HOÀNG TUẤN PHỔ
Đêm ba mười Tết cả nhà bàn bạc, thống nhất sang năm mới tôi tìm đường về quê xưa, mong có lối thoát cho gia đình.Rất may, phương tiện giao thông tôi đã có chiếc xe đạp. Giữa tháng chạp, sau chuyến xe thồ cói cuối cùng, nhà tôi nói dối phải mang xe lên Cầu Quan bán để trả nợ, rồi thẳng đường cái đến nhà dì tôi ở làng Phương Khê, xã Nông Trường, phía trên Cổ Định, gửi nhờ cất kỹ.
Sáng mùng ba
Tết, tôi dậy thật sớm, quảy đôi quang thúng ra đi, gặp cán bộ Chư ở ngã ba đường
rẽ. Chỗ ấy xưa là đất chuyên vãi mạ, rộng khoảng 6 sào. Hồi nhỏ tôi thấy xóm
Nam, cứ chiều 30 Tết lại dựng cây đu để vui chơi ngày Tết. Đất chuyên vãi mạ
quê tôi gọi là “nắc mạ”, hai năm hai vụ chỉ vãi mạ cấy xứ đồng Phần Tiền, Nhà
Mong, Ao Sáo, vì kinh nghiệm mà nông trước kia “Khoai ưa lạ, mạ ưa quen”. Đất mạ
này cao ráo, bằng phẳng, tha hồ để mọi người dịp Tết trong xóm ngoài làng đến
đánh đu, cùng vui các trò chơi cổ truyền, đánh cù, đánh khẳng (khăng), đánh
đáo, đánh giồi, đánh cờ que, cờ chân chó, đánh càng cua, đánh ba que xỏ lá,…Vì
đang ngày Tết, hàng quà không nhiều, trẻ con bà già bán táo chua xâu lại từng
chục, những tấm mía tím tiện sẵn, những bắp ngô nướng quạt than hồng tại chỗ,
những khoanh quế chi, trái tầu ho ngậm chơi cho thơm miệng.
Thông thường,
sáng 30 Tết thanh niên đã dựng xong sân khấu để diễn kịch, nam nữ được tự do đứng
ngồi, tha hồ bá vai, ôm cổ…
Sau Cải cách
ruộng đất, xã chia đám đất vãi mạ ấy cho anh Dần, nhà thành phần bần nông, có
chị lấy Lê Quang Cán chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thôn. Cán và Lời thét ra
lửa, đốt cháy cơ nghiệp nhà tôi từ hồi quy định thành phần phú nông phải đóng
thuế “khả năng” nặng, cốt cho chết đói!
Không biết Từ
Nhen sáng mùng ba Tết đi đâu sớm thế? Tôi gặp lão khác nào đụng phải hung thần
quỷ sứ! Từ Nhen tên chính Lê Trí Chư. Họ Lê Trí cùng gốc tổ với họ Lê Văn – ông
Lê Văn Bèo (tức Bìu) - người đầu tiên được Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cho
phép khai phá cánh đồng Bèo để làm ruộng tư. Vốn xa xưa họ Lê Văn cho Chi họ Lê
Trí cư trú xóm Bắc, anh em lâu đời tưởng lầm khác họ, có thời đã lấy nhau. Vợ
Lê Trí Chư là Nhỏ, đẻ con đầu đặt tên là Nhen. Trí Chư có mấy năm làm Thủ từ
nghè làng nên làng gọi là ông Từ ghép với tên Nhen con gái thành Từ Nhen.
Từ Nhen sống
lá mặt lá trái, đẻ toàn con gái, hay tòm tem với đàn bà, lại yêu say đắm chị M.
chưa chồng, nhưng vì là đảng viên nên ông không thể hai vợ. Ông ta trước năm
1945 có theo học phù thuỷ mấy năm nhưng rất kém vì chữ nghĩa (chữ Hán) không đủ
để tiếp thu tu luyện thành pháp sư đạo, dù Đông hay Tây (còn gọi Nội hay Ngoại).
Mở đầu cuộc
đi xa tìm đường thoát nạn lại gặp đúng hung thần! Tôi chưa kịp lánh mặt, đôi mắt
cú vọ của lão ta đã thấy tôi, ngạc nhiên hỏi ngay: “Đi mô?”.
Tôi lễ phép
thưa: “Dạ thưa ông, tôi lên chợ Thượng Cầu Quan coi có ai thuê mướn chi không.”
Từ Nhen vốn
tối dạ, không tinh ý nghĩ ra tôi nói khó tin vì hôm nay đang mùng 3 Tết, chợ
búa gì, sớm cũng phải ngày mai, mùng bốn, ngày chẵn là phiên chợ Thượng. Tại sao
tôi lại chọn ngày mùng ba Tết? Dân gian có câu “Chớ đi mùng bảy chớ về mùng
ba”. Bố mẹ tôi cũng bảo như vậy. Nhưng tôi nghĩ khác: Mới mùng ba Tết, có lẽ
chưa nhà nào dậy sớm ra khỏi ngõ, mình đi lúc ấy chắc tránh được mọi cặp mắt. Nếu
để sáng mai là phiên chợ Thượng thế nào làng mình cũng có người dậy sớm đi mua
bán gì đó. Hẳn là Từ Nhen thấy tôi mặc áo vá, đầu không nón, mang đôi quang
gánh trên vai thì không để ý gì cả. Các vị hương chức thời cách mạng đều biết
rõ hoàn cảnh gia đình tôi sớm muộn thế nào cũng chết đói, thâm tâm họ đang mong
cho chết sớm! Họ không hiểu tại sao chính
phủ lại khoan hồng để cha con chú cháu nhà hắn thoát tù tội mọt gông, trở
về không thiếu một ai!?
Tôi hoàn
toàn bị bất ngờ. Không thấy Từ Nhen hỏi han gì thêm, chỉ buông ra một tiếng “Ừ!”.
Tôi phải dừng lại đứng chờ lão ấy đi trước mới dám bước sau, để tỏ sự lễ độ của
kẻ dưới biết an phận.
Chú tôi có lần
nhắc tới Thượng toạ Thích Mật Thể làm chức Phó chủ tịch UBHC kháng chiến Liên
khu 4 cũng bị bắt giam, nghe nói án tù rất nặng. Nhà sư này có viết sách, hay
nhất là quyển Lược sử Phật giáo Việt Nam.
Hồi học ở Nông Cống, tôi thường qua lại chợ Thượng, Cầu Quan. Trong kháng chiến
chống Pháp, dân tản cư bán nhiều sách cũ, tôi cũng có mua được cuốn sách này,
nhưng mới chỉ xem lướt qua thì đã bị hoá thân cùng nhiều sách vở khác trong ngọn
lửa Đấu tranh chính trị khởi đầu năm 1951 rồi bùng cháy lan rộng khắp Thanh-Nghệ-Tĩnh,…Tên
chính xác sách ấy là Việt Nam Phật giáo sử
lược, cách đây gần 20 năm tôi được đọc cuốn tái bản của nhà sách Minh Đức –
Đà Nẵng (ấn hành thời Việt Nam cộng hoà). Sách rất phong phú tư liệu, nhiều
công phu khảo cứu, Nhà khảo cứu Trần Văn Giáp đề tựa. Đúng là một cuốn sách giá
trị. Tôi khâm phục kiến thức uyên bác của tác giả, mặc dù tôi không đồng quan
điểm với ông rằng, Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc rồi từ Trung Quốc
truyền sang Việt Nam. Đáng tiếc, ông là một nhà tu hành chân chính đã không dành trọn đời cho các công trình nghiên
cứu đạo pháp, lại bước lầm sang lĩnh vực chính trị! Ở đây không phải vấn đề
“thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, mà chỉ là “chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu”của
luật “hiện báo”, học thuyết nhân quả nhà Phật. Đó là cái quả của cái cây chính
trị ông thu hái được!
Thôi, tôi đã đi quá lan man trên
quãng đường dài không bạn đồng hành.
Tôi không đi đường đá qua Cầu Quan Chợ
Thượng, con đường “năm xưa” tôi đi học, mà cứ thẳng đê nông giang đến Cầu Trắng,
nơi nhiều kỉ niệm bạn bè cho tôi niềm vui và hy vọng. Tôi bước nhanh qua Cầu Trắng,
một mạch thẳng hướng phía trước, trên con đường Nấp Nưa đất đá lổn nhổn, cố trốn
tránh quá khứ dài dằng dặc…
Đã đến làng Phương Khê, tên cũ Lan
Khê, quê hương Tiến sĩ lừng danh Nguyễn Hiệu, con trai Nguyễn Hoãn, cha sinh
Nguyễn Hoàn, những bề tôi tài giỏi của chính quyền Lê-Trịnh.
Nhà Dượng Phú tôi tạm đủ ăn. Quê dượng
gốc ngoài Nam, vào đây ở ấp Dược Khê, định
cư Phương Khê, vợ chết sớm, được một con trai đặt tên Phú. Dượng lấy dì tôi làm
vợ kế. Dì là con gái rốt ông bà ngoại tôi ở làng Quần Lực, có tiếng xinh đẹp nhất
làng. Chẳng may duyên số dở dang, chồng con lỡ làng, cuối cùng đành phải chấp
nhận để có nơi nương tựa. Người phụ nữa xưa chỉ lầm một bước cũng đủ lỡ cả đời!
Rất tiếc dì tôi là người con gái như vậy!
Dượng Phú hiền lành, siêng năng, chỉ
biết chăm chỉ làm ăn. Tôi ở chơi với dì dượng Phú một hôm. Đang mùng ba Tết,
nhưng nhà dì dượng hà tiện không sắm sanh gì, chỉ có một cái bánh chưng và nồi
thịt nấu đông. Bánh chưng cúng trên bàn thờ bà Cả từ chiều Ba mươi dựng nêu,
trưa nay là ngày mùng Ba, qua lệ đưa ông vải mới lấy xuống, gia đình cùng ăn Tết
với thịt đông.
Buồng nhà dì dượng chứa đầy thóc, tối
om om, cửa đóng im ỉm suốt ngày đêm, không dám mở ra sợ người ngoài thấy.
Sáng sớm hôm sau, dượng Phú lấy trong
buồng kín chiếc xe đạp của tôi ra. Nó đã được lau chùi sạch sẽ. Dì Phú phá lệ dậy
nấu cơm, canh dưa từ lúc gà gáy để tôi ăn, kịp lên đường.
xin anh Hoàng Tuấn Công cho biết : "trăng trối" hay "trăn trối" cám ơn rất nhiều
Trả lờiXóaM.