Hoàng Tuấn Phổ
Bình
Định vương ngồi buông thõng chân trên hòn đá nổi tự nhiên ở đầu thung Nai.
Quanh ông, các tướng văn, võ đứng quây quần. Một anh lính hối hả đi tới chỗ
Bình Định vương:
-Trình
nhà Vương. Chúng con tìm mãi vẫn không thấy đầu thằng Phùng Quý ở đâu cả !
Bình
Định vương khẽ nhếch mép cười:
-Tìm
mãi vẫn không thấy ! Hắn có phép thần thông hay các ngươi trông gà ra cuốc ?
Trận
Sách Khôi này, quân giặc điều tới mấy vạn binh mã do Tổng binh Giao Chỉ Trần
Trí chỉ huy cùng các tướng khét tiếng như Mã Kỳ, Phùng Quý...vây chặt nghĩa
quân Lam Sơn định quét gọn một mẻ lưới. Bình Định vương họp các tướng bàn:
“Quân giặc bao vây bốn mặt...Đây chính là nơi binh pháp gọi là đất chết, đánh
nhanh thì còn, chậm trễ thì mất”. Tướng sĩ đều quyết phá vòng vây giặc, và nghĩa
quân Lam Sơn đã chuyển bại thành thắng. Trần Trí, Mã Kỳ thua to, rút chạy về
thành Đông Quan. Tin chém được đầu Tả tham tướng Phùng Quý càng làm nghĩa quân
nức lòng. Ai cũng muốn coi mặt tên tướng độc ác này. Cho nên chuyện cái đầu Phùng
Quý bỗng dưng biến mất, khiến mọi người xôn xao bàn tán.
Sau
một lát yên lặng. Bình Định vương hỏi người lính đưa tin:
-Con
có rõ mặt Phùng Quý không ?
-Con
không thể nào lầm được. Chính con là nô lệ của hắn, hắn đã đầy đọa con, thích
chữ lên trán con...
Như
để làm chứng cho lời mình, anh lính giật phăng tấm khăn bịt đầu, để lộ vầng
trán in hằn những vết sẹo dọc ngang. Anh bịt lại khăn rồi sụp lạy:
-Đội
ơn đức Vương, con đã hả mối hận thù riêng...con chỉ tiếc không được tự tay mình
lấy đầu Phùng Quý !
Bình
Định vương ra hiệu cho anh lính đứng dậy. Người hỏi:
-Ai
chém rụng đầu Phùng Quý ?
-Trình
đức Vương, người có công cứu con thoát khỏi nanh vuốt Phùng Quý cũng chính là
người chém rụng đầu hắn !
Anh
lính liền thưa.
-Ai
nhỉ ?
-Trịnh
Khả !
Làn
sóng xôn xao trong đám đông nổi lên. Tướng sĩ vây quanh Bình Định vương reo
mừng và cùng đưa mắt dớn dác, ngó tìm Trịnh Khả. Phải ! Đúng là Trịnh Khả, viên
tướng mới độ tuổi hai mươi đã múa giáo đâm Phùng Quý ngã ngựa rồi cắt lấy đầu...
-Trịnh
Khả đâu rồi ?
Trịnh
Khả vượt ngục thành Tây Đô rồi đến Lam Sơn nương nhờ họ Lê từ lúc tuổi còn niên
thiếu, được Bình Định vương thương yêu như con cháu trong nhà. Người vừa cất
tiếng gọi thân thiết vừa nhìn bên phải, ngó bên trái xem Khả đứng náu mình ở
đâu, song Bình Định vương và các tướng sĩ đều chẳng ai thấy Khả đâu! Trịnh Khả
đã mất tích cùng với cái đầu của Phùng Quý !
-Phải
đi tìm ngay Trịnh Khả !
Bình
Định vương dứt lời, các tướng sĩ ào lên chia nhau đi khắp ngả...
Tại
một góc rừng hẻo lánh, Trịnh Khả lúi húi dùng đại đao đào đất đắp thành một nấm
mộ. Cái áo của người cha trao cho Trịnh Khả hôm từ biệt ra đi đã sáu bảy năm
trời trôi qua, trải bao phen vào sinh ra tử, vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Năm
Khả mười sáu tuổi, Phùng Quý bắt về làm nô, định sẽ thiến đi để biến anh thành
con vật cho dễ sai khiến. Khả lập mưu trốn thoát. Phùng Quý tức giận bắt cha
Khả tra tấn đến chết. Khả tuy đã từ biệt cha nhưng vẫn lén lút tại nhà bà cô
bên kia sông để nghe ngóng tình hình. Đến ngày thứ ba, Khả bỗng thấy ruột gan
mình nóng như thiêu. Chờ trời tối, Khả bơi xuôi dòng sông Mã tìm gặp thằng bạn
con bà hàng nước ven đê. Nó cho biết lúc chiều quân Ngô đem một ông già đã chết
khô cứng, ném xuống sông. Suýt nữa Khả òa lên khóc. Khả lần tới bến, mò xuôi
một quãng thấy xác cha. Khả ôm thi hài bơi ngược dòng về tới bến quê nhà, đem
chôn giấu trong một lùm cây rậm. Rồi khả tìm đến Lam Sơn xin nương tựa chủ trại
Lê Lợi, được ông ân cần dạy bảo mọi điều. Năm ông mở hội thề Lũng Nhai, Khả mới
mười bảy tuổi, phải khai tăng thêm một tuổi để dự hàng nghĩa sĩ tuyên thệ một
lòng giết giặc cứu nước, rửa thù nhà. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng Bình
Định vương, Khả được phong làm tướng đứng đầu đội quân Thiết đột (cảm tử)
May
mắn sao, trận này, Phùng Quý lại dẫn xác đến và Khả gặp dịp giáp mặt kẻ tử thù.
Hắn sững người một chút rồi vung siêu đao thúc ngựa chồm tới. Khả bình tĩnh múa
giáo đón đỡ. Cuối cùng, Phùng Quý bị đâm một nhát ngã lăn xuống đất. Khả cắt
đầu kẻ thù chạy biến vào rừng...
Không
thể về bến sông quê nơi người cha yên giấc ngàn năm. Khả dùng tấm áo cha thay
hài cốt, vun đất thành nấm mộ giữa rừng sâu. Anh đặt cái đầu Phùng Quý xuống
trước mộ làm lễ cúng cha:
-Lạy
cha sống khôn chết thiêng...
Hình
ảnh người cha già yếu đói khổ bị giặc tra tấn đến tả tơi da thịt hiện lên trong
tâm tưởng khiến Khả nghẹn lời, lưng khòm mãi xuống, hay tay ôm choàng lấy nấm
mộ...Đến khi anh ngửng nhìn lên thì...
Không
biết từ lúc nào, Bình Định vương cùng tướng sĩ thân cận đã tìm được đến đây. Họ
đang lặng lẽ thành kính đứng trước mộ cha anh.
(Tạp chí Văn
nghệ thiếu nhi-1991)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét