh ngắt, nhay nhay cái vú chỉ còn tảng da dính sát mảng ngực xám ngoét không chút hơi thở tàn.
          Lại nói, thím tôi nhận nuôi đứa lớn để sai vặt, đặt tên Ất để nhớ năm đói Ất Dậu. Đứa nhỏ mẹ tôi đặt tên Nông, ghi nhớ quê nó ở huyện Nông Cống. Có lẽ không phải nó lên 5, vì nhớ được tên bố là Bừa, tên mẹ là Mau, người làng Mẩy.
          Năm 1949, tôi trọ học ở làng Cầu Nhân (huyện Nông Cống) được biết có làng Thanh Y, Mỹ Phong, và làng Bình Doãn chỉ cách có con sông Nhà Lê về phía Tây. Làng Mỹ Phong phát âm là Mẩy Phong, nhiều gia đình chết đói năm Ất Dậu. “Bừa” là tiếng Việt Mường cổ, khi kí âm Hán Việt thành “Bình”.
Làng Bình Doãn có nhà thờ họ Vũ thờ ông tổ Vũ Uy. Ông là con nuôi Lê Lợi, cùng Trương Chiến, Trịnh Vô, Trịnh Lỗi…cày ruộng ở động Chiêu Nghi, đất Lam Sơn. Động Chiêu Nghi nuôi nhiều bò. Các ông rèn luyện sức khoẻ bằng cách cứ sáng dậy mỗi ông vác một con bê, ngày nào cũng vác đúng con ấy từ nhỏ đến trưởng thành. Sau một năm, ông nào cũng dư sức khoẻ vác cả con bò đực chạy băng băng. Khi khởi nghĩa Lam Sơn, các ông đều là tướng bộ binh, giỏi đánh giáp lá cà, hai tay hai cây đại đao xông thẳng vào đám giặc tung hoành như cọp beo giữa bầy cày cáo. Quét sạch quân Minh, các ông đều được thưởng công, ban họ vua, tên ghi biển công thần. Vũ Uy biết ít chữ, không nhận quan tước, xin vua cho vỡ hoang lập trại. Theo gia phả họ Vũ, ông về vỡ hoang nhiều nơi trong tỉnh, chiêu tập người nghèo lập được 45 trại ấp, sau phát triển thành làng xã. Những nơi ấy đều có con cháu họ Vũ, dựng nhà thờ, đèn hương đời đời để ghi nhớ công lao cụ Tổ.
          Tôi không có em nên Nông ở nhà tôi chơi cả ngày. Nó nhớ em trai, thường gói quần áo buộc lại giả làm em đặt lên võng ru. Nó hay hát bài “Đồn rằng Cổ Đệnh mở hội chợ Nưa…” chứng tỏ nó là người Nông Cống ( Thanh Hoá, phát âm inh thành ênh). Năm gia đình tôi bị quy phú nông, mẹ tôi đem Nông cho một nhà ở xã Quảng Văn nuôi để thay đổi số phận. Năm 1965, nó được làm cấp dưỡng cho cơ quan Huyện uỷ Quảng Xương. Năm 1972, chủ trương giảm nhẹ biên chế Nhà nước, Nông về nhà rồi lấy chồng xã Quảng Hải. Năm 1978, vì gia đình nghèo khó nên chuyển vào Nam xây dựng kinh tế mới. Sau nghe nói Nông bị ốm đau mất luôn trong đó.
Em Ất thì mẹ đẻ vẫn làm ăn buôn bán vùng Cầu Quan, bị chứng “hạc tất phong”, đầu gối sưng đau, đi lại khó. Tình cờ gặp bố tôi bán thuốc đơn thấp khớp ở chợ Thượng, được ông chữa cho khỏi. Bà lân la hỏi dò mới biết con gái bà trước bán cho thím tôi làm con nuôi. Bà quê Nam Định, hồi kháng chiến chống Pháp chạy loạn tản cư vào Thanh Hoá, chồng chết, con chết, chỉ còn lại một đứa bé đặt tên Quảng (sau khi bán về cho thím tôi, được đặt tên là Ất, để ghi dấu năm đói Ất Dậu). Ất thường hát ru em, đứa con gái đầu thím tôi:
Diều hâu mày niệng cho tòn
Xuống đây tao gả một đoàn gà con
Gà con tao để tao luôi
Tao gả con chó cụt đuôi  cho mày!
Căn cứ những từ mày, niệng, tòn, đoàn, luôi,…chắc chắn nó phải người Nam Định. Thím tôi bằng lòng cho Ất về với mẹ nó. Con gái đầu chú thím tôi chưa đặt tên, lấy luôn tên Ất đặt cho tiện.
Thím tôi “gan” lắm. Đó là từ mẹ tôi hay dùng để chỉ người hà tằn hà tiện. Bà nội tôi, sau khi ông nội tôi mất (1946) ở với chú thím tôi, vì tính cụ cũng thấy thích hợp đường ăn nết ở của nàng dâu. Cho nên cụ đi chợ Nguyễn hay mua cá nhám khá rẻ, kho kỹ để lâu, ăn dè, và biết đâu cách dùng lá núc nác chống mùi khai của cá cũng là “sáng kiến” của bà tôi!
Thím tôi vui vẻ cho Ất về với mẹ nó, mặc dù nhà cũng đang cần người giúp việc. Chú tôi cũng tốt tính, vợ chồng ăn ở với nhau đã hai con vẫn chưa hề lời nặng tiếng nhẹ làm “gẫy hạt gạo”. Hễ thím tôi bực mình lẩm bẩm lầm bầm, chú tôi ngồi thẩn thờ im lặng, cứ “cơm sôi bớt lửa” là êm chuyện. Có lẽ chú tôi cũng tự biết mình cố công học hành mãi mà chẳng nên cơm nên cháo gì! Những lúc nằm vắt tay lên trán, gối đầu lên cửa sổ, chú tôi thường ngâm nga:
Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong…
Sao chú không về cày sớm? Có lẽ chú tiếc số vốn liếng văn hoá, đành làm nghề dạy học tư kiếm miếng cơm chín của nhà giàu để rồi chui đầu vào tù, sau 3 năm hoá thân tàn ma dại! Bây giờ vợ phải bán con bò cày, cơ nghiệp của nhà nông để lấy tiền thuốc thang chạy chữa cho chồng. Mua thuốc gì? Lúc ấy thuốc Tây hiếm, thuốc Bắc có nhưng thầy lang y khó tìm, khoai lang dễ kiếm. Đành chạy chữa nhì nhằng vậy! Bố tôi có biết thuốc Đông y cũng đành thúc thủ vô phương, vì đơn kê ra, đem đến hàng hiệu nào cũng bị “què vị”. Ông thường nói: “Phương dược cụ Hải Thượng Lãn Ông hay lắm, nhưng nặng tiền, khó mua, mình không dùng được!”. Thế thì con bệnh đành chịu chết sao? Nhiều lúc nghe tiếng thím tôi kêu la, hai cha con chạy qua bờ rào sang thấy chú tôi trợn mắt há mồm, tưởng đến phút lâm chung, chẳng còn hy vọng gì được nữa, nào ngờ sau đó lại hồi tỉnh! Có lẽ căn bệnh quái ác nó sinh ra thế!
Buổi tối cơm nước xong, mẹ tôi hỏi vay thím tôi bốn mươi đồng để mua cái xe đạp cho tôi buôn cói Nga Sơn, sau mỗi chuyến được đồng lãi nào lại trả cho thím. Thím tôi bằng lòng cho vay ngay.
Đang thời buổi kinh tế khó khăn, 40 đồng bạc là to lắm! Tôi rủ anh con bà dì cả biết nghề xe đạp đi thị xã Thanh Hoá. Trước kia chợ tỉnh Thanh mua bán trâu bò, nay thêm mua bán xe đạp. Xe mới, xe cũ nhộn nhịp đông đúc, nhãn mác rối tinh, sắc màu mờ tỏ, vàng thau khó phân. Xem chọn mãi, chúng tôi mua được cái xe nhãn hiệu Pháp đã tróc sơn khung, còn đọc được chữ Super giá 38 đồng, hợp túi tiền. Còn lại 2 đồng phải mua cái bơm, kể giá hơi đắt. Nhưng ông hiệu xe đạp bắt bí, thôi đành vậy, hai anh em nhịn đói ra về.
Bố tôi mắc vó xuống ao, kẻ sục người kéo, đánh mãi được hai con cá mè ranh, nấu dấm khế, thêm đũa mẻ, lá nghệ, bắc nồi xuống mùi thơm lừng, cả nhà ăn mừng mua được xe đạp!

                                                Hoàng Tuấn Phổ/2019

                                                      
(Còn tiếp)

Chú thích: 

[*]-Phong tục quê Thanh, vợ chồng mới lấy nhau không được gọi tên tục. Nếu chồng đi học học là “nhiêu”, không học hành gọi là “đỏ”, khi có con gọi tên con, chưa đặt tên, đẻ con trai là anh cò, chị cò, hoặc bố cò, mẹ cò, con gái thay bằng “hĩm”. Trường hợp hiếm muộn, chưa có cháu, không được gọi là ông, bà, phải gọi là anh chị hoặc ông mụ và dùng tên cháu của anh em trong nhà…


2 nhận xét:

  1. Thật là tuyệt vời ! Ông cụ Hoàng tuấn Phổ là cả một kho tàng những chuyện xảy ra vùng quê Thanh Nghệ Tĩnh đầu thế kỷ 19) và những việc tàn ác trong Cải Cách Ruộng Đất sau "kách mệnh" mùa Thu 1945 !

    Trả lờiXóa
  2. Tiếc cho nền giáo dục nước nhà, cả một kho tàng kiến thức ở đây mà không được tận dụng, để cải cách giáo dục nước ta đang trong vòng quanh quẩn.

    Trả lờiXóa