Ba Sơn - dãy núi khúc chiết hình chữ ba 巴 Ảnh: ST |
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm Từ điển học Vietlex – NXB Đà Nẵng - Bản có chú chữ Hán cho những
từ Hán Việt) thu thập và giải nghĩa:
“khúc chiết • 曲折 t. 1 [cũ, ít dùng] quanh co, không thẳng. lựa lời khúc chiết để chối quanh; 2 [cách diễn đạt] có từng đoạn, từng ý, rành mạch và gãy gọn. lời văn khúc chiết ~ “Giọng rõ ràng, khúc chiết, thầy nói đến đâu dẫn ra sự việc chứng minh đến đấy.” (Đoàn Giỏi).
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm Từ điển học Vietlex) là một cuốn từ điển có uy tín bậc nhất hiện
nay, đã thu thập và giải nghĩa như vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngữ
liệu mà chúng tôi thu thập từ báo chí và mạng xã hội cho thấy, bên cạnh khúc chiết, thì khúc triết cũng là cách viết được khá nhiều người sử dụng. Ví dụ:
1-“Cực kỳ ấn tượng cách chạy
cổ ngọn khúc triết nhưng rất đẹp của
anh trai này”. (“chạy cổ ngọn” ở đây là thuật ngữ của những nghệ nhân tạo dáng cây cảnh
– HTC)
2-“…Cobi Tower mang hơi
thở của kiến trúc hiện đại, đơn giản, khúc
triết nhưng đầy sang trọng”;
3-“…có những sinh viên
[…] đã bình tĩnh trả lời đầy đủ, khúc
triết theo từng cấp độ,…”.
Khúc triết không chỉ tồn tại trong
thực tế, mà còn xuất hiện cả trong từ điển chính tả. Cụ thể, cả hai cuốn Từ
điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã
hội - 2003) và Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội - 2018) đều cho rằng viết khúc
triết mới đúng. Thậm chí, tác giả sách còn sợ độc giả "viết nhầm" khúc triết thành khúc chiết, nên đã lưu ý thêm là phải viết “khúc triết.
→ không viết: chiết”(!)
Vậy, cách viết nào chuẩn?
Câu trả lời: viết KHÚC CHIẾT mới là chuẩn chính tả.
Khúc chiết là từ ghép đẳng lập gốc
Hán. Trong đó, khúc 曲 nghĩa
là cong, quanh, co, không thẳng (như khuất khúc 屈曲, gấp khúc…); chiết 折 nghĩa là cong, gấp, gãy gọn,
phân rõ. Ví như chiết yêu 折腰, trong bát chiết yêu = cái bát loe miệng, phần
giữa yêu/eo cong, thắt lại (tiếng
Thanh Hoá gọi nôm na là cái bát loa).
Hán ngữ đại từ điển cho khúc chiết tới 5 nghĩa, trong đó nghĩa 1 của khúc chiết vốn chỉ vật gì quanh co, gấp khúc, gãy gập làm nhiều đoạn. Từ điển này dẫn ngữ liệu từ sách Thông điển, mô tả dãy núi Ba Sơn 巴山 (thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Bắc - Trung Quốc) khúc chiết tự ba tự, nhân dĩ vi danh - 曲折似巴字,因以為名 - quanh co gấp khúc tựa như chữ ba 巴, nên lấy tên chữ mà đặt cho núi.
Từ nghĩa ban đầu chỉ sự quanh
co không thẳng của vật thể, khúc
chiết được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa bóng, là sự quanh co không thẳng trong ý tứ, lời nói (hiện ít dùng), mà Từ
điển tiếng Việt (sách đã dẫn)
lấy ví dụ là “lựa lời khúc chiết để chối quanh” (hàm
ý phê phán). Rồi khúc chiết lại có thêm nghĩa phái sinh (hàm ý khen ngợi), chỉ
hành văn “có từng đoạn, từng ý, rành mạch và gãy gọn”. Có lẽ từ nghĩa này, mà người ta lầm khúc chiết thành khúc triết, vì phỏng đoán rằng triết trong khúc triết nghĩa là triết lý,
minh triết…
Như vậy, trong tiếng Việt chỉ có từ khúc chiết, không có khúc
triết. Kiểu viết sai chính tả khúc
chiết thành khúc triết, là do phát âm không chuẩn (không phân biệt
được CH – TR), và nhất là không hiểu được từ nguyên của yếu tố cấu tạo từ. Điều
đáng nói là nhầm lẫn này lại xảy ra với cả tác giả biên soạn từ điển chính tả.
Hoàng Tuấn Công/1/2023
Tui học tới lớp Nhứt mà đã biết... khúc chiết là đúng chánh tả
Trả lờiXóaCòn... khúc triết thì chưa hề nghe bao giờ, chừ thấy các nhà từ điển học toàn là chức danh to như ông bình vôi nhưng toàn viết bậy
Đúng, từ lớp nhất đã nghe và đọc từ này rồi
Xóaok
XóaSoạn từ điến sai là phản động
Trả lờiXóaMột like
Xóa