18 thg 7, 2020

SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” CỦA GS.TS. NGUYỄN VĂN KHANG (Kì 2)


Từ điển chính tả sai chính tả
của GS.TS. Nguyễn Văn Khang
Ảnh: HTC
HOÀNG TUẤN CÔNG

Những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt...Nhiều mục chỉ dẫn chính  tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều d
ạng chính tả không chuẩn, và rất nhiều lỗi văn bản khác. 

2-Hướng dẫn viết các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác:
50-“cải: triệu lệnh mộ cải”.
          Viết đúng là “triêu lệnh mộ cải”. Vì “triêu” mới có nghĩa là “buổi sáng”. Hán điển (zdic.net): “triêu lệnh mộ cải: buổi sáng mới ra lệnh, đến buổi chiều đã thay đổi; ví chính lệnh, chủ trương hoặc ý kiến thay đổi bất thường”.[朝令暮改:早上下达的命令,上就改.政令,或意无常].[K].

51-“chiều: xuôi chiều mát mái. → không viết: triều”.
        Viết "xuôi chiều", hay "xuôi triều" đều sai.
Viết đúng là “xuôi chèo” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát mái” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái. Hoàng Phê: xuôi chèo mát mái Ví công việc trôi chảy, thuận lợi, không gặp trở ngại, khó khăn”. [K].

52-“nghe: nghe gà hoá cuốc”.
          Chỉ có “nhìn gà hoá cuốc”, không có “nghe gà hoá cuốc” (Tiếng gà và tiếng cuốc hoàn toàn khác nhau, nên không có cơ sở để ví sự nhầm lẫn. Có thể GS.TS. Nguyễn Văn Khang đã tham khảo dị bản này trong Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên, mà không có sự suy xét).[K].
Sai sót trong sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" của GS.TS. Nguyễn Văn Khang
Ảnh: HTC


53-“nhường: nhường cơm xẻ áo”.
          Viết đúng là “nhường cơm sẻ áo”. Cơm áo ở đây được hiểu là nhu cầu ăn mặc. “Nhường cơm” thì đã rõ, còn “sẻ áo” là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”). Còn “xẻ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé cái áo ra làm nhiều mảnh. Hoàng Phê: “nhường cơm sẻ áo Giúp đỡ nhau những thứ tối cần thiết cho đời sống khi thiếu thốn, khó khăn”.
54-“suy: “khâu(sic) tụng tâm suy. → không viết: xuy, sui”.

55-“tụng: khẩu tụng tâm suy”.
          Cả hai mục từ đều dẫn sai. Viết “duy” trong “tâm duy” mới đúng. Hán ngữ đại từ điển: “Khẩu tụng tâm duy: miệng đọc, lòng suy nghĩ”  [口誦心維: 口裡念誦, 心裡思考].

56-“suyển // Ngô ngưu suyển nguyệt, suy suyển. → không viết: suyễn”.
Viết “suyễn” trong “Ngô ngưu suyễn nguyệt” mới đúng. “Suyễn” đây có nghĩa là thở dốc, thở gấp (chính là “suyễn” trong “hen suyễn”). Điển tích “Ngô ngưu suyễn nguyệt” - 牛喘月: vùng Giang Nam – Trung Quốc (tương ứng nước Ngô xưa), khí hậu rất nóng nực. Con trâu cày ở nước Ngô sợ nắng đến mức đêm về nhìn thấy trăng lên còn ngỡ là mặt trời, nên thở lên hồng hộc.[K].

57-“tàn: tàn che ngựa cưởi”.
          Tiếng Việt không có từ hoặc yếu tố nào viết “cưởi”. Viết chuẩn là “tàn che ngựa cưỡi”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào, gọi tắt = Từ điển Vũ Dung):  tàn che ngựa cưỡi: Cảnh phú quý giàu sang, vinh hiển”.

58-“tay: tay cắt ruột xót”.
          Viết đúng là “tay đứt ruột xót” (viết như từ điển sẽ hiểu thành ai đó tự “cắt” vào thịt mình rồi tự “xót”). Từ điển Vũ Dung: “tay đứt ruột xót: Cùng quan hệ ruột thịt, yêu thương gắn bó, người này gặp hoạn nạn đau đớn thì người khác cũng thương xót”.

59-“tay: tay dùi dục, chân bàn chổi”.
          Không có “bàn chổi”, chỉ có “bàn cuốc”: “tay dùi đục, chân bàn cuốc”. Hoàng Phê (Vietlex): “bàn cuốcII t. [răng, bàn chân] có hình to bè ra và thô, tựa như hình cái bàn cuốc. răng bàn cuốc ~ “Những chân bàn cuốc xỏ vào những đôi guốc quai lốp ô tô gõ trên đường gạch côm cốp.” (Trần Tiêu).
          Mục này nhiều khả năng GS. TS. Nguyễn Văn Khang đã tham khảo Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân: “tay dùi đục, chân bàn chổi ng. Chê người có tay chân thô lỗ <> Mặc dầu có người chê anh ta là tay dùi đục chân bàn chổi, chị ấy vẫn cứ yêu”.
Hình dáng cái bàn cuốc to bè ra hai bên là cơ sở để dân gian ví
với bàn chân thô to của người chuyên đi chân đất và lao động nặng nhọc
Ảnh: ST

60-“tật: thuốc đắng tật”.
          “Đã tật” mới chính xác, vì “đã tật” = khỏi bệnh; trong khi “dã” chỉ ở mức độ và tính chất như Hoàng Phê (Vietlex) giảng: “ • g. làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể. ăn chè đậu xanh cho dã rượu’. Theo đây, phải là “đã tật” (khỏi bệnh) thì mới bõ cơn uống thuốc đắng (cũng như viết đã khát = hết khát; đã thèm = hết thèm, chứ không viết dã khát; dã thèm). Tục ngữ “Đau chóng đã chầy” có nghĩa lúc bệnh thì các chứng đau đớn mệt mỏi tăng nhanh và rất ghê gớm, còn lúc khỏi bao giờ bệnh cũng khỏi từ từ (không khỏi ngay được), nên hãy kiên trì điều trị, chớ sốt ruột. Hiện tồn tại cả hai dị bản “Thuốc đắng đã/dã tật”. Tuy nhiên, người làm từ điển nên chọn dị bản chuẩn cả chữ lẫn nghĩa.

61-“trái: trái trứng trái nết.”
          Phải viết “chứng” mới đúng. Vì “chứng” đây có nghĩa là thói, tật. Viết “trái trứng” là vô nghĩa. Hoàng Phê: “trái chứng trái thói”. [K].

62-“trèo: trèo đèo lặn suối”.
          Chỉ có “trèo đèo lội suối”, không có “lặn suối” (đang đi đường, không ai lặn xuống suối làm gì).  Hoàng Phê: trèo đèo lội suối Tả cảnh gian nan vất vả trên chặng đường xa”.[K].

63-“trông: trông gà hoá cáo”.
          Chỉ có “trông gà hoá cuốc”, không có “hoá cáo”. Vì “gà” và “cuốc” đều là giống cầm, khi nhìn xa hoặc thấp thoáng nơi bờ tre góc vườn mới có thể bị nhầm, khiến người đi săn cuốc lại bắn nhầm phải gà nhà.[K].

64-“thâm: thâm nghiêm cùng cốc”.
Chỉ có “thâm sơn cùng cốc”, không có “thâm nghiêm cùng cốc”:
-Hán ngữ đại từ điển: “thâm sơn cùng cốc: nơi núi sâu, xa cách với bên ngoài, ít dấu vết con người lui tới”. [深山窮谷: 與山外距離遠, 人跡罕至的山嶺, 山谷].
-Hoàng Phê (Vietlex): “thâm sơn cùng cốc 深山窮谷 [cũ] núi sâu hang cùng; nơi núi rừng hẻo lánh, xa xôi. “(…) nhiều lần tôi đã dám nghĩ đến chuyện đem nàng đi trốn một chỗ thâm sơn cùng cốc hay góc bể chân trời nào, không ai biết đến (…)” (Hoàng Ngọc Phách)”. Trong  khi: “thâm nghiêm 深嚴 t. sâu kín và gợi vẻ uy nghiêm. nơi đền đài thâm nghiêm” (Hoàng Phê - Vietlex), không ăn nhập gì với “cùng cốc”. [K].

65-“trảo: mã trảo mã”.
Viết đúng là “kị”, vì “kị mã騎馬 mới có nghĩa là cưỡi ngựa. Kị mã trảo mã 騎馬找馬 (cưỡi ngựa tìm ngựa), ví người lẩn thẩn, tay đang cầm vật gì, mà lại đi tìm chính vật đó; hoặc ám chỉ tâm lí đứng núi này trông núi nọ (dị bản Kị mã tầm mã - 騎馬尋馬).[K].

66-“tu: tu binh mãi mã”.
          Chỉ có “chiêu binh”, không có “tu binh”:
          -Hán ngữ đại từ điển: “chiêu binh mãi mã: 1. chiêu mộ binh sĩ, mua thêm chiến mã, nói tổ chức vũ trang, tăng cường binh lực; 2. tổ chức hoặc tăng cường nhân lực”. [招兵買馬: 1. 招募士兵, 購置戰馬; 謂組織武裝, 擴充兵力; 2. 組織或擴充人力].
          -Hoàng Phê (Vietlex): “chiêu binh mãi mã 招兵買馬 1 [cũ] chiêu mộ binh lính, mua ngựa chiến để chuẩn bị chiến tranh. chiêu binh mãi mã chờ ngày xuất quân. 2 [kng] tập hợp lực lượng, vây cánh để tranh giành quyền lực”.[K].

67-“trạng chết vua cũng băng hà”.
Chính xác là “Trạng chết Chúa cũng băng hà” (câu này gắn liền với giai thoại Trạng Quỳnh và chúa Trịnh). Từ điển Vũ Dung: “trạng chết chúa cũng băng hà (trạng: học vị của người đỗ đầu trong khoa thi đình thời phong kiến; chúa: người có quyền lực cao nhất trong một nước có vua thời phong kiến). x. Cỏ úa thì lúa cũng vàng).

68-“trấn: uy trấn nhất phương. → không viết: chấn”.
Viết “chấn” mới đúng. Có lẽ tác giả từ điển phỏng đoán rằng, “uy trấn” là cái uy trấn giữ. Tuy nhiên, cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán đều không có khái niệm này:
-Hán ngữ đại từ điển: “uy chấn: 1. khiến cho người phải kinh sợ uy lực hoặc thanh thế; 2. lấy uy lực hoặc thanh thế khiến cho phải kinh động”. [威震: 1.使人震驚的威力或聲勢; 2. 以威力或聲勢使之震動]. “Uy chấn nhất phương” 威震一方 = Uy thế chấn động cả một vùng.
 -Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “uy chấn Lấy oai đè ép, làm cho người ta sợ <> thế-lực chúa Trịnh uy-chấn cả nhà vua”.

69-“triết: bách triết thiên ma, thiên ma bách triết. → không viết: chiết”.
          Viết “chiết” mới đúng. Nhiều từ điển thường giải thích “bách chiết thiên ma” là trăm lần gãy, nghìn lần mài, nhưng thực ra trong Hán ngữ, “chiết ma” 折磨 = đau đớn, khổ sở; “bách chiết thiên ma” 百折千磨, hay “thiên ma bách chiết” 千磨百折 = trăm đau, ngàn khổ, ý nói trải qua muôn vàn gian nan vất vả. Đây là cách nói giống như tân khổ 辛苦 (cay đắng), thiên tân vạn khổ 辛萬苦 = trăm đắng ngàn cay).

70-“trung: mục chung vô nhân”.
Viết “trung” mới đúng (“mục trung” = trong mắt); “mục trung vô nhân” 無人 = trong mắt không có ai = ngạo mạn, không coi ai ra gì.” (Không hiểu sao ở mục “trung” lại thu thập “mục chung vô nhân”?).[K].

71-“trận: vô hồi trận”.
          Viết đúng là “vô hồi trận” 無回其陣 (dị bản: liên hồi kì trận). Hoàng Phê (Vietlex): “liên hồi kì trận 連回其陣 [kng] [sự việc, hành động diễn ra] liên tiếp dồn dập, hết đợt này đến đợt khác”.

72. “: xơ như nhộng, xác như rờ”.
          “Xác như vờ” mới đúng. Hoàng Phê (Vietlex): “xác như vờ • t. [kng] xem xác vờ. “Chúng em đã xác như vờ, Gặp anh nhân ngãi như cờ lông công.” (Cdao); “xác vờ • t. nghèo tới mức như chỉ có trơ thân, tựa như xác những con vờ trôi trên mặt nước. “Bác mày giàu, giàu lắm, chứ không xác vờ như bố mày đây!” (Ma Văn Kháng). Đn: xác như vờ”.

                                                                             HTC/7/2020
 (Còn tiếp)

1 nhận xét: