31 thg 10, 2020

Kỳ 3: SAI CHÍNH TẢ TRONG "TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN"


               HOÀNG TUẤN CÔNG 

Nguyễn Văn Khang (NVK) là tác giả và đồng tác giả của 19 cuốn từ điển tiếng Việt. Về từ điển chính tả, NVK có “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (NXB Khoa học Xã hội - 2003) và “Từ điển chính tả tiếng Việt” (GS. TS. Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018). Chúng tôi đã có loạt bài viết chỉ ra hàng trăm lỗi chính tả trong hai cuốn từ điển vừa nêu, trong đó cuốn xuất bản năm 2018, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã buộc phải thu hồi.

Với “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán”, một lần nữa tác giả NVK lại cho thấy khả năng chính tả tiếng Việt hạn chế của ông. Cụ thể, những sai sót trong cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, tiếp tục được lặp lại, như lỗi lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi ( ̓ ) với dấu ngã (~) và rất nhiều lỗi văn bản khác. 


Sau đây là một số ví dụ (chúng tôi đánh số tiếp theo những lỗi đã chỉ ra trong Kỳ 1 và Kỳ 2 để tiện chú dẫn khi cần thiết):

47-“chia năm sẻ bảy: 四分五裂”.

          Mục này, NVK cho rằng “chia năm sẻ bảy” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt) trong tiếng Hán.

          Tuy nhiên, viết đúng phải là “chia năm xẻ bảy”. Vì “xẻ” mới có nghĩa là cắt ra. “Từ điển điển tiếng Việt (Hoàng Phê Trung tâm Từ điển học Vietlex; từ đây viết tắt là Hoàng Phê-Vietlex): “chia năm xẻ bảy • chia xẻ ra thành nhiều phần quá nhỏ. “(…) đống lúa gặt về vàng chói giữa sân bị chia năm xẻ bảy, phần đóng tô, phần trả nợ lãi.” (Phan Tứ)”.

Nếu “chia xẻ” trong tiếng Việt có nghĩa như Hoàng Phê – Vietlex giảng: “chia thành nhiều phần làm cho không còn nguyên là một khối nữa. chia xẻ lực lượng ~ mảnh đất bị chia xẻ ra làm nhiều miếng. Đn: chia cắt.”, thì 分裂 (phân liệt) trong tiếng Hán cũng có nghĩa là “chia cắt, xé lẻ, khiến cho chỉnh thể của sự vật không còn nguyên vẹn nữa.” [分裂: 分割; 割裂; 使整體的事物分開 - Hán ngữ đại từ điển].

Như vậy, phải viết “chia năm xẻ bảy” mới tương ứng với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt = chia bốn, xẻ năm) mà NVK đối chiếu, và Hán ngữ đại từ điển giảng: “tứ phân ngũ liệt: 1. chia xẻ, bại vong, mất mát; 2. hình dung phân tán, không thống nhất”. [四分五裂: 1. 分裂敗亡; 2. 形容分散,不統一].



48-chia ngọt xẻ bùi 同甘共苦,分甘共苦,有福共享”.

Mục này, NVK cho rằng, “chia ngọt xẻ bùi” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “同甘共苦” (đồng cam cộng khổ), “分甘共苦” (phân cam cộng khổ) và “有福共享” (hữu phúc cộng hưởng) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, viết đúng phải là “sẻ bùi”, vì “sẻ” ở đây là “chia sẻ”, cùng hưởng cùng chịu, tương ứng với “đồng cam同甘, “phân cam分甘, “cộng hưởng共享 trong tiếng Hán:

-Hoàng Phê – Vietlex: “chia ngọt sẻ bùi • chia sẻ với nhau, cùng hưởng với nhau, không kể ít hay nhiều. “Hai người như đã trở thành đôi bạn tâm giao cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.” (Mạnh Phú Tư).

-Hán ngữ đại từ điển: “đồng cam cộng khổ, cũng viết “đồng cam khổ”: cùng hưởng vị ngọt, đắng. Tỉ dụ có phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chịu. Thường chỉ việc cùng chịu hoạn nạn”. [同甘共苦: 亦省作同甘苦一同嘗甘苦之味. 有福同享, 有難同當. 常偏指共患難].

Theo đây NVK đã làm ngược lại chuẩn chính tả, làm sai lệch ý của dân gian. Ở mục 1, đáng lẽ phải viết “chia năm xẻ bảy” để tương ứng với “tứ phân ngũ liệt” thì NVK lại viết thành “chia năm sẻ bảy”; còn ở mục 2 này, đáng lẽ phải viết “chia ngọt sẻ bùi” để tương ứng với “đồng cam cộng khổ”, thì NVK lại viết thành “chia ngọt xẻ bùi”.

Đây là kiểu sai đã từng xuất hiện trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018) khi tác giả hướng dẫn viết “nhường cơm xẻ áo”. Trong bài “Sai sót trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang” (Kỳ 3) chúng tôi đã chỉ ra cái sai của NVK như sau: “Viết đúng phải là “nhường cơm sẻ áo”. Cơm áo ở đây được hiểu là nhu cầu ăn mặc. “Nhường cơm” thì đã rõ, còn “sẻ áo” là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”). Còn “xẻ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé cái áo ra làm nhiều mảnh. 

Còn nhớ trong “Từ điển chính tả tiếng Việt”, NVK chỉ dẫn viết “chia: chia xẻ (= chia sẻ)”. Theo đây, NVK coi “chia sẻ” và “chia xẻ” chỉ là một từ với hai dạng chính tả đều được chấp nhận, và chúng tôi đã trao đổi lại như sau:

          “Chỉ dẫn “chia xẻ” = “chia sẻ” là sai. “Xẻ” trong “chia xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần, khiến cho không còn nguyên vẹn như vốn có nữa), chính là “xẻ” trong  “chia năm xẻ bảy” (tình trạng bị phân tán, chia cắt, xé lẻ). Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi” (cùng chung hưởng với nhau, dù ít dù nhiều). Như vậy, “chia xẻ” và “chia sẻ” không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.[K]”.

49 - “trí làm quan”.

Chính xác phải là “có chí làm quan” (dị bản “có chí làm quan, có gan làm giàu”). Vì “chí” là “ý muốn bền bỉ nhằm theo đuổi một mục đích...”, còn “trí” lại là “khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán...” (Hoàng Phê-Vietlex). Đây là hiện tượng cận âm dị tự, dị nghĩa. Nghĩa của “chí” mới phù hợp với ngữ nghĩa trong “có chí làm quan”. Cũng như người ta nói “có chí thì nên”, hoặc “hữu chí cánh thành”, chứ không ai nói “trí thì nên”, “hữu trí cánh thành”. NVK viết  có trí làm quan” là do không biết hoặc không phân biệt được nghĩa của hai chữ Hán “chí ” và “trí ”.

50 - “bách triết thiên ma 千折百磨”.

Đây là lỗi chính tả NVK từng mắc trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (xuất bản 2013 và 2018) khi đưa ra lời khuyên ngược lại với chuẩn chính tả: “triết: bách triết thiên ma, thiên ma bách triết. → không viết: chiết”. Với lỗi này, chúng tôi từng trao đổi như sau:

“Viết “chiết” mới đúng. Nhiều từ điển thường giải thích “bách chiết thiên ma” là trăm lần gãy, nghìn lần mài, nhưng thực ra trong Hán ngữ, “chiết ma” 折磨 được hiểu theo nghĩa bóng = đau đớn, khổ sở; “bách chiết thiên ma” 百折千磨, hay “thiên ma bách chiết” 千磨百折 = trăm đau, ngàn khổ, ý nói trải qua muôn vàn gian nan vất vả. Đây là cách nói giống như tân khổ 辛苦 (cay đắng); thiên tân vạn khổ 辛萬苦 trăm đắng ngàn cay). Ví dụ Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma//Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử”. (Lam Sơn thực lục - NXB Tân Việt, 1963). 

51- “thiên ma bách triết 千磨百折”.

          Mục này lặp lại cái sai của mục 4, phải viết “thiên ma bách chiết” mới đúng. Ví dụ: “Đòi những kẻ thiên ma bách chiết/Hình thì còn bụng chết đòi nau” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Lộc biên khảo và chú giải, NXB Giáo dục 1994).

 52 - “mặt sưng mày xỉa

          Phải là “mày sỉa” mới đúng, vì “sỉa” mới có nghĩa là sưng. Đây là lỗi NVK từng mắc trong “Từ điển chính tả tiếng Việt”, và ông đưa ra lời khuyên đi ngược lại với chuẩn chính tả: xỉaxưng xỉa. → không viết: sỉa”. Với lỗi này, chúng tôi từng trao đổi như sau: Viết chuẩn là “sưng sỉa” (từ ghép đẳng lập): “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). Hoàng Phê - Vietlex: “sưng sỉa t. (Mặt) nặng ra, và như sưng lên, lộ rõ vẻ không bằng lòng. Mặt sưng sỉa như đang chửi nhau”. [K].

53-toạ thực sơn băng 坐食山崩miệng ăn núi lỡ, ngồi ăn núi lỡ”.

Phải viết “núi lở” mới đúng, bởi bản gốc Hán mà NVK so sánh là 坐食山崩 (toạ thực sơn băng), trong đó “băng” nghĩa là sụt, lở (chỉ ngồi ăn không thì đến như núi cũng lở). Còn viết “núi lỡ”, thì chỉ có thể hiểu là núi không lớn mà cũng không nhỏ(!). Tuy nhiên, nếu chỉ về độ to nhỏ, thì thường nói “núi nhỡ” chứ không viết “núi lỡ”. Tác giả NVK là người vùng Sơn Tây, không hiểu vì sao ở mục này lại mắc lỗi chính tả, nhầm lẫn hỏi – ngã của người miền Trung.

54-“vén tay áo , đốt nhà táng giấy 袖手旁觀”.

Phải là “áo ” mới đúng. Vì “sô” mới có nghĩa là “vải thô, dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc làm khăn, áo tang. tấm khăn sô ~ may màn bằng vải sô.” (Hoàng Phê - Vietlex).

Mục 54 này, ngoài sai chính tả, NVK còn mắc thêm lỗi đối chiếu hai bản thành ngữ không đồng nghĩa mà chúng tôi đã nêu mở mục 11 của bài Kỳ 1 Thu thập và đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa”.

55-“việc nọ sọ việc kia”.

Phải viết “việc nọ xọ việc kia” mới đúng. Vì “xọ” mới có nghĩa chuyển đột ngột sang câu khác, chuyện khác không dính líu gì với nhau. câu nọ xọ câu kia ~ “Hai đứa tôi, gặp nhau chuyện nọ xọ chuyện kia, đủ thứ chuyện đời.” (Hoàng Phê - Vietlex).



56-“xảy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa”.

57-“xảy nhà ra thất nghiệp”.

58-“xẩy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa. x. xảy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa”.

Ba mục 56, 57 và 58, NVK đã phạm tới 4 lỗi chính tả. Theo đây, phải viết “sảy chân”, “sẩy nhà”, “sẩy chân”…mới đúng. Hoàng Phê-Vietlex: “sẩy đg. 1 sơ ý, làm một động tác [tay, chân, miệng, v.v.] biết ngay là thiếu cẩn thận nhưng không kịp giữ lại được, để xảy ra điều đáng tiếc. sẩy chân còn hơn sẩy miệng (tng) ~ “Xa sông xách nước bằng chình, Sẩy tay rớt xuống, gẫm mình vô duyên.” (Cdao)”.

Viết xảy/xẩy (ra) như NVK, nghĩa không phù hợp với các thành ngữ trên.

59-“trăm voi không được bát nước sáo”.

Phải viết “nước xáo” mới đúng. Vì “nước xáo” mới có nghĩa là nước luộc thịt có hương vị tổng hợp của xương, thịt, lòng, mề, tim, gan, tiết...Hoàng Phê-Vietlex:  xáo • đg. nấu thịt với nhiều nước và các loại rau, gia vị riêng. vịt xáo măng ~ trăm voi không được bát nước xáo”.

Ngoài lỗi chính tả, “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Hán” của NVK còn có khá nhiều lỗi mà chúng tôi tạm xếp vào dạng lỗi văn bản. Sở dĩ chúng tôi nói tạm xếp vào dạng lỗi văn bản, bởi có thể những cái sai mười mươi đó lại là sự lựa chọn, chủ ý của NVK - một kiểu sai giống hệt trong sách “Từ  điển chính tả tiếng Việt” của chính GS.TS Nguyễn Văn Khang. Sau đây là một số ví dụ:

60- “đắc ngư vọng thuyền 得魚忘筌”.

          Chính xác phải là “đắc ngư vong thuyên得魚忘筌 (được cá quên nơm; vong = quên; thuyên = nơm). Điều nguy hiểm là cả hai lỗi “vọng” và “thuyền” trong trường hợp này đều có nghĩa, khiến người ta có thể hiểu “đắc ngư vọng thuyền” thành “được cá nhớ thuyền”(!).

61-“đông che hè mở 冬裝”.

          Nhầm chữ “hạ” (mùa hè) thành “hạ” (dưới). Theo đây phải viết “冬裝夏葛” mới đúng.

62-“mèo mó có hơn không”.

          Chính xác là “méo mó có hơn không”.

63-“mã cách loả thi 馬革裹尸”.

          Chính xác là “mã cách quả thi”, bởi “quả” mới có nghĩa là gói, bọc lại (mã cách quả thi 馬革裹尸= da ngựa bọc thây). Trên bàn phím hai con chữ “q” và “l” ở rất xa nhau, không hiểu vì sao chữ “quả ” lại nhầm thành “loả”. Không lẽ soạn giả từ điển nghe mang máng âm “oả” đâu đó rồi gõ chừng?

64-“như hổ mọc (thêm) cánh 如虎添翼như cọp thêm cánh; như hổ thiên dực”.

          Chính xác là “như hổ thiêm dực” (đúng như phần nguyên văn chữ Hán của NVK), bởi “thiêm mới có nghĩa là “thêm” (như hổ thiêm dực 如虎添翼 = như hổ thêm cánh).

65-“như hổ thiên dực x. như hổ mọc (thêm) cánh)”.

          Mục này lặp lại cái sai của mục 64. Nếu xem đây là lỗi gõ nhầm (lỗi văn bản) có lẽ không đúng, vì NVK đã có chủ ý đọc chữ “thiêm  thành “thiên” ở cả 2 mục (giống như lỗi chính tả lặp lại ở mục “miệng ăn núi lỡ, ngồi ăn núi lỡ”).

66-“phúc tử kỉ cầu 福自己求”.

          Chính xác phải là “phúc tự kỉ cầu” (tự = tự mình).

67-“vạn cổ trường thành 萬古長青”.

          Chính xác là “vạn cổ trường thanh”.

68-“vạn cổ trường tôn 萬古長存”.

          Chính xác là “vạn cổ trường tồn”.



69-“vinh quy bái tổ 拜祖”.

          Bản Hán, chữ “quy” là về, bị viết nhầm thành chữ “quý” trong quý báu.

70-“kính nhi viên chi 敬而遠之”.

          Chính xác là “kính nhi viễn chi”.

          Hãy còn nhiều lỗi trong từ điển của NVK, nhưng chúng tôi xin tạm dừng ở con số 70 mục. Như vậy, nếu tính cả những mục phạm cùng lúc nhiều lỗi, thì con số này đã ngót nghét gần trăm lỗi. Ấy là chưa kể hàng trăm lỗi “Hán hoá tiếng Việt” mà chúng tôi xin được gửi đến bạn đọc trong kỳ cuối của loạt bài viết.

                                HTC/9/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét