CỦA
NHÓM PGS-TS HÀ ĐÌNH ĐỨC
Lối vào đền thờ Nguyễn Văn Nghi |
Hoàng Tuấn Phổ
Do nhu cầu thực tế,
loại sách Quốc ngữ về “Các nhà khoa bảng Việt Nam” đã được
xuất bản nhiều, tiêu biểu có nhóm Ngô Đức Thọ, nhóm Bùi Hạnh Cẩn… Thông thường,
sách biên soạn lại, quyển sau phải tiến bộ hơn quyển trước, vì ít nhiều có kế
thừa, đồng thời đính chính những sai lầm, thiếu sót của quyển trước. Rất tiếc,
gần đây, sách “Những nhà khoa bảng xứ Thanh”
của nhóm PGS -TS Hà Đình Đức (NXB Thanh Hóa 2011) không đi theo “luật” thông thường ấy.
Tôi không nghĩ
các vị qua loa, tắc trách, chỉ cốt cái danh, mà do thiếu kinh nghiệm, phương pháp,
kiến văn, thiếu cả tài liệu xưa nay cần thiết để tra cứu, đối chiếu, tham khảo.
Đó là các sách gọi chung là “Đăng khoa
lục”, các bia ký tiến sĩ hầu như địa phương nào cũng có… Ở đây, tôi chỉ xin
có đôi điều bước đầu nhận xét, góp ý cùng soạn giả.
1. Là tác giả hay
soạn giả?
Đứng tên ở vị trí tác
giả, như là tác giả của “Những nhà khoa
bảng xứ Thanh” , nhóm PGS- TS gồm 3 người. Cái sai bắt đầu ngay ở bìa 1 và
bìa 2. Quyển sách nội dung chỉ là chép lại, soạn lại thôi! Hãy xem quyển: “Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam ”, NXB
Văn hoá Thông tin – 2002, nhóm Bùi Hạnh Cẩn đã đứng đúng vị trí của mình ở bìa
2 (bìa trong), phía dưới tên sách và ghi rõ là “biên soạn”.
2.
Tiến sĩ khác gì
Phó bảng?
Ở phần một, nhóm Hà
Đình Đức viết: “Phó bảng đã được xác định
ngay từ khoa thi Hội, đỗ nhưng không công nhận là Tiến sĩ, không được thi Đình,
và cũng không vinh quy bái tổ bằng cờ, lọng tía, cân đai nhà vua” (tr.44,
45). Tại sao ở Phần hai khi phân loại, nhóm Hà Đình Đức lại xếp trong loại Tiến
sĩ có Phó bảng? Phó bảng là một học vị, chỉ mới đặt ra từ đời Minh Mệnh, lấy
người điểm thấp hơn Tiến sĩ, tức là đỗ ở vào vị trí trên Cử nhân dưới Tiến sĩ.
Vì thế, tên người đỗ Phó bảng ghi ở một bảng riêng, gọi là phụ bảng (chữ Phó
bảng từ chữ phụ bảng mà ra). Nếu ai đó gọi Phó bảng là Tiến sĩ hạng hai cũng
không đúng. Vậy, Phó bảng là Phó bảng, một học vị mới của riêng triều Nguyễn, khi
phân loại Phó bảng phải đứng riêng một loại dưới Tiến sĩ, không thuộc Đệ tam
giáp đồng tiến sĩ.
3. Quê quán các vị
khoa cử:
Trong các sách Đăng
khoa lục chữ Hán ngày xưa do “tam sao
thất bản”, khó tránh khỏi nhiều trường hợp quê quán nhà khoa bảng bị lầm
lẫn, sai lạc. Thời nay sách Quốc ngữ căn cứ tài liệu cũ, người biên soạn thường
suy đoán, ít bỏ công đối chiếu bi ký ở Quốc tử giám, các văn miếu hàng tỉnh, hàng huyện, các mộ chí, gia phả…
xảy ra tình trạng sách sau phủ nhận sách trước mà không cần lý do xác đáng, làm
cho sự việc càng thêm rối. Sách “Những nhà
khoa bảng xứ Thanh” của nhóm PGS- TS Hà Đình Đức là một ví dụ. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:
- Nguyễn Văn Nghi,
Nhất giáp Chế khoa. Các sách Nhân vật chí
của Phay Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí
của Sử quán triều Nguyễn, “Trạng nguyên,
Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam” của NXB Văn hoá Thông tin, v.v… đều chép
thống nhất “quê xã Ngọc Bôi, huyện Đông
Sơn”, riêng một mình sách “Những nhà
khoa bảng xứ Thanh” (xuất bản 2011), PGS- TS Hà Đình Đức bắt sửa địa danh
là “Ngọc Đôi”, kèm theo chú thích hẳn
hoi, tỏ ra đã khảo cứu sách nọ, tài liệu kia cẩn thận! Chẳng những thế, nhà
khoa học còn đổi luôn thôn Quỳnh Bôi
thành thôn Quỳnh Đôi ! (PGS- TS không
hiểu chữ “Bôi” Hán tự là gì chăng?)
- Hoàng Quốc Thực, Đệ
nhị giáp Chế khoa. Sách “Trạng nguyên,
Tiến sĩ, Hương Cống Việt Nam” (Nhóm Bùi Hạnh Cẩn) căn cứ tài liệu xưa chép
quê quán là “xã Dực Thượng, huyện Quảng
Xương”, PGS- TS không chịu, bắt chước sách Danh sĩ xứ Thanh và … chữa chữ “Dực
Thượng” thành chữ “Đức Thượng”, cũng
đoán mò theo Danh sĩ xứ Thanh là “xã Quảng Đức” và các nhà khoa
bảng Việt Nam là “xã Quảng Cát”! Trước hết, xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương không
có địa danh “Đức Thượng” và xã Quảng Cát cũng vậy.
Quê Hoàng Quốc Thực, khi
ông khai báo để đi thi là thôn An Khoái,
xã Dực Thượng, huyện Quảng Xương. Thời
Nguyễn chữ “Dực” vì kiêng huý Dực
tông (tự Đức ) nên đổi “âm” thành “Dặc” (nôm), sau đổi là xã Kính Thượng,
rồi xã Cung Thượng. Từ năm 1945 là xã Quảng Cát. Sách “Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam ” chép
như đã nói là hoàn toàn đúng. PGS- TS Hà Đình Đức sửa thành Đức Thượng là hoàn
toàn sai v.v…
4. Chính sử và giai
thoại:
Về Trạng nguyện Trịnh
Tuệ (Huệ). Việc thi đỗ Trạng nguyên của Trịnh Tuệ đương thời có dư luận nhà
Chúa thiên vị. Chuyện này có chép trong chính sử. Nhưng tiếp theo, PGS- TS Hà
Đình Đức kể chuyện các quan ra câu đố
mang nội dung kinh điển để thử tài Trịnh Tuệ chỉ là câu chuyện dân gian nhằm khẳng
định tài năng của Trịnh Tuệ. Đến chuyện Chiếc
đũa có chân của một “nữ lưu” trong
đám các quan (?) chất vấn Trinh Tuệ, tính giai thoại quá rõ ràng! Nội dung sách Khoa
bảng (Đăng khoa lục) phải chép đúng sự thật lịch sử từng nhân vật, trường hợp
tối ư cần thiết chép thêm chuyện ngoài sử, phải ghi rõ “Tục truyền”, “Truyền thuyết”, “dã sử”, “giai thoại”,… khoa học không
chấp nhận sự tuỳ tiện.
5. Những tiến sĩ ở
huyện Quảng Xương.
Mục “huyện Quảng
Xương”, sách Những nhà khoa bảng xứ Thanh
ghi rõ: 1- Hoàng Quốc Thực; 2- Nguyễn Văn Khuê; 3- Nguyễn Văn Bích; 4- Trương
Hữu Hiệu; 5- Trương Hữu Thiệu. Như vậy, nhóm biên soạn bỏ đi 4 tiến sĩ. Còn một
vị trạng nguyên Trịnh Tuệ khi đi thi khai báo trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng
Xương, các nhà khoa học đã tuỳ nghi đưa về chính quán huyện Vĩnh Lộc. Ở đây,
chúng ta chỉ hỏi nhóm PGS- TS rằng tại sao cả 4 vị Tiến sĩ bị các nhà khoa học
phế truất học vị và loại khỏi danh sách huyện Quảng Xương?
Căn cứ Quảng Xương văn miếu bi ký do đốc học Lê
Thế Hân giải nguyên khoa Tân Sửu, Phó bảng khoa Giáp Dần, thăng đốc học tỉnh Nghệ
An, người huyện Đông Sơn cung soạn, dựng tại Văn miếu huyện Quảng Xương, năm Tự
Đức thứ tư (1850), tháng 6 ngày 1 năm Canh Tuất (Hoàng Tuấn Công dịch và chú
thích, tài liệu công bố trong sách Địa chí huyện Quảng Xương, chủ biên
Hoàng Tuấn Phổ- Hội văn nghệ dân gian Việt Nam- NXB Lao động 2012), danh sách
Trạng nguyên, Tiến sĩ (ghi tóm tắt điều cốt yếu):
1- Hoàng Giáp Lê Mệnh
Dự, người tổng Lưu Vệ, thôn Văn Lâm, trúng Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Chế
khoa Giáp Dần (1554)…
2- Hoàng giáp Hoàng
Quốc Thực, người tổng Cung Thượng, thôn Yên Khoái đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất
thân, Chế khoa Ất Sửu (1565)… (hiện còn dòng họ, gia đình, nhà thờ, mũ hia, cờ
biển…)
3- Hoàng giáp Nguyễn
Hữu Thường, người tổng Lưu Vệ, thôn Hải Án (Yến), đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa
Đinh Sửu (1637)…
4-Hoàng giáp Nguyễn
Văn Quê, người tổng Lưu Vệ, xã Bất Quần, thôn Ngọc Am, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ
khoa Canh Tuất (1610)…
5- Tiến sĩ Nguyễn Đình
Chính, người tổng Lưu Vệ, xã Bất Quần, thôn Thọ Sơn, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ
xuất thân, khoa Nhâm Thìn (1652)…
6- Bảng nhãn Nguyễn
Văn Bích người tổng Lưu Vệ, thôn Ngọc Am, đỗ Đệ Nhất giáp, đệ Nhị danh khoa Kỷ
Hợi (1659), thi khoa Hoành từ lại đỗ Đệ Nhất giáp, đệ Nhị danh, đệ Nhất khoa hoành
… (Sau gia đình chuyển cư ở xã Ứng Mộ,
huyện Vĩnh Lại, đổi Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là cháu họ Hoàng giáp Nguyễn Văn
Quê (Khuê) và là cháu họ ngoại Tiến sĩ Nguyễn Đình Chính. Nhà thờ họ Nguyễn
hiện còn ở thôn Ngọc Am, xã Quảng Thịnh)
7- Trạng Nguyên Trịnh
Tuệ, người tổng Lưu Vệ, xã Bất Quần, thôn Thọ Sơn, đỗ Đệ nhất giáp, đệ Nhất
danh khoa Bính Thìn (1736)…
8- Tiến sĩ Nguyễn Mỹ
Tài, người tổng Lưu Vệ, thôn Văn Lâm, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa
Canh Tuất (1670)…
Hai Tiến sĩ là ông
cháu người cùng xã Thiên Linh, tổng Văn Trinh đời Tự Đức soạn khắc bia ký Văn
miếu Quảng Xương, đang thuộc đất huyện Tĩnh Gia, từ đời Thành Thái (1889- 1907)
chuyển về huyện Quảng Xương (Đời Trần xã Thiên Linh thuộc huyện Quảng Xương,
đầu đời Gia Long mới chuyển tổng Văn Trinh về huyện Tĩnh Gia).
9- Tiến sĩ Trương Hữu
Hiệu, người xã Thiên Linh, nay thuộc xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, đỗ Tiến
sĩ Khoa Bính Thìn (1676) làm đến chức Giám sát Ngự sử, là ông nội Trương Hữu
Thiệu.
10- Tiến sĩ Trương
Hữu Thiệu, người xã Thiên Linh, là cháu nội Tiến sĩ Trương Hữu Hiệu. Trước đỗ
khoa Sĩ vọng, năm 32 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) đời Lê Dụ Tông. (Hiện
chưa rõ hậu duệ họ Trương Hữu còn, mất, nếu còn, ở đâu?).
Thực ra, trên đây chỉ
mới là những điều nhiều bạn đọc ở Quảng Xương đề nghị tôi nói lên ý kiến của
mình. Tôi nghĩ đó cũng là điều phù hợp với độc giả những địa phương khác trong
tỉnh. Ai cũng biết rằng viết về các nhà khoa bảng nước ta rất khó, không thể “cứ sách mách theo”, nó thuộc loai sách công cụ để tra cứu như Từ điển, phải
tránh sai sót tới mức cao nhất. Chúng ta có thể “thông cảm” phần nào trình độ
hạn chế của người soạn khiến quyển sách bị không ít sai lầm, thiếu sót. Chính
Nhà xuất bản Thanh Hóa cũng đã viết ở Lời nói đầu sách Những nhà khoa bảng xứ Thanh: “…Việc
tra cứu, so sánh để đảm boả tính chính xác, khoa học là hết sức công phu và khó
khăn. Chắc chắn cuốn sách sẽ không tránh khỏi sự sai sót, thiếu và nhầm lẫn. Chúng
tôi rất mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc xa gần để lần tái bản cuốn sách
được hoàn thiện hơn”. (tr.9)
Bởi giới hạn của một
bài báo, người viết không thể nói hết mọi điều cần nói. Tôi sẽ trở lại vấn đề
này vào dịp khác.
H.T.P
Tạp chí
Xứ
Thanh 11/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét