25 thg 9, 2021

TUẦN 49 NGÀY

    

       HOÀNG TUẤN PHỔ

Lễ cúng cơm tính từ ngày thân nhân mới mất đến ngày thứ 49, cúng tuần “thất thất” hay “tứ cửu”. (Thất thất  là 7 ngày x 7 ngày = 49 ngày; tứ cửu là “bốn chín” tức 49 ngày). Dân gian thường gọi con số 50 - tuần 50 ngày cho chẵn, và cũng tính 50 ngày để cúng cho dễ nhớ. Tất nhiên như thế là sai, dù chỉ sai một ngày, vì không đúng ý nghĩa của tuần “tứ cửu”, còn gọi là thất thất hay chung thất. Vậy, lễ cúng tuần 49 ngày có ý nghĩa gì?

Chương “Sống chết - Hồn phách” của sách này đã nói rõ “hồn” và “phách” (tức hồn và vía), ở đây không nhắc lại.

Sách Gia lễ xưa và nay, Phạm Côn Sơn viết: “Việc làm tuần “thất thất” (7x7) khiến cho một số người thắc mắc là, theo sách vở cổ, thì người đàn bà có tới chín vía mà mỗi lần làm “lễ kỵ” thì tan một vía. Sự việc cúng tuần “chung thất” chỉ có 7 lần như người đàn ông (có bảy vía) thì hai vía còn lại của người đàn bà giải quyết ra sao? Không thấy sách vở nào giải thích về việc dư thừa và trục trặc này!” (NXB Thanh Niên).

Tân Việt giải thích Một trăm điều nên biết về Phong tục Việt Nam trong đó có điều: “Tại sao có lễ cúng cơm trong 100 ngày?”:

Thờ cúng vong linh giống như khi đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.

Nhưng tại sao lại cúng 100 ngày?

“Cũng tuỳ địa phương, có nơi chỉ cúng hết 49 ngày (tức là lễ chung thất): Theo thuyết của Phật giáo: qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức một tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn siêu thoát. Có nơi thờ cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc, nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này (sau 49 đến 100 ngày) âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa”. (NXB Văn hoá dân tộc).

Cách giải thích của Tân Việt tuy “kỹ hơn” so với các tác giả nói về gia lễ trước và sau ông, như Phan Kế Bính, Nhất Thanh, Phạm Côn Sơn,...nhưng vẫn nặng về “nói theo”. Chỗ nào dựa vào sách thì không đúng sách, chỗ nào không có sách để dựa thì suy đoán chủ quan. Ông vừa giải đáp thắc mắc của chúng ta lại vừa nêu lên thắc mắc để hỏi chúng ta rằng: Sự việc cúng tuần 7 x 7 = 49 là tính 7 vía đàn ông, còn đàn bà những 9 vía (7 x 9 = 63 ngày) tại sao không thấy sách vở nào giải thích về con số “dư thừa” (2 vía) này?

Thuyết linh hồn phổ biến (Đạo giáo, Nho giáo, dân gian) là Tam hồn thất phách, nhà lý luận Đông y thêm “nhị phách” là thai phách huyết phách để chữa bệnh cho phụ nữ, vì thế đàn bà mới có những “cửu phách”, tức 9 vía. Nhưng phụ nữ đến tuổi 49, 50, hết kinh nguyệt, huyết phách cũng tan; khi huyết phách tan tất không còn khả năng thụ thai thì thai phách cũng mất luôn. Rốt cuộc, đàn bà cũng chỉ có thất phách. Nếu họ chết sớm (trước tuổi 50) vẫn không thể có cửu phách, vì y học không can dự vào chuyện cúng lễ, tang ma.

Thất thất” là nghi lễ theo Đạo giáo. Sách Xuân Vũ dật hưởng của Điền Nghệ Hành: Người ta tính từ lúc mới lọt lòng, cứ 7 ngày là một lạp, phải 49 ngày mới đủ 7 lạp, thân thể mới hoàn chỉnh bảy phách (vía) để thành “tam hồn thất phách” (ba hồn bảy vía). Khi chết, người ta cũng phải 7 ngày mới tan một vía, sau 7 lần 7 ngày là 49 ngày, bảy vía (thất phách) mới tiêu hết. Lễ cúng giỗ theo Đạo giáo, tính từ ngày chết, cứ 7 ngày phải cúng một giỗ (kỵ) cho một vía (phách), sau 7 lần giỗ: 49 ngày, mới xong giỗ. Cúng 49 ngày, nói chính xác là ngày thứ 49 tính từ ngày chết là hết 7 lần giỗ vía, vì thế mới gọi là chung thất (chữ chung là hết, chữ thất là bảy). Đáng lẽ phải cúng 7 lần giỗ trong khoảng thời gian 49 ngày, dân ta do muốn giản tiện, bỏ qua 6 giỗ, chỉ cúng giỗ lần thứ 7. (Chú ý đây chỉ là giỗ vía, còn giỗ hồn mỗi năm cúng một lần vào ngày mất, và cúng cho đến hết đời thứ năm).

Theo thuyết đầu thai luân hồi của Phật giáo: người ta sau khi chết, trong khoảng 49 ngày, A-lại-da-thức (tức Đệ bát thức, tức tâm, tức hồn) đầu thai chuyển kiếp (chuyển kiếp khác bằng đường đầu thai). Đạo Phật cũng không nói người ta có tam hồn thất phách, mà chủ trương con người ta có bát thức (8 thức), lục căn: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (thân thể), ý (tim óc) đối lục trần: sắc (màu sắc), thanh (tiếng), hương (mùi), vị (mặn, ngọt, chua, cay), xúc (cảm xúc), pháp (vật chất nói chung) sinh ra lục thức (6 thức): nhãn thức (nhìn thấy màu sắc xấu đẹp), nhĩ thức (nghe thấy âm thanh thế nào), tỵ thức (ngửi thấy mùi thơm, thối...), thiệt thức (lưỡi nếm vị ngọt bùi, cay, đắng), thân thức (cảm thấy nóng, lạnh), ý thức (quan sát, phân tích nhận định các hiện tượng). Sáu thức tương tự 6 giác quan trước đối tượng vật chất bên ngoài thiên nhiên xã hội: hình sắc, thanh âm, mùi, vị, thân thể, tâm não. Học thuyết này của Phật giáo hoàn toàn duy vật. Nhưng ngoài lục thức, còn thêm Đệ thất thức (Mạt-na-thức), Đệ bát thức (A-lại-da-thức), Phật giáo lại bước qua lĩnh vực duy vật, chuyển sang thế giới duy tâm. Thuyết Bát thức xuất xứ từ học thuyết Duy thức luận được Pháp tướng tông dùng làm căn cứ lý luận cho tông phái Phật giáo của mình thực chất là một học thuyết lý luận siêu hình, định nghĩa các thuật ngữ A-lại-da-thức, Mạt-na-thức về chữ nghĩa tuy cao siêu, có thể hiểu như cái “tâm” của nhà Phật thường được nói tới. Đó là nguồn gốc của thế giới vật chất bên trong có bản ngã. Đó còn là chủ thể tinh thần của luân hồi quả báo. Đó cũng là cái nhân dân ta quen gọi, thường gọi là linh hồn đầu thai quả báo.

Thuyết nhân quả báo ứng là kết quả của nguyên nhân, gây ra thiện hay ác, tất nhận được kết quả tốt, xấu, không chỉ có làm việc ác mới nhận sự báo ứng, mà làm điều thiện cũng được sự báo ứng. Do đó, mọi người dù lúc sống thiện, hay ác sau khi chết đều phải luân hồi chuyển kiếp sướng, khổ khác nhau.

Dân ta cúng tuần “thất thất” là theo thuyết “tam hồn thất phách” của Đạo giáo, nhưng nghi lễ cầu cúng vào dịp lễ này (kể cả cúng 100 ngày) lại thỉnh sư về nhà lập trai đàn làm lễ cầu siêu hoặc rước vong hồn lên chùa làm lễ cầu cúng cho linh hồn được siêu thoát, lại theo thuyết “siêu sinh tịnh độ” của Phật giáo.

Siêu sinh tịnh độ là gì? Là linh hồn không phải đầu thai chuyển kiếp trong vòng luân hồi lục đạo để tiếp tục chịu bốn cái khổ lớn: Sinh (sống), lão (già yếu), bệnh (bệnh tật ốm đau), tử (chết chóc). Sự cầu mong ấy liệu có thay đổi được thuyết nhân quả báo ứng của chính nhà Phật đã đề xướng và gọi đó là “luật”? Hay đây là trường hợp “lách luật” hoặc chỉ một câu nói của Phật đủ thành “luật sửa đổi”, “luật bổ sung”?

Không có cơ sở chứng minh sinh thời Phật tổ Thích-ca tỏ ra có ý muốn điều chỉnh luật nhân quả báo ứng. Chỉ thấy sách Vô Lượng Thọ kinh (Vô Lượng Thọ là tên khác của Phật A Di Đà) kể chuyện Phật Thích-ca lúc ấy đang ở vườn Kỳ Viên nói với các đại đệ tử Xá-Lợi-Phất, Ca-Diếp, A-Nan-Đà rằng chúng sinh nếu chăm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà có thể sẽ được ngài đón tiếp sang thế giới Tây phương Cực lạc do ngài làm giáo chủ. Đại ý Phật muốn đưa ra một phương pháp tu hành phù hợp với trình độ nhận thức quá thấp kém của loại chúng sinh (người) không thể hiểu được nghĩa lý sâu xa của nhà Phật và những phương thức tu hành cao siêu. Luôn luôn niệm Phật là luôn luôn hướng về đức Phật, luôn luôn hướng về đức Phật là luôn luôn nghĩ đến điều thiện, luôn luôn nghĩ đến điều thiện sẽ luôn luôn tránh được điều ác. Chúng sinh tránh được điều ác là không gây nghiệp chướng tất sẽ được kết quả tốt đẹp, đạt tới cõi an vui, cực lạc. Thực chất phương pháp tu hành này để đạt tới mục đích siêu sinh, vãng sinh không nằm ngoài luật nhân quả báo ứng. Cho nên giáo lý Tịnh Độ tông chuyên tu hành theo phương thức niệm Phật cầu siêu, sám hối, giải thích: Lấy niệm Phật, hành nghiệp của người tu hành làm nội nhân, lấy nguyện lực của đức A-Di-Đà làm ngoại duyên. Nội, ngoại tương ứng sẽ được vãng sinh sang thế giới Tịnh Độ (Tây phương) Cực lạc thoát khỏi kiếp sống trần gian. Như vậy, niệm Phật chỉ mới là ý nghĩ, sự cầu nguyện, còn phải kết hợp với hành nghiệp là hành động, việc làm mới tạo thành cái nhân bên trong chứa sẵn mầm thiện để được cái quả tức kết quả tốt đẹp. Thế nào là “Lấy nguyện lực của đức A-Di-Đà làm ngoại duyên”? Là có ý nói sự cứu giúp của Phật A-Di-Đà chỉ là tạo điều kiện đất nước, khí hậu để hạt giống lành (thiện) thành cây tốt, cho quả đẹp (sang thế giới Cực lạc). Nếu cha mẹ lúc sống không làm điều thiện, sau cha mẹ chết, con cái phải ra sức làm nhiều việc thiện hơn mới mong giúp cha mẹ siêu thoát.

Lễ cầu siêu là lễ Phật cầu cho vong hồn  cha mẹ được siêu thoát “vãng sinh Tây phương Tịnh độ Cực Lạc thế giới”, nhưng trai đàn dù lớn đến đâu, nhà sư hành lễ dù đông thế nào, thời gian tụng kinh niệm Phật dù bao lâu, cũng không thể dễ dàng xóa sạch mọi tội lỗi của người chết đã gây ra lúc còn sống. Đối với lễ cúng 49 ngày, chúng ta không bài bác lễ cầu siêu, cũng không mê tín lễ cầu siêu. Nhìn vào thực tế, nhiều địa phương, nhiều nhà, lễ cầu siêu chỉ là hình thức, từ lâu lễ đã biến thành lệ, một thứ “lệ” trước sao, nay thế, người ta thế nào, mình thế ấy, không tìm hiểu, không bàn cãi, bỏ thì không yên tâm, theo thì lắm khi cũng phiền toái. Tuy nhiên, các cụ xưa cũng đã cắt giảm đi nhiều không còn lệ 7 ngày một lần cầu siêu hay cúng giỗ, để đến ngày thứ 49 cúng “luôn một thể” và chẳng ai thấy “làm sao” cả.

Còn lễ cúng Bách nhật (tuần Bách nhật) thường nói nôm là “100 ngày”. Các sách gia lễ đều ghi chép lễ này nhưng không giải thích ý nghĩa. Cách hiểu đơn giản gọi là 100 ngày sau khi chết là lễ Tốt khốc, cúng lễ này để thôi khóc, từ đây con cháu thôi không khóc nữa, dẫu thương nhớ cha mẹ đến mức nào cũng phải để trong lòng. Nhưng tại sao lễ cúng cơm đáng lẽ nên dừng, thôi ở tuần 49 ngày lại vẫn tiếp tục cho đến 100 ngày? Cứ như tục dân gian cúng 50 ngày (thay cho 49 ngày) thì 100 ngày là thời gian dài gấp đôi!

Phải chăng có liên quan đến lễ Tế Ngu? Sau chôn cất, hồn phách chưa yên, nên làm lễ Ngu tế để tế hồn phách cha mẹ cho được yên (chữ “ngu” là yên). Cầu một lần chưa đủ, hai lần chưa được, phải ba lần mới xong. Lần thứ nhất là sơ ngu, lần thứ hai là tái ngu, lần thứ ba là tam ngu. Cụ cử Phan Kế Bính cho biết: Ngu tế tiến hành trong 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày một “ngu”. Và “Nhà phú quý mới có Ngu tế, nhà thường thì trong 3 ngày chỉ những họ hàng thân thuộc đến phúng viếng mà thôi”. (Việt Nam phong tục - 1913-1914).

Nhất Thanh nói về Lễ tang trong Đất lề quê thói (Sài Gòn 1970) “Thường thường hôm đưa đám về không thể nào kịp làm lễ tế, vì tế Ngu trọng thể và lâu thời giờ hơn tất cả các lễ tiết trong đám tang. Sau Sơ NguTái Ngu, chọn ngày nhu: những ngày hàng Can: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý làm lễ. Tam Ngu chọn ngày cương: cũng những ngày hàng Can: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm làm lễ. (Sách này cũng như các sách của Phạm Côn Sơn - Gia lễ xưa và nay, Tân Việt - Một trăm điều nên biết...đều chép thiếu, sai. Ở đây, tôi đính chính lại theo Vạn sựNgọc hạp, nhưng để bàn cho ra lẽ, không phải để theo).

Chúng ta nhận thấy lễ Tế Ngu không thể tiến hành trong 3 ngày liền như các sách viết về lễ tang kể trên đã nói vì phải chọn ngày nhu, ngày cương cho Tái Ngu, Tam Ngu. Ví dụ: nếu tế Sơ Ngu là ngày Ất thì Tái Ngu là ngày Đinh, (phải qua ngày Bính), Tam Ngu là ngày Mậu (tiếp sau ngày Đinh), vậy là 4 ngày (cách quãng 1 ngày). Có lẽ bởi sự phiền phức: một là thời gian kéo dài, hai là phải tính toán “cương, nhu”, dân ta đã lâu tế gồm cả ba Ngu vào một ngày là ngày thứ ba sau khi chôn cất, dân gian thường gọi Mở cửa mả. Những nhà người chết 3 ngày thì chôn, họ làm lễ Mở cửa mả cùng ngày chôn, liền sau khi chôn, tức là 3 ngày họ tính từ ngày mất. Cách tính này cố nhiên là bất hợp lý vì nếu quá 3 ngày mới chôn thì sao?

Lễ Tế Ngu không thể kéo dài thời gian trong khoảng 49 ngày hay 100 ngày. Lễ 100 ngày là lễ khác - lễ Tốt khốc (thôi khóc). Sau khi thất phách (bảy vía) đã tiêu tan hết không phải cúng cơm hàng ngày nữa, dân gian vẫn cúng cơm là bày tỏ thêm tình thương nhớ, thời gian này không còn là lễ cúng cơm mà chỉ là lệ cúng cơm. Đó là lệ tục, không phải lễ tục thì không thể truy tìm nguồn gốc từ sách vở kinh điển.

HTP (Trích từ "Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt")

 

 

 

 

3 nhận xét:

  1. Xin có chút thiển ý với tác giả. Phong Tục hay Lễ Tục, rốt cuộc đều có nguồn gốc, lý do, chứ bảo không tra đâu được, có đáng ngờ chăng?
    Ở ta, từ thời Lý, Trần, việc Hiếu làm theo Tam Giáo và tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên.
    Như Lễ nói Vua băng hà 7 tháng chôn cất, Chư Hầu 5 tháng, Đại Phu, Sỹ Thứ 3 tháng .... để phân rõ trên dưới.
    Văn Công Gia Lễ nói chi tiết các nghi thức tang chế của bề tôi, Thọ Mai là từ đấy mà ra. Chu Hy là Nho Gia, trong sách bảo rằng không mời Nhà Chùa làm lễ.
    Đạo Giáo bảo rằng, sau khi qua đời, Hồn qua 10 Điện dưới Âm Tào. Bảy tuần mỗi tuần 1 Điện, 100 ngày 1 Điện, Tiểu Tường 1 Điện, đến Đại Tường là Điện 10 Chuyển Luân Vương, bắt đầu đi đâu sẽ có phán xét ...
    Trong việc thờ cúng nói chung, kể từ khi bắt đầu thờ cúng, thắp hương, lễ bái 100 ngày liên tục để an vị. Từ Hô Thần Nhập Tượng ở Đền, Chùa hay thờ cúng Tổ Tiên ở nhà đều vậy.
    Còn lễ cầu siêu, sẽ tùy mà làm, hoặc 49, hoặc 100, hoặc Tiểu, Đại Tường, hoặc Cát Kỵ.
    Có chút ý mọn, nếu chưa được phải, xin bỏ quá cho!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả viên thông. Xin Lưu ý hai chữ "LỆ TỤC" của tác giả: "thời gian này không còn là LỄ cúng cơm mà chỉ là LỆ cúng cơm. Đó là LỆ TỤC, không phải lễ tục thì không thể truy tìm nguồn gốc từ sách vở kinh điển". Ý tác giả "LỆ cúng cơm" 100 ngày ở đây chỉ là thói quen của dân gian, chứ sách vở không quy định, nên không thể tra tìm trong "sách vở kinh điển".

      Xóa
    2. Vâng! Xin cảm ơn tác giả đã coi trọng ý mọn của chúng tôi!
      Nói về Lệ, thì nhiều thứ, khó kể xuể, mỗi cái một lý do. Ở đây xin hạn hẹp ở việc được bàn trong bài viết, cụ thể là việc cúng cơm trong 100 ngày, như lời bàn này "Lễ Tế Ngu không thể kéo dài thời gian trong khoảng 49 ngày hay 100 ngày. Lễ 100 ngày là lễ khác - lễ Tốt khốc (thôi khóc). Sau khi thất phách (bảy vía) đã tiêu tan hết không phải cúng cơm hàng ngày nữa, dân gian vẫn cúng cơm là bày tỏ thêm tình thương nhớ, thời gian này không còn là lễ cúng cơm mà chỉ là lệ cúng cơm. Đó là lệ tục, không phải lễ tục thì không thể truy tìm nguồn gốc từ sách vở kinh điển."
      Sách Thọ Mai đã chép khác 1 câu trong Văn Công Gia Lễ. Trong Thọ Mai, sau Sơ Ngu, viết Bãi Triêu Tịch Khốc, thôi việc khóc sớm tối hằng ngày; trong Văn Công viết Bãi Triêu Tịch Điện, thôi việc cúng cơm sớm tối hằng ngày. Sau Ngu Tế thì cách 1 ngày làm Tốt Khốc, thôi không làm Triêu, Tịch Điện nữa. Tất cả những bản Văn Công Gia Lễ mà chúng tôi được biết đều giống nhau ở chỗ này. Triêu, Tịch Điện là cúng cơm hằng ngày, và khóc. Tốt Khốc thì dừng khóc và thôi Triêu Tịch Điện, tức là không cúng cơm hằng ngày nữa. Triêu Tịch Điện là nghi thức của người khá giả, theo Lễ. Dân thường ở ta giản tiện, cúng cơm hằng ngày, ăn gì cúng nấy, thành ra Lệ.
      Chu Hy dựa vào kinh Lễ, sách Gia Lễ các đời để biên tập Văn Công Gia Lễ, có một phần dựa vào Gia Lễ từ Trình Y Xuyên.
      Trước, dân thường qua 1 tháng thì chôn cất. Sau, dưới Vương Công đều 3 tháng thì chôn cất. Văn Công nói, qua 3 tháng, đã chuẩn bị mọi việc trước, tổ chức lễ an táng. Đường đi bất kể là gần đi trong ngày, hoặc xa đi mất nhiều ngày, chôn cất xong, trong ngày làm Sơ Ngu. Vậy đến khi làm Tốt Khốc là khoảng Bách Nhật. Thọ Mai nói đến Bách Nhật làm Tốt Khốc là cũng ý ấy, tiếc rằng vênh nhau một chữ Khốc và Điện. Trong Thọ Mai có một số chỗ vênh với Văn Công.
      Chu Hy là cự nho, nhưng có ảnh hưởng từ Đạo Giáo, vẫn bàn chuyện về Đạo, trong đó có học trò của ông.
      Khâu Tuấn, biên tập, khảo chứng sách Văn Công Gia Lễ, cho in vào Minh Gia Tĩnh năm thứ 18. Trong sách dẫn dụng đủ các loại kinh sách, ý kiến của các danh gia, từ cổ đến lúc ấy, lên đến 900 trang sách.
      Còn dựa vào đâu mà bảo 100 ngày định Thần Hồn, lại là câu chuyện khác.
      Xin được bàn thêm một chút với tác giả. Có gì chưa phải xin được chỉ điểm và bỏ qua cho!

      Xóa