19 thg 4, 2023

"Hiểu Việt Nam" trích đăng "Chạy Trời Không Khỏi Nắng"

 

Hiểu Việt Nam số 1-3/2023
NXB Hội Nhà văn -Tao Đàn

                             HOÀNG TUẤN PHỔ


       Chuyên đề "Hiểu Việt Nam" số đầu tiên (3/2023) trích đăng hồi ký "Chạy trời không khỏi nắng" của Hoàng Tuấn Phổ.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả TCTP.

Sau đây là đoạn đầu nội dung trích đăng trong HVN.

[…]

Cụ Tổ họ Hoàng tôi, vốn quê tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, cụ mồ côi cha mẹ, không có chỗ nương tựa, phải ở nhờ người cô ruột (họ Hoàng) lấy ông Bùi Quảng, làm quản tượng trong đội Tượng binh nhà Tây Sơn, đóng ở phủ Hiến Nam (nay là Thành phố Hưng Yên). Cụ Tổ ở với cô được hai năm, lệnh triều đình nhà Tây Sơn điều đội Tượng binh vào Thuận Hoá để bảo vệ kinh thành Phú Xuân. Không thể mang theo cụ Tổ tôi, bà cô gửi lại con trai là Bùi Nam làm thủ kho Trấn thành tỉnh Thanh Hoá. Thời gian sau, nhà Tây Sơn bị chúa Nguyễn Ánh đánh bại, vua Quang Toản, Tổng trấn Bắc thành Quang Thuỳ, Tổng trấn Thanh Hoá Quang Bàn đều bị bắt giết. Thủ kho Bùi Nam khiếp sợ trốn chạy về làng Văn Đoài, xã Văn Trinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá).

9 thg 4, 2023

TỪ “CHÂM BIẾM” ĐẾN “SÂU CAY”

 

Chích nhọt bằng kim đá.
Bệnh nhân bị giữ chặt trong sự đau đớn.

Tranh minh hoạ: Trung Quốc
HOÀNG TUẤN CÔNG


     Có lẽ hầu hết chúng ta đều hiểu và dùng đúng từ châm biếm. Như tranh châm biếm, lời thơ châm biếm, châm biếm sâu cay… Tuy nhiên, vì sao lại gọi là châm biếm? Do đâu châm biếm lại thường đi với sâu cay?

1-Châm biếm là gì?

Châm biếm vốn chỉ một phép chữa bệnh, châm bằng kim đá, mà người xưa gọi là biêm , châm biêm 針砭 (cũng viết 鍼砭), hay biêm thuật ,…

8 thg 4, 2023

THANH MINH - “ĐẠP THANH”, VÀ “TẢO MỘ”

 

Đạp Thanh ngày nay ở Trung Quốc
Ảnh: Nhật báo Hồ Bắc 
     HOÀNG TUẤN CÔNG


      Nhắc đến tiết Thanh Minh, có lẽ người Việt Nam ít ai không biết đến câu Kiều Thanh Minh trong tiết tháng ba/Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu chính xác về thanh minh, đạp thanh, và tảo mộ, kể cả các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt.

1-Tiết Thanh Minh là gì?

Nếu căn cứ vào từ điển tiếng Việt, thì chúng ta thấy cách giảng không thống nhất, thậm chí có nhiều cuốn giảng sai:

29 thg 3, 2023

“XÁN LẠN”, “SÁN LẠN”, “SÁNG LẠN”, HAY “SÁNG LẠNG”?

 

Ảnh minh hoạ; ST
       HOÀNG TUẤN CÔNG
    

Cả hai cuốn sách Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội - 2003) và Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018), đều hướng dẫn phải viết sán lạn mới đúng.

“DÙI MÀI” VÀ “MÀI DÙI”

 

Ma chử thành châm
Tranh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG


Trai thời đọc sách ngâm nga,

Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa.

(Cdao)

Ba đông đèn sách dùi mài,

Phạm Công nào đã biết ai có tình!

    (Phạm Công Cúc Hoa)

         Vì sao lại nói Dùi mài kinh sử?

16 thg 3, 2023

“KHÚC CHIẾT” HAY “KHÚC TRIẾT”?

Ba Sơn - dãy núi khúc chiết hình chữ ba 
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG
     

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm Từ điển học Vietlex – NXB Đà Nẵng - Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) thu thập và giải nghĩa:

 khúc chiết 曲折 t. 1 [cũ, ít dùng] quanh co, không thẳng. lựa lời khúc chiết để chối quanh; 2 [cách diễn đạt] có từng đoạn, từng ý, rành mạch và gãy gọn. lời văn khúc chiết ~ “Giọng rõ ràng, khúc chiết, thầy nói đến đâu dẫn ra sự việc chứng minh đến đấy.” (Đoàn Giỏi).

13 thg 3, 2023

“NUÔI BÁO CÔ” CÓ PHẢI LÀ NUÔI “BÀ CÔ”?

                     HOÀNG TUẤN CÔNG

Minh hoạ của Petrotimes

 

     “Trong ngôn ngữ dân gian, báo cô hay nuôi báo cô có nghĩa là nuôi người chỉ ăn hại, không giúp ích được gì. Trong gia đình, dòng họ, dù bị lên án là đồ báo cô nghĩa là kẻ vô tích sự nhưng không thể vất đi như một món đồ hư hỏng, thủng bẹp. Gia đình ấy, dòng họ ấy kể cả những bậc cha già, mẹ héo hoàn cảnh cơ hàn vẫn phải nuôi báo cô kẻ ấy…” (Bao giờ hết…báo cô? - petrotimes.vn - 2015).

        Vì sao lại gọi là “nuôi báo cô”?

12 thg 2, 2023

RẮC RỐI “NHÂN TÌNH” VÀ “TÌNH NHÂN”


             HOÀNG TUẤN CÔNG


     Nhân tình
 và tình nhân là hai từ Việt gốc Hán có hai nghĩa khác nhau. Nhân tình人情 = tình người; tình cảm giữa người với người; lòng dân, tình hình dân chúng; còn tình nhân 情人 = người tình; người yêu.

Tuy nhiên, thực tế sử dụng hai từ này trong tiếng Việt lại khá rắc rối. Nhiều người dùng đúng, nhưng cũng không ít người nhầm lẫn, đánh đồng, hoặc không phân biệt rõ ràng giữa hai từ nhân tình và tình nhân.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) ghi nhận cách dùng trong thực tế như sau:

30 thg 1, 2023

TRAO ĐỐI NGẮN VỀ MỘT CÂU CHUYỆN DÀI: “TÍNH CÁCH NGƯỜI THANH HOÁ VÀ SỰ KỲ THỊ VÙNG MIỀN”

 

Nhà nghiên cứu Thái Hạo (trái) trong buổi
trò chuyện tại Tuấn Công Thư Phòng
TCTP: Năm mới Quý Mão, Nhà nghiên cứu Thái Hạo ghé chơi Tuấn Công Thư Phòng. Nhân đây, chủ nhân TCTP có cuộc trao đổi ngắn về một câu chuyện dài “Người Thanh Hoá và sự kỳ thị vùng miền”. Xin trân trọng gửi tới độc giả một phần của cuộc trò chuyện này.

-Hoàng Tuấn Công: Thưa ông Thái Hạo, tôi có đọc một số bài viết ông đề cập đến những thói hư tật xấu mang tính cố hữu của người Việt. Gần đây nhất là bài “Tiếng cười, tiếng chửi và tiếng nói”. Vậy ông có bài viết nào về tính cách của người Thanh Hoá không?

21 thg 1, 2023

CON MÈO TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI DÂN GIAN

 

Mèo trong tranh Đông Hồ
Ảnh: ST
                          HOÀNG TUẤN CÔNG 

    Người Trung Quốc coi Mão là năm con Thỏ, trong khi với người Việt Nam, Mão lại là năm con Mèo. Có nhiều cách giải thích về sự khác biệt này. Ví như Nhà sử học người Pháp Philippe Papin cho rằng, do Mão (thỏ) trong tiếng Hán gần âm với mèo trong tiếng Việt, nên con thỏ mới biến thành con mèo. Ý kiến khác lại cho rằng, với những cư dân trồng trọt thì mèo có tài bắt chuột mới là con vật có vị trí quan trọng. Đây chính là lý do người Việt thay thỏ bằng mèo.

         Quả tình, với người Việt Nam, con thỏ mờ nhạt trong đời sống kinh tế văn hoá bao nhiêu, thì ngược lại, con mèo lại gần gũi và chiếm một vị trí quan trọng bấy nhiêu. Chỉ tính riêng lời ăn tiếng nói dân gian, thì con mèo xuất hiện trong thành ngữ tục ngữ chiếm vị trí áp đảo so với con thỏ.

NĂM MÃO KỂ CHUYỆN MIÊU THẦN

         

        
Tranh mèo (khắc gỗ)
Ảnh: ST
                        HOÀNG TUẤN CÔNG
        
    Trong lục súc (sáu con vật nuôi trong nhà: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn) không có tên con mèo. Tuy nhiên, không phải vậy mà trong thực tế con mèo không có vị thế quan trọng trong đời sống của những cư dân trồng trọt. Ngược lại, nhờ tài bắt chuột bảo vệ lương thực, mùa màng mà mèo đã được con người thuần hoá từ 1.500 năm TCN. Bài tập đọc của học trò lớp đồng ấu xưa có câu Miêu bộ thử, cẩu khán gia, ngưu canh điền, mã vãn xa, hùng kê năng minh minh…, nghĩa là: mèo bắt chuột, trâu cày ruộng, ngựa kéo xe, gà trống gáy báo sáng...Theo đây, nhiệm vụ bắt chuột của mèo được đặt ngang hàng với công việc của những con vật có tên trong lục súc. Thậm chí dân gian cho rằng, diệt chuột là một sứ mệnh đặc biệt mà nhà Trời đã giao cho mèo.

Truyện cổ Miêu thần hay sự tích chuột và mèo kể rằng, mèo và chuột vốn là hai vị Thử thần và Miêu thần trên Thiên đình (thử trong tiếng Hán có nghĩa là chuột). Thử thần vốn là vị quan thanh liêm, giữ chức Thiên khố giám (trông coi kho lẫm nhà Trời). Do thấy của cải nhà Trời nhiều không kể xiết, Thử thần nảy sinh lòng tham, thường hay trộm cắp, bớt xén, nên bị Ngọc Hoàng bãi chức và đày xuống trần gian, hóa kiếp làm con vật tý hon, mồm nhọn, răng sắc, đuôi dài, sống chui rúc trong các xó xỉnh, cống rãnh.

“TẾT SUM VẦY”, HAY “TẾT XUM VẦY”?

 

Tết xưa
Ảnh: TL
               HOÀNG TUẤN CÔNG

     Độc giả gửi tới chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa hỏi: “Một trường tiểu học nọ lên ma két chương trình mừng Xuân Quý Mão 2023 có tên Xuân yêu thương, Tết xum vầy. Tôi thấy phổ biến là dùng sum vầy, nhưng người làm ma két lại nói phải viết xum vầy mới đúng. Vậy xin chuyên mục cho biết, Tết sum vầy hay Tết xum vầy đúng chính tả”.

9 thg 1, 2023

“ĐỘNG RỪNG” HAY “ĐỘNG DỪNG”?

 

Sự chằng chịt của các loại dây leo
trong rừng rậm
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Những là e ấp dùng dằng,

Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi

(Truyện Kiều)

Làm chi mặt vược mặt lăng,

Dứt dây chẳng sợ động rừng kia ru?

(Trinh Thử)

SƠN THUỶ CÓ TÌNH VỚI AI?

 

Thác Bản Giốc, một điển hình của
Sơn thuỷ hữu tình
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Ở đây sơn thủy hữu tình,

Có thuyền có bến có mình có ta.

Ở đây sơn thủy bao la,

Có thuyền có bến có ta có mình.

      (Ca dao)

 

3 thg 1, 2023

"XOAY XỞ” HAY “XOAY SỞ”?


Minh họa: ST

            HOÀNG TUẤN CÔNG


    Trong tiếng Việt, xoay xở thường bị xem là một từ láy. Có lẽ người ta cho rằng, xở chỉ là yếu tố láy của xoay. Bởi thế, Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Giáo Dục – 1994) thu thập và giải nghĩa như sau:

-“xoay xở đgt. Làm bằng mọi cách sao cho đạt được mục đích, có được cái cần có. Xoay xở để kiếm cho bằng được một căn hộ đẹp. Anh ta là người giỏi xoay xở. Xoay xở đủ cách vẫn không được việc. “Xem ra chỉ có cái tài chạy việc vặt và xoay xở chứ chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn.” (Ma Văn Kháng)”.

23 thg 12, 2022

“VÔ HÌNH TRUNG” HAY “VÔ HÌNH CHUNG”?

 

       HOÀNG TUẤN CÔNG
    

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex – Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt – NXB Đà Nẵng 2017) thu thập và giải nghĩa “vô hình trung 無形中” là:tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế [tạo ra, gây ra việc nói đến]”. Từ điển này lấy ví dụ: “không nói gì, vô hình trung là thành đồng ý”.

29 thg 11, 2022

“ĐỘC LẬP” VÀ “TỰ CHỦ”


Độc lập luôn là khát vọng của Đài Loan
        HOÀNG TUẤN CÔNG

Những từ dùng sai trong tiếng Việt” là bài viết dĩ hư truyền hư, nhưng lại được không ít người tâm đắc, đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên mạng trong nhiều năm qua. Theo tìm hiểu của tôi, thì bài viết này từng được đăng trên trang của nhà văn Triệu Xuân (trieuxuan.vn) vào “Thứ sáu, 02:20 Ngày 17/01/2014”, phần tác giả ghi “Đỗ Duy Ngọc soạn theo tư liệu trên internet”, với lời chú “tác giả gửi w.w.w trieuxuan.info”. Bản thân tôi cũng từng được đọc bài này trên trang FB của Đỗ Duy Ngọc.

28 thg 11, 2022

“SỰ CỐ” CÓ PHẢI LÀ “MỘT TỪ VÔ NGHĨA”?

Hình minh hoạ ST
     HOÀNG TUẤN CÔNG

Những từ dùng sai trong tiếng Việt” là bài viết có rất nhiều sai sót, thậm chí là “tuyên truyền nhảm”, nhưng lại được không ít người tâm đắc, đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên mạng trong nhiều năm qua. Không rõ bài viết của ai, chỉ thấy người ta ghi là “sưu tầm”. Còn sưu tầm ở đâu thì không thấy ghi rõ. Theo tìm hiểu của tôi, thì bài viết này từng được đăng trên trang của nhà văn Triệu Xuân (trieuxuan.vn) vào “Thứ sáu, 02:20 Ngày 17/01/2014”, phần cuối bài ghi “Đỗ Duy Ngọc soạn theo tư liệu trên internet”, với lời chú “tác giả gửi w.w.w trieuxuan.info”.

3 thg 11, 2022

TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP MẮM”

             

Mắm cá cơm hoà toàn 
có thể gắp được
Ảnh: ST
                          HOÀNG TUẤN CÔNG
       

      Trên báo Thanh Hoá (số thứ ba, ngày 4/10/2022), mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” có bài “Liệu cơm gắp mắm” của Hoả Diệu Thuý (HDT). Đây là câu tục ngữ khá quen thuộc, tưởng chừng không có gì cần phải bàn thêm nữa. Tuy nhiên, tác giả bài viết đã đặt vấn đề khá thú vị về cách hiểu cặn kẽ nghĩa đen, nghĩa bóng câu tục ngữ. Tiếc rằng, do thiếu am hiểu về thực tế đời sống cũng như lời ăn tiếng nói của dân gian, nên tác giả đã giải quyết vấn đề theo lối cảm tính, tuỳ hứng, tiền hậu bất nhất, dẫn đến những sai sót đáng ngạc nhiên. Để tránh "dĩ hư truyền hư", chúng tôi xin lần lượt trao đổi lại một số điểm như sau:

26 thg 10, 2022

"LÚA" LÀ "THÓC", KHÔNG PHẢI "SẠN"!



    HOÀNG TUẤN CÔNG

    Trong bài viết: Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1không chỉ riêng bộ Cánh Diều” tác giả Xuân Dương đã “nhặt sạn” như sau (trích):

-“Trong tiếng Việt, các cụm từ “hạt lúa” và “hạt thóc” đôi khi được dùng với ý nghĩa tương tự, tuy nhiên thực tế cũng có sự phân biệt, khi chưa gặt, khi hạt còn gắn trên “bông lúa” thì gọi là “hạt lúa”, khi bị tuốt khỏi bông thì hạt đó gọi là “hạt thóc”.

Áp dụng vào ngữ cảnh bài “Gà mẹ chăm con” thì sử dụng từ “hạt lúa” là không phù hợp bởi liên quan đến câu: “Khi hết lúa, gà mẹ gọi con ra khóm chuối ở cuối vườn”.

“Lúa” là loại cây trồng, không phải hạt, nói “hết lúa” không có nghĩa là “hết thóc”, vì thế ngữ liệu bài viết không phù hợp về khoa học, “lúa” không phải thứ mà đàn gà tìm kiếm bởi trâu bò có thể ăn “lúa” chứ gà thì không.

Nếu bài viết được sửa: “… Ở đó có nhiều hạt thóc còn sót lại” thì câu văn phía dưới: “Khi hết thóc … ” sẽ không gặp vấn đề về “sạn”.(hết trích).