19 thg 8, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 26)

Cói Nga Sơn
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN PHỔ

Đường đất mấp mô, khúc khuỷu, tôi thập thững bước thấp bước cao theo sau bậc đàn anh. Xuống đò Bút, ông chống đò hãy còn thức. Chúng tôi đi tiếp. Chân tôi mỏi nhừ, hai bàn chân bỏng rát. Sáng sớm hôm sau đến chợ Nghè Hậu Lộc, chúng tôi dừng lại nghỉ một lát. 

Tôi phải mua đôi dép quai ngang. Trước, dép này bằng da bò, chỉ có một quai trước vừa hai ngón chân trước, quai sau vòng qua bàn chân chỗ cổ chân. Dép chuyên dùng cho dân lao động gánh gồng rong ruổi đường dài. Nay dép quai ngang bằng má lốp ô tô hỏng, quai từ xăm (săm) cao su cắt ra. Thời gian đầu đi chưa quen, quai dép cọ xát vào chân có bị trớt đôi ba chỗ, rồi quen dần. Được cái nhẹ, êm, bảo vệ bàn chân tốt mà giá rẻ hợp túi tiền hạng người nghèo như tôi. Dép cao su chính phẩm sẵn có nhưng giá cao, loại đế cong hình thuyền “mốt” nhất, đắt bằng cả gánh cói Nga Sơn gánh nặng è cổ! Mấy ông khác chẳng cần giày dép gì cả. Anh Toàn Rậy một bên gót chân chín dạn rỗ rần, phải đi cà nhót thế mà bước nhanh thoăn thoắt. Ông Đồng Bạng “đòn gánh tre chín dạn hai vai” chín cả hai bàn chân thành đôi dép …da chân. Ông Mười Ươm cũng dân lao động, chỉ gặp đá sỏi, gạch sành mới kêu đau. Anh Nậu không thấy kêu đau, kêu chói gì, chỉ lẳng lặng rảo bước, bàn chân không bén đất. Tôi phải rèn luyện đến bao giờ mới được như họ? Tôi hơn đứt họ về chữ nghĩa, nhưng chữ nghĩa thì ích lợi gì trong thời buổi vật chất đẻ ra tất cả?!
          Chẳng bao lâu chúng tôi đến đất cói Nga Sơn. Đó là thế giới cói, cũng là thiên đường cói.
Cói Nga Sơn
Ảnh: ST

Biển cói xanh ngút ngàn, mênh mông trên trời dưới cói! Cuộc đời no ấm, hạnh phúc là đây, ở đây. Dưới đồng những bè mảng cói xanh thong dong trôi lững thững trên đường nước rạch mới khơi dòng về bãi. Trên bãi cỏ bao la, cói chẻ rải ra trắng xoá một màu, nhấp nhô bóng người ngồi chẻ cói và đứng lom khom phơi trở cói. Thợ chẻ cói dàn rất nhanh trên bàn tay những gốc cói chen sít vào nhau phẳng lì và đặt lưỡi dao, lập tức cói bị chẻ đôi, loáng cái như tia chớp đã bị tung ra nhất loạt…Bây giờ hồi tưởng lại, tôi cảm thấy đứng trước người thợ chẻ cói thủ công, tay bút mình trở nên bất lực và ngôn từ không đủ để miêu tả những gì không phải kỹ thuật, mà nghệ thuật tài hoa của lớp người đã đi xa chẳng bao giờ trở lại…
          Trong lúc đang đói bụng, hấp dẫn nhất đối với chúng tôi là mấy gánh bún chả. Bún trắng ngần, chả nướng thơm lừng và rượu nếp, những chai rượu nếp trong vắt sủi tăm, những bát cơm rượu vàng sẫm thơm mùi vị nếp cái hoa vàng. Không ai bảo ai, chúng tôi rảo bước đi nhanh, trốn tránh sự cám dỗ của “thiên đường chết đói” khi trong túi chỉ có vài ba đồng bạc để nuôi sống cả nhà! Nhưng mùi thơm gợi vị ngon của bún chả, rượu nếp trong làn gió thoảng còn đuổi theo chúng tôi suốt chặng đường dài…
          Thực ra, ở đất cói, người được trả công cao nhất chỉ có thợ chẻ cói theo mùa, đến thợ dệt chiếu xe đay đủ công việc quanh năm. Khổ nhất thợ cắt cói, chở cói và trồng cói. Cho nên hạng thợ này đặt ca vè than vãn:
Trời sinh cây cói làm chi
Để cho kẻ khó phải đi lam làm
Người Thanh cho chí người Nam
Trần lưng khố rách lam làm kiếm cơm!
(Ghi ở xã Nga Thái)
Cói Nga Sơn
Ảnh: ST

          Cói Nga Sơn gốc từ Nam Định du nhập khoảng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên đất Tam Tổng do biển khơi bồi lấp. Đất tốt, cói tốt, chiếu đẹp, Đông Bắc Nga Sơn trở thành vùng đất giàu có, cơ hội để kẻ có của làm giàu. Những tay thợ chẻ cói, dệt cói, xe đay, đảo cói đều từ Nam Định, Kim Sơn, Tiền Hải, vào truyền nghề. Trong khi cói Quảng Xương vẫn theo kỹ thuật cổ truyền bị lạc vào một thế giới khác.
          Đến xã Nga Thái đã nhiều cói, nhưng theo bậc đàn anh đi trước, chúng tôi phải đến tận Hói Đào mới mua được cói rẻ. Hói Đào vốn là tên đặt một kênh mương dẫn thuỷ và tiêu thuỷ, thau chua rửa mặn cho đồng cói bên ngoài, ruộng lúa phía trong. Ở bên này Hói Đào là huyện Nga Sơn, bên kia Hói Đào thuộc đất tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp tỉnh Nam Định. Qua cầu Hói Đào đến chợ Hói Đào rồi nhà thờ đá Phát Diệm, giáo xứ lâu đời miền Bắc của đạo Gia Tô. Nhà cửa dân Tam Tổng không cầu kỳ, cốt bền chắc. Nhà nào cũng cói xếp đầy tận nóc vì đang mùa thu hoạch. Dân theo đạo dễ bán dễ mua. Sau khi thăm cói một lượt, “chủ tướng” Toàn Rậy quyết định chọn mua nhà cói đẹp, giá hời, theo ý ông. Chúng tôi phải trèo lên tận nóc nhà tha hồ chọn bó cói ưng ý ném xuống đất. Cói ở đây bó nhỏ, mỗi bó là một gù, buộc hai đai to, trong ruột có một búi nhỏ cói rối thành cái bụng chửa phình để đánh đai buộc hai đầu được chặt, vì giống cói trơn dễ bị tuột đai khi vận chuyển. Ai không biết cho rằng người chủ cói độn giả để gù nhỏ thành gù to…
          Mua cói xong, người đóng gánh, người nấu cơm. Nhà sẵn bổi cói không phải lo chất đốt. Kinh tế họ cao, đất biển, cửa sông, bãi ngang bãi dọc nhiều tôm cá, nên không có cà muối nén, mắm mặn trữ lâu. Chúng tôi dọn cơm, nhà chủ bưng ra một nồi cá láo nháo lẫn lộn trích, đuôi gà, lành canh, lẹp, tôm sắt…ăn đủ bữa thì thôi.
          Anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng gánh nhiều nhất, mỗi người 14 gù. Hai anh em ông Mười Ươm 8 gù, tôi thử vai chỉ có 4 gù. Cơm nước xong, trời trưa tròn bóng, chúng tôi lên đường.
          Dọc đường từng chặng phải nghỉ, vì ông Mười Ươm kêu mệt. Tôi cũng thấy đau vai, mặc dù chỉ có 4 gù, đối với hai “lực sĩ” Đồng Bạng, Toàn Rậy đủ quắc mang tai! Chúng tôi về đến chợ Nghè (Hậu Lộc) mặt trời gần tắt. Hỏi mượn hàng quán nghỉ trọ và ăn cơm. Chợ Nghè cũng là chợ có tên tuổi:
Đồn rằng Kim Tử lắm chè
Tống Sơn lắm mía, chợ Nghè lắm khoai
(Ca dao)
Lắm khoai lang nên cơm gạo tương đối rẻ. Anh em chúng tôi cơm khoai chén được tất, chỉ cốt no lòng chắc dạ. Nhưng quán nào cũng xua tay lắc đầu. Trái lại, đối với cánh xe thồ, hàng nọ quán kia chào lấy mời để. Thì ra họ biết đám gánh bộ, túi lép, gạo không, ăn cơm hàng toàn ăn cơm bữa, mỗi người hai ống bơ gạo xơi không đủ, dễ bị lỗ vốn! Chúng tôi đành kéo nhau vào làng, trước xin nghỉ trọ, sau hỏi mua gạo, mượn nồi tự nấu ăn, còn tương cà dưa mắm đành qua bữa.
          Về đến nhà, chúng tôi ai cũng phải nghỉ chân một hôm rồi mới tiếp tục.

                                                                       HTP/2019
(còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét