Cảnh đấu tố tại một phiên toà của Toà án đặc biệt trong CCRĐ Ảnh: ST |
Tôi ở Nhân Lý, ngày một buổi lên xã đi dạy lớp 3 trường dân lập, tối dạy bình dân, rồi quanh quẩn ở Nhà thờ họ. Từ khi Đội cải cách về xã, việc học hành đình hoãn. Họ Hoàng bị quy 3 địa chủ, trong đó đại địa chủ Tống chưa kịp xử tử hình đã trốn thoát, tôi bị giam lỏng trong cái bếp cũ nát. Từ khi được Đội sử dụng làm thư ký giúp việc, nhân dân bớt điều dị nghị nọ kia về tôi.
Tôi không được xem các biên bản hỏi cung can phạm Chu Văn Nhu, chỉ thấy Đội, cụ thể là anh Đội phó Đoàn Hưng Nông giao cho chép lại Án văn Chu Văn Nhu, với lời dặn sửa chữa lại câu chữ rõ ràng, chính xác, đúng văn phạm. Nội dung Án văn luận tội và kết tội Nhu địa chủ cường hào gian ác phản quốc hại dân, Toà án đặc biệt xét xử mức án Tử hình!
Tôi
hơi giật mình. Ông Nhu mà tôi biết, như tên gọi, là người tính tình nhu mì,
hình dáng cao lớn, không nghe ai chê bai điều gì. Cái tội của ông lấy nhiều vợ,
do vợ nào cũng chẳng chửa đẻ gì. Cảnh nhà ông buồn vì thiếu tiếng trẻ con. Chu
Văn Nhu cũng giống bác Biển họ Hoàng tôi, phải lấy tới ba, bốn vợ…ai ngờ
mắc tội bóc lột! Nhưng bác Biển nhờ thành tích thôn đội trưởng du kích, được miễn
truy tố, còn Chu Văn Nhu theo địch làm công an Bắc Việt là tội lớn.
Dân
Nhân Lý không ai rõ công an Bắc Việt là một cơ quan tổ chức thế nào, bản thân
Nhu đã hoạt động gây tội lỗi phản quốc cụ thể ra sao. Theo lời anh Đội phó báo
cáo với anh Đội trưởng, Chính Nhu cũng không khai nhận tội trạng gì trên giấy
trắng mực đen làm căn cứ pháp lý. Vậy tại sao Nhu bị kết án tới mức “Tử Hình”?
Chép lại Án văn đến chữ “Tử Hình” tay tôi cầm bút run quá! Tôi nghĩ đến bố tôi
và bao người khác đã hoặc sẽ phải như Chu Văn Nhu!
Đã
được chứng kiến cảnh thi hành án Cai tổng Quýnh, đội Hảo, Quận trưởng Yên Mỹ…bây
giờ tôi, một kẻ vốn nhát gan từ nhỏ, lại trải qua những cuộc đấu tranh giảm tô,
giảm tức, đấu tranh chính trị, đấu tranh cải cách, có thể nói không còn chút
dũng khí, đến nỗi tay cầm bút run run, không viết nổi hai chữ “Tử Hình”!
Tôi
rút tờ giấy nháp và như người tập viết, viết đi viết lại hai chữ “tử hình”…Viết
đi viết lại mãi cho quen tay, và rồi cuối cùng cũng xong việc cầm bút giống cầm
súng chĩa thẳng vào ngực mình!
Tôi
thở dài hạ bút…
Ngoài
sân nhà bác Tống - đối tượng án tử hình đã trốn biệt tích - du kích thôn Nhân
Lý khiêng về cỗ quan tài mới đóng, nhưng gỗ rất xấu, bào đẽo qua loa, ngoài vỏ
xù xì. Chắc hẳn nó dành cho Chu Văn Nhu. Thế là toà án đặc biệt đã tử tế lắm, nhân
đạo lắm!
Chỉ
nội ngày mai, kẻ địa chủ bóc lột phản cách mạng sẽ được, phải được người ta “đào
thật sâu, chôn thật chặt” để tiệt nòi hết giống. Từ nay các đời con, đời cháu,
đời chắt, đời chít, đời gì gì…nhà chúng nó…không bao giờ ngóc đầu dậy được nữa.
Nhưng không may mà lại may, Nhu lấy tới bốn vợ mà chẳng sinh con đẻ cái được mống
nào! Theo triết lý nhà Phật, chết là thoát kiếp, thoát khổ. Nhưng người ta ai
chẳng tham sinh uý tử? Mâu thuẫn này đâu dễ giải quyết. Hơn nữa, chết chắc đâu
được giải thoát, nếu theo lý luân hồi, luật nhân quả của nhà Phật, người ta cứ
luẩn quẩn sống-chết-chết-sống…trong vòng lục đạo, không bao giờ dứt như bánh xe
quay, để gánh lấy quả báo do nghiệp chướng mình gây nên khi sống!
Sáng
sớm hôm sau, nông dân trong vùng cơm đùm cơm nắm nô nức kéo nhau đi xem xử án
Chu Văn Nhu như một ngày hội. Tôi dẫu không muốn đi cũng phải đi. Đó là vinh dự
cho một kẻ như tôi được tham gia vào hàng ngũ bần cố trung nông vùng lên đánh đổ
giai cấp địa chủ phản động đầu sỏ trong vùng.
Đấu
trường là một bái cỏ rộng dùng chăn thả trâu bò, bây giờ chật ních người dưới trời
mới sáng sớm đầu hè đã nắng gay gắt. Tiếng cười nói ồn ào càng làm cho bầu
không khí thêm oi ả, mùi mồ hôi nồng nặc. Toà án đặc biệt thiết lập cạnh bái cỏ
phía xa xa, có cán bộ Đoàn uỷ, cán bộ Đội, Thẩm phán Toà án…
Du
kích giải phạm nhân ra.
Chu
Văn Nhu bị trói cánh khỉ vào một cái cọc chôn trước Toà án đặc biệt. Vây quanh
Nhu là mười tay du kích đeo súng trường, những khẩu súng trường trước đây nhằm
vào giặc Tây, bây giờ chờ chực chĩa vào dân ta - kẻ thù giai cấp - mà Nhu là đại
diện. Không rõ Nhu có biết, có nghĩ gì không?
Các
cốt cán, chuỗi rễ lần lượt nhảy lên, chỉ vào mặt Nhu tố cáo, đại khái toàn những
tội bóc lột, ức hiếp, cường hào…Khí thế căm thù giai cấp được phát động mỗi lúc
một bốc lên ngùn ngụt hoà lẫn hơi nóng mặt trời càng thêm hầm hập như muốn
thiêu cháy Nhu thành tro than!
Nhưng
Nhu một mực chối phăng tất cả tội ác. Riêng tội lấy tới bốn vợ để bóc lột nhân
công, Nhu trình bày lý do hiếm muộn con cái và hai vợ đã bỏ đi lấy chồng khác từ
lâu. Chỉ còn hai vợ chung thuỷ với chồng, gia đình có ba người tự chung tay
gánh vác mọi việc. Chính Nhu ngày ngày vác cày ra đồng…
Đã
gần 12 giờ trưa, cái nắng như đổ lửa. Không ít người bị say nắng ngã lăn quay.
Các quan toà đội nón mang ô cũng thấy lao đao. Chánh án phiên toà là một cán bộ
cấp trên do Đoàn uỷ Cải cách phái về đành phải lệnh cho phiên toà tạm dừng đến
1 giờ 30 xử tiếp.
Tạng
người tôi vốn yếu từ nhỏ, may ngồi nấp sau hàng ghế quan Toà, đầu lại đội nên
cũng chịu được nắng, chờ anh Đoàn Hưng Nông cùng vào nhà dân ăn cơm trưa
Đội
du kích chia phiên, cắt lượt giở cơm nắm ra ăn, tay không rời khẩu súng trường.
Họ ngồi chui dưới gầm ghế bắc bậc rất cao của các quan Toà để tránh nắng.
Trước
hàng ghế quan Toà chơ vơ và trên bãi cỏ bị xéo nát chỉ còn can phạm tử hình Chu
Văn Nhu. Tay Nhu bị trói gắn chặt vào cái cọc chôn sâu, đầu trần chân đất, áo
nâu cũ…Toàn thân Nhu một màu với cái cọc đen thui như cột nhà cháy. Tôi cảm thấy
người Nhu đang bốc khói, những tia khói thi nhau nhảy múa…Sợ quá, tôi vội bước
theo anh Nông, đầu không dám ngoảnh lại!
Trong
khi các anh Đội trưởng, Đội phó đi hội ý, tôi nằm ghé lưng xuống giường nghỉ
trưa, suy nghĩ miên man về kiếp người… rồi ngủ thiếp đi.
Lúc
tôi giật mình tỉnh dậy, đầu nhức như búa bổ!
Đã
đến giờ xử án buổi chiều.
(còn tiếp) HTP/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét