8 thg 4, 2023

THANH MINH - “ĐẠP THANH”, VÀ “TẢO MỘ”

 

Đạp Thanh ngày nay ở Trung Quốc
Ảnh: Nhật báo Hồ Bắc 
     HOÀNG TUẤN CÔNG


      Nhắc đến tiết Thanh Minh, có lẽ người Việt Nam ít ai không biết đến câu Kiều Thanh Minh trong tiết tháng ba/Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu chính xác về thanh minh, đạp thanh, và tảo mộ, kể cả các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt.

1-Tiết Thanh Minh là gì?

Nếu căn cứ vào từ điển tiếng Việt, thì chúng ta thấy cách giảng không thống nhất, thậm chí có nhiều cuốn giảng sai:

 -Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Trung tâm Từ điển học Vietlex), giảng: “thanh minh清明 d. tên gọi một trong hai mươi bốn ngày tiết trong năm theo lịch cổ truyền của Trung Quốc, ứng với ngày 4, 5 hoặc 6 tháng tư dương lịch [thường vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch], đây là dịp tiết trời trong sáng nên có tục đi thăm viếng, sửa sang mồ mả. Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.” (TKiều).

Tục đi thăm viếng” mà Từ điển Hoàng Phê nói đến ở đây có lẽ là hội Đạp Thanh, và cách giảng này là gắn với tiết Thanh Minh bên Trung Quốc, bởi người Việt không có phong tục này.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng: “thanh-minh • Tiết mùa xuân, khí trời mát-mẻ trong-trẻo, người ta đi tảo-mộ”. Theo từ điển này, thì tiết Thanh Minh chỉ có tục đi tảo mộ. Các giảng này chỉ được xem là đúng, khi gắn với thực tế phong tục của Việt Nam.

Tuy nhiên, dù gắn với phong tục Trung Quốc, nhưng Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) lại gọi đích danh Thanh Minh là tên “lễ quét mộ (giẫy mả)” của người Trung Hoa; là một tiết mà “người Trung Quốc đi tảo mộ”.

Cách giảng của từ điển của Lê Văn Đức và GS. Nguyễn Lân dĩ nhiên là thiếu chính xác. Vì xét phong tục Trung Quốc, tiết Thanh Minh không chỉ có “đi tảo mộ”, hay “lễ quét mộ”, mà còn có cả “hội Đạp Thanh”. Theo đây, Hán ngữ đại từ điển đã giảng rõ ràng như sau: “thanh minh: tên một tiết khí; vào khoảng mùng 4, mùng 5, hoặc mùng 6 Dương lịch. Dịp tiết Thanh Minh, nước ta (tức Trung Quốc - HTC) có hội Đạp Thanh và tập tục tảo mộ”.1

Hội Đạp Thanh thời cổ bên Trung Quốc
Tranh: ST

2-Đạp Thanh có phải chính là đi tảo mộ?

Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt giảng nghĩa một cách thiếu chính xác, khi cho rằng đạp thanh là “đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh”, “đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh”. Cụ thể:

    -Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) giảng: “đạp thanh • Nói trong mùa xuân, nhân tiết thanh minh, người ta đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh: Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh (Kiều)”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “đạp thanh • đt. Tảo mộ (đi trên cỏ xanh để tới mộ): Lễ là tảo-mộ, hội là đạp-thanh (Kiều)”.

-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “đạp thanh • d. Đi tảo mộ trong tiết thanh minh. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh (Kiều)”.

Giải thích như vậy là biến việc đi chơi thành viếng mộ, hoặc biến hai việc, hai hoạt động đi chơi xuân và dọn mồ mả làm một. Trong khi, hai câu thơ của Nguyễn Du phải được hiểu: tháng ba, trong tiết Thanh Minh có lễ và hội; về lễ, có tảo mộ; về hội, có đạp thanh.

Từ điển truyện Kiều (Đào Duy Anh) đã giải thích về “tảo mộ” và “đạp thanh” rõ ràng như sau:

-1. “tảo mộ: Dẫy mả. Ví dụ Lễ là Tảo mộ, hội là đạp thanh”.

-2. “đạp thanh: xéo trên cỏ xanh. Hội đạp thanh tức là hội chơi xuân, người ta ra đồng chơi xuân, dẫm trên cỏ xanh. Ví dụ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”.

         Các tài liệu và từ điển Hán ngữ của Trung Quốc cũng cho chúng ta biết, đạp thanh hoàn toàn không phải là tảo mộ:

- Từ nguyên (Trung Hoa Dân Quốc - Thương vụ Ấn thư quán ấn hành): Ngày mùng tám tháng Giêng, nam nữ cùng đi chơi xuân gọi là Đạp Thanh; Ngày mùng hai tháng hai, là tiết Đạp Thanh; Ngày mùng ba tháng ba Đạp Thanh, đi giày dép[?], nay gọi ngày đi chơi tiết Thanh Minh là Đạp Thanh”.2

Hội Đạp Thanh thời hiện đại ở Trung Quốc
Ảnh: Nhật báo Trùng Khánh

- Từ hải (Trung Hoa Thư cục ấn hành) dẫn Tô Triệt thi tự: “Ngày mùng tám tháng giêng, nam nữ cùng đi chơi xuân gọi là Đạp Thanh”. Từ điển này cũng dẫn Tuế Hoa kí lệ phả: “Ngày mùng hai tháng hai là tiết Đạp Thanh. Xưa kia, tục Đạp Thanh không giống nhau, có khi diễn ra trong tháng giêng, tháng hai hoặc tháng ba. Nay tiết Thanh Minh đi dã ngoại gọi là Đạp Thanh”.3

Do hội Đạp Thanh diễn ra vào đúng dịp tiết Thanh Minh, nên với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh còn được gọi là tiết Đạp Thanh. Hán điển giảng: đạp thanh: ngày xuân cùng đi dã ngoại. Thời xưa, tập tục Đạp Thanh không giống nhau, mà có sự khác biệt về thời gian diễn ra. Về sau, đa số lấy mốc thời gian trước và sau tiết Thanh Minh làm hội Đạp Thanh, nên tiết Thanh Minh còn gọi là tiết Đạp Thanh”.4

đạp thanhtảo mộ trong tiết Thanh Minh là hai việc khác nhau, nên Hán ngữ đại từ điển giảng đạp thanh là “tập tục đi chơi vùng ngoại thành vào dịp trước và sau tiết Thanh Minh.”; trong khi giảng tảo mộ với hai nghĩa là: “1. chuẩn bị, quét dọn sạch sẽ khu táng địa; 2. cúng và quét dọn mộ phần”.5

Tảo mộ tiết Thanh Minh ở Việt Nam
Ảnh: VOV

Ý nghĩa của tảo mộ (dọn dẹp, tu bổ mộ phần), hoàn toàn khác với đạp thanh (đi chơi Xuân), nên Hán ngữ đại từ điển dẫn thêm ngữ liệu: “tiết Thanh Minh đi tảo mộ, tuy không đốt tiền giấy, nhưng có thể giúp con cháu làm quen với việc cung kính lễ bái, mặc niệm tiền nhân”.6

Tảo mộ tiết Thanh Minh ở Đài Loan 
Ảnh: Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan

        Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận:

-Với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh thường diễn ra hai hoạt động: hội Đạp Thanh (đi chơi Xuân), và tục tảo mộ (tu sửa, dọn dẹp, cúng tế ở mộ phần). Trong khi với người Việt Nam, tiết Thanh Minh không có hội Đạp Thanh, chỉ có tục tảo mộ.

-Với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh còn được gọi là tiết Đạp Thanh. Trong khi với người Việt, chưa bao giờ tiết Thanh Minh được gọi theo cách này.

-Thanh Minh là tên một trong 24 tiết khí trong năm; còn Đạp Thanh là tên hội chơi Xuân, chứ không phải tên gọi khác của tục tảo mộ. Việc một số cuốn từ điển tiếng Việt cho đạp thanh” cái nghĩa “trong mùa xuân, nhân tiết thanh minh, người ta đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh”, “tảo mộ (đi trên cỏ xanh để tới mộ”, hay “đi tảo mộ trong tiết thanh minh”…, thì dù với người Việt Nam hay người Trung Quốc, những cách giảng này đều hoàn toàn sai.

 

                                                                              HTC/4/2023

 

Chú thích:

1-   Nguyên văn: 清明: 節氣名. 四月四, 五或六日. 我國有清明節踏青, 掃墓的習俗.

2-   [Nguyên văn 踏青: 正月八日士女嬉遊謂之 踏青; 二月二日踏青節也; 三月三日踏青, 上鞋履, 今謂青明日出遊曰踏青.

3-   Nguyên văn: 蘇轍詩序: 正月八日士女相與嬉遊謂之 踏青; 歲華紀麗譜: 二月二日踏青節也.是踏青之事,古有正月二月三月之不同.今謂清明出遊郊野曰踏青.

4-   Nguyên văn: “踏青: 春日到野外郊遊. 古時踏青的日子因各地習俗不同而有差異,後世多以清明節前後出遊為踏青故清明節亦稱為踏青節.

5-   Nguyên văn: “清明節前後郊野游覽的習俗”; 掃墓: 1.預先清掃好葬地. 參見掃墓望喪”. 2.祭掃墳墓

6-   Nguyên văn “寄小讀者”: 清明掃墓, 雖不焚化紙錢, 也可訓練小孩子一種恭肅靜默的對先人的敬禮

6 nhận xét:

  1. Hoàn toàn nhất trí cách giải thích của ông Hoàng Tuấn Công

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá ông Công ơi!

    Trả lờiXóa
  3. 1. Tiết Thanh Minh là gì?
    Tiết Thanh Minh là một tiết trong 24 tiết của lịch Tiết Khí.
    2. Lịch Tiết Khí là gì?
    Từ Trái Đất nhìn lên bầu trời, ta thấy quỹ đạo của Mặt Trời trên bầu trời của Trái Đất có hình elip. Chiếu quỹ đạo của Mặt Trời lên bầu trời (thiên cầu), hình chiếu này là một đường tròn gọi là hoàng đạo. Hoàng đạo là chuyển động biểu kiến của Mặt Trời. Chiếu xích đạo của Trái đất lên bầu trời (thiên cầu), hình chiếu này cũng là một đường tròn gọi là xích đạo trời. Hoàng đạo cắt xích đạo trời ở hai điểm là Xuân Phân và Thu Phân. Người ta chia hoàng đạo làm 360 độ. mà điểm gốc 0 độ là điểm Xuân Phân.

    Tiết là đoạn, đốt ( trong đốt mía, đốt tre). Khí là khí hậu. Tiết khí là một đoạn khí hậu trong một năm thường gọi tắt là tiết.
    Cứ 15 hoàng độ gọi là một tiết khí: Tổng cộng có 24 tiết khí. Khi Mặt Trời đi qua các điểm 0 độ gọi là ngày Xuân Phân, số ngày mặt Trời đi từ 0 độ đến 15 độ là tiết Xuân Phân. Mặt Trời đi qua 15 độ là ngày Thanh Minh, số ngày Mặt Trời đi từ 15 độ đến 30 độ là tiết Thanh Minh. Cứ 15 độ như thế tiếp theo ta có Cốc Vũ, Lập Hạ,Tiểu Mãn, Mang Chủng, Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ, Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết, Đông Chí, Tiểu Hàn, Đại Hàn, Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập là hết 360 độ đường Hoàng Đạo.
    3. Tại sao nói " Thanh Minh trong tiết tháng Ba"?
    Lịch Tiết khí lấy 2 tiết là một tháng. Ngày đầu tháng gọi là tiết khí, ngày giữa tháng gọi là trung khí.
    Từ thời Hán Vũ Đế (140 TCN đến 87 TCN) lấy tháng Giêng là tháng đầu năm gồm tiết khí Lập Xuân và tiết khí Vũ Thủy. Ngày Lập Xuân (là ngày Mặt Trời đi vào điểm 315 dộ trên Hoàng Đạo) là ngày tiết khí, là ngày đầu năm và là ngày đầu tháng. Ngày Vũ Thủy là ngày trung khí giữa tháng Giêng. Tháng Hai tiếp theo gồm tiết Kinh Trập và Xuân Phân. Tháng Ba gồm tiết Thanh Minh và Cốc Vũ. Vậy ngày Thanh Minh là ngày đầu tháng Ba, ngày Cốc Vũ là ngày trung khí giữa tháng Ba; tiết khí Thanh Minh là tiết thứ nhất, tiết khí Cốc Vũ là tiết thứ hai của tháng Ba trong lịch Tiết Khí. Người ta thường lầm lẫn giữa lịch Tiết khí và Âm lịch. Tiết Thanh Minh không liên quan đến tháng Ba của Âm lịch là loại lịch tính tháng theo tuần trăng mà ta vẫn sử dụng.
    Tiếp theo tháng Tư: Lập Hạ-Tiểu Mãn; tháng Năm: Mang Chủng-Hạ Chí; tháng Sáu: Tiểu Thử- Đại Thử; tháng Bảy: Lập Thu- Xử Thử; tháng Tám: Bạch Lộ-Thu Phân; tháng Chín: Hàn Lộ-Sương Giáng; tháng Mười: Lập Đông-Tiểu Tuyết; tháng Một: Đại Tuyết-Đông Chí; tháng Chạp: Tiểu Hàn- Đại Hàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay quá. Cảm ơn bác đã giải thích chi tiết.

      Xóa
  4. 4. Đối chiếu Lịch Tiết khí với Dương lịch thì các ngày Tiết khí và ngày Dương lịch được xác định cố định, trừ khi trong năm Dương lịch có ngày nhuận.
    Sở dĩ như vậy vì lịch Tiết khí và Dương lịch đều tính toán theo sự chuyển động của Mặt Trời, chỉ có quy định mốc của ngày, tháng là khác nhau, và lịch Tiết khí không có nhuận ngày như Dương lịch và không có nhuận tháng như Âm lịch.
    5. Đối chiếu lịch Tiết khí với Âm lịch (lịch Mặt Trăng) thì không xác định được ngày cố định vì mỗi loại lịch tính toán theo chuyển động của thiên thể khác nhau.
    6. Đối chiếu với Dương lịch, năm 2020, tiết Thanh Minh bắt đâu từ ngày 4/4 ( ngày Đinh Sửu 12/3/ Canh Tý) đến 18/4/2020 ( ngày Tân Mão 26/3 Canh Tý).
    Năm 2022, tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 5/4/2022, ngày Mậu Tý (ngày 5/3 Nhâm Dần) đến ngày 19/4/2022 ngày Quý Mão (ngày 19/3 Nhâm Dần).
    Năm 2023, thì 5/4/2023 là ngày Thanh Minh. Tiết khí Thanh Minh kéo dài từ 5/4 đến ngày 19/4/2023. Ta có thể đi tảo mộ trong những ngày này.
    Câu thơ của Nguyễn Du "Thanh Minh trong tiết tháng Ba" là tháng Ba trong lịch tiết khí, không phải trong Âm lịch.
    7. "Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Tảo mộ có nghĩa là dọn mộ cho sạch sẽ gọn ghẽ. Ngày trước, mộ đều được đắp bằng đất. Hung táng thì mộ đắp khối chữ nhật, cát táng thì mộ đắp hình tròn như cái thúng úp hay trụ tròn. Vì đắp bằng đất nên mưa gió làm cho đất đắp mộ sụt xuống, loại cây gỗ có rễ đâm sâu dễ đâm vào trong một nên ngày Thanh Minh con cháu phải đắp thêm đất cho mộ vuông vắn, dọn dẹp cỏ cây cho mộ được đẹp và không bị rễ cây lớn xuyên vào mộ. Thường tảo mộ người ta chỉ thắp hương, đốt mã chứ không làm cỗ cúng ở mộ. Làm cỗ cúng ở nhà. Thanh Minh ở ta không có hội đạp thanh.

    Trả lờiXóa