13 thg 8, 2016

"Đạo" trong "Tiên phong, đạo cốt" nghĩa là gì?

Lý Bạch
Tranh: ST
Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨" là một thành ngữ gốc Hán.
          -Từ điển tiếng Việt (Vietlex-2015) giảng: "tiên phong đạo cốt 仙風道骨 [cũ] cốt cách, phong thái của tiên; vẻ đẹp và phẩm cách cao thượng của người không vướng những điều trần tục: một ông lão có dáng vẻ tiên phong đạo cốt".

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): "Tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)".


-Từ điển thành ngữ Việt Nam (Nguyễn Như Ý- Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1993), giải thích: "Tiên phong đạo cốt: Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức".

          -Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán (Viện ngôn ngữ học-Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn Hóa-1994), có chú chữ Hán và giảng nghĩa rõ ràng nhất: "Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨: Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức. ["Tiên phong": phong thái của tiên, "đạo cốt": cốt cách của người có đạo đức]".

  Theo chúng tôi (trừ Từ điển của Vietlex giảng chưa cụ thể chữ "đạo" ), thì các tác giả có chút lầm lẫn khi giảng hai chữ "đạo cốt" 道骨" là "cốt cách của người có đạo đức". “Đạo” , vốn có nghĩa gốc là "con đường", nghĩa giả tá dùng trong "đạo đức", "đạo lý", "đạo giáo"... Tuy nhiên, "đạo" , trong thành ngđang xét không phải là “đạo đức”, mà là đạo gia, đạo giáo, đạo sĩ:

-Hán Việt từ điển (Trần Văn Chánh) giảng nghĩa thứ của "đạo" : "Đạo giáo, đạo Lão: 老道 Đạo sĩ của đạo Lão".

         -Hán điển (漢典-zidic.net)  giảng nghĩa thứ 5 và thứ 6 của “đạo” như sau:"5."道家"(中國春秋戰國時期的一个學派,主要代表人物是老聃和庄周);6."道教"(中国主要宗教之一,創立于東漢):道觀;道士;道姑;道行(僧道修行的工夫, 技能和本).
         Phiên âm: "5.Chỉ "đạo gia" (Trung Quốc Xuân Thu chiến quốc thời kỳ đích nhất cá học phái, chủ yếu đại biểu nhân vật thị Lão Đam hoà Trang Chu): 6.Chỉ "đạo giáo" (Trung Quốc chủ yếu tông giáo chi nhất, sáng lập vu Đông Hán): đạo sĩ; đạo cô; đạo hạnh (tăng đạo tu hành đích công phu, dụ kỹ năng hoà bản lĩnh)".
         Nghĩa là: "5.Chỉ "đạo gia" (một học phái thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc, đại biểu cho học phái này là Lão Đam  và Trang Chu (tức Lão Tử và Trang Tử-HTC chú thích); 6.Chỉ "đạo giáo" (một tôn giáo lớn ở Trung Quốc, sáng lập vào thời kỳ Đông Hán), như: Đạo quán; Đạo sĩ; Đạo cô (Nữ đạo sĩ-HTC chú thích); đạo hạnh (tăng đạo tu hành công phu về kỹ năng và bản lĩnh)".

Thành ngữ Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨, vốn xuất xứ từ bài "Đại bằng phú" (大鵬賦) của Lý Bạch (李白), trong đó có câu: "余昔于江陵見天台司馬子微, 謂余有仙風道骨,可與神遊八極之表-Dư tích vu Giang Lăng kiến Thiên Thai Tư Mã Tử Vi, vị dư hữu tiên phong đạo cốt, khả dữ thần du bát cực chi biểu". Nghĩa là: "Xưa ở Giang Lăng, ta có gặp Tư Mã Tử Vi (tức Đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh 司馬承禎, tự Tử Vi 子微 [647-735], ẩn cư ở núi Thiên Thai -HTC chú thích), bảo rằng ta dáng vẻ "Tiên phong đạo cốt", mộng tưởng tiêu dao khắp tám phương ngoài cõi tục..." (Hán điển 漢典). 

Trong thành ngữ Tiên phong, đạo cốt-仙風道骨, đạo  được hiểu là người tu tiên-Đạo sĩ. (kết cấu tiểu đối: tiên , là danh từ, đối với đạo  -người tiên-Đạo sĩ, Thuật sĩ, cũng là danh từ chỉ người).

-Đào Duy Anh giải thích: "Tiên phong đạo cốt 仙風道骨 -Phong thái người tiên, cốt cách người đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ“đạo nhân” 道人, mà hai chữ “đạo nhân-道人”, được chính ông giải thích là "người tiên" (Hán-Việt từ điển).

-Hán điển cũng giảng nghĩa rõ ràng như sau: "仙風道骨::氣概.仙人的風度,道長的氣概.形容人的風骨神彩與眾不同.有神仙與修道者的風骨. 人氣質超塵". Phiên âm: "Tiên phong đạo cốt: "cốt": khí khái. Tiên nhân đích phong độ, đạo trưởng đích khí khái. Hình dung nhân đích phong cốt thần thái dữ chúng bất đồng. Hữu thần tiên dữ tu đạo giả đích phong cốt. Tỉ dụ nhân khí chất siêu trần truyệt tục"Nghĩa là: "Tiên phong đạo cốt: "cốt ", ý nói cứng cỏi, cao thượng, không chịu khuất phục. Phong độ của người tiên; sự cao thượng của Đạo sĩ. Hình dung về người có phong cốt, thần thái khác hẳn người thường. Có phong thái của Thần tiên và Đạo sĩ, ví người có khí chất siêu trần, thoát tục".

"Đạo nhân", "Thuật sĩ",  hay "Đạo sĩ", chỉ "người tu chân đắc đạo, siêu thoát trần thế, có pháp thuật, thần thông quảng đại, trường sinh bất tử trong lý tưởng của Đạo giáo. Thuyết này bắt đầu ở "Trang tử-Tiêu dao du", rằng: "Ở trên Cô Dịch (còn gọi Cô Xạ) có thần nhân ở, da thịt trong trắng như băng tuyết, yểu điệu như gái trinh, không ăn ngũ cốc, ăn gió uống sương, đi trên mây, cưỡi rồng bay mà rong chơi ngoài bốn biển." (Từ điển Nho Phật Đạo - Lao Tử-Thịnh Lê-NXB Văn học - 2001).

Như vậy, Tiên phong, đạo cốt - 仙風道骨 có nghĩa: Từ phong thái đến cốt cách đều đẹp đẽ, cao thượng, giống thần tiên, đạo sĩ, hiểu theo nghĩa khái quát mà Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex) giảng là: từ cốt cách đến phong thái đều giống tiên cả(*).

                                                    Hoàng Tuấn Công/8/2016

(*)-Phạm trù đạo đức được hiểu theo nghĩa rất rộng. Tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cũng rất khác nhau, tuỳ từng thời kỳ lịch sử, hay quan niệm xã hội. Kẻ ăn mày khốn khổ cũng có đạo đức của mình. Bởi vậy, giảng "đạo cốt" nghĩa là "cốt cách của người có đạo đức" là cách hiểu rất khó chấp nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét