18 thg 9, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 7)

Đường lên đình núi Nưa
Ảnh: Phương Mai Blog
               HOÀNG TUẤN PHỔ

Tôi học xong lớp bảy (Hệ thống giáo dục phổ thông mới) trường cấp II Quảng Ninh, vào đúng thời gian gia đình tôi lên thành phần phú nông, trong nhà "quăng dùi đục không mắc"! Tôi không biết làm gì, nên xin xin thày mẹ tiếp tục học lên lớp tám (Hệ phổ thông chín năm). Cái khó duy nhất là không có tiền gạo. Thày mẹ tôi băn khoăn khó nghĩ. Nhà chú tôi không bị thành phần phú nông, không phải "đóng thuế khả năng", bồ thóc chưa cạn, chum khoai còn đầy. Bố tôi gọi chú tôi ngỏ ý vay mượn một ít. Chú tôi nói: Thế nào cũng phải cho cháu học tiếp, nhưng chuyện gạo thóc để chú lựa lời với thím tôi. Mẹ tôi bảo: "Chú để tôi bàn với thím tiện hơn. Đến tháng tư sang năm có lúa chiêm, tôi trả lại." Tính thím tôi tốt. Tối hôm ấy, mẹ tôi vay được mười đấu thóc (mỗi đấu xay được 6kg gạo). Còn nơi ăn chốn ở, cũng phải tìm nơi quen thuộc, để có thể nhờ vả được người ta.


                Nghe nói ông Nguyễn Nhuận, Hiệu trưởng trường Na Sơn xin mở thêm lớp tám hệ phổ thông chín năm cho học sinh học xong lớp bảy (Bấy giờ không gọi trường tư thục mà đổi tên thành trường dân lập), địa điểm làng Cổ Định, nên tôi quyết định học. Bố tôi và chú tôi bàn đi tính lại vẫn chưa tìm được nơi trọ học cho tôi. Ông Kiểm Thị, ông Cựu Tuở, ông Lý Vách chắc chắn đều lên phú nông. Nhà anh Mậu vốn là học trò ông nội tôi, chồng hiền lành, vợ rất tốt, nhưng gia cảnh quá nghèo. Nhà ông Nầy làm nghề nuôi vịt, cha con đều ít học, tuy đủ bát gạo ăn, nhưng trong cửa ngoài sân bầy biện đủ thứ, ngồi đâu mà học?

                Thái độ bố tôi trước lừng chừng bao nhiêu, bây giờ sốt sắng bấy nhiêu. Ông bắt đầu nhận ra thời thế đang xoay chiều đối hướng, nhiều chuyện bất ngờ. Vì thành phần phú nông, bố tôi bị cách chức Chủ tịch mặt trận Liên Việt xã, chỉ còn cái chân hờ Hội trưởng Phật giáo hữu danh vô thực, chẳng qua một số người phong cho thôi. Bố tôi thấy tiếc năm 1947, anh bạn cũ người Mật Sơn (thành phố Thanh Hoá) ngày trước cùng làm ở Sở địa chính thời Pháp, vào rủ đi công tác kháng chiến lại không đi. Chuyện này mẹ tôi cũng hay kể cho tôi nghe: "Anh bạn rủ mãi, bố con bùi tai nhận lời. Cơm rượu xong, anh bạn biểu sửa soạn đi ngay bữa nay, nhưng tôi nói trước với bác, đi công tác kháng chiến không được ngồi gật gù tay đũa tay chén, gõ bát gõ mâm, mà phải chịu đựng gian khổ. Cụ Hồ đã dạy "Kháng chiến trường kỳ gian khổ tất thắng", thắng lợi rồi, anh tha hồ con cà con kê...Bố con ngồi thừ ra nghĩ ngợi một lúc rồi khẽ lắc đầu: Thôi, anh để tôi đi sau, còn phải thu xếp việc nhà việc cửa...Mẹ tức quá nói liền: Cửa nhà để mặc tôi lo. Thày mi chưa thu xếp được mấy hẩu rượu chứ chi! Rứa mà vẫn không chịu đi. Anh bạn gắt lên: Giặc đánh đến đít rồi, anh còn ung dung ngồi rung đùi nảy cẳng thì lạ thật! Nói rồi anh nứ đi thẳng một mạch, không thèm trở lại. Bây chừ bố con mới biết là dại, rõ thật con mọc răng, nói năng chi nữa! Rứa mà vẫn cứ còn khề khà chén rượu, gõ đũa gõ bát!"

                Đó là những thói quen không thể thay đổi của bố tôi, từ trẻ đã hay rượu, tuy uống không nhiều, chỉ độ nửa chai ba, nhưng ngồi hàng tiếng đồng hồ. Đến lúc ăn cơm, bố tôi cứ bưng bát lên lại đặt bát xuống, tay cầm đũa gõ vào miệng bát cơm cành cạch như đánh nhịp cho bài ca "tửu nhập ngôn xuất" bất tận. Có lẽ chỉ có mẹ tôi là chịu đựng được cái cảnh ấy, ngày hai bữa cơm rượu phục vụ bố tôi chu tất, mặc dù gia đình lâm vào cảnh túng bấn.

                Cả nhà đều quyết tâm phải lo cho tôi đi học tiếp để tìm lối thoát cho tương lại. Vì tôi là con trai độc nhất của gia đình. Thím tôi đẻ 3 lần, giờ chỉ còn hai đứa con gái. Đời chú tôi  cũng long đong lắm, muốn tìm một công việc gì ổn định, chắc chắn mà không được. Cảnh dạy học tư, nay nơi này, mai chỗ nọ, cuộc sống bấp bênh lắm, thà về nhà làm ruộng cho yên. Chú tôi suy nghĩ lại, tiếc công cha mẹ nuôi dưỡng cho mình học đến đệ nhị niên trường Nord'Annam Thanh Hoá, biết mấy cơm gạo? Gia đình chỉ còn trông vào một thằng cháu này...

                Lần đi tính mãi rồi cũng tìm ra được lối thoát: Nhà anh chị Đỗ Lượng Định! Anh chị ấy nhà hơi nghèo mà tính tình rất cởi mở, tuy chỉ mới xuống lễ ở Tĩnh thờ thời ông nội tôi một hai lần để cầu tự. Bố tôi bảo chú tôi dẫn lên thưa chuyện trước. Anh chị Đỗ vui vẻ nhận lời ngay, nhưng thông cảm trước, nhà chỉ có cơm rau dưa muối sợ rằng anh Phổ học trò con một, kham khổ không quen. Chú tôi  cười, kể thực tình hình nhà tôi hiện nay. Anh chị Đỗ đầy vẻ ngạc nhiên: "Ở đây nhà ông Bản Hớn giàu có nhất làng Lượng Định lên thành phần phú nông, đóng thuế nông nghiệp tuỳ theo ruộng, chỉ có cái giảm tô, giảm tức thì thu bằng lúa cũng nhiều..." Chú tôi nói: "Nhà anh chị Phổ không phát canh thu tô, không cho vay nặng lãi, mà sạch cửa sạch nhà!"

                Tôi trở về sửa soạn sách vở, bút, mực và một khăn bao gạo. Sách vở vài ba quyển, mực thì một lọ đầy mua của người buôn chợ vùng Tề (vùng Pháp tạm chiếm) mang bán lại ngoài chợ Nguyễn giá đắt nhưng không có cặn, mực chảy thông, viết dễ, không như mực gói màu tím dạng viên hay bột, dùng ngòi bút sắt cũng bị vón cục ở đầu ngọn.

                Nhà anh chị Đỗ tuềnh toàng, bắt cong chỗ hồi làm cái xối nối thêm một gian rưỡi thành nhà ngang. Cả nhà nằm ngủ trong buồng, gian ngoài làm nơi làm hàng bánh tráng. Căn nhà chính 3 gian. Cái giường anh nằm trước đây giờ nhường lại cho tôi, còn hai gian anh đan đồ nứa trên nền đất nện nhẵn, bị vết dao lỗ chỗ. Ở ngoài cứ tưởng căn nhà yếu ớt, bão khẽ quật cũng bị đổ lăn quay, nhưng vào trong mới biết nó vững chãi ra phết. Vách dừng phên nứa, nhưng cột nhà làm  toàn bằng gỗ trẳng chôn chân, bão không thể lay, mối đừng hòng gậm. Nhà nông nghèo rất chuộng gỗ trẳng, giá rẻ mà bền. Cây trẳng thuộc loài lim đỏ sống lâu năm trong rừng, bị cây to tranh giành đất đai, không thể phát triển, cứ nhỏ quắt lại. Gian bếp tráng bánh của chị Đỗ, anh Đỗ mua được mấy cây trẳng lè bò (con queo như cẳng sao con bò) rất xấu, để chôn thật sâu làm cột phên vách.

                Nhà anh Đỗ chỉ có một sào ruộng, bốn nhân khẩu. Anh không cao lắm, vóc đậm đà, khoẻ mạnh cần cù, hiền lành, hay cười, ít nói. Anh làm nghề đan bồ nứa, phên nứa, cách ba bốn hôm lại đi rừng một hôm để tự đánh lấy nứa về đan, không phải mua đắt của người làng. Nứa đan bồ, đan phên cần loại nứa to bằng cổ tay thân cao, lóng dài, mắt thưa, phải qua ngọn Nưa, trèo năm sáu cái đông, lội ba con mau vào tận ngàn sâu, rừng già, không như đánh nứa trầu, nữa củi để rào dậu, đun nấu, đi gần hơn. Anh dậy từ lúc canh ba, sao hôm mọc đỉnh đầu, trong làng lẻ tẻ dăm ba tiếng gà gáy, đòn gánh trên vai buộc cơm nắm muối vừng, tay cầm con dao cấu, lưng đeo quả bầu già đựng nước đầu trần chân đất ra đi.

                Công đánh nứa không nhiều, đường đất đi về mới muôn phần vất vả. Gánh nữa dài trên vai, len lỏi trên lối mòn, qua cây rậm, rừng núi cứ níu vai giữ chân lại. Phải đánh vật với chúng, phải thắng tất cả, dù cái nóng hầm hập đốt lửa, hay cơn mưa rừng xối xả vào mặt, ai cũng đội trời đạp đất mà đi:

Đi núi thì phải treo đông
Liền bà cuộn  váy, liền ông cổi truồng

                Đó là câu ví hát của dân đi núi, luồn rừng đốn củi đánh nứa. Cho nên đàn ông cởi trần, mặc quần cộc sát bẹn. Đàn bà vùng Nưa, khi các nơi bỏ váy, họ vẫn mang "Cái trống mà thủng hai đầu, bên ta thì có, bên Tàu thì không"!

                Đi từ lúc sao hôm vượt quá đỉnh đầu, đến khi mặt trời chếch bóng, anh Đỗ cùng bạn đi núi mới về. Anh lăn ra giường, thở đánh phào trút hết hơi thở mệt nhọc, giang hai cánh tay gân bắp săn chắc, duỗi thẳng đôi chân dài đen trũi như cột nhà cháy rồi đánh thẳng một giấc không trở mình. Chiều tối, anh thức dậy, vừa lúc chị Đỗ đi chợ về, gánh hàng lịch kịch. Chị đem bánh tráng sống ra chợ Ngẵn quạt than bán bánh tráng chín. Tục ngữ nói: "Sớm chợ Nưa trưa chợ Ngẵn", hai chợ chỉ cách nhau khoảng một cây số. Chợ Nưa lớn, mặt hàng nhiều thứ, bán cả trâu bò, không phải chợ huyện Cầu Quan, mà nổi tiếng ngang chợ huyện:

Đồn rằng Cổ Định mở hội chợ Nưa
Ông cống, ông cử ra lo việc làng
Chự Nưa là chợ giữa đàng
Quan sang khách trọng cũng thường vãng lai

(Ca dao dân gian)

                Chợ Ngẵn nhỏ tí, họp ở rìa đàng cái, đầu làng Ngẵn nhỏ con, chừng mươi suất đinh. Không có lều quán, thế mà bày mặt nhiều loại hàng hoá, hầu hết nhu yếu phẩm phục vụ dân quê mấy làng xung quanh: Định Kim, Cầu Nhân, Lượng Định, Thanh Y, Bình Doãn, Lai Thôn. Chị Đỗ làm bánh tráng ngon, xay bột kỹ, tráng vừa lửa, quạt khéo tay, chào mời xởi lởi...Người chị cao lớn, hơi gầy, mặt xương xương không xấu, không đẹp, nét tươi vui trên khoé mắt, miệng cười dễ gây cảm tình. Chị bán đắt hàng, chẳng mấy phiên bị ế.


                Chị Đỗ quảy gánh nhẹ tênh về nhà. Hai đứa con chạy ra đón, miệng reo hò. Hôm nào cũng vậy, quanh quẩn gạo, rau, dưa, mắm, muối...Năm thì mười họ mới mua được dăm con cá nục khô, hay chục cá trích kho, đem từ kẻ bể lên bán, bữa cơm gia đình vui như bữa tiệc. Ở nhà, anh Đỗ đã nấu cơm xong, chỉ còn luộc rau, hay nấu nồi canh là xong. Tôi ăn bữa cơm đầu tiên ở nhà trọ mới, đại khái như vậy. Nhớ năm học lớp đệ nhị, tôi trọ ở nhà bà Thoả làng Cầu, được ăn sướng. Bà thường mua cá chuối đồng rán lên rồi mới kho. Tháng 7 tháng 8, mùa mưa lũ, khe hón núi Nưa nước chảy ào ào, những con cá gáy to bằng bàn tay xoè bị tù túng mãi trong mau, ngỡ sắp được hoá rồng, vượt qua bờ cỏ. Người ta mang đinh ba, chườm sắc đón đợi chúng trên khe, dưới hón. Cá cả lợn lớn giá đắt, chỉ nhà giàu mới có tiền mua. Bà Thoả mua loại cá này lược bỏ xương và đầu, chỉ lấy phần thịt để cả tảng bỏ vào vại ướp muối, nén chắc như nén cà. Ngày đông tháng giá khan hiếm thức ăn, mỗi lần một tảng cá muối lấy ra thái miếng nhỏ bằng ngón tay, kho ăn dần. Cả nhà ăn uống ngon lành. Riêng tôi tạng người yếu, ăn uống lẻo khẻo như mèo. Cá gáy ướp muối ăn có vị chua chua, ngon ngon, nhưng mặn chát đầu lưỡi, mà tôi lại không quen ăn mặn, trong khi mọi người, đã là nông dân, ai cũng thích ăn mặn. Chính anh Nậu nhà tôi, mỗi bữa ăn hết cả bát to cà muối mặn chát. Nông dân nói chung ưa ăn mặn, vì họ lao động vất vả, ra mồ hôi lắm, lượng muối trong cơ thể hao hụt nhiều, cần được bù đắp.

Nhưng thời thế đã đổi khác, buộc tôi phải thích nghi. Nhà tôi thường xuyên ăn cơm độn khoai, tôi được ưu tiên nhặt bớt khoai, bữa nào cũng rau muống chấm nước cáy. Nước cáy nhà tự làm lấy, ăn cạn lần này, lại đổ nước muối thêm vào. Đổ mãi thành nước muối, trong như mắt mèo, nhưng vẫn gọi là nước mắm cáy chỉ để đánh lừa "thần khẩu". Tuy biết mà không ai dám nói ra nói vào, vì nói ra cũng vô ích. Lắm bữa không có rau muống luộc, phải ăn cả rau muống sống, nhai sồn sột, chát lè lè. Mẹ tôi bảo: Rau muống luộc hao lắm, lại tốn củi lửa! Thấy tôi không nuốt nổi miếng cơm, nước mắt ứa ra, mẹ tôi thương lắm, nhà con một, đáng lẽ phải được chiều chuộng...Hôm sau mẹ tôi đi chợ Nguyễn mua về chục cá trích kho, bỏ thêm muối kho lại, mỗi bữa chia cho tôi nửa con, rồi 1/3 con, lại giảm xuống 1/4 con. Mỗi con cá trích to bằng ngón tay, thì 1/4 con chỉ bằng đốt tay.  Dần dần về sau, mẹ tôi đi chợ về, cái rổ nhẹ tênh, đặt xuống đất, nói to để cả nhà nghe: "Bữa nay chợ được một nhứm người, chả có lấy một vảy cá!"

                Ăn uống kham khổ mãi rồi không quen cũng phải quen. Bây giờ tôi rất nhanh chóng hoà nhập sinh hoạt gia đình anh  chị Đỗ: Trường kỳ rau muống luộc chấm nước mắm! Tuần sau tôi về nhà xin thêm tiền gạo. Mẹ tôi hỏi, tôi kể lại chuyện ăn uống ở nhà chị Đỗ. Mẹ tôi bảo: "Không phải nước mắm cá. Đó là nước muối nấu với lá chuối hột khô làm giả nước mắm!" Tôi cãi lại: "Nhưng mà con thấy hắn ngòn ngọt chứ không chát sì sì như nước mắm nhà ta!" Mẹ tôi im lặng không nói gì.

                Trường tư thục hay dân lập hồi ấy không tổ chức thi tuyển sinh. Ông hiệu trưởng thu nhận tất cả những ai muốn học, cốt đủ tiền trả lương giáo viên. Để tránh máy bay địch oanh tạc, chúng tôi phải học buổi tối. Mỗi học sinh tự sắm một cái bàn gỗ xếp thấp và ghế con ngồi với ngọn đèn chai. Chập choạng tối, tôi bắt đầu một tay cắp bàn ghế, một tay xách đèn chai, cuốn vở mỏng đút túi quần cùng cái bút máy tòng tọc, "vặn cổ đổ mực". Đường đi từ Lượng Định để Cổ Định qua cánh đồng Nấp Nưa chừng hơn một cây số. Làng Lượng Định tên Nôm là làng Vặng: "Làng Càu vặn giắng, làng Vặng đan bồ". Huyện Nông Cống có hai làng Vặng. Người ta gọi làng Vặng có nghề dệt chiếu cùng xã Tế Độ, bên sông Hoàng là Vặng Cách (tiếng dệt chiếu cóc cách), làng Vặng chuyên đan bồ là Vặng Nứa, Vặng Bịch (nay thuộc xã Tân Khang) dưới chân núi Nưa. (Nhiều nơi gọi cái bồ là "cái bịch").

                Ở Lượng Định, cũng có mấy anh học trường Cổ Định, hẹn nhau tại Cầu Trắng, cùng đi cho vui, cảm thấy chẳng mấy bước chân đã đến lớp. Lớp học mượn nhà dân. Bàn ghế học sinh tự túc. Thầy giáo đứng. Ngọn đèn chai ám muội khói tù mà tù mù trông xa như con đom đóm đực, chẳng soi rõ mặt ai với ai. Bấy giờ có bán đèn măng-xông sáng hơn đèn điện, nhưng nhà trường không đủ tiền dùng. Khoản chi phí rất cao: Dầu xăng hiếm, mạng đèn phải mua của Trung Quốc giá đắt, bị thủng rách luôn. Hơn nữa, đề phòng máy bay địch, hễ nghe tiếng kẻng báo động, đèn chai còn phải tắt ngay, huống chi đèn măng-xông. Chờ kẻng báo yên, đèn đóm mới được thắt lại. Mọi thứ đều dễ, riêng măng xông phải bơm hơi, nhiều khi bơm mỏi rời tay, bị trục trặc chỗ nào, tự mày mò sửa lấy, cả tiếng đồng hồ chưa chắc đã xong. Đành cứ đèn chai vật! Bây giờ, tôi sống ở nông thôn đã mấy năm rồi, mất điện là chuyện cơm bữa. Tìm nến, nến đã cháy lụi, sờ đèn pin Rạng Đông, pin chóng hết quá, tù mà tù mù, lại nhớ đến ngọn đèn chai kháng chiến, soi tỏ lớp học, soi sáng cả đường dài chiến dịch, từ hậu phương ra tiền tuyến.

                Tôi nhớ nhất giờ giảng văn của thầy giáo Trần Lê Văn. Nghe nói thầy là nhà thơ. Như vậy, tôi đã được học Việt văn với một nhà văn (Trần Thanh Địch), một nhà thơ (Trần Lê Văn) liệu tôi có thành cái gì, hay rốt cuộc tôi vẫn chỉ là tôi? Thầy Nguyễn Trác (lớp đệ nhị) thì sao? Thầy phê học sinh không biết làm văn (trong đó có tôi).

Thầy giáo Nhà thơ Trần Lê Văn dạy văn hay, phân tích kỹ, so sánh hình ảnh anh bộ độ chống Pháp qua những câu thơ:

-Tây tiến đoàn quân không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
(Tây tiến)

-Các anh bộ đội
Sao hiền như lúa xanh?
(Qua sườn Tam Đảo)

-Này anh pháo binh  ơi!
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở dưới chân đồi
Có giàn hoa lý, có người tôi thương.
(Nhà tôi)

                Thầy Trần Lê Văn giảng bài không có sách, hai tay chắp lại sau lưng, vừa đi vừa vung tay theo nhịp bước chân, chúng tôi ngồi im phăng phắc há miệng ra nghe. Những câu thơ, tên bài, trích dẫn trên, tôi ghi theo trí nhớ, có thể sai khác chút ít, bây giờ hồi tưởng lại vẫn thấy nguyên vẹn cảm nhận của mình lúc ấy, mặc dù thời gian đã 65 năm sóng vùi gió dập!

(còn nữa)

                                  HTP/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét