6 thg 8, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn) [Kỳ I]

Cụ Hoàng Tuấn Phổ ở quê (2016)
Ảnh: HTC
       HOÀNG TUẤN PHỔ


Lời giới thiệu của TCTP:

          Xuân Ất Mùi (2015), Cụ thân sinh HTC mừng thọ Tám mươi. Bài thơ “Tự trào tuổi Tám mươi” với lời đề “tặng bạn Nguyễn Khôi-Nhà văn Hà Nội” (trước đó đã có thơ mừng)(1):




“Trăm tuổi tiêu hoang tám chục rồi,
Cười mình sách vở mải rong chơi.
Sờ râu lão Tí tay còn nhớp,
Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi.(2)
Bóng xế vườn văn, tay vẫn cuốc,
Chợ trưa mẹt sách mặt còn phơi.
Nếu còn trăm tuổi ta chơi tiếp,
Canh bạc văn chương góp với đời.”
                                       HTP/Xuân Ất Mùi 2015


Thời gian trôi nhanh quá. Còn nhớ mới Xuân năm nào (2005), cụ Phổ “Tự trào tuổi 70”:
“Góp mặt cùng làng cái Bảy mươi,
Người ta lên thật lão lên chơi.
Đất khuyên chân bước không nên gậy,
Trời hỏi tay cầm có phải roi?
Tuổi Hợi sướng đời rau với cám,
 Năm Gà khoái mỏ Chuột cùng dơi.
Không bằng, không cấp, không không cả,(3)
Nhá chữ nhai văn vỗ bụng cười”.
(Xuân năm Dậu 2005)

          Cụ Phổ đã "tiêu hoang tám chục" tuổi đời vào những gì? Các cụ xưa đã phạm vào tội gì, để rồi cái lí lịch "địa chủ phản động" cứ đè nặng lên đầu đời con, đời cháu, đời chắt...? Quả thực, ngay cả tôi cũng chỉ thỉnh thoảng nghe loáng thoáng lời ông cụ qua những mẩu chuyện ngắt quãng, không đầu, không cuối mà thôi. Vốn yêu thích những câu chuyện "ngoài chính sử", nên nhiều lần tôi gợi ý ông cụ viết hồi ký, nhưng cũng từng ấy lần ông cụ gạt đi, nói: "Giờ còn nhiều việc phải làm, phải viết... Vả lại, đời mình toàn chuyện buồn, ngang trái, oan ức... Không khéo lại mang tiếng thù hằn, nhắc lại chuyện cũ".

Ở tuổi 80, cụ Phổ cũng có căn nhà mơ ước
Ảnh: HTC

          Vài năm gần đây, nhân viết về chuyện này chuyện kia do các báo, tạp chí đặt bài, ông cụ thân sinh tôi cũng đã kể lại vài chuyện "sóng gió" trong đời (đã đăng trên Tuấn Công thư phòng).

          Nay, ông cụ đã ngoài tám mươi. Sức khoẻ mỗi ngày mỗi yếu. Sợ rằng, câu chuyện "Trăm tuổi tiêu hoang tám chục rồi" của cụ sẽ mãi mãi là bí mật, ngay với cả chúng tôi. Lại nữa, nhân chứng câu chuyện cũng mỗi năm mỗi vắng.

          Giữa năm 2016, trong một bình luận trên FB, GS Nguyễn Huệ Chi có nhắc đến chuyện ngày xưa (những năm "sáu mươi") biên tập bài (trên Tạp chí Văn Học), cho Hoàng Tuấn Phổ (khi ấy đang làm ruộng ở quê nhà); GS lại gọi một vài bài viết đơn lẻ của ông Phổ kể chuyện đời mình trên Tuấn Công thư phòng là "hồi ký Hoàng Tuấn Phổ". Nhân đây, tôi gợi lại,...Lần này, ông cụ thân sinh đã "xuôi tai", nói: "Có dịp nhớ, ghi lại những chuyện từ thuở ấu thơ cũng thú vị..."

          "CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)" không viết theo trình tự thời gian, mà theo kiểu hồi tưởng, nhớ tới chuyện gì, ghi lại chuyện đó, chuyện nọ liên quan đến chuyện kia. Nhưng chuyện gì rồi cuối cùng cũng quay lại chủ đề-"Chạy trời không khỏi nắng"- một thành ngữ dân gian-như vận vào cuộc đời đội đất, cầm cày, cầm bút, cầm dao cầu...đến cuối đời, vẫn "không khỏi nắng" của Hoàng Tuấn Phổ.

          "Tuấn Công thư phòng" xin trích đăng, chia sẻ cùng bạn đọc và những ai quan tâm, thích mua vui, giải trí qua những trang "Hồi ký viết lúc hoàng hôn" của Hoàng Tuấn Phổ.

          CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn) [Kỳ I]

            Năm 1953, đói vừa,
            Năm 1954, đói lắm!

          Cánh đồng Phần Tiền bên cạnh làng tôi có lịch sử 600 năm, do cụ tổ thứ 2 của làng khai phá, khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được vua cha và Trần Thái tông phân phong Thanh Hoá làm thái ấp, và vùng này-hương Ngọc Sơn-là điền trang. Chưa bao giờ như vài năm nay, đồng Phần Tiền đất bùn khô nẻ toác, sâu hoắm, đút lọt bàn chân. Thử đào một hòn lên, to bằng cối đá giã gạo, thấy chú cá rô đã khô cứng trong bùn đất từ bao giờ. Người ta thả vào chậu nước để xem còn ăn thịt được không. Thật kỳ lạ! Chú cá rô khe khẽ động đậy thân mình, mấy bọt tăm từ miệng phun lên, rồi đôi vây phe phẩy, cái đuôi ve vẩy như vẫy chào sự sống!

          Trong khi ấy, trên bờ ruộng Phần Tiền, những cái lá rau má tròn tựa đồng tiền đã hết trụi sạch trơn từ đời nào! Nghe các cụ nói Phần Tiền là mả chôn tiền từ thời "loạn Văn Thân" (1885). Vì sợ Tây đốt phá, cướp của, giết người nên nhà giàu đem tiền ra đây cất giấu. Chẳng ai nghĩ chuyện đào những cồn, những mả ấy lên để tìm tiền, vì Nhà nước đã cho dùng bạc giấy được đến dăm năm rồi!

          Nguyên nhân đồng Phần Tiền bị khô hạn, "cổ lai" chưa từng thấy, vì giặc Pháp ném bom phá đập Bái Thượng (Thọ Xuân)-một con đập quy mô đầu tiên ở Trung Kỳ do chính người Pháp xây dựng từ 1920 để khai thác đồn điền-khiến cả hệ thống nông giang tưới nước bị tê liệt! Lại thêm nỗi ông trời bỗng dở hơi trái chứng, cứ một niềm nắng mãi, nắng hoài, cóc kêu, lợn hộc khan cổ họng cũng chẳng thấy một giọt mưa! Hoá ra ông Trời cũng làm phản động mất rồi! Trị bọn phản động đã có cuộc đấu tranh chính trị long trời lở đất, "bắt nhầm hơn bỏ sót"! Còn để trị ông Trời, người ta chưa nghĩ ra cách đấu tranh thế nào.

          Gia đình tôi chỉ còn ba người: Bố, mẹ và tôi (anh Nậu đã ở riêng). Tôi thôi học từ cuối năm 1951. Bố tôi mới ra tù sau Hiệp định đình chiến "Giơ neo". Mẹ tôi chỉ quen với sào ruộng thước nương, bây giờ chẳng biết làm gì, rau không còn để hái, củ chuối không có để đào! Chính phủ phát gạo cứu tế cho nhân dân Thanh Hoá, cả làng đều được chia phần, riêng gia đình tôi là phú nông phản động thì gạch tên! Chúng tôi nhìn những hạt gạo trắng ngần trong thúng mủng của dân làng, kẻ khiêng người gánh, mà ứa trào nước mắt! Mẹ tôi, không biết mua ở đâu được hai bò cám thô, chia đôi nấu hai bữa. Không phải cám thô thật mà trộn đến một phần ba trấu cành (tức trấu giã nát)! Thứ cám "xưa nay hiếm" này, cho lợn, lợn đủn máng sùng sục; cho chó, chó ngoảnh mõm quay đi; cho gà, gà xoạc cẳng bới tung toé; chỉ có cho người, loại người phản động như gia đình tôi, "ăn cám vào mồm hay sao mà chỉ điểm cho tàu bay giặc Pháp ném bom phá hoại Bara Bàn Thạch để giết dân hại nước!" Người ta chửi rủa chúng tôi kể cũng đáng! Ai bảo bố tôi, chú tôi thời Tây học tiếng Tây, để bây giờ biết tiếng Tây, viết thư cho Tây, đề nghị Tây phá đập nước Bái Thượng?.

          Bố tôi thế mà cũng nuốt trôi những hai nắm cám. Có lẽ nhờ thời gian ở trong tù, ông được rèn luyện, cải tạo! Mẹ tôi cứ từ từ, nhỏ nhẹ, nhai dần dần, rồi giướng cổ lên mà nuốt. Còn tôi, bụng đang đói veo đói vắt, xơi ngay một miếng to, nuốt đánh ực, mắc ngay ở cổ họng. Nuốt không vào, nôn cũng khó ra. Tiếng nôn oẹ khiến bên hàng xóm giật mình, tưởng có ai bị đau ốm, nhưng không ai dám bận tâm. Mình là phú nông phản động, ra đường phải cúi mặt chào quần chúng từ đứa trẻ trở lên. Không ai thèm chào hỏi lại mình, đến cái gật đầu cũng không. Đó là lập trường quan điểm cách mạng. Nếu quần chúng cơ bản trung, bần, cố nông chào hỏi, chuyện trò với thành phần bóc lột lớp trên, là mất quan điểm lập trường, sẽ bị đưa ra kiểm thảo trong cuộc họp. Huống hồ gia đình chúng tôi là "phú nông phản động"! Phú nông chỉ có tội bóc lột, cho vay nặng lãi. Phản động tội to hơn gấp bội, ngang tội địa chủ cường hào, gian ác, có nợ máu với nhân dân. Nếu phú nông cường hào, gian ác, có nợ máu, phải đưa lên thành phần địa chủ để xử tội, nhẹ thì tù, nặng thì bắn! Cái tư tưởng từ Tàu truyền bá sang ta. Việt Nam đã trải qua ngàn năm đấu tranh chống Trung Quốc để thoát vòng nô lệ, đến nay lại mất cảnh giác. Một số cán bộ chức quyền "rước voi giày mồ" từ Giảm tô đến Cái cách, khiến Đảng phải "sửa sai"!

          Gia đình tôi giàu có cỡ nào mà thành phần phú nông? Chưa được 3 mẫu ruộng, một con bò, ngôi nhà trên 3 gian cột gỗ, mái kè, đằng sau phên nứa, đằng trước cửa bướm, "hương án giữ mặt tiền"! Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên 4 đời, gian bên kê giường khách, bàn học của chú tôi, và giường ngủ của ông nội tôi. Lại nối ra hai chái, chái Nam thờ Phật và các Thánh sư của đạo phù thuỷ (đạo Ngoại), chái Bắc là buồng ngủ của bà nội tôi, kê bồ thóc, các loại chum, vại đựng khoai,...Nối vào chái Bắc là 3 gian nhà dưới (nhà ngang) gồm 1 gian chuồng bò, 2 gian của bố mẹ tôi và tôi. Từ lúc lọt lòng đến năm 12 tuổi, tôi đều ngủ chung với mẹ, vì tôi là con hiếm, ngoài tôi, không có anh chị em nào cả.

          Cụ Tổ họ Hoàng tôi, vốn quê tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, cụ mồ côi cha mẹ, không có chỗ nương tựa, phải ở nhờ người cô ruột (họ Hoàng) lấy ông Bùi Quảng, làm quản tượng trong đội Tượng binh nhà Tây Sơn, đóng ở phủ Hiến Nam (nay là Thành phố Hưng Yên). Cụ Tổ ở với cô được hai năm, lệnh triều đình nhà Tây Sơn điều đội Tượng binh vào Thuận Hoá để bảo vệ kinh thành Phú Xuân. Không thể mang theo cụ Tổ tôi, bà cô gửi lại con trai là Bùi Nam làm thủ kho Trấn thành tỉnh Thanh Hoá. Thời gian sau, nhà Tây Sơn bị chúa Nguyễn Ánh đánh bại, vua Quang Toản, Tổng trấn Bắc thành Quang Thuỳ, Tổng trấn Thanh Hoá Quang Bàn đều bị bắt giết. Thủ kho Bùi Nam khiếp sợ trốn chạy về làng Văn Đoài, xã Văn Trinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá).

          Nhờ tiền của đút lót lý hương, gia đình ông Bùi Nam được giúp đỡ cho cư trú, nhưng phải đổi họ. Bấy giờ, họ Lê Văn chiếm số đông nhất làng. Cụ tổ họ Lê này là ông tổ thứ nhất Lê Văn Bìu, người đầu tiên khai phá đồng Bèo, được Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cho phép lập làng Đoài (về sau mới thêm chữ Văn, thành Văn Đoài). Ông Bùi Nam đồng ý đổi họ Bùi sang họ Lê, chỉ xin thay chữ lót "Văn" thành "Danh", tức họ Lê Danh...ngày nay. Còn cụ Tổ tôi, ông Bùi Nam không thể cưu mang, nên gửi nhờ gia đình ông Trưởng họ Lê Văn...

          Cụ Tổ tôi đức tính hiền lành, siêng năng, chịu khó, khiến ông Trưởng họ Lê Văn nhà giàu có, con ăn đứa ở đầy cửa cũng phải khen ngợi. Hai năm sau, ông Trưởng họ Lê Văn bảo ông Tổ tôi: "Sang năm mi 18 tuổi, đến tuổi vô làng, tau sẽ vô làng cho mi, nhưng mi phải làm con nuôi tau, không còn được nhớ cái tên họ hàng nghèo nghèo khổ của mi, cũng phải quên cả cái làng khốn khổ mi đã sinh  ra...". Cụ Tổ tôi không bằng lòng. Ông Trưởng họ Lê nói: "Thôi được, lúc mô mi nghĩ lại, ưng thuận thì bảo tau để kiếm be rượu, chục trầu ra đình làng là xong. Ở làng ni, ai cũng kính nể tau, Lý trưởng cũng không dám bày vai ví tau..."

          Năm 30 tuổi, cụ Tổ tôi mới lấy vợ. Ông Trưởng họ Lê Văn, thường được dân làng cung kính gọi là "ông Tộc" (Tộc trưởng) hỏi: "Nội làng ni ai dám lấy mi?". Cụ Tổ tôi thưa: "Con Thậy..." (Thậy là thị, tên lót). Ông Tộc nghĩ ngợi giây lát rồi gật đầu. 

              Cụ Tổ bà hơn cụ Tổ ông hai tuổi, "gái hơn hai, trai hơn một", được dân gian xem là tốt. Cụ Tổ bà họ Nguyễn-họ mới đến ngụ cư-gia đình xin cho con gái được làm kẻ ăn người ở (không công sá) kiếm miếng cơm nhà ông Tộc. Trai quá lứa gặp gái lỡ thì, kẻ ở đậu gặp người nằm nhờ, ông trời thật khéo xe duyên!

                                                                       HTP/8/2016

                                                           (còn nữa)

Chú thích:
(1) Nguyên Nhà văn Nguyễn Khôi có bài thơ “MỪNG NHÀ MỚI BÁC HOÀNG TUẤN PHỔ” như sau:
Nhà mới khang trang mái đỏ au
Cột Trụ chống Trời quả nhiệm mầu
Xanh vòm Khế ngọt xum xuê trái
Bõ thời "chìm nổi" để thương nhau.
                     *
Sống đẹp cho nên khỏe lúc già
Trời cho cái "được" có ông bà
Con cháu đề huề vui tuổi thọ
Thư phòng thanh thản thẩm thơ ca.
                     *
Ấy thế, mới hay cuộc xoay vần
Cái tâm, cái chí mãi thanh tân
Nghiên bút mười năm đâu có phí
Nghĩa tình dung dưỡng  một dòng Văn.

                                                          Góc thành Nam Hà Nội 9-2-2015
                                                                                                                                                                                                                           Nguyễn Khôi (1938)
                                                                   (Nhà văn Hà Nội)

          (2)-Ý nói về Vụ án văn chương “Năm Tý nói chuyện chuột”, tác giả Hoàng Tuấn Phổ bị treo bút và buộc thôi việc.

          (3)-Hoàng Tuấn Phổ là người tự học, không có bất kỳ giấy chứng chỉ hay bằng cấp nào. Năm 2005 ông còn tá túc tại Khu tập thể Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa, chưa có nhà riêng. Bảy mươi tuổi ông Phổ mới đi làm chứng minh thư. Bên công an hỏi đến hộ khẩu, hóa ra ông không hề có sổ hộ khẩu, không địa phương, phường xã nào quản lý hay thừa nhận có một người là Hoàng Tuấn Phổ. Thật là “Không bằng, không cấp, không không cả.”



2 nhận xét:

  1. Thầy ơi cuốn hồi ký này có xuất bản chưa ạ ? Nếu có thì mua ở đâu ? Nếu chưa thì Thầy có kế hoạch xuất bản không ah ? Đọc để hiểu biết không những thời cuộc mà còn biết thêm lịch sử, gốc gác , những tập tục nay đã mất . Xin cảm ơn Thầy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tập nhật ký này chưa xuất bản bạn nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm.

      Xóa