25 thg 9, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 8)

Đường vào khu vực núi Nưa-Cổ Định
Ảnh: ST
             HOÀNG TUẤN PHỔ

Trong số bạn học ở Lượng Định, người tôi thân nhất là anh Đỗ Đăng Hiển. Gọi là anh, vì anh hơn tôi vài tuổi. Hiển là con trai thứ hai ông Bản Hớn, nhà giàu nhất làng, nhưng chỉ có mươi mẫu ruộng, vì dân Lượng Định sống chính bằng nghề đan. Khi nhà anh lên thành phần phú nông, phải đưa bớt ruộng, còn lại 5 sào, gia đình cũng không ảnh hưởng mấy, bởi biết nghề thủ công. Anh trai Hiển là Đỗ Đăng Vinh, học hết đệ tam rồi thôi, ở nhà với vợ con. Hai cha con cùng làm nghề đan. Nhà không đánh được nứa, phải mua lại của người làng, chịu ăn ít, lấy công làm lãi. Làm được hàng, mẹ chồng, con dâu gánh lên bán chợ Sim, chợ Mốc (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Cho nên kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn, Hiển vẫn được tiếp tục học lên.


          Những buổi tối nghỉ học, tôi và Hiển rủ nhau lên cầu Trắng ngồi chơi. Cầu trắng bắc trên sông nông giang nối liền con đường rải đá từ huyện lỵ Cầu Quan, Nông Cống lên huyện lỵ Thọ Xuân, xây bằng xi măng cốt sắt, quét vôi trắng, năm 1946 quét lại, nước vôi hãy còn bền. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe những quyển sách mình đã đọc. Anh Hiển đọc nhiều tiểu thuyết của Lan Khai: Cái hột mận, Bóng cờ trắng trong sương mù...Nhà văn Lan Khai tôi nghe danh từ lâu. Trên báo Ngày nay có mấy câu thơ nửa đố, nửa bình rất hay về ông, tác giả ký tên Lê Ta thì phải?:

Tên đâu trái ngược lạ đời
Là hoa mà lại có mùi không thơm
Tài trông anh Mán phi gươm
Chú Mèo lãng mạn, cô Mường ngâm thơ

          Rất tiếc, tôi chỉ được đọc một số tiểu thuyết đề tài lịch sử của Lan Khai, cũng hấp dẫn, còn những truyện nhân vật chính là anh Mán, chú Mèo, cô Mường  thì chưa từng biết. Chúng tôi kể lại nội dung sách kiếm hiệp hay lịch sử dịch của Tàu, như Hoàng Giang nữ hiệp, Càn Long hạ Giang Nam, Bàng Quyên Tôn Tẫn,v.v...kể mãi cũng chán, nghe nhiều thấy nhàm.

          Dù sao đó cũng là những ngày  tháng thú vị nhất của Hiển và tôi, ngoài việc đến lớp học hành còn chuyện vui bên lan can cầu Trắng.

          Một hôm, Hiển rủ tôi đến nhà anh chơi. Nhà anh ở giữa làng, không to lớn lắm. Nhà trên ba gian bằng gỗ, vợ chồng con cái anh Vinh ở gian chái. Ba gian nhà trên rộng rãi và khoảng sân gạch bày la liệt các loại nứa đã pha nan hoặc đập dập. Hiển dẫn tôi vào nhà dưới, ngồi chơi trên cái phản gỗ, vạc nứa, trải chiếc chiếu đàn. Em gái anh là Vũ đang ngồi sàng gạo. Hiển giới thiệu bạn với cô em (gái có lần nhân chuyện gia đình anh đã kể với tôi). Vũ mỉm cười, khẽ chào tôi. Tôi vốn tính nhút nhát, lí nhí chào lại, không rõ thành lời. Anh hỏi tôi: "Cậu biết sàng gạo không?" Tôi lắc đầu: "Tôi đã tập sàng mà không được, cầm sàng cứ lắc ngang, không thể nào quây tròn được!" Vũ mủm mỉm cười. Anh Hiển nói: “Mình cũng thế. Thì ra sàng gạo khó thật!".

          Anh đem quyển sách mới mượn ra cho tôi xem. Đó là quyển Mấy vần thơ của Thế Lữ, có bài Tiếng sáo Thiên Thai, tôi đã được học. Sách in rất đẹp, không phải bằng giấy báo, mà trên giấy dó. Tôi lật lật tờ giấy, hỏi: "Anh mượn ở mô?" Hiển đáp: "Mượn của thằng Vĩ, con ông huyện Nhiển". Tôi "à" lên một tiếng.

          Thằng Vĩ này tôi biết, nó ra dáng công tử con quan lắm, mặt mũi hắn trắng trẻo khôi ngô, cùng học đệ nhị với tôi, nhưng nó không thèm ngó đến bọn tôi, kể cả thằng Lê Đình Trù con ông Bản Đức giàu có nổi tiếng, có những hai cái nhà Tây to tướng, một cái cho trường Na Sơn mượn đặt lớp. Tôi kể chuyện hồi học lớp đệ nhị ở làng Nhiển cho Hiển nghe, học văn với thầy giáo Nguyễn Trác, trông dáng trí thức lắm, có vẻ rất tự phụ.

          Hình như cố ý trùng trình để nghe chúng tôi nói chuyện học hành, nên Vũ sàng mãi cối gạo không xong. Rồi cũng phải sàng xong, nhưng Vũ không sảy trấu mà úp sấp cái nia vào thúng gạo, đứng dậy đi vào phía cửa bếp. Có lẽ Vũ sợ sảy trấu lúc này bụi bặm bay về phía chúng tôi chăng?

          Chiều tối hôm ấy, tôi và Hiển lại hẹn gặp nhau ở cầu Trắng để đi học. Trên đường đi, thấy tôi không nói gì, Hiển cũng im lặng. Đến chợ Nưa, chỗ rẽ vào làng Cổ Định, tôi bật lời: "Chiều nay lúc ở chỗ nhà anh ra về, tôi quên không chào Vũ". Hiển cười: "Tưởng chuyện chi. Nó là em út, nhớ thì dặn một câu, mà quên thì thôi. Không lần này thì lần sau, cậu đến nhớ đừng quên". Tôi nghĩ hình như anh Hiển chủ ý nhấn mạnh hai từ nhớ và quên. Tôi đáp lời Hiển: "Tôi nhớ chứ không bao giờ quên!" Đó là câu hứa hẹn hay lời nói gở? Bố tôi bảo: "Xuất khẩu thành trái". Mẹ tôi thường bảo: "Mồm miệng ăn mắm ăn muối dễ nói độc lắm!".

          Những buổi tối nghỉ học, tiết trời trăng sáng, chúng tôi đứng tự thành cầu trông về Tây, thấy núi Nưa rõ mồn một. Anh Đỗ đi đánh nứa, phải trèo qua đỉnh núi Nưa cao vòi vọi, leo tiếp mấy cái đông (đèo cao) lội mấy cái mau, thế mà cứ như cơm bữa.

          Đàn ông Lượng Định vất vả hơn đàn bà. Đàn bà Cầu Nhân đen như hòn than vì hàng ngày họ cũng đi rừng, đi núi, được cái gần hơn. đánh nứa trầu, nứa, tép, bứt dây rọ, lấy củi. Do đó người ta nói: Đàn bà con gái Lượng Định hay làm dáng, thích làm dáng. Nhà nghèo đến mấy cũng đeo khuyên vàng, mặc yếm lụa, váy sồi...ra đường thiên hạ cứ ngỡ con nhà giàu. Tôi thấy chỉ đúng một phần. Còn phần đông không đúng, bởi những người như chị Đỗ, dậy từ gà gáy xay bột, sáng ra tráng bánh, chiều hôm gánh hàng ra chợ mỏi rời tay quạt bánh. Tráng bánh ra, gặp hôm trời mưa không phơi được nắng, bánh thiu, mốc thì chết dở, không khéo đổ cho lợn ăn mà người treo niêu.

          Tôi chỉ đến Cổ Định buổi tối. Nghe nói ở đây có đường lên Am Tiên. Hồi trọ học ở nhà bà Thoả, đôi khi thấy bà lên Am Tiên xin thuốc tiên của ông Tiên Nưa. Tôi hỏi: "Tại sao bà không lấy thuốc của ông tiên làng ta cho gần?" Bà lắc đầu cười: "Kể chi xa gần. Có tội thì vái thập phương, không tội đồng hương không mất!"

          Tôi cũng biết ít nhiều chuyện ông Tiên làng Cầu và ông Đồng cũng ở làng Cầu. Đặc điểm làng Cầu: Đầu làng ông đồng, cuối làng ông tiên. Nhà ông đồng nghèo. Điện thờ thánh của ông cũng nghèo, bàn thờ trải nứa đánh dập, bát hương nặn bằng đất, trên bờ vách treo tấm vải điều viết một chữ "Thánh" to tướng. Mỗi khi có tín chủ đem lễ đến cầu cúng việc gì, ông lập mảnh vải đỏ, đảo thiên đảo địa một hồi rồi nhảy lên bàn thờ ngồi, tay đấm ngực thùm thụp. Ấy là lúc ông thượng đồng và thánh nhập đồng. Ai cầu xin việc gì ông phán việc ấy. Thường ông cho tàn hương, nước thải, vẽ bùa lên giấy loằng ngoằng, đốt cháy thành than hoà vào bát nước, hoặc cầm nén hương ngoáy ngoáy phía trên bát nước làm phép, bảo tín chủ mang về cho con bệnh uống. Lễ vật nhà giàu xôi gà, nhà nghèo chỉ có trầu rượu, hương vàng.

          Nhà ông tiên ở cuối làng Cầu (gần chợ Ngẵn) thì khác hẳn. Ông thờ tiên trên mấy hòn đá đặt dưới gốc cây bồng bồng, thường bảo đó là "Bồng lai tiên cảnh". Lễ vật cúng tiên nhất thiết phải có rượu, "phi tửu bất thành lễ" mà! Có người hiếm con, đến làm lễ cầu tự, ông rót rượu ra uống trước, chén hết xôi gà  rồi bảo người ấy đem đến chiếc chiếu mới để ông đổi cho chiếc chiếu cũ của nhà ông, mang về trải ra, hai vợ chồng cùng nằm, ắt sẽ sinh con! Nếu cầu con trai chỉ mất bảy tiền (bảy mươi đồng tiền), cầu con gái chín tiền (chín mươi đồng tiền), vì nam "thất phách", nữ "cửu phách", ta thường nói nôm na đàn ông bảy vía, đàn bà chính vía. Ông giải thích do đàn bà nặng vía hơn đàn ông.

          Bà chủ nhà tôi trọ bị ốm, mời ông đến cúng lễ. Ông uống rượu trước rồi mới cúng sau. Cúng xong ông ngậm rượu phun vào người ốm ba lần. Sau đó ông lại bảo: “Trên thượng giới năm nay loạn, có con “thiên cẩu hạ thực”, nó vào nhà nào nhà ấy phải cho nó ăn, ai không cúng nó, nó bắt tội. Ngày mai phải cúng nó một miếng thịt lợn sống, bệnh nhân sẽ không bị quấy rầy nữa!” 

          Thuốc tiên của ông đơn giản, chỉ là bát nước lã được ông thổi "phù" ba cái liền, tức đã phù phép, ai uống vào cũng "bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ"! Với cách chữa bệnh khác thường ấy, ông tiên làng Cầu nổi danh  khắp vùng Nam Thanh Hóa.

          Có lần tôi nói chuyện về ông đồng, ông tiên làng Cầu với bố tôi:

          -Tại sao thày không ưa ông tiên Cầu Nhân, chỉ đánh bạn với ông Tiên Xa Thư? Các ông ấy đều là tiên cả?

          -Ông tiên Cầu Nhân hay nói bạy. Ông tiên Xa Thư nói có chữ nghĩa, điển tích.

          -Thế nào là cửu phách với thất phách?

          -Liền bà có thêm huyết phách và thai phách để sinh đẻ nên thành cửu phách. Hai phách ni do bậc thánh y dược thêm vào.

          Tôi hỏi cụ thể từng phách của cửu phách, bố tôi nói trong sách Nho Đạo đều có cả nhưng ông không nhớ rõ.

          -Còn ông đồng làng Cầu thế nào?

          Bố tôi cười:

          -Bàn thờ của ông ấy treo chữ "Thánh", nhưng bậc  thánh gì không rõ. Chẳng qua đồng cốt quàng xiên, tao không tin.

          -Thày nói thế là thày báng bổ thần thánh nhà ông ấy, thày không sợ hay sao?

          -Tao là Pháp sư phù thuỷ cai quản cả vạn âm binh âm tướng, trên có Phật tổ Như lai chứng giám, dưới có Đại đức thiên tôn phù hộ, tao kinh gì thánh vô danh nhà ông ấy!

Bố tôi tính thích ngao du, chơi thân với ông tiên Xa Thư. Ông này không phù phép chữa bệnh, mà chỉ “bói thơ tiên”. Trong nhà ông lập điện thờ các tiên thánh, tiên sư, ai muốn cầu xin điều gì viết ra trên giấy, bỏ vào phong bì dán kín đặt lên bàn thờ với lễ vật rồi lầm rầm khấn vái, xuýt xoa gì đó, không ai nghe biết. Ông tiên Xa Thư ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu trải trước bàn thờ. Trước mặt ông một chiếc mâm đồng, trong lòng mâm đựng đầy gạo và một cái bút Nho bằng gỗ to chừng ngón tay cái. Đầu ông lập khăn đỏ phủ kín cả mặt. Bỗng ông lắc lư đầu và rung rung người. Biết tiên thánh ngài đã nhập đồng, tín chủ quỳ vái lia lịa. Ông tiên Xa Thư quờ tay cầm đúng cái bút gỗ, gạt ngang một cái, mâm gạo thành một mặt phẳng. Ông viết rất nhanh những chữ Nho lên mâm gạo. Bố tôi ngồi chếch bên cạnh đoán chữ, chép lại từng chữ một trên giấy, rồ chép lại thành bài thơ. Ông tiên Xa Thư ban thơ xong, lật tấm khăn điều, miệng khẽ mỉm cười với tân khách chung quanh, coi như không có chuyện gì quan trọng xảy ra. Bố tôi đọc to bài thơ lên, vừa đọc vừa ngâm nga thú vị rồi cắt nghĩa cho tín chủ nghe. Nếu tín chủ không cần cắt nghĩa tại chỗ, thì bài thơ bỏ vào phong bì để họ mang về tự suy ngẫm hoặc nhờ ai đó giảng giải, tùy ý.

          Ông tiên Xa Thư học Nho không bằng bố tôi, nhưng ông có tài làm thơ Đường luật và ứng tác rất nhanh. Người ta cho rằng cái tài ấy nhờ tiên thánh ứng nhập mà có. Bởi vì bình thường, ông không hề làm thơ, và những gì khi ông viết lên mâm gạo lúc tiên nhập, sau đó, ông quên hết. Cho nên người ta bảo thơ ông là thơ tiên, thơ tiên cũng là thơ ông và việc xin thơ ông là “bói thơ tiên”.

          Bố tôi kể rằng: Một lần, khách đến bói thơ tiên là ông “Cử đom đóm”. Ông này quê Thượng Vạn, Nông Cống, đậu cử nhân Hán học. Ông mang biệt danh “Cử đom đóm” vì bài thi có gặp chữ "khinh húy", đáng lẽ phải bỏ bớt đi một nét, ông lại cứ viết đầy đủ như thường. Ban đêm, các quan khảo chấm bài, thấy một con đom đóm từ ngoài bay vào đậu trên trang giấy và cứ bám chặt lấy nét chữ đúng ra phải bỏ đi. Mọi người nghĩ là thí sinh âm đức tốt nên được âm phù, bèn chấm cho đỗ.

          Ông tiên Xa Thư vốn nghe tiếng ông Cử-đom-đóm tài cao học rộng tính lại nghiêm khắc, cũng hơi chờn. Trong khi trò chuyện, ông Cử rất kín đáo, không hé ra chút nào về công việc gia đình nhà mình. Cả anh đầy tớ của ông miệng cũng câm như hến. Ông tiên Xa Thư bàn với bố tôi: “Bác lấy một cái phòng bì bỏ vào ống tay áo, khi thắp hương, bác tìm cách đánh tráo giúp tôi để xem ông Cử cầu xin gì. Xem xong, bác lại tìm cách trả phong thư vào chỗ cũ” (Phong bì để sẵn từng xếp trên bàn thờ tiên, tín chủ phải xin phong bì này mới linh nghiệm. Vì thế, trông bề ngoài các phong bì đều giống nhau). Bố tôi đánh tráo được phong thư, mới biết ông Cử-đom-đóm bị mất con dê đực đầu đàn, cầu xin tiên thánh cho biết đứa bắt trộm dê!

          Nhưng sự việc vẫn còn khó khăn: làm sao chỉ ra được kẻ gian? Mà nói sai thì chết với người ta chứ chẳng chơi! Ông tiên Xa Thư vốn thông minh nhanh trí, chợt nhớ ra bên Tàu có chuyện Tô Vũ chăn dê, bèn ngồi đồng và viết lên mâm gạo bài thờ Đường luật tám câu vịnh Tô Vũ. Bố tôi đã quen dựa vào đường nét mà đoán chữ, vừa chép vừa hoàn chỉnh thành một bài thơ (cố nhiên ông Cử không thể hoàn chỉnh trên mâm gạo):

Kìa chàng Tô Vũ bấy nhiêu công,
Há biết cùng ai giãi mối lòng?
Nghĩa đởm chưa tan lò sắt đá,
Tiết mao đành gửi áng non  sông.
Cuộc cờ bích động chờ khi hội,
Chén rượu bàn đào hẹn uống chung.
Ơn chúa còn mong ngày báo đáp,
Thương đàn trẻ dại đứng mà trông!

Ông Cử-đom-đóm bảo bố tôi: “Chữ thầy viết tốt lắm! Thầy có giải được bài thơ này không?” Bố tôi lễ phép thưa: “Dạ bẩm, đối với cụ cử, con không dám!” Ông cử-đom-đóm gật đầu: “Để ta về coi lấy cũng được. Hẹn tuần sau, ta sẽ tạ lễ.”

          Đúng mười ngày sau, ông Cử-đom-đóm đến tạ lễ thật. Ông tiên Xa Thư và bố tôi cứ lo ngay ngáy, bây giờ thở phào nhẹ nhõm.  Thì ra, theo ông cử, bài thơ tiên hay lắm, ngài đã báo tất cả. Hai câu thơ đầu là nói về công lao nuôi đàn dê của ông đã lên tới mấy chục con. Bọn gian bắt trộm dê của ông làm thịt trong hang núi, đốt lửa nướng, còn dấu than củi và mùi thịt dê (Nghĩa đởm chưa tan lò sắt đá). Tiết và da lông chúng chôn ở chân núi kề bờ sông (Tiết mao đành gửi áng non sông). Chúng họp nhau trong hang đá đánh chén (Cuộc cờ bích động chờ khi hội, Chén rượu bàn đào hẹn uống chung). Cầm đầu bọn trộm lại là tên đầy tớ tin cẩn của ông, vẫn nói xoen xoét một ông chủ, hai ông chủ. (Ơn chúa còn mong ngày báo đáp). Vì con dê bị trộm là con dê đực đầu đàn, hàng ngày dẫn đàn dê bơi qua sông vào núi kiếm ăn, chiều tối lại trở về chuồng, nay nó mất đi cả đàn ngơ ngác như gà mất mẹ (Thương đàn trẻ dại đứng mà trông!).

        Từ đó, ông Cử-đom-đóm đi đâu, ngồi nói chuyện với ai cũng ca ngợi ông tiên Xa Thư, khiến tiếng ông tiên Xa Thư càng thêm danh tiếng. Nhưng ông càng danh tiếng, khách tới lui càng đông, nhà ông càng nghèo vì thu không đủ bù chi. Nghề bói toán thờ tiên đối với ông là thú vui hơn là mục đích kiếm sống. Sau 1945, ông giải nghệ, chuyển làm giáo viên bình dân học vụ.


          Câu chuyện tiên thánh giữa hai bố con diễn ra đã lâu, nay nhớ lại, tôi lại muốn biết ông tiên Nưa thế nào.
(còn nữa)

                                                           HTP/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét