HƯƠNG SẮC MÙA XUÂN
Hoàng Tuấn Công
Khai bút xuân 2008 tại Thư phòng
Ai từng được hưởng những cái Tết ngày xưa mới thấy hết vẻ đẹp của mực tàu giấy đỏ, của tranh dân gian Đông Hồ tươi thắm sắc xuân, ấm áp lòng người.
Dân ta xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, nhà cửa tuềnh toàng. Xuân đến lo cái ăn đủ đầy ba ngày Tết đã đành.Nhà cửa dẫu mái tranh, vách đất cũng rất cần sự đổi thay để làm tươi mới lại cuộc đời sau một năm quá nhiều vất vả, lo toan. Và trong phiên chợ Tết, đồng tiền dè xẻn, kiệm cần trong năm bao giờ cũng được hồ hởi chi vào một vài món hàng trang trí cửa nhà. Tranh, chữ, hay câu đối chính là những thứ thường không thể thiếu trong “hành trang về chợ”.
Dân ta xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, nhà cửa tuềnh toàng. Xuân đến lo cái ăn đủ đầy ba ngày Tết đã đành.Nhà cửa dẫu mái tranh, vách đất cũng rất cần sự đổi thay để làm tươi mới lại cuộc đời sau một năm quá nhiều vất vả, lo toan. Và trong phiên chợ Tết, đồng tiền dè xẻn, kiệm cần trong năm bao giờ cũng được hồ hởi chi vào một vài món hàng trang trí cửa nhà. Tranh, chữ, hay câu đối chính là những thứ thường không thể thiếu trong “hành trang về chợ”.
Cuộc sống làng xã khép kín. Ông đồ xưa đâu đơn giản chỉ là thầy dạy chữ. Ông đích thị là nhà thông thái, là thầy của tất cả các lĩnh vực Nho, y, lý, số…Với bút lực tài hoa, kiến thức thâm bác, thứ chữ nhiệm màu trên “mực Tàu giấy đỏ” của ông ẩn chứa biết bao ý nghĩa. Sắc giấy điệp phơn phớt ửng hồng tựa cánh hoa đào trong nắng xuân thèm giọt sương mai nhuận ướt. Nghiên mực tàu sung mãn, loáng ướt sắc đen như muốn trải lòng mình trên giấy thắm. Bàn tay ông đồ lúc dè dặt tinh tế, khi phóng khoáng thô phác, nét đưa dày thưa kết hợp, dài ngắn đan xen, vươn phải, ngoặt trái linh hoạt, biến hoá khôn lường… Chỉ trong chốc lát, bức tranh chữ đã hiện ra rạng rỡ, tươi tắn, tràn đầy hương sắc… Hai mầu đen-đỏ, hai thể khô-ướt tương phản như nước-lửa, âm-dương mà khi quyện với nhau lại hài hoà, tương hợp lạ kỳ. Bức tranh chữ sáng bừng trên phên vách, rực lên một năm mới với bao hy vọng đổi thay tốt đẹp. Phúc, lộc, phú, quý, an khang,...sẽ từ nét chữ thần bí kia hiện ra. Ai nhìn cũng thích mắt. Ai thấy lòng như cũng rạo rực thêm và ấm lại biết bao trong cái rét và cả cái đói của những ngày xưa mỏi mòn đợi tết.
Cho chữ ở bên ngoài khu vực Nhà tưởng niệm Bác Hồ-TP Thanh Hóa
Ba ngày xuân, thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh đủ đầy, vui vẻ rồi cũng qua mau như chớp mắt. Người nông dân lại trở về công việc đồng áng với bao vất vả lo toan. Gợi lại không khí những ngày xuân chỉ còn đôi câu đối đỏ trầm lặng trên phên vách. Khi con cháu ghi danh khoa cử, mùa màng bội thu, hay đơn giản nhà nuôi được con lợn béo, nét chữ ông đồ lại lấp lánh ước vọng phú quý an khang... Xuân qua, hạ tới, tàn thu, sang đông. Cái tết đã đi xa…Mầu giấy đỏ phai bạc đi nhiều. Hương sắc mực Tàu cũng không còn thơm mới như xuân trước. Bức tranh chữ giờ như hiện thân của một năm đã cũ. Rồi một buổi sáng mai kia, bỗng trong phiên chợ Tết, ta thấy xuất hiện sắc mực tàu giấy đỏ thơm mới, tinh khôi, bên những cánh hoa đào tình xuân e ấp. Tết lại đến rồi !
Một mùa xuân buồn đầu thế kỷ trước, dưới “trời mưa bụi bay”, ông Đồ Vũ Đình Liên buông tiếng thở dài, ngậm ngùi nuối tiếc cho một nét văn hoá ngàn năm bỗng chốc lụi tàn cùng thời cuộc. Có lẽ, chính Vũ tiên sinh cũng không thể ngờ rằng, lời thơ buồn như lời điếu cho nền Nho học ấy đã lưu lại muôn đời sau nét đẹp của mực tàu giấy đỏ qua thư pháp ông đồ trên chiếu chữ ngày xuân. Và dẫu đã có lúc phai tàn qua một mùa đông dài, nhưng sắc màu của mực tàu giấy đỏ vẫn sống trong tiềm thức của dân tộc. Hồn của “những người muôn năm cũ” vẫn vấn vít bên lớp cháu con. Để hôm nay, qua bàn tay những ông Đồ trẻ, nghiên mực Tàu lại vui cùng giấy thắm. Những bức “tranh chữ” lại toả hương, khoe sắc trên màu tường mới ve quét, sơn lăn mỗi độ xuân về.
Xuân Kỷ Sửu HOÀNG TUẤN CÔNG
Xuân Kỷ Sửu HOÀNG TUẤN CÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét