4 thg 5, 2014

“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của Lê Xuân Đức ?



         
Cuốn sách bị Lê Xuân Đức đạo văn
Hoàng Tuấn Công


Phần IV

Đạo đồ giả và sáng tạo nhầm

Chuyện “đạo văn” của Lê Xuân Đức đã quá rõ. Nhưng, cái hay, cái đúng Lê Xuân Đức đạo đã đành. Đằng này, những sai sót nhầm lẫn, thiếu chính xác của người ta, ông  Lê Xuân Đức cũng cứ “xài” liền liền.
1.Bài Bạn tù họ Mạc. Hai câu:“Xa đại pháo” tài chân vĩ đại, Tại tù nhưng tưởng ngật nhân sâm.
Ông Lê Xuân Đức giảng giải: “Xa đại pháo là một phương ngữ ở Quảng Đông (chứ không phải như chú thích của Viện văn học trong bản dịch năm 1983) có nghĩa là một tấc lên trời, huênh hoang khoác lác. Phương ngữ này cùng một nghĩa với thành ngữ ở Quảng Đông “Đại suy đại lôi” nghĩa là bốc phét quá chừng, quá mức”.
Xin trao đổi với Nhà phê bình Lê Xuân Đức mấy điểm sau đây:

a/Cái ý “Xa đại pháo là phương ngữ Quảng Đông” chẳng qua Lê Xuân Đức “chôm” của GS Hoàng Tranh trong “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp, (chú thích tr.128). GS Hoàng Tranh viết: "phương ngôn", ông đổi thành "phương ngữ". Mặt khác, Lê Xuân Đức nói "phương ngữ này cùng một nghĩa với thành ngữ ở Quảng Đông" là chẳng hiểu hai khái niệm phương ngữ và thành ngữ nó giống nhau, khác nhau ra sao. Hơn nữa, Viện văn học chú thích sai như thế nào, sao ông không nói rõ mà lại lập lờ như vậy ? Bởi, cái ý “Xa đại pháo” nghĩa là “huênh hoang, khoác lác” đã được Nam Trân hiểu đúng và dịch là “một tấc lên mây” rồi, Lê Xuân Đức còn “phát hiện” làm gì nữa ? (Một tấc lên mây” ghê gớm thật, Ngồi tù mà vẫn ước nhân sâm-Nam Trân dịch).
b.Câu “Đại suy đại lôi” không biết Lê Xuân Đức chép ở đâu, nhưng đã chép sai. Vì viết đúng là “Đại xuy đại lôi” (xuy chữ X) chứ không phải “Đại suy đại lôi” (suy chữ S). Chữ “xuy” này không có nghĩa là “suy” như Lê Xuân Đức “suy diễn” mà có nghĩa là thổi (xuy trong xuy địch: Mục đồng xuy địch dẫn ngưu quy-Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay-Bài Hoàng hôn-"Ngục trung nhật ký"-Nam Trân dịch).
Câu“Đại xuy đại lôi” (xuy = thổi; lôi =đánh) có nghĩa là cùng lúc tấu các loại nhạc cụ lên. Câu này vốn là một đoạn trong lời thoại vở kịch Tứ đại vương ca vũ Lệ Xuân đường” (四大王歌舞麗春堂), còn gọi là vở Lệ Xuân đường của Nhà viết kịch Vương Thực Phủ đời Nguyên:“Ban cho anh hoàng kim ngàn lượng, rượu thơm trăm bình, tại Lệ Xuân đường cùng tấu tất cả nhạc khí lên (đại xuy đại lôi-大吹大擂) tổ chức tiệc vui thật linh đình”. (赐你黄金千两,香酒百瓶, 就在丽春堂大吹大擂, 做一个喜的筵席).
Trong lời thoại trên: ngàn lạng vàng, trăm bình rượi thơm, tấu tất cả các nhạc khí lên, đều mang vẻ rất khoa trương. Và “đại xuy, đại lôi” được "lẩy" ra để dùng như một thành ngữ chỉ sự khoe khoang quá mức. Như vậy, câu thành ngữ “Đại xuy đại lôi”, chỉ có nghĩa là tấu tất cả các nhạc  khí lên, vốn là một “tích” trong vở kịch Lệ Xuân đường, đâu phải là “một thành ngữ ở Quảng Đông” như Lê Xuân Đức nói.
Nói thêm: Lê Xuân Đức từng có bài viết Đi nhiều để hiểu sâu hơn” trên Báo Công anh nhân dân Báo Thanh Hóa. Ông viết: Đặc biệt, cùng với việc tìm hiểu một số phương ngữ, thành ngữ Quảng Tây (Trung Quốc), một số điển cố lịch sử và thơ ca cổ Trung Quốc mà Bác sử dụng và tập cổ trong "Nhật ký trong tù", tôi đã có hai chuyến điền dã ở Quảng Tây, là nơi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm trước đây. Chuyến thứ nhất, lần theo con đường tù đày của Bác qua 13 huyện tỉnh Quảng Tây: Tĩnh Tây, Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), Điền Đông, Quả Đức, Long An, Đồng Chính (nay là Phù Tuy), Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân (nay là khu Hưng Tân, trực thuộc thành phố Lai Tân), Liễu Châu, Quế Lâm và một chuyến trở lại một số địa điểm cần thiết để xác định và hiểu rõ hơn những điều cần tìm hiểu”.
Theo đó, Lê Xuân Đức từng sang Quảng Tây-Trung Quốc “điền dã”, và đã đi tới hai lần. Lịch trình đi của Lê Xuân Đức giống hệt cách đặt câu trong "chú thích" của GS Hoàng Tranh. Và rốt cuộc ông đã “cầm nhầm” sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp”của GS Hoàng Tranh rồi cứ ngỡ đây là sổ tay “điền dã” của mình! Riêng câu “Đại suy đại lôi” hiện chúng tôi chưa biết ông Lê Xuân Đức đã “điền dã” được ở trong sách của ai, nhưng vì không hiểu cặn kẽ cụ thể nó là gì nên đã chép sai và gán cho nó cái xuất xứ “thành ngữ ở Quảng Đông” vậy đó.
2.Bài Bị hạn chế:
Một hữu tự do chân thống khổ,
Xuất cung dã bị nhân chế tài;
Khai lung chi thời đỗ bất thống,
Đỗ thống chi thời lung bất khai.
Nam Trân dịch:
Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho;
Cửa tù khi mở, không đau bụng,
Đau bụng thì không mở cửa tù.
Bài này GS Hoàng Tranh chú thích: “Hai chữ xuất cung (出恭), tiếng Quảng Đông có nghĩa là đi ngoài”. Thế là Lê Xuân Đức bám ngay vào đây để “bình”: “Những từ Hán-Việt nôm na mách qué, theo quan niệm truyền thống, đặc biệt thơ cổ là tối kỵ, uế tạp, nhưng với Bác, giản dị đã trở thành bản lĩnh...” Thế nhưng, Lê Xuân Đức chỉ quen nói theo, "chôm đồ" của GS Hoàng Tranh mà không tự tìm hiểu xem nó là đồ thật hay đồ giả.  Tại sao “xuất cung” 出恭 (chữ cung trong cung kính) lại được đem dùng để nói một việc chẳng ăn nhập gì là "đi ị" ? Liệu có đúng đây là “tiếng Quảng Đông” theo kiểu "nôm na mách qué" không ? Lê Xuân Đức có điều kiện sang Trung Quốc “điền dã” sao không tra cứu từ điển Tàu cẩn thận rồi hẵng viết, thay vì phỏng đoán, "chôm" ý tưởng sai của người khác ?
Từ “xuất cung” vốn sinh ra ở chốn trường thi (từ đời Nguyên bên Tàu). Vào trường thi, sĩ tử làm bài kéo dài tới cả ngày trời nên phải đem theo thức ăn, nước uống tự phục vụ tại chỗ. Riêng việc đại tiện, tiểu tiện, để tránh thí sinh tự ý đi lại, rời vị trí ngồi, gian lận tài liệu, trường thi quy định phải “xuất cung, nhập kính”. Tức ra, vào đều phải có phép tắc nghiêm chỉnh. Muốn đi đái, đi ỉa, trước tiên sĩ tử phải xin phép và lĩnh tấm thẻ có chữ “xuất cung” mới được đi nhà xí. Do vậy, người ta gọi đi nhà xí là “xuất cung”. Lại gọi đại tiện là “xuất đại cung”, tiểu tiện là “xuất tiểu cung”. (Nguyên đại khởi: Khoa cử khảo trường trung thiết hữu: xuất cung, nhập kính bài, dĩ phòng sĩ tử đàn ly tọa vị, sĩ tử nhập xí tu tiên lĩnh thử bài, nhân xưng nhập xí vi xuất cung. Tịnh vị đại tiện vi xuất đại cung, tiểu tiện vị xuất tiểu cung-Nguyên văn chữ Hán trong từ điển Tàu, HTC phiên âm,dịch nghĩa).
Như thế, “xuất cung” không phải là “tiếng Quảng Đông” ? Và dĩ nhiên Bác Hồ cũng không hề “nôm na, mách qué” như Lê Xuân Đức nghĩ. Bác nói chữ đó !
Nói thêm: Trong nguyên tác chữ Hán “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân chương 29, đoạn nói Trư Bát Giới khoe khoang, mắng nhiếc Huỳnh Bào rồi cùng Sa Tăng nhảy vào giao chiến. Đánh tới 90 hiệp, Bát Giới đã mệt lử, Sa Tăng cũng hết hơi mà không thắng nổi. Có nguy cơ bại trận, Bát Giới mới nói lừa Sa Tăng: “Hiền đệ cố sức cầm cự tiếp, đợi ta "đi ngoài" cái đã, xong sẽ quay lại ngay”. (Sa Tăng ! Nhĩ thả thượng tiền lai, dữ tha đấu trước, Lão Trư xuất cung lai ( 沙僧,你且上前来与他斗着,老猪 出恭来)Sa Tăng tin lời Bát Giới, đem hết sức ra đánh. Chẳng ngờ Bát Giới chạy xa, tìm chỗ mát nằm ngáy khò khò. Còn Sa Tăng đợi Bát Giới hết hơi, một mình đánh không lại, bị Huỳnh Bào bắt sống trói gô lại.
Việt Nam cũng có từ “đi ngoài” để chỉ “đại tiện”. Rất có thể từ này cũng xuất phát từ cách nói “xin ra ngoài” của sĩ tử trường thi xưa. Chúng tôi còn nhớ hồi nhỏ đi học, ban đầu đứa nào đứa nấy cứ bô bô: “Thưa cô, cho em xin ra ngoài đi ỉa”. Thầy cô mới dạy cho phép lịch sự: “Từ nay, em nào “muốn vậy”, phải nói rằng “Thưa cô, cho em ra ngoài có việc nhớ không ? Xin phép “ra ngoài có việc” bao giờ cũng dễ dàng và được “phóng thích” nhanh nhất. Thế là đôi khi chẳng hề có nhu cầu "xuất cung", hay “có việc” gì nhưng có đứa ngồi chán trong lớp, cũng vờ đứng dậy nhăn nhó:“Thưa cô cho em ra ngoài có việc”.
Đáng chú ý, việc “thó” phải “đồ giả” của ông Lê Xuân Đức không chỉ dừng lại ở một vài trường hợp.
3.Bài “Ghẻ lở”. Hai câu:
Mãn thân hồng, lục như xuyên cẩm,
Thành nhật lao tao tự cổ cầm;
(Khắp người xanh đỏ như hoa gấm,
Suốt ngày gãi sột soạt tựa gảy đàn)
-GS Hoàng Tranh (sách đã dẫn tr.193) chú thích:
“Hai chữ “thành nhật” (成日) là tiếng địa phương của vùng Quảng Đông. Những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã từng hoạt động cách mạng ở vùng Quảng Châu và Hồng Kông tiếp xúc với tiếng Quảng Đông, nên trong các câu thơ thường xuất hiện một số từ ngữ Quảng Đông. Ví dụ: xuyên cẩm (穿錦) - mặc áo gấm, “cổ cầm” (鼓琴)-gảy đàn, để so sánh với cái ghẻ lở trên thân thể người bị giam trong tù”.
-Tài liệu “điền dã” và “lời bình” của Lê Xuân Đức:
“Hai chữ “thành nhật” là tiếng địa phương vùng Quảng Đông, Bác đã từng hoạt động cách mạng ở vùng Quảng Đông những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, tiếp xúc nhiều và dùng tiếng Quảng Đông, nên trong các câu thơ thường xuất hiện một số từ ngữ Quảng Đông như trong bài này: Thành nhật: suốt ngày, xuyên cẩm: mặc áo gấm, cổ cầm: gảy đàn, là cách nói hình ảnh chỉ cái ghẻ và gãi ghẻ trên thân thể người bị giam trong tù”.
Như vậy, Lê Xuân Đức tiếp tục “đạo” chú thích của GS Hoàng Tranh làm “tài liệu điền dã” của mình. Nhưng GS Hoàng Tranh là người Lưỡng Quảng (cụ thể Quảng Châu-Quảng Đông-Trung Quốc). Có lẽ vì yêu tiếng mẹ đẻ của mình nên nhiều từ, ngữ GS Hoàng Tranh cho rằng nó là phương ngữ độc đáo của riêng vùng Quảng Đông. Thế nhưng, Lê Xuân Đức là người Việt Nam, lại đang nghiên cứu về một tác phẩm, tuy viết bằng chữ Hán nhưng tác giả của nó cũng là một người Việt Nam: Nhà thơ - Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sao lại nói theo, lại “đạo” nguyên xi cái ý chủ quan của một người Quảng Đông-Trung Quốc ?
-Từ “thành nhật” từ điển Tàu có mở ngoặc là phương () tức phương ngữ. Tuy nhiên, các từ “xuyên cẩm”, “cổ cầm” không được xếp vào phương ngữ, càng không phải là phương ngữ của Quảng Đông.
1.Từ “xuyên cẩm”: Tiếng phổ thông Trung Quốc, “xuyên” được dùng để tạo nên các cấu tạo từ như: mặc quần áo, đi tất, đi găng tay, đi dép,v.v...
-Từ điển Hán Việt (Phan Văn Các chủ biên): “Xuyên: Mặc/đi giày, tất, găng tay. xuyên hài 穿鞋 (đi dép); xuyên y phục 穿衣服 (mặc quần áo)
-Từ điển Hán Việt-Đào Duy Anh: Xuyên hiếu 穿孝 (mặc áo tang, để tang). Xuyên y 穿衣-mặc áo vào mình.
-Tự điển Hán-Việt (Trần Văn Chánh): Xuyên: Mặc, mang, đi: 穿衣服 Mặc quần áo; 穿鞋 Đi giày.
-Từ điển Việt Hán (Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Mặc: 穿() mặc quần áo穿衣服 (xuyên y phục)
-Tục ngữ Trung Quốc: Xuyên y, đới mạo, các nhân sở hiếu 穿衣,戴帽,各人所孝 (Mặc áo đội mũ, mỗi người một sở thích); Xuyên hắc y, bão hắc trụ 穿黑衣,抱黑柱 (Mặc áo đen, ôm cột đen). Ngoài từ “xuyên” để chỉ mặc quần áo, đi dày, đi tất...không thấy từ điển Tàu và từ điển Hán-Việt; Việt-Hán của ta ghi nhận từ nào khác đồng nghĩa.
Như vậy, cái áo gấm thêu dệt nhiều màu, Hồ Chí Minh dùng “xuyên cẩm” 穿 (xuyên=mặc; cẩm= áo gấm), với nghĩa là mặc áo gấm, để chỉ màu da bị ghẻ lở, lý do gì để xếp vào “phương ngữ Quảng Đông” ?
2.Từ “cổ cầm”: Đây cũng là từ phổ thông, bởi đơn giản “cổ” nghĩa là đánh, “cầm” là đàn cầm.
-Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh) 鼓琴Cổ cầm: đánh đàn cầm”.
-Hán Việt tự điển (Thiều Chửu): Cổ  Cái trống. Ðánh trống. Gảy, khua. Quạt lên, cổ động. Trống canh.
-Từ điển Hán Việt (Trần Văn Chánh): Cổ Trống: 銅鼓 Trống đồng; 更鼓 Trống canh; (văn) Đánh trống; Đánh, gảy, khua, làm cho kêu, vỗ: cổ cầm 鼓琴Đánh đàn.
“Cổ” là đánh, gảy, khua nhạc cụ; “cầm” là đàn cầm, loại đàn có 7 dây ngày xưa, khi đánh đàn phải dùng mười ngón tay để gẩy. Bác Hồ mượn hình ảnh đó để chỉ đùa động tác gãi ghẻ, lý do gì Lê Xuân Đức xếp vào “phương ngữ Quảng Đông” ?
Vậy, bây giờ một trong hai tội: đạo văn và viết sai, Lê Xuân Đức chọn tội nào ? Nếu Lê Xuân Đức không muốn nhận mình viết sai, chỉ còn một cách là thú nhận tội đạo văn, đạo ý tưởng của GS Hoàng Tranh mà thôi !
Văn chương Lê Xuân Đức sao chép, hoặc kết quả của những chuyến đi “điền dã” là như vậy. Còn những "nghiên cứu sáng tạo, thẩm bình” của riêng ông thì sao ?
1.Bài Buồn bực. Hai câu:
Hoàn cầu chiến hỏa thước thanh thiên,
Tráng sĩ tương tranh phó trận tiền.
-Chữ “hoàn” Lê Xuân Đức giải nghĩa: “Hoàn cầu (hoàn đầy đủ; cầu, quả tròn, trái đất)”. Sai nghiêm trọng ! Bởi chữ “hoàn” (hoàn có bộ ngọc) trong “Hoàn cầu” nghĩa khắp cả, Hoàn cầu là khắp trái đất. Còn chữ “hoàn” với nghĩa “đầy đủ” như Lê Xuân Đức giảng giải viết là (chữ hoàn này có bộ miên - không có trong nguyên tác bài Buồn bực của Hồ Chí Minh) có nghĩa: vẹn, đầy đủ, xong cả, tốt..., được dùng trong các kết hợp từ như: hoàn hảo, hoàn công,v.v...
-Từ “Tráng sĩ” Lê Xuân Đức giảng:“Tráng sĩ (tráng: mạnh mẽ; sĩ: người có học) là người có sức mạnh, có ý chí, có tri thức”. Lê Xuân Đức lại nói sai rồi! Vậy dũng sĩ, liệt sĩ thì sao ? Chữ “sĩ” ở đây chẳng nhẽ cũng là “người có học, có tri thức” như Lê Xuân Đức giảng giải ? 
Chữ  trong giáp cốt văn và kim văn vốn có hình vẽ cái búa, tượng trưng cho hình quan, và ban đầu có nghĩa là hình quan coi ngục, sau mới thêm nhiều nghĩa khác. Tuy cũng viết là “sĩ” , nhưng “tráng sĩ” không được hiểu với nghĩa: Người trí thức trong xã hội cũ, kẻ sĩ, học trò: 學士 Học sĩ; 士農工商  Sĩ nông công thương, mà là cách gọi tôn xưng người khác.
-Hán Việt từ điển (Phan Văn Các): “Sĩ (cách gọi ca ngợi người khác) Liệt sĩ, dũng sĩ, nữ sĩ”
-Từ điển Hán Việt (Trần Văn Chánh): “SĩNgười, kẻ (cách diễn đạt tỏ ý lịch sự và tôn trọng đối với hạng người nào đó): 志士 Chí sĩ; 壯士 Tráng sĩ; 烈士 Liệt sĩ...”.
Như vậy cái sai của Lê Xuân Đức xuất phát từ chỗ không phân biệt được chữ Hán đồng âm, đồng tự nhưng đa nghĩa.
2. Bài Đáp xe lửa đi Lai Tân:
Câu “Kim thiên đắc tháp hỏa xa hành” (Hôm nay được đáp xe lửa). Lê Xuân Đức bình và giải nghĩa: “Chữ tháp của Hán tự có nghĩa là gắn vào, cắm vào, trong văn cảnh bài thơ này có nghĩa là đáp, từ mà những người quyền quý, giàu có thường dùng để thể hiện sự sang trọng, chứ dân chúng chỉ nói là đi (xe lửa).
-Chúng tối rất ngạc nhiên. Không hiểu căn cứ vào đâu, Lê Xuân Đức nói rằng: chữ “tháp” có nghĩa là “gắn vào, cắm vào” ? Hóa ra, Lê Xuân Đức đã nhầm chữ "tháp" (đáp) với chữ “sáp” viết là có một âm đọc là “tháp”. Thưa Nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức, chữ "tháp" (sáp) như ông nói viết khác hẳn chữ “tháp” (đáp) trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh. 
Chữ “tháp” 插 (sáp) mà Lê Xuân Đức nhầm lẫn được Trần Văn Chánh giải nghĩa: “Tháp Cắm, cấy, giâm, trồng, cho vào, thọc vào, cài, gài, xen, gắn, xen thêm, gắn thêm, giắt: 把花插在瓶子裡 Cắm hoa vào lọ; 把手插在口袋裡 Cho tay vào túi, thọc tay vào túi”.
-Chữ “tháp” có một âm đọc là “đáp”, có nghĩa là đi tàu, đi xe chứ không phải “trong văn cảnh bài thơ này có nghĩa là đáp” như Lê Xuân Đức nói.
-Chữ “đáp” đồng nghĩa với chữ “tọa” ,ch chẳng phải “từ mà những người quyền quý, giàu có thường dùng để thể hiện sự sang trọng, chứ dân chúng chỉ nói là đi (xe lửa)” như Lê Xuân Đức giảng giải:
+Hán Việt từ điển (Thiểu Chửu) “Đáp: Phụ vào, đáp đi, như đáp xa 搭車 đạp xe đi, đáp thuyền搭船 đáp thuyền đi, v.v.
+Từ điển Hán Việt (Trần Văn Chánh): Đáp , đi, ngồi: 搭飛機 Đáp máy bay; 搭長途汽車 Đi xe ca, đi xe đò; 貨船不搭客人 Tàu (thuyền) chở hàng không chở hành khách”.
-Lê Xuân Đức nói: Ở Trung Quốc“dân chúng chỉ nói là đi (xe lửa)”. Ông quên mất rằng mình đang bình thơ chữ Hán, tìm hiểu nghĩa chữ Hán chứ không phải tiếng Việt. Thưa ông, người Trung Quốc (Hán ngữ) không nói đi tàu, đi xe như người Việt Nam, mà ngoài từ “đáp”, họ thường dùng từ “tọa” nghĩa là ngồi: tọa hỏa xa-đi xe lửa; tọa khí xa-đi ô-tô, tọa phi cơ-đi máy bay và không phân biệt ‘đẳng cấp” như ông nghĩ. Từ điển Hán Việt (Trần Văn Chánh) đồng nghĩa từ “tọa” với từ “đáp”: “Tọa Đi (xe), đáp: 坐汽車 Tọa khí xa -Đi xe hơi; 坐飛機去河内 Tọa phi cơ khứ Hà Nội-Đáp máy bay đi Hà Nội”
Ngay từ đi tàu, đi ô tô của người Việt Nam cũng là cách gọi tắt của đi (bằng) tàu hỏa, đi (bằng) ô tô. Trước đây, từ “đáp” ô tô, “đáp” tàu hỏa cũng từng được người Việt Nam sử dụng với nghĩa tương đương với từ “đi” (tàu) mà không phân biệt người sang, kẻ hèn. Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức): "Đáp: Nói tàu thuyền đáp lại để đón thêm khách: Tàu đáp khách ở dọc đường; Khách xuống thuyền để đáp tàu".
Trong bài “Bình và nghĩ về thơ Hồ Chí Minh” của GS Phong Lê (tài liệu phô tô gồm toàn các GS của ta và của Tàu ngợi khen Lê Xuân Đức, do chính Lê Xuân Đức phô tô gửi tặng nhiều người trong dịp về nghỉ 30/4-1/5 tại Thanh Hóa) có viết: “Ông (tức Lê Xuân Đức-HTC chú thích) thuộc trong số không nhiều người có thâm niên theo đuổi khá lâu và khá sâu trong định hướng được lựa chọn, có những đóng góp đáng kể”.
Quả đúng là riêng “thâm niên” 40 năm nghiên cứu “thẩm bình” thơ của Lê Xuân Đức đã nhiều quá nửa số năm hưởng dương của Nam Trân tiên sinh rồi. Mà đã “có thâm niên” nghiễm nhiên được lên “lão làng”. Cộng với tài đạo văn, xào xáo, GS Phong Lê đã lý giải hộ chúng tôi, tại sao Lê Xuân Đức trở thành Chuyên gia số 1 về thơ Bác. Thực tế những sai lầm trong sách Nhật ký trong tù và lời bình (cuốn sách mới nhất của Lê Xuân Đức xuất bản đúng dịp 40 năm nghiên cứu thơ Bác) đã nói lên đầy đủ ở hai chữ “theo đuổi”: Lê Xuân Đức chưa bao giờ tiếp cận được thơ Bác ! Ngược lại, đến chặng cuối Lê Xuân Đức càng thêm đuối sức, phải ăn cắp sức lực, trí tuệ của người khác như bạn đọc đã thấy.
Rốt cuộc, sau một thời gian thoát khỏi "ao văn bình giảng" để mong vẫy vùng, ngụp lặn, (dù đã gian dối sử dụng "phao") nhưng Lê Xuân Đức vẫn bị chìm nghỉm trong “bể văn chương” mênh mông chữ nghĩa !
Cuối cùng, chúng tôi tự hỏi: Không biết có nên để mắt đến 9 tác phẩm viết về thơ Bác của Lê Xuân Đức hay không ? Đặc biệt là cuốn sách được trao giải xuất sắc của Hội nhà văn Việt Nam "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức. 
Có lẽ câu chuyện về Lê Xuân Đức sẽ chưa dừng lại ở đây !

                                                                                     HTC

                                                               Tốc ký tại Quán trọ Quang Minh
                                                                     Sầm Sơn, dịp nghỉ 30/4-1/5/2014

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét