Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký Hoàng Tuấn Phổ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký Hoàng Tuấn Phổ. Hiển thị tất cả bài đăng

19 thg 8, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 26)

Cói Nga Sơn
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN PHỔ

Đường đất mấp mô, khúc khuỷu, tôi thập thững bước thấp bước cao theo sau bậc đàn anh. Xuống đò Bút, ông chống đò hãy còn thức. Chúng tôi đi tiếp. Chân tôi mỏi nhừ, hai bàn chân bỏng rát. Sáng sớm hôm sau đến chợ Nghè Hậu Lộc, chúng tôi dừng lại nghỉ một lát. 

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 25)


Cói Nga Sơn
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN PHỔ

Anh Rậy bắt tôi phải xin phép xóm trưởng và thôn trưởng. Các ông ấy đồng ý mới cho theo nhóm đi Nga Sơn mua cói lác, mục đích làm chiếu.
          Ông xóm trưởng, thường gọi ông Tiệu Dễ, tên tục là Dễ, sinh con gái đầu đặt tên là Tiệu. Phong tục quê tôi, chưa có tên gọi là “đỏ”, có con gọi tên con, nếu không gọi thì “sái”. Nhưng dùng tên con mới mẻ, nhiều người khó hiểu, phải kèm tên chính, vì thế thành tên kép “Tiệu Dễ”. Ông Tiệu Dễ biết nghề đóng xay. Nghề này cũng là nghề “cơm bưng nước rót”, được bà con nông dân quý trọng. Nếu nhà nào đón được ông đóng xay có tay nghề tốt, thế nào cũng phải đi chợ Nguyễn mua thịt cá, trầu chè, chai rượu, gói thuốc lào Thượng Đình, tiền công tử tế. Xưa đóng cối xay tre, sau cải tiến đóng cối xay đất. Đất dùng cho đóng xay tốt nhất là đất tổ mối cồn Chè, bên cạnh gốc cây trôi cổ thụ đầu làng, phía trước nhà tôi.

21 thg 5, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 24)


 
Dệt chiếu ở Quảng Xương - Thanh Hoá
                                  Ảnh: VOV
HOÀNG TUẤN PHỔ

Quê tôi có nghề dệt chiếu, nhưng lãi lời, công sá rẻ mạt, mỗi đôi chỉ được 5 đồng tiền cũng làm. Gọi là lá rụng góp nhóp, hay nói văn vẻ là “tích tiểu thành đại”.
Từ lúc lên năm, lên sáu, được cắp sách đi học, tôi đã biết nhận thức và ghi nhớ, không phải tất cả mà chỉ những gì ấn tượng sâu sắc nhất. Buổi tối nào các o, các chú tôi cũng phải làm chiếu. Kẻ xe đay, người dệt hoặc xay lúa, giã gạo, làm hàng xáo, kiếm nắm cám nuôi lợn, góp tiền bỏ ống để dành tiêu vào việc nên việc. Trong lúc đó, bà tôi chắp thừng, ông tôi xem sách không biết đến khi nào. Đối với tôi lúc ấy là khuya lắm.

29 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 23)



Cây khế tái sinh từ gốc rễ
của cây khế mẹ trồng trước 1945
Ảnh: HTC
Mở đầu hồi ký này, tôi đã viết:
Năm 1953 đói vừa
Năm 1954 đói lắm…”
Từ năm 1955 thế nào?Năm 1955 bắt đầu có người chết đói!
Năm 1956 số người chết đói tăng thêm, tăng thêm mãi…
Kẻ xấu số không thuộc dân nghèo mà ngược đời, lại là địa chủ, phú nông…Chính họ bị cái đói đuổi ra khỏi làng để tha phương cầu thực, nói toạc móng giò, để đi ăn xin, ăn mày, đúng như lời dân gian xưa đã có câu:
Ăn mày là ai/Ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!

20 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 22)

Phong cảnh làng quê xã Quảng Hoà
Ảnh: HTC
        HOÀNG TUẤN PHỔ
                 (Kỳ 22)

Đến giờ phát cơm trưa, mỗi tù nhân một nắm không thể gọi là to và một nhúm muối trắng. Ít người có bát, phần nhiều cầm nắm cơm trên tay, bẻ ra ăn dần và chấm với muối trắng đựng trên mảnh lá đa khô do trại phát. Bụng tôi mặc dù đói cồn đói cào, cố gắng lắm cũng chỉ ăn hết nửa nắm cơm, còn nửa nắm cho anh Vinh. Anh ăn cơm tù đã quen nên xơi ngon cả nắm cơm. Anh Vinh chưa kịp ăn thêm đã thấy ông Ha mò lại tụt ngay quần ngồi xuống miệng nồi, hỏi nhỏ tôi:

27 thg 8, 2019

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 21)

Cây trôi ở đầu làng Văn Đoài
Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN PHỔ


Sáng sớm hôm sau, đúng 6 giờ, 3 hồi còi rúc vang rền, tôi giật mình thức giấc, ngồi nhổm dậy. Đầu tóc quần áo tôi ướt đầm đìa, mùi khai thối nồng nặc đến phát lộn mửa! Nhìn vào nồi vệ sinh thấy nước tiểu đầy phè, phân nổi lềnh phềnh bắt đầu tràn ra ngoài!
Một hồi còi dài rúc lên…Ban trực điểm danh từng tên một. May quá không thiếu ai. Nếu thiếu người, thứ nhất trưởng buồng, thứ hai tên đứng gác, thứ ba kẻ nằm bên cạnh đều phải chịu trách nhiệm.

23 thg 7, 2019

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 20)

Ảnh minh hoạ sưu tầm

HOÀNG TUẤN PHỔ

Lệnh đến giờ ngủ đã ban truyền. Tất cả tù nhân rào rào nằm xuống, ai chỗ nào vào chỗ ấy. Lối kiến trúc thời xưa lòng nhà bề rộng hẹp, thường mỗi gian đình chỉ rộng độ 2m5 (trung bình), riêng gian giữa rộng nhất 3m trở lên. Gian số 1 và số 5 hẹp nhất. Hai hàng người nằm câu đầu vào nhau, nhưng không được nằm ngửa, phải nằm nghiêng, ôm lấy nhau đằng lưng, kiểu úp thìa, đôi chân co quắp cho đủ chỗ. Vẫn còn thừa người, ở giữa phải xếp thêm một hàng nằm ngang kiểu gắp cá. Còn tôi nằm đâu? Tôi phải nằm ôm lấy nồi vệ sinh của cả buồng mà ngủ.

31 thg 5, 2019

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 19)


HOÀNG TUẤN PHỔ
           (Kỳ 19)

Khoảng hai tuần sau “cuộc truy tìm kho súng đạn”, anh công an Lưỡng đến nhà bảo tôi: 
-“Tỉnh có lệnh gọi mi lên có việc gấp, mi phải sửa soạn sáng mai tau dẫn đi sớm!”. 
-Tôi hỏi: “Không có giấy gọi hay sao?” 
-Anh Lưỡng trả lời: “Tau chỉ biết làm theo lệnh của ông Lời, chớ có hỏi đến giấy má mà thêm lôi thôi cò kéo, để ông nớ phạt lây đến tau!” 
Tôi nghĩ: lần trước gọi mình lên huyện cũng không thấy giấy má gì. Chắc lại chuyện súng đạn? Đến bố tôi còn không biết súng đạn cất giấu ở đâu nữa là tôi! Tôi đành cứ phải “Dĩ bất biến ứng vạn biến!”

22 thg 4, 2017

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KÌ 18)


        HOÀNG TUẤN PHỔ

Đang trong thời kì bị giam lỏng, nên tôi tiếp tục khám phá mảnh vườn nhà. Vườn nhà tôi có hai cây quí: Cây mít nhão mọc cạnh bờ rào ngõ cách cây núc nác cao chừng mươi lăm bước, và cây mít mật đứng bên bờ ao ngay đêm lao xao gió lá. Kỉ niệm thú vị nhất đối với tôi là mùa đánh bẫy chim vành khuyên. Nó là giống chim di trú, mùa đông bay về từng đàn dạo cánh khắp vườn tược, tìm hoa hút mật, tìm quả chín ăn chơi. Khi bay lướt qua ngọn cây hoặc nhảy nhót chuyền cành, vành khuyên đều kêu “tí ti...tí tiii” rời rạc từng tiếng hoặc liên tục. Lúc rời ngọn cây đồng loạt bay vù lên, chúng đồng thanh kêu “tí ti”, tạo thành bản hoà tấu trẻ thơ của loài chim bé bỏng nghe rất vui. Với những thanh âm “tí ti” bé nhỏ, rất khó phân biệt chim khuyên kêu hay hót. Chúng không dạn người, cũng chẳng sợ người. Dường như với người, chúng ít bận tâm. Tuy nhiên, chúng luôn tỉnh táo, cảnh giác tất cả, từ tiếng động lạ, đến bóng dáng đáng ngờ.

25 thg 3, 2017

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kì 17)

         
        HOÀNG TUẤN PHỔ

     Từ năm đi học xa, Tết Trung thu năm nào tôi cũng cố về nhà, nhưng không khí Tết kém vui dần, vì ông nội tôi đã mất năm 1946, chú thím tôi ra ở riêng nhà bên cùng với bà nội tôi. Nhà tôi chỉ còn lại bốn người, vẫn trải chiếu giữa sân với mâm “cỗ Tết” đơn sơ rau muống luộc, cá đồng om mẻ. Đặc biệt không bao giờ thiếu món củ chuối bung lươn. Đêm ấy, nằm bên mẹ, tôi lại được nghe tiếng ru ngâm giọng ấm áp, ngọt ngào như tuổi còn ấu thơ:

18 thg 3, 2017

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kì 16)

          HOÀNG TUẤN PHỔ
Cụ Hoàng Tuấn Phổ (mùa đông 2017)
Ảnh: HTC

         Sau khi bất ngờ được tạm tha, tôi trở về nhà, sống theo kiểu tù giam lỏng. Nghĩa là tuyệt đối không được bước chân ra khỏi ngõ.

          Nhà tôi không có bò, chỉ giữ lại dăm sào để khỏi phải ăn đong, do mẹ tôi và anh Nậu lo cày cuốc cấy hái, suốt ngày vật lộn với công việc đồng áng. Tôi ở nhà quét dọn nhà cửa, nấu nướng cơm nước. Mẹ tôi không có tiền đi chợ, bữa ăn triền miên rau lang luộc chấm nước mắm cáy thối, do bị gió thổi lật bay mất chiếc nón lá rách đội trên vại, nước mưa chảy vào. Ngoài ra còn có món cà thâm, cà trắng, muối từ mùa cà tháng ba năm ngoái. Vại cà muối hơi đầy. Cái nén cà bằng đá Nhồi hơi nhẹ, nước chỉ lên được nửa vại. Khi lấy cà để ăn, anh Nậu moi chọn quả trắng đẹp ăn trước, sau còn lại đều cà thâm. Cà thâm hết, đến cà lũn cũng ăn. Cà lũn phải bỏ nồi kho lại. Anh Nậu khéo vét trong hông lọ mỡ rán hồi Tết Nguyên đán, sót lại, bỏ vào món cà lũn sau khi nấu chín, làm mất mùi  hôi, hơi có mùi thơm, dễ ăn hơn.

27 thg 11, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 15)

             HOÀNG TUẤN PHỔ


Tôi nghĩ không ra ai. Muốn nói bừa một cái tên nào đó cho xong, nhưng đầu óc tôi sao tối tăm mù mịt, không còn biết ai là đồng bọn với Tuệ Quang, Tuệ Chiếu để cung xưng với toà. Tôi mà cũng bị bắt đi tù nữa thì mẹ tôi chết mất!

          Đầu óc tôi bỗng vụt sáng lên một người cũng ở chùa, đầu tóc trọc lóc, mặt mũi xấu xí, có lần đến nhà tôi nói chuyện với bố tôi về sư Tuệ Quang, Tuệ Chiếu. Tuệ Quang tôi mới nghe lần đầu. Còn Tuệ Chiếu tôi đọc báo Đuốc Tuệ cũ (xuất bản vào khoảng 1942, 1943) sở dĩ tôi nhớ được, vì ông sang Lào, nhà vua cho ngồi ngai vàng để thuyết pháp...

20 thg 11, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 14)

            
Cây kè ở Thanh Hoá
Ảnh: HTC
                HOÀNG TUẤN PHỔ

Không biết ông Khai giở trò ma quỷ gì, làm chị Phương rên rỉ, kêu đau suốt đêm. Sáng thức giấc, tôi thấy chị Phương dậy sớm nhất. Hình như cả đêm chị không nhắm được mắt. Chị nói với ông Khai, giọng thiểu não: “Em bị đau bụng suốt đêm, bây chừ hãy còn đau, xin anh cho phép em về nhà...”

            Ông Khai không giấu được bực bội: “Rõ cái đồ liền bà con gái, trong lúc người ta đang cần lại giở trò đau bộng đau bão!”

5 thg 11, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 13)

Cây trôi đình Đoài
Ảnh: TC
            HOÀNG TUẤN PHỔ


Đêm nằm trằn trọc thao thức không ngủ được, tôi nhớ lại hôm bố tôi bị bắt, dắt đi bằng sợi dây thừng, tôi lo sợ sẽ đến lượt mình. Bây giờ, nỗi sợ ấy đã xảy ra: Tôi cũng đã thành một con vật, nay buộc, mai trói, dắt đi hết nơi này đến nơi khác! Có thể đêm mai ai đó nhảy đến đấm đá cái thằng nhỏ nhất, làm chức to nhất là tôi. Chắc chắn tôi chết mất! Làm thế nào? Thôi đành chịu chứ biết làm sao? Lúc sau, tôi cố hết sức bình tĩnh tự nhủ: Lo sợ cũng không được!

30 thg 10, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kì 12)

            
Những cây dừa từng chứng kiến
cuộc đấu tranh chính trị nghiêng trời lệch đất
Ảnh: HTC
              HOÀNG TUẤN PHỔ

Trời chưa sáng, mẹ tôi đã gõ cửa nhà anh Lưỡng. Nhà anh gần nhà tôi, cách một quãng đường vòng đi qua ao đình làng với ao nhà ông Mục Chức và ngõ ông Từ Chức là đến. Mẹ tôi phải đi lúc này vì nhà ông Lời chỉ cách nhà anh Lưỡng một cái ngõ. Sợ ông ấy nhận thấy lại nghi ngờ.

            Nhưng sau mấy đêm hò hét, đấu tranh, chắc ông Lời không thể thức dậy sớm. Anh Lưỡng làm công an thôn, vốn người tốt bụng, gia đình nghèo khó, bố anh là ông Kỹ làm nghề bán nước chè xanh ở chợ Nguyễn, lúc này cũng đã thức dậy sửa soạn hàng. Ông Kỹ hiền lành như đất, không để ý đến khách của con. Anh Lưỡng vui vẻ nhận lời. Nhưng vì không có quyền hành gì, nên chỉ hứa sẽ nói khéo với ông Trần Ngọc Khai, xã đội trưởng kiêm Trưởng công an xã, thương tình che chở.

23 thg 10, 2016

"CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG" (Kỳ 11)

         
Tác giả đang viết Hồi kí "Chạy trời không khỏi nắng"

Ảnh: HTC
              HOÀNG TUẤN PHỔ

               (Hồi kí viết lúc hoàng hôn)

 Bố tôi bị giải - dắt di rồi, nhà như có tang. Tượng thờ, bát hương lăn lóc, bếp núc tung toé. Ngoài sân sách vở đang âm ỉ cháy, nghi ngút khói bay lên trời, một bầu trời đầy mây âm u, xám xịt. Không ai nói với ai câu gì. Mẹ tôi lên giường nằm khèo. Chẳng biết bà đang nghĩ ngợi gì.

Anh Nậu thu dọn bếp núc, nhà cửa. Anh cũng là người siêng năng, chịu khó, nhưng thiếu tính cẩn thận, chu đáo, lại hay nghịch ngầm. Hồi anh mới về làm con nuôi, một hôm, cắt xong cái lưỡi câu để câu cá rô, anh bảo tôi: “Mi sờ coi cái lưỡi câu tau vừa cắt xong, mũi có nhọn, ngạnh có sắc không.” Tôi cầm lấy lưỡi câu đã buộc vào dây và cần xem thế nào. Lập tức anh giật mạnh cái cần, khiến tay tôi bị chảy máu, đau điếng. Anh lấy lá kinh giới nhai qua, đắp vào vết thương. Tôi bị xót giẫy nẩy lên, anh liền nhe răng ra cười khoái chí!

9 thg 10, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 10)

       

                HOÀNG TUẤN PHỔ
          (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Có lẽ Hiển và Vũ hết sức bất ngờ khi thấy tôi về quê đột ngột, không một lời chia tay. Đúng! Chính tôi cũng bị bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ trước sóng gió cuộc đời nổi lên dữ dội trong bão táp đấu tranh(*).


          Tôi và anh Nậu về đến nhà, mẹ tôi đang nấu cơn trưa. Cảnh nhà vắng vẻ. Bố tôi như thường lệ đi chợ Muôn bán thuốc Đông y từ sáng sớm. Mẹ tôi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Chả biết có chuyện chi, chó cắn suốt đêm văng vẳng, như có người rình mò đằng sau nhà, còn qua lại dò la trước ngõ. Chú Thuyết đã bị bắt rồi, nghe nói đưa lên huyện...”

2 thg 10, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 9)

Tam quan đền Nưa
Ảnh: Tân Ninh Blog
         HOÀNG TUẤN PHỔ

Câu chuyện tiên thánh giữa hai bố con diễn ra đã lâu, nay nhớ lại, tôi lại muốn biết ông tiên Nưa thế nào.

          Tôi và anh Hiển bắt đầu cuộc hành trình từ sáng. Ban ngày tàu bay tàu bò cũng hay hoạt động, nhưng không sợ. Hễ chúng nó đến, chúng tôi nằm rạp xuống sườn núi giả làm hòn đá hoặc nấp sau tảng đá. Lớp học, chợ búa sợ máy bay oanh tạc chỗ đông người, còn dân đánh củi, đánh nứa vẫn rải rác leo núi trèo đèo, đi lại làm ăn như thường.

25 thg 9, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 8)

Đường vào khu vực núi Nưa-Cổ Định
Ảnh: ST
             HOÀNG TUẤN PHỔ

Trong số bạn học ở Lượng Định, người tôi thân nhất là anh Đỗ Đăng Hiển. Gọi là anh, vì anh hơn tôi vài tuổi. Hiển là con trai thứ hai ông Bản Hớn, nhà giàu nhất làng, nhưng chỉ có mươi mẫu ruộng, vì dân Lượng Định sống chính bằng nghề đan. Khi nhà anh lên thành phần phú nông, phải đưa bớt ruộng, còn lại 5 sào, gia đình cũng không ảnh hưởng mấy, bởi biết nghề thủ công. Anh trai Hiển là Đỗ Đăng Vinh, học hết đệ tam rồi thôi, ở nhà với vợ con. Hai cha con cùng làm nghề đan. Nhà không đánh được nứa, phải mua lại của người làng, chịu ăn ít, lấy công làm lãi. Làm được hàng, mẹ chồng, con dâu gánh lên bán chợ Sim, chợ Mốc (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Cho nên kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn, Hiển vẫn được tiếp tục học lên.

18 thg 9, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 7)

Đường lên đình núi Nưa
Ảnh: Phương Mai Blog
               HOÀNG TUẤN PHỔ

Tôi học xong lớp bảy (Hệ thống giáo dục phổ thông mới) trường cấp II Quảng Ninh, vào đúng thời gian gia đình tôi lên thành phần phú nông, trong nhà "quăng dùi đục không mắc"! Tôi không biết làm gì, nên xin xin thày mẹ tiếp tục học lên lớp tám (Hệ phổ thông chín năm). Cái khó duy nhất là không có tiền gạo. Thày mẹ tôi băn khoăn khó nghĩ. Nhà chú tôi không bị thành phần phú nông, không phải "đóng thuế khả năng", bồ thóc chưa cạn, chum khoai còn đầy. Bố tôi gọi chú tôi ngỏ ý vay mượn một ít. Chú tôi nói: Thế nào cũng phải cho cháu học tiếp, nhưng chuyện gạo thóc để chú lựa lời với thím tôi. Mẹ tôi bảo: "Chú để tôi bàn với thím tiện hơn. Đến tháng tư sang năm có lúa chiêm, tôi trả lại." Tính thím tôi tốt. Tối hôm ấy, mẹ tôi vay được mười đấu thóc (mỗi đấu xay được 6kg gạo). Còn nơi ăn chốn ở, cũng phải tìm nơi quen thuộc, để có thể nhờ vả được người ta.