21 thg 7, 2019

GIẺ CÙI TỐT MÃ

Chim giẻ cùi
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Giẻ cùi tốt mã Giẻ cùi (vốn chỉ được mỗi một ưu điểm là) tốt mã mà thôi. Hay dùng để nhắc mọi người là hãy chú trọng nhiều hơn tới thực chất, chứ đừng hoa mắt lên trước vẻ loè loẹt bề ngoài”.  
-Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Tốt mã giẻ cùi • ng. (Giẻ cùi là một loài chim có bộ lông đẹp và có đuôi dài) ý nói: Chỉ tốt ở bề ngoài thôi <> Đừng tin vào lời nói ngọt xớt của mụ ta, chẳng qua chỉ là tốt mã giẻ cùi mà thôi”.

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Giẻ cùi tốt mã [Tốt mã giẻ cùi] Gngh: Có vỏ mà nỏ có ruột. (giẻ cùi: còn gọi là phượng hoàng nam hay phượng hoàng đất, một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông sặc sỡ, tiếng hót không hay). Hình thức bên ngoài bảnh bao sáng sủa mà đầu óc tối tăm, rống tuếch, không ra gì, không làm được gì có ích. “Giẻ cùi tốt mã dài lông/Bên ngoài hào nhoáng bên trong ra gì” (Cd). Tham khảo: Nhận định như vậy có lẽ oan cho giẻ cùi vì loài chim này rất có ích, nó ăn toàn sâu bọ. (Đào Văn Tiến)”.
Tổ chim giẻ cùi
Ảnh: ST

          Nhận xét của chúng tôi:
          -Trong “Từ điển tục ngữ Việt”, Nguyễn Đức Dương chỉ mới diễn giải câu nói của dân gian (“Giẻ cùi tốt mã” = “Giẻ cùi (vốn chỉ được mỗi một ưu điểm là) tốt mã mà thôi”), chứ chưa giải thích nghĩa đen thành ngữ. Mặt khác, cách giảng nghĩa cũng không chính xác, vì cái ý khuyên nhủ “Hay dùng để nhắc mọi người là hãy chú trọng nhiều hơn tới thực chất, chứ đừng hoa mắt lên trước vẻ loè loẹt bề ngoài”, khiến người ta nghĩ đến câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, chứ không phải “Giẻ cùi tốt mã”.
          -GS. Nguyễn Lân có giải thích nghĩa đen kỹ hơn. Nhưng tại sao “Giẻ cùi là một loài chim có bộ lông đẹp và có đuôi dài”, trong mắt của dân gian nó lại chỉ được xem là “tốt bề ngoài thôi”, thì không thấy giải thích. Đặc biệt, ví dụ “Đừng tin vào lời nói ngọt xớt của mụ ta, chẳng qua chỉ là tốt mã giẻ cùi mà thôi”, cho thấy nhà biên soạn từ điển đã dùng sai (hoặc hiểu sai). Vì “lời nói ngọt xớt” không đáng tin của “mụ ta” khiến người ta nghĩ đến thành ngữ “Đầu môi chót lưỡi”, chứ không ai ví với vẻ tốt mã của con chim giẻ cùi.
          -Trong 3 cách giải thích, thì “Từ điền thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung đáng ghi nhận hơn cả. Theo đó, sách này giải thích tương đối chính xác về nghĩa đen “một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông sặc sỡ, tiếng hót không hay”, và nghĩa bóng “Hình thức bên ngoài bảnh bao sáng sủa mà đầu óc tối tăm, rống tuếch, không ra gì, không làm được gì có ích”.
Giẻ cùi đang ăn quả
Ảnh: ST

Giống chim giẻ/dẻ cùi (Urocissa erythroryncha), thuộc họ quạ (Corvidae), gồm nhiều loài, như: giẻ cùi sáo cờ, giẻ cùi mỏ to, giẻ cùi mỏ vàng, giẻ cùi vàng, giẻ cùi xanh, giẻ cùi bụng vàng… Chúng đều có chung một đặc điểm là sắc lông sặc sỡ; mỏ và chân vàng, nâu, hoặc đỏ. Riêng giẻ cùi mỏ vàng có đôi mắt nâu, mỏ vàng tươi, chân đỏ vàng cam, đuôi dài tới hơn 40cm. (*) Trung Quốc gọi loài chim giẻ cùi là chim thước xanh mỏ vàng (紅嘴藍鵲-hồng chuỷ lam thước).
Khi bay, màu lông phớt xanh trên đôi cánh bóng mượt của giẻ cùi xoè rộng, cùng cái đuôi dài màu tím xanh viền trắng tha thướt, chấp chới, toả sáng trong không trung, trông rất đẹp mắt. Chim giẻ cùi, dân gian còn gọi là chim phướn, chim giải phướn (tên gọi theo cái đuôi dài, trông như cái giải phướn). Ngoài ra, nó còn được dân chơi chim cảnh đặt cho một số cái tên mĩ miều như: phượng hoàng đất, chim loan, loan phượng…(**)
Giẻ cùi mang vẻ đẹp thần tiên
Ảnh:ST

Mang vẻ đẹp tuyệt mỹ, nhưng loài chim giẻ cùi chỉ biết kêu với thứ âm thanh xoèn xoẹt như mài dao, vét vét như tiếng con vẹt, hoặc rít lên như tiếng sáo chói tai, chứ không biết luyến láy, véo von... Giẻ cùi lại hay bắt chước tiếng kêu của loài chim khác, với những âm thanh hỗn tạp chẳng mấy vui tai.
Giẻ cùi ăn thịt một con chim nhỏ
Ảnh: ST

Đặc biệt, giẻ cùi là loài chim rất tạp ăn. Ngoài một số loại hạt, quả; chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng; thậm chí là đi phá tổ, cướp trứng và ăn thịt chim non, thịt các giống chim nhỏ khác; chúng còn chén cả loài côn trùng gớm ghiếc mà tất cả các loài chim khác phải “chào thua”, đó là bọ nẹt (Bọ nẹt đã có dẻ cùi-tục ngữ). Nhưng trên hết, sự bẩn thỉu, ghê sợ đến tột cùng của loài chim mang vẻ đẹp thần tiên này trong mắt dân gian, là nó thích xơi phân chó: “Dẻ cùi tốt mã dài đuôi, Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.” (ca dao).
Giẻ cùi bắt rắn
Ảnh: ST
Giẻ cùi săn được một con cóc
Ảnh: ST

Không hiểu sao trong thực đơn của loài chim săn mồi, ưa ăn thịt sống này lại có thêm một món ưa thích là chất thải của động vật. Chưa thấy tài liệu khoa học nào nói đến điều này. Phải chăng, giẻ cùi tìm đến bãi phân chó, bởi đây chính là nơi thu hút ruồi muỗi, rồi ruồi muỗi lại thu hút cóc nhái đến kiếm ăn? Và cóc nhái mới chính là đối tượng săn bắt của giẻ cùi? Tương tự như loài chim chích choè bị dân gian quy cho thói ăn phân trâu. Kỳ thực chúng thường đợi đến lúc chập choạng tối rồi sà xuống các bãi phân để chộp lũ nhái đang say sưa rình đớp côn trùng?
Giẻ cùi ăn thịt chuột
Ảnh: ST

Có lẽ chúng ta không cần băn khoăn, và cũng không nên đặt vấn đề “Nhận định như vậy có lẽ oan cho giẻ cùi vì loài chim này rất có ích, nó ăn toàn sâu bọ”, bởi dân gian không cần biết đến điều đó. Trong con mắt của họ, giẻ cùi chỉ “tốt mã dài đuôi”, “hay ăn cứt chó”, nên bị khinh thường. Dân gian đặt nên thành ngữ để ám chỉ những kẻ có vẻ bề ngoài bảnh bao, sang trọng, nhưng bên trong ti tiện, rỗng tuếch, bất tài, vô dụng. Cũng giống như cây thài lài ưa phân chó (Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó-tục ngữ), thì bất kể loài thực vật này có công dụng làm thuốc ra sao, dân gian vẫn quan niệm: “Thài lài mọc cạnh bờ sông/Tuy rằng xanh tốt nhưng/vẫn tông thài lài”!(***)
HTC/7/2019

(*) Theo sách "Chim Việt Nam, hình thái và phân loại" (GS. Võ Quý - NXB Khoa học và kỹ thuật-Hà Nội 1981).
(**) Cách đây 1 năm, tôi còn nhin thấy chim giẻ cùi ở dãy núi U Bò, thuộc xã Anh Sơn-Tĩnh Gia-Thanh Hoá.
(***) Ở nước láng giềng Trung Quốc, giẻ cùi với cái tên "chim thước xanh mỏ vàng", lại được xem là loài chim quý, thường hiện diện trên các bức tranh hoa điểu. Sự khác biệt trong sự nhìn nhận, đánh giá về cùng một sự vật hiện tượng giữa các dân tộc khác nhau là chuyện hoàn toàn bình thường.

1 nhận xét:

  1. Chưa hẳn là vậy. Tục ngữ là những gì gần gũi nhất với người dân, phổ biến nhất với người dân. Mà thời xửa nếu nói nuôi chim cảnh đã hiếm, lại là loài chim "giẻ cùi" cũng xa lạ với hầu hết người dân. Nên sửa câu "giẻ cùi tốt mã" thành "rẻ cùi, tốt mả" cùi là phần bên trong rẻ rúm, tốt mã là tốt bề ngoài.

    Trả lờiXóa