Sự biến đổi của chữ "Vọng" |
Hoàng Tuấn Công
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) viết: “Viển vông: tính từ, không thiết thực, hết sức xa rời thực tế. mơ ước viển vông; toàn nói những chuyện viển vông. đồng nghĩa: hão huyền”.
-Từ điển chính tả (dành cho học sinh)-NXB Từ điển bách
khoa-Trung tâm từ điển học: “Viển:
viển vông: diễn giả nói những điều viển
vông”.
-Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Trọng Báu-NXB Giáo dục-2013: “Viển: viển vông (Xa rời thực tế, chẳng
thiết thực gì cả: suy nghĩ viển vông)
-Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện ngôn ngữ học-NXB
Khoa học xã hội: “Viển vông tính từ. Không thiết thực và rất xa thực tế. Chuyện viển vông. Mơ ước viển vông”.
-Từ điển Việt Hán-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003:
“Viển vông: 虚幻的(hư ảo đích).
Như
thế, rất nhiều sách từ điển tiếng Việt viết là “viển vông” (viển dấu hỏi)
chứ không phải “viễn vông” (viễn dấu ngã).
Thực ra, từ “viển vông” là biến âm của “viễn vọng”
nghĩa là trông xa:
-Chữ
“vọng” 望 nghĩa gốc là nhìn ra nơi xa. Giáp cốt văn:
chữ “vọng” giống như một người đang đứng, mắt mở to nhìn ra xa. Kim văn: thêm hình mặt trăng, thể hiện
rõ một người đang “viễn vọng”- nhìn xa.
-Ngoài
nghĩa đen là nhìn xa, trong Hán văn, từ “viễn vọng” có nghĩa bóng là “ảo tưởng”, trông chờ vào cái gì đó quá
xa vời, không thực tế. Từ điển Việt-Hán (sách
đã dẫn) cho ta biết: “Viễn vọng: nghĩa 1. 遠望 viễn vọng - nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡 (viễn vọng
kính) Nghĩa 2. 幻想 -ảo tưởng”.
-Từ “ảo tưởng” được Từ điển tiếng Việt giải thích: “có ý nghĩ viển vông, mơ hồ, thoát li hiện thực: ảo tưởng về một thế giới hoàn mĩ”.
-Việt Nam tự
điển (Hội khai
trí tiến đức-1932):
+Viển-vông: Vu vơ,
không có bằng cứ gì cả. Câu chuyện viển
vông.
+“Viễn-vọng: trông xa.
Đứng trên lầu viễn-vọng. Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi: Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”.
Như thế, ta có mối liện hệ: Viễn vọng = Ảo tưởng = viển vông. Đặc
biệt, Việt Nam tự điển-cuốn sách xuất
bản đầu thế kỷ XX cho ta biết thêm: thời bấy giờ đã có sự biến âm “viễn vọng” thành “viển vông”. Tuy nhiên, người ta chưa quên hẳn từ “viễn vọng” nên còn được Việt Nam tự điển ghi nhận: “Viễn vọng: Nghĩa bóng: mong mỏi chuyện xa xôi”. Đáng chú ý, cái ví dụ
có vẻ “trái khoáy” “Hay viễn-vọng những
chuyện viển-vông” của Việt Nam tự điển
cho ta thấy “viển vông” bắt đầu Việt
hóa: viễn biến âm thành viển; vọng biến âm thành vông, dần
dần thay thế hoàn toàn cho từ Hán Việt “viễn
vọng” (Đây là hiện tượng dùng một từ Hán Việt cũ để giải thích cho một từ
Việt hóa hoặc từ thuần Việt mới, theo kiểu như “ngày sinh nhật”). Để rồi thay vì nói: “Hay viễn-vọng những chuyện viển-vông”
người ta sẽ nói: “Chỉ nói toàn những chuyện
viển vông”. Và hơn nửa thế kỷ sau, người ta đã quên hẳn từ “viễn vọng” với nghĩa bóng “mong mỏi chuyện
xa xôi” của nó và mặc nhiên công nhận duy nhất từ “viển vông”. Đến mức Từ điển
từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) xếp “viển vông” vào diện “từ láy
tiếng Việt”. Qua đó cho rằng trong từ ghép “viển vông” có một yếu tố không
có nghĩa, hoặc cả hai đều không có nghĩa.
Vậy, bây giờ ta phải theo cách viết nào? “Viển vông” hay “viễn vông”. Cách giải quyết hợp lý là theo số đông = viển vông. Tuy nhiên, với các nhà biên soạn từ điển, khi giải thích nghĩa từ “viển vông” nên chú thích nguồn gốc của
từ và đưa ra lời khuyên dùng thống nhất là “viển
vông” thay vì “viễn vông”, tránh băn
khoăn, thắc mắc cho mọi người mỗi khi nói và viết.
HTC/5/2014
HTC/5/2014