9 thg 1, 2023

“ĐỘNG RỪNG” HAY “ĐỘNG DỪNG”?

 

Sự chằng chịt của các loại dây leo
trong rừng rậm
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Những là e ấp dùng dằng,

Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi

(Truyện Kiều)

Làm chi mặt vược mặt lăng,

Dứt dây chẳng sợ động rừng kia ru?

(Trinh Thử)

Trong các câu Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi; Dứt dây chẳng sợ động rừng kia ru?, tác giả Truyện KiềuTruyện Trinh Thử, đã vận dụng câu tục ngữ Việt Nam Rút dây động rừng. Câu này xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm thơ văn cổ. Tuy nhiên, trong thực tế, câu Rút dây động rừng, còn có một dị bản nữa là Rút dây động dừng.

Có một điều rắc rối là chữ rừng (Nôm) còn có một âm đọc nữa là dừng (trong câu Tai vách mạch dừng). Bởi thế, phiên âm Rút dây động rừng, hay Rút dây động dừng, còn tuỳ theo cách hiểu và cách đọc của từng người. Theo đây, nhiều người cho rằng phải là “động dừng” mới đúng, vì “dừng” ở đây là  cốt để trát bức vách”. Ví dụ sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân - NXB Tổng hợp TP HCM - 2001) giải thích: “rút dây động dừng • ng. (Dừng là cốt để trát bức vách) Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác <> Kiện anh ta thì làm phiền lòng ông bố là người rất tốt như thế sẽ là rút dây động dừng”. Sách này lưu ý là “Nhiều người nói lầm là rút dây động rừng”.

Vậy, trong hai bản “động rừng” và “động dừng”, bản nào chính xác?

Thực ra, Dứt dây động dừng, mới là cách nói “nói lầm”.

Bởi thứ nhất, nếu là “dừng là cốt để trát bức vách”, thì “dứt dây” gì ở “bức vách”? Thứ hai, giả sử “dây” ở đây là dây buộc ở một bức vách đất bé nhỏ đã long lay, lòi cả dây lạt buộc xương vách ra, thì khi người ta cầm và giật (dứt) thì việc nó “động” cũng là chuyện thường. Bởi cái dây đó ràng buộc, liên quan trực tiếp tới bức vách. Theo đây, phải là dứt một cái dây mà động tới cả cánh rừng, thì mới mới thâm thuý và đúng ý dân gian.

Xét nghĩa đen, rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ… Ngoài thực vật còn có muôn loài động vật, muông thú lớn nhỏ. Thợ sơn tràng, hay tiều phu thường rút các sợi dây leo còn tươi nguyên trong rừng để buộc, néo các loại củi, gỗ, nứa, lâm thổ sản thành bó. Trong khi dây leo ở rừng có thể dài đến cả hàng chục mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám từ cây nọ sang cây kia. Thế nên, Rút dây động rừng, có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng! “Động” theo nghĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, động chạm đến thực thể khác. Dứt dây → cây động → lũ chim giật mình đập cánh → bầy nai hoảng sợ → hổ báo cũng chồm dậy → tất cả náo động... Thế là loạn cả lên. Cứ như là như động rừng vậy!

Dứt hay rút một sợi dây mà làm động đến cả cánh rừng! Đó là mối quan hệ mang tính biện chứng sâu sắc. Thế nên tục ngữ Hán cũng có các câu Nhất căn trụ tử động, căn căn phòng lương dao 一根柱子動, 根根房梁搖 (Một cây cột bị lay, tất cả cột kèo ngôi nhà rung chuyển); hay Nhất tiết động nhi bách chi dao 一節動而百枝搖 (Lay một nhánh mà làm rung chuyển trăm cành lá), đều dùng sự so sánh một sự vật bé nhỏ nhưng liên quan, gắn bó, tác động tới nhiều sự vật khác. Những hình ảnh dân gian ví von, so sánh không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người.

Tục ngữ lời ngắn mà ý nghĩa lớn là vậy!

                                                                  HTC/2023

1 nhận xét:

  1. Nếu chấp nhận những dị bản, hiện có, kể cả trong văn nói, văn viết, trên mạng, văn bản, báo chí, radio, tivi, ... mọi nơi, thì không thể kể hết ra được, thí dụ:
    Bản gốc - dị bản:
    - Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ - Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.
    - Nhất nhuệ tinh, nhất thân vinh - Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
    ...
    - liên lạc, liên quan bị biến thành liên hệ
    - bang giao, giao thương, ngoại giao bị biến thành quan hệ.

    Trả lờiXóa