HTC và PGS.TS Hoàng Dũng người viết "Lời giới thiệu" và hết lòng cho sự ra đời của sách "Phê bình-khảo cứu" lần đầu gặp nhau tại Tuấn Công Thư phòng (8/2018) |
HOÀNG TUẤN CÔNG
(Trích tiểu mục 7 mới bổ sung trong bản 2018 [tổng 27 trang], thuộc mục “Tiếng mẹ đẻ”.)
o “muộn còn hơn
không • ng. Tuy đã chậm, nhưng vẫn hơn là không có hay không
làm <> Vì bận việc anh không kịp về
dự lễ mừng đại thọ ông nội, khi về anh xin lỗi, cụ đã nói: Muộn còn hơn không”.
Thực
ra, ví dụ của soạn giả đưa ra không điển hình, ý nghĩa và trật tự giữa các ý
trong nội dung diễn đạt không hợp tình hợp lí. Theo lẽ thường, khi “anh xin lỗi”, “ông nội” anh phải nói “không sao, cháu về được là ông vui rồi” mới
thể hiện đúng tâm lí, tình cảm ông cháu. Thế nhưng, GS. Nguyễn Lân lại cho “cụ đã (sic) nói: Muộn còn hơn không”, có nghĩa, “anh không kịp về dự lễ mừng đại thọ ông nội” là lỗi lớn, và “cụ” sẽ khó chấp nhận nếu như cuối cùng
anh vẫn không về. Theo đó, cách dùng đúng phải là: “Vì bận việc anh không kịp về dự lễ mừng đại thọ ông nội”, nhưng
nghĩ muộn còn hơn không, nên anh vẫn
quyết định về.
o “mưa thời mưa cho khắp •
ng. ý nói: Đã có gì tặng cho người trong một tập thể thì phải tặng cho tất cả,
không sót người nào <> Đi xa về có
quà, thì phải cho mọi người trong gia đình, vì mưa thời mưa cho khắp”.
Thực ra, thành ngữ này không chỉ riêng việc tặng quà, mà được hiểu theo nghĩa rộng: Đã chia phần, hay ban phát ân huệ thì nên
công bằng, rộng khắp để ai cũng được hưởng. Mặt khác, nếu “mưa thời mưa cho khắp”, được dùng để chỉ
việc tặng quà, thì nên ví dụ như sau: Đi
xa về, đã có quà cho mọi người trong gia đình, thì hai bên ông bà nội ngoại cũng phải có, đã mưa thì mưa cho khắp.
o “nát đảm kinh hồn •
ng. (Đảm là mật ở trong gan) Nói một việc kinh khủng khiến người ta sợ hãi
<> Chúng dùng lối tra khảo nát đảm
kinh hồn, nhưng ông ấy vẫn nhất định không khai”.
Đúng
ra “nát đảm kinh hồn” là nói về chính
nỗi sợ khiến người ta hoảng loạn mất hết tinh thần, chứ không phải là “Nói một việc kinh khủng khiến người ta sợ
hãi”. “Nát đảm kinh hồn” là dị
bản của “táng đảm kinh hồn”
(đúng ra là “tán đảm kinh hồn”), mà
chính GS. Nguyễn Lân đã giảng: “táng (sic) đảm kinh hồn •
ng. (H. kinh: sợ; hồn: hồn) Sợ đến mức như mất vía <> Những cuộc ném bom của địch làm cho trẻ em
táng đảm kinh hồn”.
Như
vậy, soạn giả đã nhầm lẫn, khi biến nỗi sợ “nát
đảm kinh hồn” của “ông ấy” (người
bị tra tấn) thành nỗi sợ của “lối tra
khảo”. Mặt khác, cũng cần nói thêm, với dị bản “táng đảm kinh hồn” thì
ví dụ “Những cuộc ném bom của địch làm
cho trẻ em táng đảm kinh hồn”, cũng không phù hợp. Vì nỗi sợ của “trẻ em” là nỗi sợ theo bản năng, chúng
chưa hiểu “bom” thực sự nguy hiểm như thế nào. Trong khi “tán đảm kinh hồn”,
hay “kinh hồn bạt vía” thường được ví với nỗi sợ tác động mạnh đến mọi giác
quan, cảm nhận, suy nghĩ của người
ta.
o “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa •
ng. Kinh nghiệm của nông dân về ảnh hưởng của thời tiết đối với cây trồng
<> Đối với nhà nông mình thì nắng
tốt dưa, mưa tốt lúa, chứ có ngại gì”.
Tục ngữ chỉ rõ: nắng thì tốt cho dưa, mưa thì
tốt cho lúa. Theo đó, nếu mưa nhiều, thì dưa sẽ thất thu (do dưa đậu quả ít và
không ngọt); trong khi đó, mưa nhiều thì lúa sẽ tốt, vì lúa luôn được cung cấp
nước đầy đủ và hấp thu nguồn đạm tự nhiên. Như thế có nghĩa, mưa không tốt cho
dưa, nhưng lại tốt cho lúa, và ngược lại. Trường hợp một nông dân trồng cả dưa
và lúa, thì kiểu gì cũng chỉ được một bề. Thế nhưng, cứ theo ví dụ của soạn
giả, thì với nhà nông, nắng cũng tốt, mà mưa cũng tốt, không việc gì phải lo
ngại. Theo đó, ví dụ đúng phải là: Năm
nay nắng nhiều sẽ tốt cho dưa, vì nắng
tốt dưa, mưa tốt lúa mà!
o “ném đá ao bèo •
ng. Làm một việc vô ích, chẳng ăn thua gì <> Nó đã bị tù rồi, anh nói thêm tật xấu của nó chỉ là ném đá ao bèo thôi”.
GS. Nguyễn Lân giải thích như vậy là đồng
nghĩa “ném đá ao bèo” với “đấm bùn sang ao” (như chính soạn giả đã
giải thích: “đấm bùn sang ao: làm
một việc vô ích”).
Thực
ra, “ném đá ao bèo”, có nghĩa là làm
một việc mà sự tác động không đáng kể,
không ăn thua, nên đâu lại hoàn đấy, giống như viên đá ném xuống ao bèo, chỉ khiến
mặt nước giãn ra tí chút, rồi bèo lại phủ kín, trong khi chẳng thấy tăm hơi hòn
đá ở đâu. Theo đó, dùng “ném đá ao bèo”
để ví với việc “nói thêm tật xấu” của
kẻ “đã bị tù rồi”, là cách ví không
ăn nhập gì với thành ngữ.
o “ngọc lành chẳng phải bán rao •
ng. Vật tốt, người tốt không cần phô trương, người ngoài cũng biết <> Người như ông ấy, ai mà chẳng phục, ngọc
lành chẳng phải bán rao mà”.
Trường hợp “ông ấy” là người giỏi, sống lặng lẽ, kín tiếng, mà vẫn được nhiều
người biết đến, thì gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”. Còn “người như ông ấy, ai mà chẳng phục”, không có nghĩa ông ấy hoàn
toàn không giới thiệu hoặc tìm mọi cách để mọi người đều nể phục, biết đến. Mặt
khác, làm gì có chuyện rao bán ở đây mà ví von như vậy? Theo đó, nếu muốn vận
dụng câu tục ngữ này, thì phải đưa ra ví dụ: Chậu cây cảnh đẹp nhất ông ấy để khuất ở sân sau, thế mà nhiều người
vẫn biết đến và sẵn sáng trả giá cao, đúng là “ngọc lành chẳng phải bán rao”.
o “ngọn đèn trước gió •
ng. Nói sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào <> Tình hình căng thẳng như ngọn đèn trước gió”.
Thực ra, “ngọn
đèn trước gió” là nói về sự sống mong
manh trước cái chết, chẳng khác nào ngọn đèn trước cơn gió chực thổi mạnh,
có thể bị tắt ngấm vĩnh viễn, không ai đem so sánh với “tình hình căng thẳng” nói chung. Theo đó, không ai nói: Tình hình
trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng như ngọn
đèn trước gió.
o “ngọt như mía lùi • ng. (Mía lùi là
mía vùi vào đám tro nóng) Thành ngữ này thường dùng một cách mỉa mai để chỉ một
lời nói khéo mà không thực <> Bà ta
gặp người nào thì lời nói cứ ngọt như mía lùi”.
Mía
lùi vào tro nóng, hoặc bếp than, thì đường trong mía sẽ được cô lại, nên “mía
lùi” rất ngọt và thơm. Theo đó, thành ngữ “ngọt
như mía lùi” được dùng để ví với lời nói hấp dẫn, dễ nghe, có sức thuyết
phục cao (tuỳ theo hoàn cảnh mà được hiểu theo nghĩa tích cực hay tiêu cực);
hoàn toàn không phải chỉ dùng “mỉa mai để chỉ một lời nói khéo mà
không thực”.
o “ngơ ngác như vạc đui •
ng. (Vạc là loài chim hay đi ăn đêm) Đứng ngẩn ra như không trông thấy gì
<> Nghe cái tin lạ lùng ấy, anh đã ngơ ngác như vạc đui”.
Một câu ví dụ ngang phè.
Vì có hàm ý so sánh, nên người ta thường dùng phụ từ biểu thị ý khẳng định đi
với “ngơ ngác” (trạng thái), không ai
dùng phụ từ biểu thị ý thời điểm như “đã”.
Theo đó, cách đặt câu đúng phải là: Nghe
cái tin lạ lùng ấy, anh cứ ngơ ngác
như vạc đui.
o “ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm •
ng. Chê kẻ hay ngủ ngày và hay ăn vặt <> Cậu thực đúng như câu ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”.
Thực ra câu này có nghĩa khái quát là: hành
động, thói quen không tốt sẽ tạo nên những tật xấu khó sửa, chứ không phải “Chê kẻ hay ngủ ngày và hay ăn vặt”. Mặt
khác, ví dụ của soạn giả rất trái khoáy. Bởi “như” là từ biểu thị quan hệ ngang bằng hoặc tương đồng trong sự so
sánh, vì vậy, không ai đi so sánh “cậu”
(con người) với câu “ngủ ngày quen mắt,
ăn vặt quen mồm” (ý niệm).
o “người dại cởi truồng người khôn xấu mặt •
ng. ý nói trong một tập thể nếu có kẻ làm điều xấu thì những người khác cũng bị
xấu lây <> Nó là con cháu trong họ
mà nó lại là Việt gian thì khác nào người dại cởi truồng người khôn xấu mặt”.
“Người
dại cởi truồng người khôn xấu mặt” (dị bản Kẻ dại cởi truồng, người khôn xấu mặt), có nghĩa: không nên giao
du, gần gũi những kẻ điên khùng, liều lĩnh, trơ trẽn, mà có lúc phải xấu hổ
thay cho những hành động, việc làm của họ; hoặc không biết bảo ban kẻ ngu dại,
thì sẽ có lúc chính mình sẽ bị xấu lây. Trong khi nghĩa mà GS. Nguyễn
Lân giảng phải là câu “con sâu làm rầu nồi canh”; “một người làm đĩ xấu danh
đàn bà” mới đúng.
o “người sống đống vàng •
ng. Con người nói chung là rất đáng quí <> Những kẻ gây chiến tàn sát bao nhiêu nhân mạng, không nghĩ rằng người
sống đống vàng”.
“Người
sống đống vàng”, hay “Người làm ra của, của không làm ra người”, “Người
sống của còn, người chết của hết” ý nói, tính mạng con người là trên hết, của
cải dù quý giá bao nhiêu cũng không bằng. Việc đem câu tục ngữ ra để lên án “những kẻ gây chiến tàn sát bao nhiêu nhân
mạng” là hoàn toàn lạc đề.
o “nhà đói mắc bệnh bá hộ •
ng. (Bá hộ là chức quan nhỏ dưới thời phong kiến) Chê kẻ không có tài năng lại
có tham vọng làm chức vụ nọ kia <> Anh
chàng ấy muốn ra ứng cử đại biểu quốc hội, nhưng nhà đói mắc bệnh bá hộ thì ai
bầu cho”.
“Nhà đói mắc bệnh bá hộ”, hay “Con nhà lính,
tính nhà quan” ý nói gia cảnh, địa vị thấp kém nhưng lại mắc thói đua đòi, muốn
sinh hoạt, tiêu xài như nhà giàu có, chứ không phải “Chê kẻ không có tài năng lại có tham vọng làm chức vụ nọ kia”. Theo
đó, vận dụng câu tục ngữ vào chuyện bầu bán, “ứng cử đại biểu quốc hội” là ví dụ lấy được, không cần biết có hợp
hay không.
o “nhất tiếu thiên kim •
ng. (H. tiếu: cười; thiên: nghìn; kim: vàng) Nói người phụ nữ đẹp chỉ cười một
cái cũng đã đáng nghìn vàng <> Nhà
nho ca tụng người phụ nữ đẹp nói là nhất tiếu thiên kim”.
Thực ra, thành ngữ có nghĩa:
làm vừa lòng người đẹp, lấy được nụ cười người đẹp rất khó. Thành ngữ này xuất
phát từ tích U Vương vì muốn có được nụ cười của nàng Bao Tự mà tìm đủ mọi cách,
như đem hết vải vóc trong kho ra để hàng ngày xé cho Bao Tự nghe, rồi đốt lửa
làm hiệu lệnh giả như có giặc đến để các nước chư hầu đến ứng giúp, cuối cùng
Bao Tự đã mỉm cười. Đến khi có giặc thật, U Vương đốt lửa gióng trống, nhưng
không một nước nào tới cứu viện. U Vương phải bỏ mạng vì đơn thương độc mã.
Ví dụ “Nhà
nho ca tụng người phụ nữ đẹp nói là nhất tiếu thiên kim”
của soạn giả rất tối nghĩa. Phải chăng, ý soạn giả là “nhà nho ca tụng người phụ nữ đẹp”, thì họ sẽ “nói là nhất tiếu thiên kim” (kiểu ca ngợi người đẹp của nhà nho)?
o “như ếch vào xiếc •
ng. (Xiếc là bẫy bắt ếch) Không thể thoát được <> Ai đã bị hắn lừa thì như ếch vào xiếc”.
“Ếch
vào xiếc” thì quả là khó thoát ra thật. Tuy nhiên thành ngữ “như ếch vào xiếc” không có ý đó, mà là
hàm nghĩa: rơi vào tình thế bối rối, lúng túng, không biết cách gỡ ra thế nào.
Bởi vậy, còn có dị bản “lúng túng như ếch vào xiếc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét