29 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 23)



Cây khế tái sinh từ gốc rễ
của cây khế mẹ trồng trước 1945
Ảnh: HTC
Mở đầu hồi ký này, tôi đã viết:
Năm 1953 đói vừa
Năm 1954 đói lắm…”
Từ năm 1955 thế nào?Năm 1955 bắt đầu có người chết đói!
Năm 1956 số người chết đói tăng thêm, tăng thêm mãi…
Kẻ xấu số không thuộc dân nghèo mà ngược đời, lại là địa chủ, phú nông…Chính họ bị cái đói đuổi ra khỏi làng để tha phương cầu thực, nói toạc móng giò, để đi ăn xin, ăn mày, đúng như lời dân gian xưa đã có câu:
Ăn mày là ai/Ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!

Đến năm 1957 đời sống nhân dân dần dần trở lại ổn định…
Năm 1954 gia đình tôi đói lắm. Nhà thêm miệng ăn. Bố tôi sau Hiệp định Đình chiến Giơ ne vơ được tha tù trước thời hạn. Từ năm 1953, anh Nậu đã lấy vợ ra ở riêng, nhà là cái bếp cũ nhà địa chủ. Anh phải đổi họ Hoàng sang họ Lê, nhưng chỉ là mượn tạm danh họ Lê, còn anh vốn họ gì anh cũng không biết. Làng tôi có mấy dòng họ Lê: Lê Văn, Lê Trí, Lê Hữu, Lê Đức, Lê Quang, Lê Thế,…Anh Nậu không thuộc Lê nào. Nhưng anh được hưởng quyền lợi thành phần bị bóc lột. Dĩ nhiên, địa phương hoan nghênh anh, vì anh là người bị bóc lột, chứng minh kẻ bóc lột không ai khác ngoài bố mẹ tôi đã nuôi anh làm con nuôi từ nhỏ.
          Bố tôi không biết làm gì ngoài hai nghề phù thuỷ, lang y và giao du. Cơn bão tố đấu tranh chính trị đã cuốn đổ cả nghè miếu, chùa chiền, đến thánh, tiên, phật cũng tượng gẫy, bia tan, hồn xiêu phách lạc! Hỏi ai còn dám cúng lễ, dám mê tín dị đoan? Còn nghề thầy thuốc? Hình như tạo hoá có lòng nhân, đã bắt đói thì không bắt ốm. Cả làng, cả xã không thấy ai kêu đau ốm! Cho dù có ai lỡ đau bụng nhức đầu cũng chẳng ai dám gặp mặt hỏi thuốc bố tôi. Gia đình tôi như nhà mắc bệnh truyền nhiễm phung hủi, ho lao…cả hai thứ đều thuộc “tứ chứng nan y” (phong, lao, cổ, lại) thời trước. Đáng tiếc, gia đình tôi có môn thuốc phong đơn thấp khớp thần hiệu. Thời gian bố tôi bị tù giam học thêm được nghề bắt mạch và châm cứu tinh diệu của Lương y Lê Trần Đức. Ra tù, cụ Đức được Hội Đông y Việt Nam mời về công tác ở Trung ương Hội. Cụ viết bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Đông Y, dịch sách thuốc, biên soạn các tác phẩm: “Cuộc đời và sự nghiệp đại y sư Tuệ Tĩnh”, “Y phương ca quát”…
          Mẹ tôi luấn quấn với vài ba sao ruộng còi, những thửa tốt nhường cả cho anh Nậu. Không làm thì đói, làm thì chói xương hom! Mẹ tôi phải về bên ngoại mượn bò cày bừa, còn đám nào thì cuốc rồi dẫm theo lối canh tác nguyên thuỷ. Bố tôi cũng phải tham gia cuốc góc, dẫm cỏ. Còn tôi? Tôi giúp mẹ xé bẹ kè để mẹ tôi chắp thừng buổi tối. Được dăm đôi thừng kè, loại thừng này bền tốt lắm, tha hồ ngâm bùn nước khi cày bừa, mẹ tôi đem chợ bán. Nhưng chẳng khác nào câu thơ Nguyễn Khuyến: Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua/Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất đằng mùa.
Mùa màng bạch lạng, thóc cao gạo kém, không ai mua thừng làm gì, người ta có cần thắt cổ đâu!? Biết làm gì để sống đây? Tôi mang chiếc đòn gánh tre, đôi giắng nứa, thử xuống chợ Hội xem có ai cần gánh thuê.
Chợ Hội đông người, cách nhà tôi 6km, không mấy ai quen biết tôi con cái gia đình thành phần phú nông địa chủ phản động, chắc họ sẽ không thù ghét. Nhưng từ sáng tới trưa, chẳng ai thuê mướn gì! Có lẽ người ta thấy cái thân hình thấp nhỏ, còm nhom như tôi thì gánh vác nỗi gì! Vả chăng, bản thân họ cũng đang phải cõng cái nghèo trên lưng, chưa biết san sẻ cho ai. Giá như tôi có thể gánh đỡ bớt cái nghèo cho họ thì họ cũng thuê tôi thật! “Chợ Hội lắm lươn, chợ Trường lắm cáy”. Nay thì đổi chác, chợ Hội nhiều hàng cáy, cũng lắm cói lác. Thứ vật liệu để dệt chiếu này, nhiều người mua nhưng không ai mua nhiều, bởi họ vốn ít.
Chợ búa nào cũng vậy, hàng quà bánh tấp nập nhất. “No đắt bói, đói đắt quà”. Các thầy bói đã phải học tập, cải tạo rồi. Chỉ còn hàng quà, không bị dẹp bỏ nên tự do phát triển: Bánh đúc, bánh tày, bánh dẻo (bánh cuốn) bánh lá, bánh xèo, bánh sắn, bánh hú, bánh nếp, bánh khoai, bánh tráng,…Những ai tiêu thụ cho hết? Đó là dân có tiền bán hàng: bán cáy, bán cá, bán lác, bán chiếu, bán đay, bán muối, bán cà, bán đỗ, bán vừng,…toàn dân lao động đầu tắt mặt tối cả, chẳng qua bớt chút, đỡ cơn đói lòng! Hạng người kiếm ăn không lương thiện cũng chẳng hiếm…
Vụ đói năm Ất Dậu (1945) tôi theo mẹ đi chợ Nguyễn thấy thiên hạ bán hê hề đủ thứ, bày la liệt dưới đất, từ bát đĩa, ấm chén, đến bàn thờ, bát hương, ngai ỷ,…Người bán chào khách mỏi miệng, người xem thì nhiều, phần đông chỉ lắc đầu. Bố tôi kể chuyện chợ Nguyễn còn bán cả sắc phong, cờ, biển vua ban. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời! Cho nên, trên tờ trích lục thời Tây có ghi câu chữ Nho: “Nhất điền thiên vạn chủ” do chính tay ông viết (không phải tất cả), vì thời ấy ông làm Thư ký đạc điền, Sở địa chính Thanh Hoá, nên được gọi là Ký Thuỳ, tức Thuỷ, tên huý bố tôi. Cái biển vua ban đem bán ở chợ Nguyễn là của nhà họ Trương xã Thiên Linh (Nay thuộc xã Quảng Yên, cạnh xã tôi). Hai chú cháu Trương Hữu Hiệu, Trương Hữu Thiệu cùng đỗ Tiến sĩ thời Lê Trung hưng, cùng nối tiếp nhau giữ chức Đốc đồng Sơn Nam. Hai cái biển này ghi đôi liễn đối: “Tam giáp đồng tiến sĩ-Nhất môn lưỡng tướng công”, không phải vua ban, mà do người ta đề tặng. Nhà họ Trương giữ mãi đến năm Ất Dậu phải mang ra chợ bán vì gia đình đói quá không còn gì quí giá hơn để bán! Buồn thay! Chẳng có một ai mua cả. Và có lẽ nếu cho không cũng chẳng ai chịu khó lấy hộ về chơi cái đồ “tiến sĩ”, “đốc đồng” ấy ở thời Tây Tàu nhộn nhạo này!
Phiên chợ ấy, mẹ tôi đưa tôi lại chào dì Len.
Dì Len người Ghép (Ngọc Giáp, nay thuộc xã Quảng Chính, Quảng Xương) trước lấy bố tôi làm vợ lẽ, sau ba năm không con cái, theo luật lệ thời ấy được trở về với cha mẹ để lấy chồng khác. Nay dì đã có hai con. Ông chồng cùng làng, làm nghề muối. Sở muối Ngọc Giáp sản xuất nhiều muối nhất Thanh Hoá. Đồn Tây đoan đóng ở đây nghiêm cấm tư nhân sản xuất muối riêng, tất cả muối làm ra đều phải bán cho Nhà nước, rồi Nhà nước bán lại số muối hạn chế vừa đủ gia đình dùng. Muối dì Len bán là muối buôn, phải mua của Pháp.
Dì Len đang đứng bán muối, tay cầm bắp ngô luộc sắp ăn. Thấy tôi, dì cười, lấy trong bọc áo dài ra đưa cho tôi một bắp chưa bóc vỏ. Tôi cầm lấy ăn ngay, vì tính tôi thích ăn ngô luộc. Nhà đang còn muối, mẹ tôi cũng mua thêm mấy bát để dì vui lòng. Mẹ tôi chào dì, bảo tôi cũng chào dì, xin phép đi chơi. Tôi vừa đi vừa ăn ngô. Bỗng ai đó cướp giật ngay lấy cái bắp ngô chạy biến vào đám đông. Tôi sợ quá, đứng sững người, toàn  thân run lên lập cập. Mẹ tôi biết tôi yếu bóng vía, choàng tay ôm lấy tôi cùng cả cái thúng con đi chợ mua hàng. Thấy tôi mặt mũi tái mét, mẹ tôi bảo: “Không kinh! Hắn là đứa ăn cắp, ăn cướp thì hắn phải kinh mình. Để mẹ mua cái ngô khác cho con. Là con trai phải mạnh bạo lên, không thì người ta cười chết!”
Hôm nay, chợ Hội cũng bán ngô bắp luộc, món quà thôn quê tôi, thường chỉ mùa xuân mới có. Đây là mùa trồng khoai chính vụ. Bà con nông dân tỉa thêm hạt ngô vào hông luống khoai (với đỗ cũng vậy). Phần lớn giống ngô tẻ, hạt vàng đẹp bóng như hạt ngọc, cho năng suất cao, nhưng luộc ăn rất cứng. Giống ngô nếp năng suất thấp, bà con bẻ bắp lúc bánh tẻ, luộc lên đem chợ bán cho người ta làm quà, ăn mềm dẻo thơm ngon. Loại ngô già phải nướng trên lớp than hồng, tay cầm quạt, tay cầm xiên ngô vừa quạt vừa xoay đều bắp ngô. Mùi ngô chín thơm lừng hấp dẫn mạnh nhất đối với phụ nữ, trẻ em. Nông dân bán ngô luộc, ngô nướng được tiền lấy cái tiêu pha thay cho bán thóc, để dành đủ ăn đến lúc giáp hạt, thừa thì “tích cốc phòng cơ” hoặc cho vay lấy lãi. Tâm lý nông dân ai cũng thích làm giàu “ruộng mẫu ao liền”, “tiền rương thóc cót”. Riêng dân Nam Bộ đất đai phì nhiêu, đa số nguồn gốc lưu tán, lưu vong, cốt đời sống no đủ, đủ no rồi ăn nhậu, vui chơi, tính tình phóng khoáng, nhạc ca, đàn hát, là những nguyên nhân các điệu dân ca phong phú hơn miền Bắc, thể loại “đờn ca tài tử” độc đáo phát triển, dân gian mà bác học, bác học của dân gian…
Khác hồi nhỏ, hôm nay tôi đã lớn, biết vác đòn gánh đi gánh thuê, tập làm người lớn, không còn ai, có ai để cho tôi một bắp ngô luộc, dù cái bụng đang réo sôi sùng sục cả gan ruột, dạ dày, lá lách…họp nhau biểu tình đòi ăn! Có tiếng hô: “Đánh! Đánh!” Mấy người đàn ông, đàn bà xúm nhau đánh một thằng bé trạc chín mười tuổi như tôi hồi đói năm Ất dậu đi chợ Nguyễn. Thì ra nó ăn cắp một cái ngô luộc của bà hàng ngô! Thằng bé bị đánh túi bụi, hai tay vẫn cố giữ chặt cái vạt áo rách, trong đó là của nuôi sống con người, mỗi hạt ngô quý hơn hạt vàng, hạt ngọc! Càng bị đánh nó càng cắn răng mím lợi không chút kêu la. Thằng bé giỏi chịu đòn thật! Ai đó tống một nắm đấm vào giữa mồm nó. Nó phù một tiếng, máu mũi máu mồm tuôn ra lẫn cả những hạt ngô và lõi ngô! Tôi kinh sợ quá liền ngoảnh mặt đi! Không phải nó gan dạ giỏi chịu đòn mà đang ăn giở miếng ngô trong mồm, phải cố giữ lấy! “Trời đánh cũng tránh bữa ăn”! Tôi rất muốn can ngăn một tiếng, nhưng trông bộ dạng thân hình tôi, không khéo người ta lại cho là cùng hạng xó chợ đầu đường như nó, chỉ cần một quả đấm kèm theo cú đá đủ làm tôi ngã gục không gượng dậy được nữa!
Thấy thằng bé loạng choạng rồi gục xuống, người ta mới dừng tay, hạ chân. Có tiếng ai đó nói to trong đám đông: “Thằng quỷ đói này là con địa chủ cường hào phản động, đánh chết cũng chẳng ai thương!” Tôi rùng mình lạnh buốt xương sống đến gáy cổ, vội vác đòn gánh ra về, bỏ cả đôi quang giắng nứa đã bị trời nắng làm cho khô héo quắt xoắn lại giống hình con số 8, cũng là hình cái cùm sắt trên tay bố tôi hồi đấu tranh chính trị…

                                                    HTP/2019

(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Một thời khốn nạn, khởi đầu cho những khốn nạn tiếp theo.

    Trả lờiXóa