Hoàng Tuấn Phổ
Ếch sống trong hang sâu. Người ta quan sát thấy dấu ngón chân ếch in ở cửa hang mà đoán biết trong hang có ếch trú ẩn. Nếu cửa hang hẹp, phải đào cho rộng. Loại thuổng dùng đào hang ếch, cán nhỏ, ngắn, mặt lưỡi cong cong lòng mo, đầu lưỡi mỏng, rộng chừng 3cm. Ếch nghe động lùi vào sâu hơn, thu mình nằm ép tận cuối hang. Nếu thấy rõ ếch, người ta thò tay vào nắm “thắt lưng” ếch lôi ra. Phải đề phòng rắn độc chui vào hang ăn thịt ếch rồi cuộn tròn nằm nghỉ luôn trong đó. Người ta dùng câu thay cho tay. Đó là một thứ móc, lưỡi giống câu có ngạnh, cắm vào cán dài chừng 50cm, to bằng ngón tay cái. Người bắt ếch cầm móc câu thọc thẳng vào hang kéo con ếch ra ngoài.
Giống ếch trơn và tài nhảy. Chỗ yếu nhất của ếch là
thắt lưng của nó. Vì thế phải nắm ếch nơi thắt lưng. Nhốt ếch vào giỏ là tốt
nhất, để dễ bỏ vào, bắt ra, nhưng cái ton
phải buộc vững vàng cẩn thận. Khớp gối của ếch rất dẻo, dù bẻ thế nào, nó vẫn
cứ nhảy được như thường. Chỉ có một cách buộc dây chỗ thắt lưng thì ếch chịu
cứng, con nọ nối đè lên con kia thành chuỗi dài để đem đi chợ bán, gọi là xâu ếch gồm từ 5 đến 10 con.
Thời trước, diện tích cấy lúa chiêm ít, cấy mùa
nhiều. “Tháng tư cày vỡ ruộng ra”, một cơn mưa rào trút xuống, tối đến, ếch từ
trong hang nhảy ra, đực cái tìm nhau
giao hoan. Phải là mưa rào, mưa càng to, ếch ra càng nhiều. Mưa nhỏ lai rai,
“tích tiểu thành đại”, nước ngập rãnh cày, ếch ra thưa thớt, tựa hồ dạo chơi,
không ai tính chuyện bắt ếch, vì hễ thấy bóng người, nó phốc một cái mất tăm.
Gặp trận mưa to đầu mùa sau một thời gian nắng hạn, ếch kêu “ộp ộp”, inh ỏi,
râm ran khắp đồng gần, đồng xa. Người cẩn thận chuẩn bị đóm (đuốc) từ những
ngày nắng. Đóm tốt nhất, cháy nỏ, sáng là đóm nứa. Người không chuẩn bị kịp,
thì manh chiếu rách cuộn lại, tàu kè khô buộc chặt làm đóm. Đóm chiếu than
nhiều, ít lửa, khói mù. Đóm kè lúc cháy bùng, lúc mờ tối. Thời xe đạp phổ biến,
lốp cao su hỏng đốt cháy rất sáng nhưng khói hơi độc và mùi khét lẹt. Dùng
những thứ đóm đuốc này chỉ là bất đắc dĩ.
Đêm đầu mùa mưa rào, đuốc sáng đầy đồng như có
trăm, ngàn ngôi sao sa. Những chàng ếch si tình lắng nghe tiếng gọi âu yếm
thiết tha của phái đẹp, say mê đến nỗi cứ ngồi ngây ra đó. Những cặp trai gái
thoạt gặp nhau đã chụm đầu hoặc ôm lưng nhau trút “bầu tâm sự”. Người bắt ếch
cứ việc tay trái cầm đuốc, tay phải vươn ra chộp lấy từng con bỏ vào cái giỏ
buộc ton chắc chắn đeo bên hông. Những đôi ếch ý hợp tâm đầu vào cuộc giao
hoan, có lẽ trời sập cũng không biết! Người ta bước nhanh tới,chộp lấy cả hai,
dễ như bỡn! ếch cái nhiều con to bằng nắm tay, gọi là ếch bà. ếch đực thường nhỏ hơn, gọi là ếch ông. Người bắt ếch chưa thành thạo, mang theo cái nơm nhỏ để úp
ếch như úp cá, chậm nhưng chắc ăn.
Sau trận mưa rào đầu tiên, nếu trời còn mưa tiếp,
đêm đến ếch vẫn ra đồng, tuy ít hơn, và đặc biệt rất khó bắt. Người ta gọi lý
do ấy là “dã nước”. Những chàng ếch
đã bớt si tình, ít nhiều trở nên tỉnh táo, hoặc khát vọng cặp đôi đã được thỏa
mãn, các cô ếch lại cảnh giác với ánh sáng, bóng người, bước chân. Nghe tiếng
ếch kêu “ộp ộp” ngoài đồng dưới làn mưa lưa thưa lắc rắc, ai đó có đi bắt ếch
hẳn chỉ hy vọng: “Trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch” như lời
tục ngữ.
Thị giác ếch kém, nghĩa là không được tinh tường so
với thính giác. Ếch hay kiếm ăn trong đám cỏ bờ ao nơi râm mát. Nó ăn côn
trùng, sâu bọ nói chung, thích nhảy lên vồ mồi là những chú bướm, cô ngài bay
nhởn nhơ, vui đùa trên ngọn cỏ. Người ta buộc những thứ hoa giống ngài, bướm,
chuồn chuồn,... vào câu để đánh lừa ếch. Nên có câu “ếch chồm hoa bấn”!
Còn một cách bắt ếch đơn giản là hai người túm hai
bên vó ghé sát vào bờ ao, một người dùng gậy khua khua đám cỏ, khiến ếch sợ
nhảy xuống ao, sa ngay vào vó. Cách bắt ếch này thường dùng vào mùa hè, ếch hay
tìm mồi trong đám cỏ bờ ao, hễ nghe động liền nhảy “tõm” xuống nước tẩu thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét