1 thg 11, 2020

Kỳ cuối: “HÁN HOÁ TIẾNG VIỆT” TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”

 

     HOÀNG TUẤN CÔNG

“Hán hoá tiếng Việt” là gì? “Hán hoá tiếng Việt” ở đây được hiểu cụ thể là áp đặt các đơn vị thành ngữ tục ngữ trong tiếng
Hán vào tiếng Việt, làm cho tiếng Việt giống với tiếng Hán, người Việt nói theo cách của người Hán.

Trước khi đi vào cụ thể, chúng tôi xin nêu lại: Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán của Nguyễn Văn Khang là loại từ điển đối chiếu, không phải từ điển giải thích. Tác giả NVK không dành một lời nào quy ước về cấu tạo của mỗi mục từ. Nhưng trong “Lời nói đầu” của bản in năm 1999, tác giả NVK đã viết: “Nói một cách cụ thể về cách làm là, trước một thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, chúng tôi cố gắng tìm các thành ngữ, tục ngữ tiếng Hoa tương đương”. Và theo quan sát của chúng tôi, trong mỗi mục từ, “thành ngữ tục ngữ tiếng Việt” được nêu ra trước, tiếp đến là phần đối chiếu với thành ngữ tục ngữ Hán được viết bằng nguyên văn chữ Hán kèm phiên âm Bắc Kinh. Vì đây là từ điển đối chiếu, nên tất cả các mục không kèm lời giải thích.

Điều đáng nói, dường như tác giả NVK đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Việt, với thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, một mặt NVK đã “Hán hoá tiếng Việt” bằng cách “nhập khẩu” hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán (chỉ dùng trong tiếng Hán/Hoa) đặt vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt một cách sống sượng, khiên cưỡng; mặt khác “Hán hoá” nhiều thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán (chỉ dùng trong tiếng Việt), vốn đã trải qua một quá trình Việt hoá lâu dài. Thậm chí tác giả từ điển còn lấy bản dịch, hoặc bản phiên âm tục ngữ Hán và áp vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt, rồi đối chiếu với chính tục ngữ Hán.

Sau đây chúng tôi tạm chia ra thành mấy loại “Hán hoá tiếng Việt”:

1)   Hán hoá tiếng Việt bằng “nhập khẩu” thành ngữ tục ngữ Hán:

Tục ngữ Việt là gì? Là những câu tục ngữ được sử dụng trong tiếng Việt, lời ăn tiếng nói của người Việt, ai cũng biết dùng, ai nghe cũng hiểu.

Tục ngữ Hán là gì? Là những câu tục ngữ chỉ có trong tiếng Hán, không có trong tiếng Việt. Khi nghe những thành ngữ tục ngữ này, người Việt không hiểu gì, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.

Thế nhưng, NVK đã thu thập hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, sau đó phiên âm Hán Việt rồi đặt vào vị trí Việt để so sánh, “đối chiếu” với chính tiếng Hán (tức phần nguyên văn chữ Hán được từ điển mặc định là thành ngữ tục ngữ Hán).

Xem “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt - Hán”, chúng tôi thấy nếu chữ đầu tiên của câu thành ngữ tục ngữ có âm đọc Hán Việt, thì hàng loạt tục ngữ Hán sẽ được liệt kê. Ví dụ: khai môn ấp đạo 開門邑道”; “khai vân đổ thiên 開雲睹天”; “không huyệt lai phong 空穴來風”; “không trung lâu các 空中樓閣”; “khúc chung tấu nhã 曲終奏雅”; “khưu mộ sinh ai 邱墓生哀” v.v… Thậm chí có những mục như “ám tiễn thương nhân - 暗箭傷人”, NVK cho rằng, biến thể của “thành ngữ Việt” này là “minh thương dị đoá, ám tiễn nan phòng”, nhưng sự thực cả hai đều là thành ngữ Hán phiên âm Việt chứ không phải “thành ngữ Việt”.

Hầu như phần chữ cái nào (vần A, B, C… trong từ điển) cũng có hiện tượng “Hán hoá” thành ngữ tục ngữ Việt. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, nên sau đây chúng tôi chỉ lược trích mỗi vần trong từ điển một vài trường hợp đại diện trong tổng số khoảng 120 mục tương tự:

-“a kì sở hiếu - 阿其所好; a ý khúc tòng - 阿意曲從; ác nguyệt đảm phong - 握月擔風; ác quán mãn doanh - 惡貫滿盈; ẩn ác dương thiện - 隱惡揚善…”

-“bạc thần khinh ngôn - 薄唇輕言; bế môn tạ khách - 閉門謝客; bế môn tu trai - 閉門修齋; bế nguyệt tu hoa - 閉月羞花; biệt hạc cô loan - 別鶴孤鸞; binh hoang mã loạn - 兵荒馬亂; bội nhập bội xuất - 倍入倍出…”

-“cách cố đỉnh tân - 革故鼎新; cải triều hoán đại - 改朝換代; cam(sic) trường tương thức - 肝腸相識…”

-“danh cương lợi toả - 名綱利鎖; danh phó kì thực - 名副其實; dĩ thân tuẫn chức - 以身殉職; dị như phản chưởng - 易如反掌…”

-“đa hành bất nghĩa tất tự tệ - 多行不義必自斃; động toả nguyên phong-洞鎖原封; đơn khâm cô chẩm - 單衾孤枕…”

-“gia bần tư hiền thê, quốc loạn tư lương lương tướng-家貧思賢妻國亂思良將; giải cấu tương phùng - 邂逅相逢…”

-“hàm tiếu nhập địa - 含笑入地; hậu lai cư thượng - 后來居上; hiệp lộ tương phùng - 狹路相逢…”



Có những vần dày đặc hiện tượng “Hán hoá tiếng Việt” (từ đây chúng tôi lược bỏ phần nguyên văn chữ Hán cho ngắn gọn):

-“kích trọc dương thanh; kiềm lư chi kĩ; kiếm bạt nỗ trương; kiếp hoả chi khôi; kiều sinh quán dưỡng; kiểu giả dị ô; kiểu uổng quá chính; kim âu vô khuyết; kim khoa ngọc luật; kim mã ngọc đường; kính hoa thuỷ nguyệt…”

- “la quật câu cùng; la tước quật thử; lạc dĩ vong ưu; lạc hoa lưu thuỷ; lạc thiên chi mệnh; lão gian cự hoạt; lão kí phục lịch; lão ngưu thiểm độc; lão thảo tắc trách…”

- “li kinh phản đạo; lí tại tuyệt ngôn; lí vô nhị thị; liêm ngoan lập noạ; liêm tuyền nhượng thuỷ…”

-“nhật mộ đồ cùng; nhật mộ đồ viễn; ninh vi ngọc toái, bất vi ngoã toàn…”

-“oa giác công danh; oa ngưu tiểu lợi…”

-“phá phẫu trầm châu; phi môi bất đắc; phi sa tẩu thạch; phi thang đạo hoả…”

-“sa để hoàng kim; sát ngôn quan sắc; sấu ngã phì nhân; tác pháp tự vệ; tạc tỉnh nhi ẩm (canh điền nhi thực)…”

-“thoái tị tam xá; thố tử hồ bi; thốn hữu sở trường; thuỳ đầu táng khí; thử thiết cẩu đạo; thừa phong phá lãng; thuận phong chuyển đà; tuỳ phong chuyển đà; tương thị nhi tiếu…”

-“ứng đối như lưu; ưu thắng bại liệt…”

-“vạn vô nhất thất; vô sở bất vi; vạn biến bất li kì tông…”

- “xả đoản thủ trường; xả tà vi chính…

.v.v…

Đây không phải là thành ngữ tục ngữ Việt
mà chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt


Thực tế trong tiếng Việt cũng có một số thành ngữ tục ngữ gốc Hán, mà tiếng Hán hay tiếng Việt đều giống nhau. Bởi đã được Việt hoá, nên một người Việt dù không được học chữ Hán vẫn có thể dùng đúng hoặc hiểu chính xác. Ví dụ: “Nhàn cư vi bất thiện (閑居為不善); Ác giả ác báo (惡者惡報); Hậu sinh khả uý (後生可畏) v.v…

Tuy nhiên, những thành ngữ tục ngữ trong từ điển của NVK mà chúng tôi liệt kê ở phần trên chỉ là tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, chứ không phải lời ăn tiếng nói của người Việt. Thế nên, khi đọc lên, người Việt không ai hiểu gì. Bản thân  chúng tôi, nếu không tra từ điển tiếng Hán, thì cũng không dễ gì biết được ý nghĩa của tất cả những thành ngữ Hán này ra sao.

2)-“Hán hoá” tiếng Việt bằng áp đặt các bản dịch thành ngữ tục ngữ Hán.

Nhiều thành ngữ tục ngữ được NVK đặt ở vị trí Việt để so sánh với Hán, nhưng thực chất đó chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán được đối dịch hoặc diễn giải nôm na sang tiếng Việt. Ví dụ:

1-“cá mè đỏ đuôi 魴魚吃尾

          Mục này NVK cho rằng, “cá mè đỏ đuôi” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với “魴魚吃尾” (phường ngư ngật vĩ) Hán. Theo đây, có 3 điểm cần trao đổi:

-Thành ngữ Hán魴魚赤尾” (phường ngư xích = cá mè đỏ đuôi) bị viết nhầm thành thành “魴魚吃尾” (phường ngư ngật = cá mè ăn đuôi).

-Thành ngữ Hán “魴魚赤尾” (phường ngư xích vĩ = cá mè đỏ đuôi; dị bản “魴魚phường ngư trinh vĩ), vốn trong “Kinh thi”, lấy ý đuôi con cá mè bình thường có màu trắng, khi cá bị bệnh tật, mệt mỏi thì đuôi chuyển sang màu đỏ. Thế nên “cá mè đỏ đuôi” ví với tình trạng lao lực, chỉ người bị đuối sức, phải đảm nhận công việc quá nặng nhọc.

-Trong kho tàng tiếng Việt, hoàn toàn không có thành ngữ “cá mè đỏ đuôi”. Bởi vậy, dù được NVK dịch ra từ tiếng Hán, nhưng ngoài nghĩa đen: con cá mè đỏ đuôi, thì không ai hiểu nghĩa bóng của nó là gì.

2-“vang động núi sông 穿山裂石”.

Mục này NVK cho rằng, “vang động núi sông” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hán穿山裂石” (xuyên sơn liệt thạch). Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “vang động núi sông”. Căn cứ theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì dị bản “穿雲裂石” (xuyên vân liệt thạch) có nghĩa đen: xuyên qua tầng mây, xẻ tan đá núi; nghĩa bóng chỉ lời nói, âm thanh vang rền, chấn động” [穿入雲層,震裂石塊. 極言聲音之激越]. Theo đây, “vang động núi sông” chỉ là bản NVK dịch và hiểu theo nghĩa bóng của “xuyên sơn liệt thạch” mà thôi.

Như vậy, nếu cần đối chiếu, thì “long trời lở đất” mới là thành ngữ Việt đồng nghĩa với “xuyên sơn liệt thạchHán.

3-“bổ phong tróc ảnh 捕風捉影bắt bóng sợ gió”.

Mục này NVK cho rằng, thành ngữ Việt “bổ phong tróc ảnh” (dị bản “bắt bóng sợ gió”) đồng nghĩa với “bổ phong tróc ảnh” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ nào là “bổ phong tróc ảnh” hay “bắt bóng sợ gió”, mà chỉ có “bắt bóng bắt gió” hoặc “bắt bóng đè chừng”. Phải chăng NVK đã nhầm “bắt bóng bắt gió” thành “bắt bóng sợ gió”? Rất khó xác định, bởi cả hai bản “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hoa” (1999) và “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt  Hán” (2008) đều giống nhau.

4-“cứng mồm cứng lưỡi 張口結舌”.

Mục này NVK cho rằng, “cứng mồm cứng lưỡi” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hántrương khẩu kết thiệt”. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “cứng mồm cứng lưỡi”. Đây chỉ là bản dịch từ “trương khẩu kết thiệt” của tục ngữ Hán. Theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì “trương khẩu kết thiệt là: hình dung sự sợ hãi, hoang mang; vẻ đuối lí khiến cho không nói được câu nào. Theo đây, tiếng Việt chỉ có từ “cứng họng” để chỉ nghĩa thứ 2 của thành ngữ Hántrương khẩu kết thiệt” mà thôi.

5-“chữ đinh cũng không biết 目不識丁”.

Mục này NVK cho rằng, “chữ đinh cũng không biết” là thành ngữ Việt đồng nghĩa với “目不識丁” (mục bất thức đinh) Hán. Tuy nhiên, để chỉ người dốt nát, không biết chữ gì, người Việt nói “một chữ bẻ/cắn đôi cũng không biết”, chứ không nói “chữ đinh cũng không biết”.

Ngoài ra, còn hàng loạt thành ngữ tục ngữ dịch từ tiếng Hán khác được NVK đưa vào làm thành ngữ tục ngữ Việt, dù đọc lên vẫn hiểu, nhưng nếu nói đó là thành ngữ tục ngữ Việt thì hoàn toàn không phải. Sau đây là một số ví dụ (chúng tôi thay phần nguyên văn chữ Hán sau gạch nối [-] trong từ điển bằng phiên âm Hán Việt để bạn đọc dễ nhận biết so sánh):

 Chần chừ do dự - do dự bất quyết”; “đào sâu suy nghĩ – thâm tư thục lự”; “đúng sai phải trái – đại thị tiểu phi”; “đứng ngoài cuộc - trí thân sự ngoại”; “gây bè gây đảng - tập quần kết đảng”; “khó nói nên lời - hữu khẩu nan phân”; “lên mặt cụ non - lão khí hoành thu”; “lên mặt doạ người - thịnh khí lăng nhân”; “lên mặt kẻ cả - ỷ lão mại lão”; “như ếch kêu chó cắn - lư minh cẩu phệ”; “lỡ miệng nói hớ - di nhân khẩu thực”; “phân biệt đối xử - biệt nhãn tương khán”; “quý của hơn người - ái tài như mệnh”; “ “xây lâu đài trên cát - không trung lâu các…”.v.v…

Cũng có những “thành ngữ” chúng tôi  không biết NVK lấy ở đâu để đối chiếu với Hán, bởi tiếng Việt không có những thành ngữ này.Ví dụ: “thay nước không thay bình 偷梁換柱”; “thay đổi thất thường風雲變幻”. v.v…

3. “Hán hoá” trở lại thành ngữ tục ngữ Việt đã được Việt hoá:

Thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán có nhiều câu đã được Việt hoá hoàn toàn, đến mức người ta đã quên đi bản gốc Hán, và chỉ sử dụng bản đối dịch, hoặc diễn nôm, có chỉnh sửa.

Ví dụ: Trăm nghe không bằng một thấy (gốc Hán: 百聞不如一見 - Bách văn bất như nhất kiến); Miệng ăn núi lở (坐食崩山 - Toạ thực băng sơn); Anh lùn xem hội (倭人看戲 - Nuỵ nhân khán hý); Áo gấm về làng (錦衣回 - Cẩm y hồi hương); Đầu gà còn hơn đuôi trâu (雞口牛後 - Kê khẩu ngưu hậu); Tai vách, mạch dừng (墻有縫壁有耳 - Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ)…

Theo đây, khi biên soạn loại từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ Việt với Hán, thì bản đã được Việt hoá phải được xem là bản đại diện của thành ngữ tục ngữ Việt để đối chiếu với bản Hán. Tuy nhiên, NVK chủ trương khôi phục lại bản gốc Hán, hoặc bản Hán để đặt vào vị trí Việt, coi những bản này là bản chính. Ví dụ, NVK đảo vị trí các thành ngữ tục ngữ Hán thành Việt (có khoảng 100 trường hợp như thế này):

-“bách văn bất như nhất kiến 百聞不如一見trăm nghe không bằng một thấy”.

-“kê khẩu ngưu hậu 雞口牛後Đầu gà còn hơn đuôi trâu”.

-“nuỵ nhân khán hý 倭人看場Anh lùn xem hội”.

-“thành môn thất hoả, hoạ cập trì ngư 城門失火殃及池魚cháy thành vạ lây”…

-“vong dương bổ lao 忘羊補牢mất bò mới lo làm chuồng”.

Thậm chí, trong tiếng Việt có bản Hán Việt Việt tạo, hoặc bản gốc Hán đã Việt hoá hoàn toàn, nhưng NVK lại dùng bản Hán thay cho Việt để đối chiếu với Hán. Ví dụ:

-Để chỉ ai đó dốt nát, nhầm lẫn chữ nọ sang chữ kia, người Việt nói: “chữ tác đánh chữ tộ” (dị bản “chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá”). Thế nhưng NVK lại cho người Việt nói theo kiểu người Hán: lỗ ngư hợi thỉ 魯魚亥豕” (người Hán dùng cách nói này ám chỉ sự dốt nát, nhầm lẫn chữ “lỗ” thành chữ “ngư” , chữ “hợi” thành chữ “thỉ” , do các cặp này nhang nhác giống nhau, nhưng nghĩa thì khác nhau một trời một vực - HTC).

-Người Việt có câu “trời cao biển rộng” hoặc “biển rộng trời cao” để chỉ sự rộng lớn, bao la như đất trời, vũ trụ. Thế nhưng NVK lại áp đặt câu “海闊天空” (hải khoát thiên không) của người Hán cho người Việt, tựa như người Việt không có cách nói nào khác của riêng mình.

 -Phép xem tướng của người Việt được đúc kết trong câu “mỏng môi hay hớt” (dị bản “mỏng môi hay hớt, trớt môi nói thừa”). Thế nhưng NVK lại cho người Việt nói theo kiểu của người Hánbạc thần khinh ngôn 薄唇輕言” (người mỏng môi thì hay nói nhiều và lời nói khinh suất, thiếu thận trọng-HTC).v.v…

-Ngay như “giải cấu tương phùng” là một thành ngữ có xuất hiện trong “Truyện Kiều”, nhưng không phải vì thế mà nó mặc nhiên trở thành “lời ăn tiếng nói” của người Việt, đặc biệt là trong tiếng Việt hiện đại. Thế nhưng, thay vì chọn bản đồng nghĩa “không hẹn mà gặp” (dị bản “không hẹn mà gặp, không rắp mà nên”), thì NVK lại chọn “邂逅相逢” (giải cấu tương phùng) làm thành ngữ Việt để đối chiếu với Hán.

Cần phải nhắc lại rằng, NVK đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt với thành ngữ tục ngữ Hán trong tiếng Việt và tiếng Hán hiện đại “với tư cách là một ngoại ngữ”, như chính tác giả đã chỉ rõ: sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt – Hán” là “công cụ tiện lợi cho việc những người biên, phiên dịch, giao tiếp song ngữ Hoa – Việt và học tiếng Hoa, tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ”.

Tuy nhiên, tất cả những câu như “a kì sở hiếu”, “a ý khúc tòng”,kiềm lư chi kĩ”; “kiếm bạt nỗ trương”,“la quật câu cùng”, “la tước quật thử”…có thể từng xuất hiện đâu đó trong các tác phẩm cổ văn Việt Nam, nhưng nếu xem đây là lời ăn tiếng nói của người Việt, người Hán có thể giao tiếp với người Việt thông qua những thành ngữ tục ngữ này thì hoàn toàn nhầm lẫn. Đó là lời ăn tiếng nói của người Hán, người Việt không nói như vậy.

Thực ra, “Hán hoá tiếng Việt” không chỉ được NVK thực hiện trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt – Hán”. Trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển chính tả tiếng Việt” (2018) soạn giả đã thu thập và hướng dẫn cách viết hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, như: “Đa hành bất nghĩa tất tự tệ; Niên quang tự tiễn; Yểm mục bổ tước; Yên tước nữ đường; Phong mã ngưu bất tương cập; Trần trần tương nhân; Thoái tị tam xá; Sư trực vi tráng; Kỉ nhân tựu thiên; Trướng trung khởi vũ; Tử trung cầu sinh…”.

Hướng dẫn viết và gọi các thành ngữ tục ngữ Hán trên đây là “tiếng Việt phổ thông”, chẳng phải NVK đang chủ trương “Hán hoá tiếng Việt” đó sao?

Thực tế, nhiều thành ngữ tục ngữ Hán đã được người Việt tiếp nhận có chọn lọc qua nhiều con đường khác nhau, làm phong phú thêm kho tàng tiếng Việt. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, lâu dài và có sáng tạo. Trong khi những gì người ta thấy trong từ điển thành ngữ tục ngữ Việt đối chiếu với Hán của NVK lại là sự nhồi nhét, cưỡng bức, áp đặt, “Hán hoá tiếng Việt” một cách thô bạo, rất khó chấp nhận. Có lẽ do được tu nghiệp tại Bắc Kinh, tác giả NVK làu thông tiếng Hán đến độ đã tự “Hán hoá” và lầm tưởng người Việt giờ cũng sử dụng tiếng Hán giống tiếng mẹ đẻ như ông chăng?

Như vậy, nếu những người Trung Quốc sử dụng cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán” của NVK để học tập hoặc nghiên cứu tiếng Việt, họ sẽ ngộ nhận người Việt vay mượn quá nhiều thành ngữ tục ngữ Hán. Ngược lại, thế hệ con cháu chúng ta, bao gồm cả lớp người Việt trẻ hải ngoại, hẳn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên và không hiểu tại sao kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt vốn rất phong phú, mà bỗng dưng cha ông chúng lại phải đi vay mượn, lệ thuộc vào tiếng Hán với số lượng nhiều và sống sượng đến vậy./.

HTC/9/2020

(Chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi loạt bài phê bình)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Cái tệ "dốt hay nói chữ" đang tràn lan trong mọi lớp người ở ta ngày nay. Đầu trò của việc này hẳn nhiều người biết. Báo chí, truyền thanh, truyền hình của nhà nước còn dùng các loại từ ngữ "sốc, độc, lạ", đầu têu là mấy "nhà ngôn ngữ học" rởm.
    Người làm Tự Điển, Từ Điển không những phải biết sâu về tiếng ta mà còn cần biết rộng về nhiều ngành nghề ... Xem bài viết của nhiều người có học vị này nọ, của nhiều nhà văn nhà thơ, thấy họ có vẻ không thích dùng tiếng ta, hay họ biết tiếng ta ít nên "túng từ"? Câu hỏi lâu ngày vẫn chưa tự giả nhời được.

    Trả lờiXóa