5 thg 3, 2016

XƯA QUẢNG XƯƠNG "HỮU PHÚC", NAY SẦM SƠN "VÔ DUYÊN"?

Hoàng Tuấn Phổ- Hoàng Tuấn Công

Huyện Quảng Xương xưa kéo dài từ Cửa Hới (Sầm Sơn) đến cửa Ghép (Quảng Nham). Năm 1982, Căn cứ Quyết đinh của Hội đồng Bộ trưởng (1981), Đảng bộ Thị trấn Sầm Sơn (gồm các xã Quảng Sơn, Quảng Tường, Quảng Tiến, Quảng Cư thuộc huyện Quảng Xương trước đây) được Tỉnh ủy Thanh Hóa chính thức ra Quyết định đổi tên thành Đảng bộ Thị xã Sầm Sơn, trực thuộc tỉnh ủy.
 
Sách Địa chí xưa viết về huyện Quảng Xương chỉ nhận xét mấy câu đại khái: sĩ tử chăm đèn sách, nhà nông siêng đồng ruộng, dân ít buôn bán, một số người biết đánh cá, làm thợ, bẫy chim, tính chất phác, ưa cần kiệm, ghét xa hoa… Tất cả đều đúng, nhưng có phần chung chung, vì đó cũng là những điểm nổi rõ dễ thấy ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Thời Hậu Lê, chế độ học hành, khoa cử được đề cao, trải qua trên 300 năm, huyện Quảng Xương chỉ có 9 tiến sĩ, kém thua các huyện kề bên: Nông Cống, Đông Sơn, Hoằng Hóa. Nguyên nhân không bởi tài học mà do nhiều người không muốn dấn thân vào đường khoa hoạn. Đa số học để hiểu đạo lý làm người, để biết chữ nghĩa không bị kẻ khác lừa bịp, bắt nạt, ít nhất cũng đủ xem gia phả dòng tộc, đọc văn cúng tổ tiên…
Nhà nông ở Quảng Xương, đàn ông, đàn bà đều thạo công việc trong nhà, ngoài đồng, riêng những công việc nặng nhọc không hợp sức nữ thì nam gánh vác. Tập quán chung là ăn cơm ngày hai bữa. Câu tục ngữ: “Nhà giàu ăn cơm ba bữa, nhà khó đỏ lửa ba lần”, tỏ ra không phù hợp với nhiều thôn xã. Người vùng lúa thói quen ăn cơm trưa và tối. Người vùng màu và ven biển sáng ăn thật sớm và trưa ăn cơm muộn. Tập quán ấy do thói quen nghề nghiệp quyết định, phải ăn uống thế nào để có lợi cho công việc như: đánh cá, trồng dưa,…phải đi sớm về muộn, cấy, hái có thể chia ngày hai buổi, còn việc vặt và nghề phụ của buổi thứ ba: buổi tối.
Trước năm 1945, người ta hay nói: “Mẹo mực Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”. Mẹo mực không phải là thủ đoạn mà là văn hóa ứng xử. ứng xử một cách “mẹo mực” ở đây là sự khôn khéo đối phó bằng ngôn từ, lý lẽ, bằng hành vi, thái độ, khiến đối thủ dù nhiều quyền thế, lắm mưu mô cũng phải chịu cứng. Sách "Đồng Khánh dư địa chí" đời Nguyễn chép câu “Nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc”, cho là người Quảng Xương có thói kiêu bạc. Không đúng! Nói đến “đất xấu dân nghèo” của mấy huyện ven biển Thanh Hóa, Quảng Xương xứng danh thứ nhất. Xét về tính cách, người Quảng Xương quả là “cứng đầu cứng cổ”. Không ít giai thoại hiện còn lưu truyền khắc họa tính cách ấy. Một số viên tri huyện ác bá, tàn bạo đến cai trị Quảng Xương đã bị dân kiện tận triều đình Huế, phải đổi đi nơi khác. Như tri huyện Bửu Phu cậy dòng tôn thất đến đâu gây tai họa cho dân chúng đến đó, bị dân Quảng Xương kiện phải đổi đi Nông Cống. Giới nho sĩ Quảng Xương làm đôi câu đối viếng sống Bửu Phu, gửi cho các nhà nho Nông Cống:

Nông Cống vô duyên nghênh quỷ sứ,
Quảng Xương hữu phúc tống hung thần.

Tri huyện Kỳ bị đặt Vè chửi:
Cu Kỳ hỡi bố Cu Kỳ!(*)
Bay lên xe hỏa cút đi cho rồi!

Rốt cuộc ông ta cũng phải từ bỏ đất huyện Quảng đầy “xương xẩu”.
Thời Nguyễn, tri huyện phải đỗ cử nhân. Nhưng cũng có người dòng họ tôn thất mặc dù chỉ đỗ tú tài, cũng được bổ làm tri huyện. Viên tri huyện tú tài này vừa mới đến trọng nhậm Quảng Xương liền triệu tập các thân hào, thân sĩ trong huyện đến huyện đường để nghe quan huấn thị. Ông ta hỏi: “Huyện Quảng các ông có chi đáng kể mà dám nói “Nhất Xương nhì Gia…”? Một thân sĩ lập tức trả lời: “Quảng

Xương chúng tôi có Phật tổ giáng hạ Yên Đông, Trạng nguyên sinh ở xã Bất Quần, cử nhân vô số, tú tài không đáng kể!”. Viên tú tài tri huyện bị đòn bất ngờ, đau quá, bèn pha trò chữa bẽ: “Nông Cống sống vì cơm, Quảng Xương sống vì cá”, vì ăn nhiều cá nên lắm “xương”, lời ngạn ngữ không sai!
Trong huyện, hầu như làng xã nào cũng có chuyện dân chúng chống lại cường hào, ác bá, hương chức, lý dịch về hùa với nhân dân không thi hành lệnh quan trên. Đó không phải chỉ là những giai thoại, mà “người thật việc thật” trăm phần trăm. Ở xã Quảng Lộc, ông Trần Văn Thinh làng Triều Công trói cổ lý trưởng Trần Văn Tạo bắt trả lại tiền thuế “phụ thu lạm bổ” cho nông dân, ông Hảo, ông Thơ làng Lê Hương, tự cắt cổ mình để chống sưu cao, thuế nặng, nợ lãi. Chuyện xảy ra vào năm 1936, 1937. Ông Tắc Nhiễu làng Nga My (cùng xã Quảng Lộc) năm 1944, chống lý trưởng bắt đi phu xây sân bay Lai Thành cho Nhật,..
Xã Quảng Lĩnh, làng Phượng Vỹ trước năm 1945, có những người tự phát đấu tranh chống chính quyền phong kiến địa phương và giặc Tây, giặc Nhật, tinh thần rất quyết liệt: Ông Nguyễn Văn Thiết và một nhóm cùng đinh(nghèo khổ nhất làng) chống lại lý trưởng bắt nộp sưu (thuế thân), chống lại nhà giàu cho vay nặng lãi. Khi Tây về làng bắt rượu lậu (Tây cấm nhà tư nấu rượu, bắt tiêu thụ rượu của công ty cổ phần của quan Tây), ông Thiết đánh lại Tây, dùng dao phay định chém chết nhưng nó chạy thoát, chỉ bị thương nặng. Lính Tây và lính ta kéo về Phượng Vỹ, nổ súng đì đòm và đốt cả làng, Lửa cháy lan rất nhanh, cả làng ùa ra liều mạng chống trả, chúng sợ bỏ chạy, nên chỉ mất một số nhà tranh cùn vách đất không cứu nổi. Năm 1944, giặc Nhật bắt phu xây sân bay Lai Thành, các trai phu Lê Đình Địch, Đỗ Văn Tải đánh trả lại tên cai phu và rủ người làng trốn thoát.. Nhật về Phượng Vỹ bắt lý trưởng Đỗ Văn Cộng tra khảo. Ông nhất định không khai báo ai cả. Nhật rút gươm dài muốn chém lý trưởng. Cá cụ già trong làng chống gậy ra đình xin chịu chết thay lý trưởng để có người làm việc quan. Chúng ra lệnh cho lý Cộng phải đưa phu mới đi thay kẻ bỏ trốn. Lý Cộng giả vờ vâng dạ cốt qua chuyện.
Ông Cử Bính (đỗ cử nhân năm 1897) người làng Văn Phú (nay thuộc xã Quảng Thọ) được bổ nhiệm làm tri huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Cha cố Tây là Mác-tanh về xã Cẩm Phong tự tiện dựng nhà thờ Thiên chúa giáo để truyền đạo, không xin phép chính quyền, bị tri huyện Bính sai lính sang phá và đuổi cha đạo ra khỏi địa phương. Cha Mác-tanh cậy nhờ công sứ Toàn quyền người Tây can thiệp buộc triều đình Huế cách chức tri huyện Bính. Cử Bính về nhà mở trường dạy học. Bốn tháng sau, triều đình Huế bổ nhiệm ông làm huấn đạo Quy Nhơn, ông kiên quyết từ chối. Con trai Lê Văn Bính là Lê Văn Trữ đỗ cử nhân năm 1918, được bổ tri huyện Yên Thành, Nghệ An, có tiếng là công liêm, khí tiết cứng rắn, không chịu khuất phục cường quyền.v.v…

Một mảnh đất vị trí địa lý tự nhiên khắc nghiệt như Quảng Xương, đòi hỏi con người ở đây phải cứng rắn, quyết liệt để chiến thắng kẻ thù thiên nhiên vầ xã hội hung dữ, tàn bạo, mới mong sinh tồn, phát triển, xây dựng nên quê hương. Họ có nguồn gốc từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng phần lớn giống nhau ở chỗ khát khao cuộc sống mới với ruộng đất, tự do. Họ mang đến quê mới những phong tục – tập quán giống nhau và không giống nhau để hòa trộn vào nhau, tạo thành sự thống nhất về đại thể, có cái còn, cái mất, cái biến hóa, cái phát triển, mang sắc thái địa phương phong phú, đa dạng.
Mấy ngày qua, ngư dân Sầm Sơn-những người anh em vốn thuộc đất Quảng Xương xưa đang vật lộn đấu tranh giữ kế sinh nhai ngàn đời, giành lại bờ biển từ tay tập đoàn FLC. Cuộc đấu tranh liệu có "hữu phúc" tống được "hung thần" như xưa?

                                                                                         TH/6/3/2016

[Lược trích từ hai chương "Địa tự nhiên" (Hoàng Tuấn Công) và "Địa xã hội" (Hoàng Tuấn Phổ) trong sách "Địa chí Huyện Quảng Xương"-Hoàng Tuấn Phổ chủ biên-NXB Từ điển bách khoa-2010]
............
(*) Cu kỳ là tên một giống chim, còn gọi gầm ghì, ở đảo Hòn Mê, thỉnh thoảng có con bay lạc vào đất liền, theo quan niệm dân gian, tiếng kêu của nó độc như tiếng chim lợn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét