18 thg 3, 2017

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kì 16)

          HOÀNG TUẤN PHỔ
Cụ Hoàng Tuấn Phổ (mùa đông 2017)
Ảnh: HTC

         Sau khi bất ngờ được tạm tha, tôi trở về nhà, sống theo kiểu tù giam lỏng. Nghĩa là tuyệt đối không được bước chân ra khỏi ngõ.

          Nhà tôi không có bò, chỉ giữ lại dăm sào để khỏi phải ăn đong, do mẹ tôi và anh Nậu lo cày cuốc cấy hái, suốt ngày vật lộn với công việc đồng áng. Tôi ở nhà quét dọn nhà cửa, nấu nướng cơm nước. Mẹ tôi không có tiền đi chợ, bữa ăn triền miên rau lang luộc chấm nước mắm cáy thối, do bị gió thổi lật bay mất chiếc nón lá rách đội trên vại, nước mưa chảy vào. Ngoài ra còn có món cà thâm, cà trắng, muối từ mùa cà tháng ba năm ngoái. Vại cà muối hơi đầy. Cái nén cà bằng đá Nhồi hơi nhẹ, nước chỉ lên được nửa vại. Khi lấy cà để ăn, anh Nậu moi chọn quả trắng đẹp ăn trước, sau còn lại đều cà thâm. Cà thâm hết, đến cà lũn cũng ăn. Cà lũn phải bỏ nồi kho lại. Anh Nậu khéo vét trong hông lọ mỡ rán hồi Tết Nguyên đán, sót lại, bỏ vào món cà lũn sau khi nấu chín, làm mất mùi  hôi, hơi có mùi thơm, dễ ăn hơn.

          Ăn uống kham khổ rồi cũng quen dần. Thì giờ rảnh rỗi nhiều, tôi không có sách báo gì để đọc, rất buồn, nhưng chỉ quanh quẩn trong sân vườn, chứ không bao giờ đi ra đến đầu ngõ. Trước nhà tôi có cái ngõ chạm đục bằng tre, ban ngày chống lên, ban đêm sập xuống, chốt lại vào cọc tre phía trong, lại có ông chó đá nhỏ  ngồi canh, không cho ma quỷ xâm nhập.

          Hồi bắt đầu đấu tranh chính trị, ngõ chạu bị phá dỡ, chỉ còn ông chó đá bốn mùa, bát tiết vẫn ngồi đó dãi dầu nắng mưa bão tố. (Ông chó đá ấy dáng đẹp và độc đáo về tạo hình, hiện nay còn sót lại sau bao tang thương biến đổi, tôi đặt làm tượng thờ bên gốc cây hoa ngâu, có đủ bát hương, be chén, ở lối ngõ vào sân, chiều 30 Tết ngào ngạt khói hương thơm ngát). Cửa ngõ mở thông thống, chẳng sợ kẻ gian phi, vì chúng đến làm gì cái nơi tiếng cả, nhà không. Hai con chó giữ nhà cũng đã phải bán trước Tết, vì người còn đang lo đói, lấy đâu cơm gạo nuôi chó! Tôi nhớ lời anh công an huyện, chỉ quanh quẩn chán trong nhà, lại ra sân, vườn.

          Sân nhà tôi rộng. Trước năm tôi ra đời (1935), nó là sân đất nện và hẹp vừa. Mẹ tôi muộn màng, năm 26 tuổi mới sinh ra tôi. Thời xưa, bằng tuổi ấy mới sinh đẻ là quá hiếm muộn. Cầu trời khấn phật mãi mới được thằng cháu đích tôn, ông nội tôi mừng quá, vay tiền của bà chị gái lấy chồng trại Cồn (nhà giàu, hơn mẫu vườn trồng chè) để lát sân gạch, mở rộng thêm gần 2m bằng gạch chỉ, diện tích chính toàn gạch bát Cẩm Trướng.

          Tỉnh Thanh Hoá thời Nguyễn gạch ngói Cẩm Trướng (huyện Yên Định) nổi tiếng tốt nhất. Nhờ ở gần sông Mã, Cẩm Trướng sẵn củi mua từ trên rừng chở về, không phải đốt bằng rơm rạ. Chất đất Cẩm Trướng nhiều sét, ít sạn sỏi. Gạch nung kĩ, chín đều, phẳng mịn, góc cạch vuông vắn. Đặc biệt giữa viên gạch bát nào cũng có một lỗ thủng thông hơi để độ nung được chín đều. Nghe nói thời mới lát, sân gạch đỏ chót, sau mỗi cơn mưa to hay nhỏ, ông nội tôi cũng bắt quét đi quét lại sạch bóng, đề phòng trong điều kiện ẩm ướt, rêu mọc bám.

          Nhà nông, đã thuộc bậc trung, rất cần có cái sân gạch rộng. Mùa màng phơi phong lúa má, phơi khoai thái lát, phơi rơm...sạch sẽ, chóng khô...Xong mùa lúa khoai, mảnh sân rộng rãi quang lâng, người, vật tha hồ đi lại, không lo lốc đất, mưa nhiều chẳng sợ đất nhão thành bùn...Trên cái sân mênh mông này (dưới mắt bọn trẻ), tôi và thằng bạn hàng xóm tha hồ đùa nghịch, chơi trò đuổi bắt nhau, đánh cù, đánh khăng, đá ban...Những đêm sáng trăng mùa hè, người lớn bắc ghế hoặc trải chiếu ngồi chơi, uống nước  chè xanh, rít thuốc lào kêu giòn tan, thêm đằm thắm câu chuyện nhà nông.

          Dấu ấn khó phai mờ là những tối trăng rằm Trung thu. Lễ tết gia tiên nhà tôi cúng xong lúc chập chiều, bây giờ mới đến cỗ tết gia đình. Mảnh sân gạch còn tươi màu gạch Cẩm Trướng, được quét sạch tinh, sạch bóng. Anh Nậu trải hai chiếc chiếu rộng, một chiếc ngay ngắn chính giữa, một chiếc chếch bên cạnh phía bắc, gần nhà dưới (nhà ngang). Chú thím tôi dọn mâm. Cỗ bàn đơn sơ, những món sang bấy giờ có cá rán, trứng đúc, gà rang,...ngày Tết Nguyên đán mới có. Tết Trung thu nhà tôi thông thường, ngoài lộc Tổ xôi nếp cái, thịt lợn luộc, là món không bao giờ cúng: Rau muốn luộc chấm nước cá om...

          Rau muống ngon nhất cữ tháng tám âm, trời nhiều mưa, ngọn mập non ngọt không có vị chát, luộc đúng cách mềm và xanh. Cá đồng loại ăn tạp, chén khoẻ như rô, giếc, chuối, hẻn, chạch...gặp nước to, ruộng lắm mồi, con nào cũng béo. Cá đồng om nấu với mẻ, mẻ chất chua gặp cá chất tanh, thành vị chua ngọt, gia vị lá gừng, lá nghệ, mùi tàu, chút ớt...vừa cay cay thơm thơm, làm món nước chấm rau muống luộc, tạo nên mối tình duyên ưa, phận đẹp không gì hơn.

          Nhà tôi, chú Côi là con nuôi ông bà tôi, anh Nậu con nuôi bố mẹ tôi đều là những tay “sát cá”. Chiều tối, hai người thường đặt mấy cái lừ (lờ) ven bờ ruộng. Ban đêm, lũ cá đi ăn thường bơi dọc ven theo bờ để kiếm mồi, sáng sớm nhắc lừ lên thế nào cũng được dăm ba chú cá giếc, rô, chuối, hẻn...Loại cá nhỏ chúng chui vào lại chui ra dễ dàng. Chú Côi lớn tuổi hay úp nơm chườm buổi tối ở cống nước chảy, nơi cá chuối hóng mồi. Ban đêm, trời mưa, chú  Côi, anh Nậu thích đi kéo vó tại chỗ cống nổ to nước chảy thông qua đường, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác như cống đồng Kép, đồng Yểng, đồng Trai hoặc xuống tận sông Lý kéo vóng. Cá kiếm được gần ngày rằm, trống lại để dành. Nếu cần ăn rằm có thể đánh cá ao. Nhà tôi có cái ao rộng trước vườn, thả nhiều cá mè, đủ lứa. Đánh cá mè ao dễ mà khó. Loài cá này ăn nổi, lúc đầu một người kéo vó giữa ao, một người xua đuổi quanh bờ. Mẻ vó thứ nhất, thứ nhì dễ được, đến mẻ thứ ba, thứ tư trở đi chỉ thấy trắng vó, vì chúng chạy vào bờ trốn hết. Phải bỏ vó, dùng nơm, tay úp, chân vùng, khiến cá sợ, càng sợ chúng càng nép vào bờ để trốn.

          Đã là cá đồng, cá gì nấu om cũng ngon. Cá om nấy kĩ, cùng gia vị lá thơm (gừng, nghệ, lá lốt) khi các chín, nếu có bỏ thêm một vài đũa mắm tôm (tuỳ theo lượng nước) càng thêm dậy mùi, tăng vị ngọt. Có thể nói rau muống luộc chấm nước cá om xứng đáng gọi là ngon tuyệt!

          Tôi có người O (cô) ruột thứ hai, lấy chồng người làng bên. Tính o Bài hiền quá hoá  đần, nghà nghèo quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối, bị nhà chồng khinh rẻ. Dượng Thính không quan tâm, nên đã phải sống đói khổ, lam lũ lại càng vất vả, thèm lạt. O vẫn thường phàn nàn ước ao với mẹ tôi rằng bao giờ đến rằm tháng tám để được ăn bữa cơm không (cơm không độn khoai, săn, ngô) và rau muốn luộc (vì thường ngày chỉ được ăn rau muống sống chấm nước cáy thối với cơm gạo đỏ, một hạt cơm cõng mười lát khoai).

          Đặc sắc nhất trên mâm cỗ là món củ chuối bung lươn đậm đà phong vị làng quê, nhà tôi thường chỉ chế biến vào dịp Tết trung thu.

Cá rô quyện với nồi rang
Còn như củ chuối lươn vàng quện nhau

          Củ  chuối hột là món  ăn chống đói. Những năm mất mùa bạch lạng, nhà tôi như nhiều là nông khác, ăn củ chuối hột thay cơm là chuyện thường. Củ chuối hột chế biến làm thức ăn ngon phải vào mùa thu mưa nhiều, ít chát, mềm ngon. Chọn cây non, thái nhỏ bằng đầu đũa, ngâm kĩ nước lã. Con lươn chọn giống lươn vàng hoặc lươn nâu, làm thịt kĩ, bỏ ruột, dần nhừ xương sống, chặt khẩu mía, ướp với gia vị mẻ, hành khô, nước mắm, ruốc (rất ít) ớt, sau đó trộn chung với củ chuối hột thái, cho ngấm các thức vào với nhau, tạo điều kiện để đôi bạn lươn (âm) củ chuối (dương) “quen hơi bén  tiếng”, sau đó đổ thêm nước sôi hoặc nóng vừa đủ xăm xắp, đậy vung kín, đun nhỏ lửa “bung” nhừ. Củ chuối và lươn chín nhừ, bắc ra, gia vị thêm lá lốt, mùi tàu thái nhỏ, trộn đều, nhẹ tay để thịt lươn khỏi nát.

          Món lươn bung củ chuối múc ra bát tô ăn chung, đồng người thì dùng bát nhỏ cho tiện.

          Tết Trung thu, trên chiếc chiếu trải rộng, cả nhà quây quần chung quanh mâm “cỗ Tết”. Nhà tôi đông người, phải dọn hai mâm. Đàn ông ngồi một mâm, tiện khề khà tay đũa tay chén. Đàn bà, trẻ con, thứ hạng em út ngồi riêng một mâm. Chiếc mâm đồng được đánh sáng bóng, tròn vành vạnh in rõ khuôn mặt chị Hằng như vầng trăng thu. Chiếc bánh đa cũng tròn trịa như bà hàng bánh muốn mô phỏng bóng trăng thu.

          Nồi củ chuối bung lươn bắc trên bếp được bưng ra, vừa mở vung, toả bay ngào ngạt, mùi thơm khá đặc trưng của món ăn độc đáo làng quê Tết Trung thu kích thích mạnh khứu giác mọi người. Những chiếc bánh đa vừng thơm ngon, cũng được bẻ đôi bẻ ba, kêu vang lên đồm độp, răng rắc nghe vui tai lạ, hoà vào không khí rộn rã bữa ăn chỉ có món củ chuối bung lươn, cùng rau muống, cá om, mà thành bữa tiệc ngon miệng hấp dẫn. Ai gắp được, gặp được những sợi củ chuối kèm miếng lươn, củ chuối sần sật, miếng lươn mềm mềm, nhau kĩ, nghĩ sâu mới thấy thật thấm thía, thấu hiểu thế nào là “củ chuối lươn vàng quyện nhau”.

          Đã thành tục lệ nghìn xưa, nhà nông ăn Tết Trung thu để xem trăng rằm tháng tám, để đoán coi thời tiết năm sau mưa nắng thế nào, ảnh hưởng, tác động gì đến vụ lúa chiêm.

          Ông nội tôi dùng mấy ngón tay chải chải vuốt vuốt chòm râu đang nuôi lưa thưa: “Trăn rằm Trung thu năm nay sáng lắm, thấy rõ cả thằng Cuội đang nằm chổng bốn vó bên gốc cây da, chắc chắn thời tiết thuận lợi, lúa chiêm tốt, nhà ta không có giống điền địa, hạt tiêu thì chớp bát cũng được.” Bố tôi vốn sợ ông tôi một phép, nhưng rượu vào ương tính: “Chớp bát gặt tháng tám, phải cấy sau vụ chiêm chứ!”.

          Ông nội tôi vốn người cương trực, năm 18 tuổi mới vào làng, dĩ nhiên thuộc hạng trai rốt, phải phục dịch hầu hạ làng mọi thứ cần thiết. Năm ấy làng tổ chức đại tế thần thành hoàng, làm thịt lợn, bỏ vào nồi ba mươi luộc, cái thủ cúng thần Anh, cái nọng cúng thần Em, thịt thái chia phần kèm xôi cho các bàn nhất, nhì, ba, tư, và suất đinh. Mỗi suất đinh chỉ được một miếng thịt bằng đốt tay và một cục xôi không to hơn ngón tay cái, gọi là “phần chục”. Người “đầu que” đứng đầu phe giáp chịu trách nhiệm chia phần, ai bị thiếu phần họ trình làng, làng bắt phạt một con lợn và ba đấu gạo nếp để mời làng. Lễ đại tế thần linh, thịt xôi chia phần, bộ lòng luộc lên để các cụ nhắm rượu. Riêng cái “khấu đuôi” (khúc đại tràng kèm theo cả cái đuôi) dành biếu thầy Lý vất vả lo toan việc quan. Còn lại nồi nước “xuýt” (nước luộc thịt và lòng) tháo khoán cho “làng trai” (từ tuổi 18 đến tuổi 45) ai muốn húp được mấy bát  thì húp...

          Luộc thịt lợn rồi lòng lợn xong, ông nội tôi rút bớt củi dưới đít nồi. Hào Nương khi ấy cậy thế đàn anh (mặc dù mới vào làng năm trước) mắng chửi như tát nước vào mặt ông nội tôi: “Nước xuýt thì phải nóng sôi sùng sục, vừa húp vừa xuýt xoa mới ngon. Đầu óc mi rõ ngu như lợn!”.

           Ông nội tôi tức quá, múc ngay một gáo nước xuýt đổ lên đầu Hào Nương. Hào Nương bị nước xuýt lợn dội ướt cả đầu tóc, chảy xuống áo quần, vội vàng ôm đầu chạy thẳng một mạch về nhà. Hôm sau, Hào Nương mang chục khẩu trầu và một chai rượu đến trình Lý trưởng. Lý trưởng Hênh, họ Lê Đức. Hào Nương họ Lê Thế. Ông Lý nói giọng lè nhè quen thuộc: “Họ Lê Đức (tức Lê Hữu) thế lực lớn, người đông chiếm gần nửa làng. Họ Lê Thế của mi được mấy mống người, nước mẹ gì mà bắt nạt thằng họ Hoàng ngụ cư? Hăn ngụ cư nhưng nhà hắn mấy đời làm thầy, nhà ai mà chả có cơn đen, vận túng, tà ma quấy nhiễu, ốm đau bệnh tật, lại phải nhờ vả đến cha con hắn...Thôi! Cứ để cho hắn quen thói làm càn, rồi có lúc tao sẽ đuổi cả nhà thằng ngụ cư ấy về Nam về Bắc quê hương bản quán nhà hắn!” Chuyện này do chính Lý Hênh kể lại cho nhiều người nghe, khi ông say rượu, bị ngã què chân, bà con xóm giềng đến hỏi thăm. Còn ông nội tôi không hề nhắc lại câu chuyện cũ đã được thiên hạ truyền tụng, có lẽ vì cụ sợ con cháu biết sẽ bắt chước làm điều càn dỡ.

          Đang ngày Tết Trung thu, ông nội tôi thấy bố tôi dám cãi lúa bát không bao giờ cấy vụ chiêm, chỉ lườm một cái, mắng một câu: “Thật ngu như con bò!” Bố tôi đã đậm hơi men, cãi hăng thêm: “Con bò ngu mà có sách!”. Lập tức ông nội tôi nắm lấy cổ chai rượu toạn đập vào mặt bố tôi. Rất may, chú tôi đỡ kịp, ôm chặt cả bàn tay, cánh tay ông tôi. Mọi người xúm lại can. Bố tôi sợ bị đòn, vội vàng bỏ miếng lươn củ chuối đã gặp lên bát mà chạy...

          Ông tôi nóng ngay đấy, lại nguội ngay đấy. Ông nói: “Thôi, tiếp tục! Ngày Tết cốt được vui. Các cụ có khi còn ngồi trên bàn thờ lại quở cho!” Ông nội ngoảnh lại, ngó lên bàn thờ gia tiên trong nhà, có mấy nén hương còn sót sắp tàn đang toả khỏi trầm thơm nghi ngút.

          Vầng trăn tròn vành vạnh đã treo lơ lửng trên đầu làng Phủ. Ông nội tôi nói: “Rằm trăng náu, mười sáu trăng tròn. Tối mười lăm trăng đã tròn sáng thế này là tốt lắm!”. Bà nội tôi cười: “Giống bát chớp không thiếu, ruộng ta đã quen chiêm bắc, chiêm ếch, tôi định cứ giống cũ mà làm. Tôi nghe nói dưới làng Trúng, làng Nhe người ta cấy cả lúa rua...nhưng thôi, mặc họ”. Ông nội tôi gật đầu: “Tuỳ bà, giống chi mà ưa đồng mình, không lo bị mất mùa riêng là được...”.

                                                                            HTP/2016


1 nhận xét: