Xa Dận đọc sách ban đêm bằng "túi đom đóm" Tranh của Tàu |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Đời Tấn (晉) có người học trò tên là Xa Dận (車胤), tự Vũ Tử (武子), thông minh dĩnh ngộ ham học,
nhưng gia cảnh bần hàn. Nhà nghèo, không đủ tiền mua dầu thắp sáng, nên vào những
đêm hè, Xa Dận bắt đom đóm bỏ vào một cái túi lụa, gọi là “nang huỳnh” 囊螢 (túi đom đóm) để tạo ra ánh
sáng đọc sách thâu đêm. Đến khi trưởng thành, Xa Dận càng nổi danh mẫn tiệp,
thông tuệ, sau làm tới chức Lại bộ thượng thư.
Cũng vào đời Tấn, còn có một anh học trò khác, tên Tôn Khang (孫康), nhà cũng rất nghèo. Tối đến
không có dầu đèn để xem sách, Tôn Khang cảm thấy đêm dài như vô tận. Đến mùa
đông tuyết rơi, anh học trò nghèo Tôn Khang thường ngồi cạnh cửa sổ, nhờ ánh sáng phản
chiếu của tuyết trong đêm để đọc sách, sau thành tài, làm quan tới
chức Ngự sử đại phu.
Tôn Khang đọc sách dưới ánh sáng của tuyết Tranh của Tàu |
Người đời sau đặt nên thành ngữ "Tôn Khang ánh tuyết, Xa Dận tụ huỳnh" 孫康 映雪, 車允聚螢 (Tôn Khang đọc sách bằng ánh tuyết, Xa Dận đọc sách bằng đèn đom đóm); “Nang huỳnh độc thư” 囊螢讀書 (Đọc sách bằng túi đựng đom
đóm) hay “Ánh tuyết độc thư” 映雪讀書 (Đọc sách bằng ánh sáng của
tuyết) chỉ những tấm gương hiếu học, vượt qua mọi gian khổ. Các dị bản “Nang huỳnh tích tuyết”; “Tập huỳnh ánh tuyết”; “Tụ huỳnh tích
tuyết”; “Chiếu huỳnh ánh tuyết”,...đều chỉ hai tấm gương hiếu học Xa Dận
và Tôn Khang đời Tấn.
Vậy, sự thực người ta có thể đọc sách bằng ánh sáng của đom đóm bỏ
vào túi vải lụa, hoặc ánh sáng phản chiếu của tuyết không?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng học bằng đèn đom đóm (Ảnh chụp màn hình Báo Phụ Nữ Việt Nam) |
Theo tôi, cũng có thể đọc được, nhưng rất khó. Đọc trong chốc lát
đã khó. Nhờ đọc sách bằng cách ấy mà thành tài lại càng khó. Nhưng, chính vì
khó, mới trở thành giai thoại, huyền thoại. Chính vì khó, mà trải qua
hàng ngàn năm, đất nước Trung Quốc rộng lớn với hàng tỉ người, nhưng đọc
sách bằng ánh sáng đom đóm cũng chỉ dừng lại con số 1 duy nhất-một người duy nhất
sống ở thời kỳ mà hư thực thường hay ẩn hiện trong màn sương huyền
hoặc. Bởi vì khó, nên mới được sử sách lưu danh. Nếu đọc được sách dễ dàng,
thì chắc hẳn “đèn đom đóm”, hay “ánh tuyết” đã trở thành một thứ “năng lượng”
được người khai thác rộng rãi, chứ không chỉ dừng ở những giai thoại trong sách
vở.
Nhiều câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu” (24 gương hiếu) của người
Trung Quốc cũng huyền hoặc chẳng khác nào gương “Nang huỳnh ánh tuyết”. Ví như “Ngoạ
băng cầu lý” kể chuyện Vương Tường đời Tấn. Vì mẹ thèm cá chép, mà đương mùa đông Vương Tường vẫn nằm
trên băng giá lạnh, cố tìm cho được. Rồi bỗng dưng băng nứt ra cả đôi cá chép. Hay
“Khốc trúc sinh duẫn”, kể chuyện Mạnh Tông đời Tam Quốc. Giữa mùa đông giá lạnh,
nhưng vì mẹ ốm, thèm canh măng, nên Mạnh Tông vào rừng, ngồi bên gốc trúc để
khóc, bỗng đất trồi lên mấy giò măng.
Có lẽ chẳng cần làm thí nghiệm, người ta cũng hiểu rằng, đó chỉ là
những câu chuyện do người Trung Quốc sáng tác, “điển hình hoá” để
tôn xưng những tấm gương hiếu học, hiếu với mẹ cha, nêu cao cho đời
sau, chứ không có thực(*).
Ở Việt Nam, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cũng được người đời
vì quý mến mà gắn với câu chuyện đọc sách bằng đèn đom đóm. Không ai tức giận,
hoặc phản đối giai thoại này, bởi lẽ ông sống vào thời kì mà về sau những câu
chuyện mang tính chất huyền sử vẫn được truyền tụng. Và có lẽ trên hết, Mạc Đĩnh Chi là người tài năng và có công tích thực sự với dân, với nước.
Hoàng Tuấn Công/9/2018
(*) Hồi nhỏ, chúng tôi cũng hay bắt đom đóm bỏ vào cái bóng đèn dầu hoa kỳ (to hơn quả trứng gà một chút), rồi dùng mảnh ni lông bịt hai đầu lại. Hàng chục con đom đóm thi nhau phát
sáng, khiến cả chiếc bóng đèn trông như quả cầu lửa màu sáng trắng. Chúng tôi buộc
dây vào một đầu, rồi vung lên trong bóng đêm, khiến người yếu bóng vía có khi bị
một phen hết hồn. Nếu đặt bóng đèn xuống trang sách, thì cũng lờ mờ đọc được một
vài chữ. Nhưng ánh sáng đom đom đóm không bền. Điều này dễ hiểu, vì ở ngoài tự nhiên, chúng phát
sáng là để hấp dẫn bạn tình. Khi bị bắt bỏ vào bóng đèn, ánh sáng đom đóm sẽ yếu dần, cho đến lúc không phát sáng nữa.
Thực tế, không ít đứa trẻ bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, hay chai thuỷ tinh, hoặc bất cứ vật gì có thể nhìn thấu qua. Nhưng mục đích chính là để chơi, để nghịch, chứ không phải để "đọc sách", cho dù chúng có để lên trang sách thật.
Thực tế, không ít đứa trẻ bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, hay chai thuỷ tinh, hoặc bất cứ vật gì có thể nhìn thấu qua. Nhưng mục đích chính là để chơi, để nghịch, chứ không phải để "đọc sách", cho dù chúng có để lên trang sách thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét