Tam quan đền Nưa Ảnh: Tân Ninh Blog |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Câu chuyện tiên thánh giữa hai bố con diễn ra đã lâu, nay nhớ lại,
tôi lại muốn biết ông tiên Nưa thế nào.
Tôi và anh Hiển bắt
đầu cuộc hành trình từ sáng. Ban ngày tàu bay tàu bò cũng hay hoạt động, nhưng
không sợ. Hễ chúng nó đến, chúng tôi nằm rạp xuống sườn núi giả làm hòn đá hoặc
nấp sau tảng đá. Lớp học, chợ búa sợ máy bay oanh tạc chỗ đông người, còn dân
đánh củi, đánh nứa vẫn rải rác leo núi trèo đèo, đi lại làm ăn như thường.
Chừng nửa buổi,
chúng tôi đã lên đến đỉnh Am Tiên, nhìn bao quát núi ngàn trượng thật hùng vĩ.
Riêng chốn Am Tiên thì hoang sơ tiêu sái. Cái Am Tiên nơi tu tiên đắc đạo của
ông tiên Nưa chỉ còn mấy tảng đá chỏng chơ. Bàn cờ tiên vẫn còn đó, nhưng quân
cờ bị gió mưa quét sạch, để lại những dấu vết không thể xoá mờ trên phiến đá.
Giếng tiên trong vắt, nhìn thấu đáy rõ những đồng tiền to nhỏ đè lên nhau. Tiền
này tín chủ ném xuống xin nước. Ai không có tiền cũng được, chỉ cần thắp ba nén
hương vào bát hương đá, miệng lầm rầm khấn khứa, tay chắp lại vái vái lậy lậy,
nói rõ bệnh tật đau ốm thế nào xin tiên ông ngài phù hộ độ trì, rồi ra vườn hái
thuốc. Bước chân tín chủ đến đâu hái đến đó, không cần hái nhiều, mỗi cây chỉ cần
đôi ba lá, khi cảm thấy đã đủ thì đến giếng tiên, thả chai, lọ buộc dây vào cổ
xin nước về hoà với lá thuốc giã nát cho con bệnh uống. Bà Thoả nhà tôi trọ ở
làng Cầu đôi khi tôi thấy cũng làm vậy.
Hôm chúng tôi lên
Am Tiên cũng gặp vài người đến đây cầu Tiên xin thuốc. Thì ra Am Tiên là như vậy.
Cái giếng Tiên kia, chúng tôi khát nước cũng xin uống được, ngọt và mát, đâu phải
huyệt đạo đế vương hay khoa danh, chức tước gì như chuyện tuyên truyền đồn nhảm,
nhử mồi câu khách thời nay!
Chúng tôi được thấy
tận mắt vườn cây thuốc tiên, chỉ tiếc quang cảnh có phần xơ xác, tiêu điều vì
những kẻ phàm tục quen thói tham lam, vơ lá bẻ cành, lầm tưởng có thể mang về
nhà dùng dần!
Làng Cổ Định có
dòng sông Lãng Giang chảy qua giữa làng tạo nên phong cảnh trù phú. Đây là đất
học hành, khoa bảng, truyền thống văn
chương mở đầu từ thời Trần, dĩ nhiên không phải do long mạch huyệt đạo
Am Tiên dẫn xuống...
Buổi tối hôm ấy,
chúng tôi đi học bình thường. Hôm sau, ngày chủ nhật, tôi về nhà lấy gạo. Gặt
mùa mới xong. Mấy sào ruộng cạn thiếu nước vì trời mưa ít nên thóc kém. Tuy vậy,
tôi cũng được dăm sáu cân gạo bỏ vào bao vải để hôm sau mang đi. Tôi đến nhà trọ
vừa kịp cơm trưa. Anh Đỗ đi núi như thường lệ. Tôi chỉ xách theo được một trái
dừa vườn nhà đã vạc bỏ vỏ, để làm quà cho hai đứa trẻ nhỏ.
Buổi chiều, tôi
đang nằm xem sách, nghe tiếng con gái ngoài ngõ: “Mự ơi, anh Phổ trọ ở đây phải
không?”
Bà hàng xóm trả lời:
“Anh Phổ về huyện Quảng mới lên, chắc có ở nhà.”
Tôi vùng dậy, đứng
trong bờ phên nứa, hé mắt qua lỗ hổng nhìn ra. Sân nhà chị Đỗ gần tiếp giáp rìa
đường làng, con đường đất cát nhỏ hẹp, hai bên trồng hai hàng cây dứa dại, lá
vươn dài đầy gai góc toả ra xùm xoà. “À, Vũ!” Tôi thầm reo.
Vũ đang đứng đầu
ngõ, chỉ bước vài bước là vào đến sân, cái sân đất cát pha, không thể nói nó rộng,
mà chỉ bằng một phần tư sân nhà Vũ. Vũ mặc áo nhuộm màu nâu tây, may vừa khít
thân mình nhỏ nhắn xinh xắn, nổi bật trên chiếc quần vải đen nhánh, trông thật
nền nã mà giản dị. Vũ đội nón nhìn nghiêng, không rõ mặt, tay bưng cái rổ, chắc
mới đi chợ về hay giờ mới đi? Đáng lẽ tôi phải mừng rỡ chạy ra nhưng lại cứ nấp
sau bức rèm thưa, trống ngực hồi hộp kêu thình thịch!
Vũ đứng yên lặng ở
đầu ngõ, tay bứt bứt cái lá dứa dài nhọn vươn ra như trêu chọc em. Thấy tôi
không ra đón, cũng chẳng lên tiếng, Vũ đứng tần ngần một lát, nghiêng nón nhìn
vào nhà, rồi quay lại bước thẳng! Tôi ra sân nhìn theo bóng Vũ đang mờ dần rồi
nhoè đi hướng phía đầu làng...
Khi bình tĩnh, tôi
cũng trở lại, trở lại với chính mình. Vũ là em gái bạn cùng như em gái mình, có
gì mà e thẹn? Đó là do cái bản tính nhút nhát của tôi. Tôi đã từng đi với một
người con gái hỏi thăm đường về bến đò Sòng mà suốt dọc đường gần 10 cây số từ Cầu
Quan về đến làng Bến, tôi không dám hé môi nói một lời nho nhỏ!
Chưa đầy một tuần,
anh Nậu lên nhà bà Thoả nhờ chỉ đường sang nhà chị Đỗ. Anh bảo tôi phải sắp xếp
về nhà ngay, tiền gạo thiếu nhiều ít xin khất anh chị Đỗ sẽ trả sau. Tôi giật mình
kinh ngạc, mới tuần trước, tôi về nhà
chưa thấy có chuyện gì mà? Tôi lo lắng hỏi anh Nậu. Anh đáp gọn lỏn: “Không biết!”.
Chị Đỗ đang tráng bánh dưới bếp, mời hai anh em ở lại ăn cơm rồi hẵng về. Tôi
nói: “Phải về ngay chị ạ!”. Chị Đỗ ngừng tay đổ gáo bột đang múc trong chậu: “Anh
về, nhà có chuyện chi...tin báo cho bay tôi biết ví!”. Dường như linh tính báo
trước, tôi run run, cố nói thành lời: “Vâng. Tôi gửi lời chào tất cả!” Vừa dứt
lời, tôi biết ngay mình lỡ lời nói gở. Cứ như lời chia tay vĩnh biệt!
Chị Đỗ ngửng lên
tròn xoe mắt nhìn tôi, đôi mắt đầy ngạc nhiên trên gương mặt trăng trắng dài
dài, xương xương. Chị chưa đến tuổi bốn mươi, anh Đỗ gần năm chục. Đường con
cái muộn màng, nên anh chị đã xuống nhà tôi một vài lần để “thuốc tra ma cầu”.
Anh chị sống với nhau rất hoà thuận, thuỷ chung. Thế mà người ta nói con gái Lượng
Định làm dáng, mà làm dáng không khỏi có tính lẳng lơ:
Trèo lên chót vót sây soài
Những người làm dáng là người
lẳng lơ
(Ca dao dân gian)
Bây giờ đôi mắt của chị Đỗ ngước lên tròn xoe đầy
vẻ ngạc nhiên, tôi thấy phụ nữ Lượng Định giàu tình cảm mà đoan chính như ai.
Chúng tôi ra về. Đồ đoàn không có gì nhiều: Dăm quyển sách và một bộ quần áo.
Tôi là con một của gia đình “phú nông”, nhưng đời học sinh của tôi, học xa như
học gần, chưa bao giờ có nổi ba bộ quần áo, chỉ một bộ mặc trên người, một bộ để
thay.
Chúng tôi ra về đến
giữa sân, chị Đỗ còn dặn với theo: “Ở nhà xong việc, anh Phổ nhớ lên sớm nhá!”.
Tôi ân hận đã vội nói lời: “Chào tất cả!”, “Chào tất cả!”, cố nhiên là chào mọi
người, những người tôi biết hoặc họ biết
tôi. Thực ra, dụng ý tôi là Hiển và Vũ. Thấy tôi chậm lên hay không lên nữa chắc
chắn hai anh em sẽ hỏi anh chị Đỗ về tôi.
Từ ngày ấy ba chúng tôi bặt tin tức nhau. Nghe
nói tất cả những nhà tôi quen biết như bà Thoả, ông Lý Vách, ông Bản Hớn,...trong
cách mạng cải cách ruộng đất đều bị qui thành phần địa chủ. Bà Thoả tự thắt cổ
vì bị tra khảo của cải, nhưng không thể khai nhận vàng bạc của nhà mình cất giấu
ở đâu, cuối cùng đành phải dùng cái chết oan ức để được thoát kiếp trần ai khổ ải!
Tôi chợt nhớ câu kệ nhà Phật:
Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba...
(Sông tình sâu nghìn trượng
Biển khổ sóng muôn trùng)
Gia đình bà Thoả,
tôi biết rõ không giàu lắm như người ta tưởng. Ông chồng bà, thường gọi là ông
Kiểm Thị, hiền lành như đất, mấy năm được làng bầu làm cái chức Hương kiểm,
nhưng “nội hương ấp, ngoại đồng điền” ông biết gì mà kiểm!
Do cảnh hiếm hoi,
ông phải lấy thêm vợ hai, vợ ba. Bà cả không sinh đẻ gì. Bà hai hai đứa. Bà ba
ba đứa. Nếp và tẻ đều có cả. Thế là toại nguyện. Gia đình do bà cả làm chủ. Bà
hai, bà ba chỉ biết đi làm lụng ngoài đồng. Thói thường, nam hay nữ, cái tính
ghen tuông ít nhiều đều có cả. Bà Thoả phải khôn khéo, kiên quyết lắm mới giữ
được gia đình mình trong ấm ngoài êm.
Ông Thoả tối lại
bao giờ cũng vào giường bà Cả nằm trước. Bà phải bảo chồng đi lại với bà nào
đó, ông mới đi. Bà cố gắng phân chia thật công bằng. Nhưng bà Hai tính đành
hanh, cứ muốn giành cho mình, nếu không tất cả cũng phải là phần hơn. Thấy chồng
vào với bà Ba, bà chẳng biết làm thế nào, điên tiết múc ngay gáo nước đổ lên đầu
bà Ba, bà này phải trở dậy lau đầu hoặc gội tóc, khiến ông mất cả hứng.
Một lần bà Hai đổ lầm
nước lã sang đầu ông, vì ông thường nằm ngoài, bữa ấy thay đổi “chiến thuật”, lại
nằm trong. Ông chưa kịp làm gì, bỗng đâu bị dội gáo nước lạnh vào đầu. Ông lập
tức lồm cồm bò dậy mách bà Cả. Bà Cả thắp đèn lên, đem con dao cấu, cái thớt gỗ
ra, gọi ngay dì Hai, dì Ba lại. Bà lăm lăm con dao trong tay, cố nén tiếng gầm
trong cổ họng, chỉ nghiến răng nghiến lợi hỏi: “Còn phải mần răng nữa mới thật
là công bằng...?”. Bà túm quần ông kéo lại gần cái thớt: “Ông lại đây, đi lại gần
đây, để tôi chặt làm đôi, chia cho mỗi người một nửa!”. Bà sấn sấn sổ sổ, hung
ha hung hăng, ai cũng tưởng bà làm thật! Ông Thoả cố túm giữ chặt lấy quần. Dì Hai,
dì Ba vội vội vàng vàng ôm lấy cánh tay phải bà Cả đang lăm lăm con dao cấu thường
ngày chém nứa chặt củi. Hai dì phải xin mãi bà mới tha cho.
Câu chuyện có vẻ “tiếu lâm” này chính bà Thoả kể với mẹ tôi, vì mẹ tôi cũng trong cảnh vợ
cả, vợ lẽ, dì hai, dì ba, nhưng sau ba năm không con cái, họ đều lần lượt xin về
đi lấy chồng khác. Một người ngay thẳng, cứng rắn như bà Thoả, dám tự treo cổ
lên xà nhà bởi nhục nhã, đoạ đầy, không có gì đáng ngạc nhiên.
(còn nữa)
HTP/9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét