6 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 31)

 

Cảnh rừng núi đoạn Dốc Xây
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN PHỔ

Cơm nước xong, tôi cởi  bỏ quần áo rách vá, thay bộ đồ nâu khác còn lành- thứ y phục sang nhất-ít khi dám dùng đến. Thế là “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”. Tất nhiên tôi làm gì có gươm giáo, chỉ giắt lưng mấy đồng bạc để đánh giặc đói, giặc khát. Cưỡi con ngựa sắt, tôi cứ thẳng con đường xuyên Việt mà đi. Bà con thị xã Thanh Hoá bảo tôi sẽ ra đến Hà Nội, vượt cầu Long Biên qua Gia Lâm đến Bắc Ninh. Quả là “nước non ngàn dặm ra đi…cái tình chi?…”

            Người ta bởi đói khát bỏ quê ra đi, còn tôi lại vì đói khát mà tìm về quê! Nói dại, nếu về quê mà không sống nổi thì đi đâu? Còn đi đâu nữa! Mẹ tôi chẳng đã bảo “chạy trời không khỏi nắng” đó sao? Đã biết vậy mà bà vẫn muốn tôi cứ “chạy”! Bố tôi nói “đức năng thắng số”. Mẹ tôi cãi “ông trời có thương mới được!”.

            Tôi nghĩ liều, thì cũng đi tha phương cầu thực, nghĩa là cái số ăn mày, bị gậy phải mang! Tôi không bi quan mà cảm thấy vui vui, hay hay.

            Chưa đến 4 năm mà tôi đã từng trải biết bao nghề, kể cả cái nghề ở tù được ngày hai bữa, cơm bưng nước rót. Bây giờ tôi, nếu phải chuyển nghề hành khất tưởng cũng chẳng xấu thẹn gì, trái lại, sơn hào hải vị nếm đủ mọi mùi, ngày lại ngày, một túi càn khôn, một cây thần trượng “dọc ngang trời đất, vẫy vùng bể khơi!”

            Đã đến đèo Tam Điệp, chỉ thấy núi tiếp núi, cây tiếp cây. Không còn phải trèo “một đèo, một đèo, lài một đèo” như nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Thời Pháp đã phá đèo, kè đá thành Dốc Xây, khi đi lên dốc, ô tô xe đạp hơi vất vả, lúc xuống dốc, ô tô phóng vù vù, xe đạp lao băng băng, nhưng nếu bộ phanh không tốt, cũng dễ rơi xuống vực thẳm khe sâu, mười phần chết chín!

            Chiếc xe đạp của tôi chừng đã già nua, sản xuất từ đời “min nớp xăng đút nút”, thôi thì “cẩn tắc vô áy náy”, tôi cứ chịu khó dắt bộ, xuống dốc như lên dốc…

            Ra đến Đồng Giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình. Vẫn rừng liền rừng, núi tiếp núi, và núi…Thời phong kiến, Đồng Giao là Thanh Hoa Nội, nơi tiếp giáp Thanh Hoa Ngoại, tức Ninh Bình. Khi giặc Mãn Thanh xâm lược chiếm Thăng Long, mưu sĩ Ngô Thời Nhậm xây dựng phòng tuyến Tam Điệp, một đội quân đóng tiền đồn ở Đồng Giao, lấy núi Tam Điệp làm trung quân, phía nam (nay là Bỉm Sơn đến Hà Trung) là hậu cứ, có kho tàng và thuỷ quân trú ở Bến Quân…Địa danh Đồng Giao gắn liền với Quán Cháo. Theo truyền thuyết Quán Cháo là quán hàng của một bà già nấu cháo cho quân Tây Sơn ăn đỡ đói lòng khi rút lui từ Thăng Long về Tam Điệp. Thực ra, chữ “Quán” ở đây không phải là hàng quán, mà là cung quán. Thời phong kiến, trên đường thiên lý Bắc Nam, nhà Lê, đặc biệt là nhà Nguyễn cho xây dựng rất nhiều cung và quán. Cung là một chặng đường dài, nơi dừng chân của vua đi tuần du, quan đi công cán, về phép, lính chạy giấy tờ, công văn đổi ngựa…Quán là quán xá chỗ nghỉ ngơi, nấu nướng ăn uống của khách bộ hành, ở đây sẵn nồi niêu củi đuốc. Đời Trần, quán xá, quán dịch còn tô tượng Phật để lữ khách thắp hương tưởng niệm, vì đạo Phật được tôn sùng là quốc  giáo. Đó là thời kỳ tam giáo đồng nguyên, vua chúa sùng Phật, mộ Đạo, trọng Nho, cho nên còn có cả Đạo quán. Quán Thái Thanh bên hồ Ngoạn Thiềm đối diện với chùa Chân giáo, có cầu Lâm Ba bắc qua là nơi vua Trần Thái Tông làm lễ cầu tự rồi sinh Hoàng tử thứ 6 Trần Nhật Duật tước Chiêu Văn Vương, hai lần cầm quân đánh giặc Nguyên Mông, lập công cao nhất.

            Bởi không phân biệt được “đạo quán” và “cung quán” nên PGS. Vũ Ngọc Khánh cùng một số đồ đệ căn cứ địa danh ở Thanh Hoá có từ “quán” như Quán Mít, Quán Nhà Trò, Quán Am, Quán Định Hương, Quán Lào,…rồi cho rằng Thanh Hoá xưa phổ biến “đạo tu Tiên”!

            Tục ngữ “Ma Quán Cháo, cọp Đồng Giao”. Cọp Đồng Giao thì có thật. Cả vùng rừng núi bát ngát, vây quanh một thung lũng mênh mông, cỏ rậm ngút ngàn, hươu nai nhiều vô kể, tất không thể ít cọp dữ hoành hành, dám xuất hiện giữa ban ngày, đói mồi không trừ khách qua đường đơn độc. Đầu  thế kỷ XX, Pháp làm đường ô tô, tàu hoả, lũ thú dữ rút lui vào sâu hơn, đóng đô chỗ hang động đại ngàn bí hiểm. Ma quán cháo có thật không? Ma đây là ma thiêng nước độc, cũng được hoá giải dần khi ánh sáng kỹ thuật văn minh rọi tới.

            Bấy giờ tôi đã đến tuổi 20, không đến nỗi nhút nhát như kẻ đi đường vắng đêm tối không thấy cái gì cũng rùng mình sởn tóc gáy, co chân chạy, càng chạy càng thấy ma quỷ đang đuổi theo đằng sau! Hơn nữa, trời đã chiều muộn, không thể tiếp tục đi xa. Thấy bên đường có hai quán thấp nhỏ liền dừng xe hỏi trọ. Quán này cách quán kia khoảng hơn trăm mét. Cả hai quán đều có chỗ cho người nghỉ trọ, dĩ nhiên chỉ vài ba suất. Quán thứ nhất đã đông khách. Quán thứ hai mới có một người. Tất cả bọn họ trông bộ dạng lôi thôi lếch thếch, có lẽ cũng người trong Thanh gặp cảnh đói nghèo phải ra Bắc làm thuê làm mướn kiếm sống như mình thôi. Cùng cảnh ngộ chắc dễ gần nhau, quen nhau.

            Rất may, bộ quần áo mới, áo sơ mi màu xám lơ, quần phăng mầu gụ dượng Phúc cho, tôi không dám mặc, cất vào cái túi vải lép kẹp để dành khi về đến quê. Tôi chỉ hơn họ cái xe đạp cũ kỹ, cọc cạch lấm cát bụi đường trường như chủ nhân của nó. Bên ngoài trời đã tối. Trong nhà, chủ quán đã lên đèn. Ngọn đèn dầu ma dút khói muội khét lẹt, chỉ sáng hơn con đom đóm đực. Có người giở cơm nắm ra ăn. Một người bốc nắm gạo sống trong bị nhai trừ bữa. Trước kia, cái bị đan bằng cói lác có quai đeo bên vai rất tiện dùng đối với dân Thanh, giống tay nải của người Bắc. Tôi qua lại chợ Nghè buôn cói Nga Sơn nhiều lần, nhớ câu phương ngôn “Bị chợ Nghè chè Mỹ Hiệu”. Đúng, chợ Nghè bán nhiều bị. Cửa hàng bên đường cái cũng treo bán lủng lẳng những chiếc bị màu cói khô đã ngả sắc xám vàng nhạt. Đất Hậu Lộc có nghề đan bị, nay đan thêm cả mũ cói rộng vành. Cái túi rết vải của tôi là sản phẩm thời kháng chiến, một thứ bị có quai vải đeo vai, chỉ khác bị ở chỗ có nắp đậy, buộc dây vải giống con rết. Túi rết của tôi bẹp lép, không cơm nắm, chẳng gạo thóc, đáng giá mỗi bộ quần áo , bây giờ ở đây, sao bằng cái bị cói “càn khôn” kia đủ thượng vàng hạ cám!

            Tôi hỏi bà chủ quán: “Hàng nhà ta còn gì bán không bà?”.

            Bà quán nói giọng Bắc nhẹ tênh: “Không ạ! Hồi trong năm không bánh lá cũng bánh tày. Mới Tết ra chưa ai ăn, không dám gói, sợ ế hàng mình phải ăn bị mất vốn!”.

            -Tôi gạn hỏi: “Bà thử xem nhà ta còn thừa góc bánh chưng nào không, để cho tôi trả lại”.

            -Bà vẫn từ tốn: “Chả dám giấu gì cậu, ông bà tôi nghèo, ba ngày Tết chỉ luộc cái bánh ống, mỗi bữa cắt ra một nhát, chiều qua là hết ráo. Hay là cậu có gạo đưa tôi thổi cơm hộ!”.

            Tôi thưa: “Cháu thú thật nhà cháu cũng đói, bố mẹ già sinh ra mình cháu, phải tìm đường về quê cũ…”.

            Bà quán tỏ vẻ thông cảm: “Chúng tôi dân chạy loạn phải tản cư vào Thanh, mới hồi cư, nên biết mấy năm nay Thanh Hoá mùa màng thất bát, nhiều người ăn củ chuối, củ nâu…Cậu thực tình tôi cũng thực tình, trong nồi chỉ còn thừa sét bát cơm nguội, nếu cậu không chê…để tôi rang lại…Chết nỗi…phải cái là “Chàng rể chớ nấu thịt trâu, nàng dâu chớ rang cơm nguội”! Có sét bát không khéo chỉ còn đủ vài miếng và!”

            Tôi nói: “Vâng đúng thế, bà cho cháu ăn cơm nguội cũng tốt!”.

 (Còn tiếp)

                                                                           HTP/2019

           

1 nhận xét:

  1. Tác giả viết hay quá,phục người viết có trí nhớ cực kỳ tốt,bao nhiêu năm vẫn nhớ như in...

    Trả lờiXóa