30 thg 6, 2016

"CHÓ KHÔN THA CỨT RA BÃI..."

       HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà". 

           "Từ điển thành ngữ và tục ngữ" (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn hoá-2000), giải thích nghĩa bóng: "Việc làm dại dột ngu ngốc (thường dùng khi mắng chửi con cái dại dột)". "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) giảng giải: "Chó hễ tinh khôn thì con nào cũng ưa tha chỗ cứt ăn chưa hết ra bãi (cho nhà đỡ bẩn); chó hễ khờ dại thì con nào cũng ưa tha chỗ cứt đang ăn dở từ ngoài bãi về nhà (để để dành). Hay dùng với ẩn ý: "Lũ thuộc hạ tinh khôn thường che giấu mọi chuyện chưa ổn của chủ (cho thiên hạ khỏi thấy); lũ thuộc hạ khờ dại thường mang mọi chuyện chưa ổn của chủ ra kể hết với người ngoài".


          Theo chúng tôi, dù chưa giải thích nghĩa đen, cách hiểu nghĩa bóng của Nhóm Vũ Dung cũng chưa cụ thể, nhưng cơ bản là đúng. Trong khi Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương chỉ mới diễn giải câu nói của dân gian cho rõ hơn, chứ chưa phải giải thích nghĩa đen. Mặt khác, nghĩa bóng Nhà ngữ học đưa ra cũng khá khiên cưỡng, thiếu căn cứ, khi cho rằng "tha cứt về nhà" nghĩa là "giấu mọi chuyện chưa ổn của chủ"; "tha cứt ra bãi" "mang chuyện chưa ổn của chủ ra kể hết với người ngoài".

          Trong thực tế, có nhiều con chó rất khôn, (dân gian còn gọi "chó có nết"). "Chó khôn" khi chủ đe nẹt, dạy bảo, biết nghe lời, không dám ăn vụng, ỉa bậy, đái bậy, cắn càn... Nhiều con được chủ cho khúc xương liền cắp nắp ra xó vườn nhẩn nha gặm, chứ không dám nằm chình ình giữa nhà, hay giữa lối đi mà "thưởng thức". Nếu may mắn kiếm được món gì khoái khẩu ngoài bãi rác, nó cũng tìm chỗ kín đáo mà đánh chén, chứ không bao giờ dám dại dột mang về nhà. Thậm chí lỡ có vật lộn chơi đùa quá trớn với bầy bạn, nó cũng lo rũ sạch bùn đất, dùng lưỡi vệ sinh sạch sẽ rồi mới dám len lét chạy vào sân, vào nhà. Dường như nó hiểu được một số nguyên tắc của ông chủ trong ngôi nhà nó đang sống, biết thế nào là bẩn, thế nào là sạch, được phép ăn gì, không ăn gì, chỗ nằm ở đâu...

          Thế nhưng, có những con "chó dại" (còn gọi "mất nết"). Chó đã "dại" thì sinh ra đủ thứ xấu. Nào ăn vụng, cắn càn, sủa bậy, ỉa bậy... Bị đánh cho đau đến vãi đái vẫn không chừa. Có khi vừa đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, nhưng mấy phút sau đâu lại hoàn đấy. Lại ăn vụng, ỉa bậy. Đêm thì ngủ từ đầu canh đến sáng bạch, mùa đông thì rúc vào bếp nằm cho ấm.

          Không chỉ ỉa bậy, loại chó mất nết này còn có một thói quen là đi rong ngoài đường, ngoài chợ, bãi rác, hễ kiếm được thứ gì bẩn thỉu như lá bánh, giẻ rách, đồ hôi thối... là tha ngay về nhà...Có khi là khúc xương đen sì, chó nhà người ta gặm chê chán, bỏ đi rồi, nó lại tha về nằm giữa lối đi, hoặc trong nhà, dưới bếp, mà nghiêng răng lựa bên này, kháo bên kia, vẻ ngon lành, thú vị lắm! Gặm chán rồi nó vứt lăn lóc ra nhà. Lâu lâu lại đem ra vờn nghịch, gặm lại cho đỡ buồn mồm. Thậm chí, có hôm nó chạy rông ngoài đồng, bắt được một "cục" kẻ "Thứ nhì Quận công" nào đó thải ra, nó vội cắp lấy, nhớn nhác lội tắt cánh đồng, nhong nhong chạy về nhà, sợ như có con chó nào giành mất.

          Thế là trong nhà bỗng dưng bốc mùi. Khi thối inh, lúc thoang thoảng mơ hồ như có như không. Chủ nhà nghi nghi, mới nhìn trước ngó sau...Quả không sai! Con "chó dại" đang nằm ngay đầu bờ giếng trước sân, hai chân giữ khư khư tỏ vẻ khoái chá và may mắn lắm...Cả nhà liền quát mắng, đuổi đánh nó ầm ĩ. "Chó dại" vội nhổm dậy. Tưởng nó biết đường mà tha đi chỗ khác, không ngờ nó cắp cái "cục" kia chạy tọt vào nhà...Nó sợ con chó khác giành mất, nên cậy gần nhà không xong, nó phải trốn hẳn vào trong nhà. Ghê quá! Xua đuổi, chửi mắng, thì nó chui tọt vào gầm giường, đôi mắt nửa như lấm lét, nửa như gườm gườm tức tối, oan ức: "Đâu, đâu?...thối đâu?...thối đâu? ô đâu?...nhiễm đâu? mùi đó ở trên trời, dưới đất nào đó chứ!...ngon mà!...ngon mà!...đây tôi ăn đây...ăn cho mà xem này...có sao đâu? sao đâu...gâu gâu...gừ gừ...".

          Loại "chó dại" này rất khó dạy, nên chủ nhà thường lựa chọn giải pháp cuối cùng là "riềng mẻ".

          Dân gian thường dựa vào quan sát, nhận thức sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày để đúc kết, khái quát nên thành ngữ, tục ngữ. "Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà" có nghĩa đen như vậy. Về nghĩa bóng, chủ yếu được nhấn mạnh và được dùng theo vế thứ hai: "chó dại tha cứt về nhà".  Xưa kia, con cái trong nhà, hay người anh em họ hàng gây gổ đánh nhau, bầu bạn với kẻ xấu gây ra sự việc lôi thôi, rắc rối cho gia đình, thanh danh dòng họ; ham rẻ, tiêu thụ đồ bất chính khiến cả nhà, cả họ phải liên luỵ,v.v... là những tình huống được xem là "chó dại tha cứt về nhà".

          Tục ngữ "Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà" có điểm đặc biệt, là trong khi nghĩa bóng theo cách dùng cũ vẫn còn, nghĩa bóng mới lại tiếp tục được mở rộng, trong phạm vi không phải là gia đình nữa, mà là phương diện Quốc gia. Ví như khi đất nước phát triển giao thương buôn bán, hợp tác với nước ngoài, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã bất chấp mối nguy hại gây ô nhiễm cho ngôi nhà chung, rước về những đồ phế thải mà quốc gia khác đang muốn đẩy đi. Ví như: nhập khẩu ắc quy cũ, rác thải công nghiệp; công nghệ máy móc cũ nát, lạc hậu; nước người vứt đi, thì mua lấy mang về, gọi là "đi tắt, đón đầu"; nhiều ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm nặng, các nước không muốn đầu tư, phát triển tại bản quốc, nên họ đưa sang nước khác. Thế là tưởng bở, vơ ngay vào, cứ như không nhanh tay thì kẻ khác giành mất không bằng!

          Thực tế, nhiều kẻ vì cái lợi trước mắt, hoặc cái lợi cá nhân nên làm như vậy, chứ không phải do họ "dại". Tuy nhiên, suy cho cùng, thì cái "khôn" ấy cũng là "khôn dại". Bởi ăn uống, vụng trộm ở đâu thì ăn, ai đi ăn vào thịt của chính mình, huỷ hoại chính ngôi nhà mình đang sống bao giờ?

          Ngày nay, nghĩa bóng tục ngữ "Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà" còn được hiểu ở cả vế thứ nhất. Theo đó, "chó khôn" hay "chó dại" trong câu tục ngữ đều đáng lên án, đáng bị  "riềng mẻ", và chỉ có giải pháp "riềng mẻ" mới trị được tận gốc cái thói tham ăn, ưa ăn bẩn của chúng.

                                                                                                   HTC/30/6/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét