20 thg 1, 2014

Sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN TỪ THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM" của GS Nguyễn Lân

Hoàng Tuấn Công

DĨ HƯ TRUYỀN HƯ KỲ 3 

Bỏ gốc lấy ngọn, giải thích sai, nông cạn, làm hẹp ý nghĩa, cách dùng thành ngữ, tục ngữ.
Đặc trưng của thành ngữ, tục ngữ là nghĩa đen hạn hẹp, cụ thể, nhưng nghĩa bóng lại rất rộng. Nhiệm vụ của người làm từ điển sau khi giải thích nghĩa đen, phải đưa ra được cách hiểu nghĩa bóng khái quát. Từ đó, người sử dụng từ điển có thể vận dụng đúng, linh hoạt vào nhiều trường hợp khác. Nhưng do cách hiểu nông cạn, phiến diện, bỏ gốc lấy ngọn, GS Nguyễn Lân đã biến nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có tính khái quát cao thành lời nói nôm na, hời hợt:
Nhân nào quả ấy Ý nói Con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ.
- Hoàn toàn sai ! “Nhân nào quả ấy” thực chất là luật “nhân quả”  , nhà Phật gọi là nhân duyên và quả báo: Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân, đó là luật nhân quả. Quả báo lành là do nhân duyên lành, quả báo dữ là do nhân duyên ác. Ví như gieo giống (nhân) ngọt thì sinh trái (quả) ngọt; gieo giống (nhân) đắng thì sinh trái (quả) đắng. Có một số câu gần nghĩa như: “Nhân viên quả mãn” (Nhân tròn quả tròn) “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” (Ác với người thì sẽ bị báo ác, tốt với người thì sẽ gặp được điều tốt) “Gieo gió gặt bão”, v.v… Nói đến nhân quả là nói đến quy luật tất yếu, đâu chỉ là “con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ” như cách giải thích của GS.
Quả báo ăn cháo gãy răng. Ý nói: Đã làm điều ác, thì phải gánh lấy hậu quả.
-Giải thích như GS không sai nhưng không đúng với ý nghĩa cụ thể câu thành ngữ. Hãy lưu ý việc “ăn cháo gãy răng”: khi đã bị quả báo thì sẽ gặp tai hoạ khôn lường, phải chịu trừng phạt ngay cả trong những tình huống tưởng vô hại nhất. Ăn cháo mà cũng bị gãy răng cơ mà ! Ấy chính là sự đáng sợ của quả báo.
Không xanh cũng tựa màu chàm Màu xanh có nhiều sắc thái khác nhau, nhưng mỗi sắc thái đều là màu xanh. Thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi.
-Chẳng có cơ sở nào để nói câu thành ngữ trên “thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi”. Có lẽ GS nhầm lẫn với câu “Mặt xanh như chàm đổ” rồi liên tưởng tới Nguyễn Du miêu tả Thúc Sinh: Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run ?
 Câu “Không xanh cũng tựa màu chàm” là cách nói phủ định để khẳng định. Nếu không công nhận là xanh, chỉ là màu chàm cũng không sao, bởi màu chàm cũng là màu xanh mà thôi. Giống như câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ai đó bảo rằng tôi không thơm, nhưng tôi là hoa nhài, mà đã hoa nhài là thơm rồi. Ai đó bảo rằng tôi không thanh lịch, nhưng tôi là người Tràng An, mà người Tràng An đồng nghĩa với sự thanh lịch đấy thôi !
  Nghĩa bóng: Khẳng định bản chất tốt đẹp thì dù thay đổi tên gọi nó vẫn tốt đẹp; Không thể bác bỏ được thực tế khách quan.
Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngà lại phải chiếu ngà mâm son Tả cái cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước.
-Trước tiên,về mặt văn bản: không phải chiếu ngà mà là đũa ngàVì vế trên đã có “chiếu hoa”. Mà thực tế cũng không có chiếu nào gọi là “chiếu ngà”. Mặt khác, không phải “bát ngà mà là bát ngọc. Bát ngọc đi với đũa ngà mới đúng: Màn hoa lại phảichiếu hoa, Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son. Từ “trải” trong cụm từ “lại trải chiếu hoa” phải thay bằng “phải”. Mấy từ “lại phải” rồi “lại phải” chính là nói lên yêu cầu tương xứng giữa cái nọ với cái kia. Chắc Giáo sư không lạ gì những câu: “Tiếc thay hạt gạo tám xoan, Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà” hoặc “Trai tơ mà lấy nạ dòng, Như nước cáy thối chấm lòng lợn thiu” rồi câu “Đũa mốc lại chòi mâm son”. Ấy là nói về những sự kết hợp không cân xứng, hài hoà.
Nghĩa bóng: cái đẹp tổng thể là phải tương xứng, hài hoà, đồng bộ. Nói như Giáo sư:“tả cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước” là hời hợt quá.
Lành làm gáo, vỡ làm môi (sọ dừa có thể dùng làm gáo hoặc làm muôi) Nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng.
Câu tiếp theo “Lành làm thúng thủng làm mê” được GS giải thích “Như câu trên”.
-Thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng: Không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ.
Lúc thì chẳng có một ai, lúc thì ông xã ông cai đầy nhà Có nghĩa: Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà khi nhiều bạn bè, khi chẳng có ai.
-GS giải thích như vậy là nông cạn. Có một số dị bản gần nghĩa với câu này:“Lúc chẳng có mà coi, lúc có cả voi lẫn ngựa” hoặc “Lúc trổ nghẹn, lúc đẹn nước”. Dân gian nói cung và cầu không gặp nhau, lúc cần thì không có, lúc có lại rõ nhiều.
Nghĩa bóng: chuyện đời trớ trêu, không diễn ra như sự mong muốn, sắp xếp của con người.
 Mất cha còn chú Ý nói: Cha chết có chú nuôi nấng che chở.
-Giải thích chưa hết nghĩa, mới chỉ dừng ở nghĩa đen.
Đầy đủ hai vế là “Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì”: Chú (em bố) và dì (em mẹ) là những người ruột thịt, gần gũi nhất, được xem như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Đây là câu dân gian có ý đề cao vai trò, tình cảm chú-cháu, dì-cháu coi chú (em bố) và dì (em mẹ) cũng thân thiết, quan trọng như cha mẹ mình. Do đó, ngay cả khi còn cha mẹ, để nhắc nhở, đề cao vai trò, tình cảm chú, dì với cháu người ta vẫn có thể nói câu này.
Mỡ để miệng mèo Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đương mong muốn.
Chưa đúng điều cần nói của thành ngữ. Nghĩa bóng: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột.
Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêuCa tụng những người ăn nói thanh nhã, lịch sự.
-Câu tục ngữ này muốn ca ngợi bản chất của cái đẹp, sự toàn diện, hoàn hảocủa cái đẹp; đã tốt đẹp thì tốt đẹp mọi điều, không bó hẹp ở việc “ca tụng người ăn nói thanh nhã, lịch sự”.
Lỗi thày mặc sách, cứ mạch mà cưa Ý nói: việc người trên đã có người trên lo, riêng phần mình cứ thẳng mà làm.
-Chưa chính xác. Nghĩa bóng là: Phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, thấy việc sai nhưng vẫn cứ làm, cho rằng tội vạ đã có người khác chịu.
Chết không nhắm mắt được. Nói lên sự đau khổ chua xót của cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái.
-Ai chết không nhắm mắt được ? Thành ngữ không chỉ nói “cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái” mà có thể những ai đó khi chết còn bị dằn vặt, hối hận bởi sai lầm hay tội lỗi do mình gây ra. Nó cũng là lời nguyền rủa, chửi bới kẻ mà mình căm ghét.
Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích Nói những kẻ gây rối trong xã hội.
-Không đúng ! Tục ngữ ý nói: những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện; Cần phải có chứng cớ cụ thể, rõ ràng mới quy tội cho người ta được. Cho nên người thi hành luật pháp coi trọng tang chứng hơn lời khai báo (Trọng chứng bất trọng cung).
Bà dì xù xì xó bếp Chê những người dì không có tài năng gì.
-Giải thích như vậy là lạc đề. Thành ngữ chê người dì xấu tính hoặc không đủtư cách làm người dì. Không phải chê “tài năng” như GS nói. Câu này đồng nghĩa câu “Bác xác bác xơ”.
Buôn có bạn bán có phường Lời nói của những kẻ buôn bán tỏ ý không muốn lẻ loi.
-Đây không phải là “tỏ ý không muốn lẻ loi” mà là một đúc kết, một kinh nghiệm thực tế: làm ăn, buôn bán, phải có phường hội, có hợp tác giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau mọi việc buốn bán sẽ thuận lợi hơn là “đơn thương, độc mã”. Ví như "Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà".
Cha mẹ sinh con trời sinh tính Thường nói đến những người con hư của cha mẹ tốt. Thực ra, con hư một phần lớn cũng vì cha mẹ hoặc quá chiều, hoặc không chú ý đến việc giáo dục.
-Đây là một quan niệm: Bản tính có sẵn trong mỗi người sinh ra, không phụ thuộc ý muốn cha mẹ. (Giang sơn dị cải, bản tính nan di-Núi sông dễ dời đổi, bản tính con người khó thay đổi) Ví như cùng bố mẹ sinh ra, cùng lớn lên trong điều kiện học hành và giáo dục như nhau, nhưng bản tính mỗi đứa con mỗi khác: đứa ít nói, đứa nói nhiều, đứa ngoan, đứa hư. Không hẳn chỉ nói đến chuyện “con hư của cha mẹ tốt”GS cũng không nên bàn luận là hư do đâu, cần làm gì để không hư, việc này không thuộc nhiệm vụ của từ điển.
Chọc cứt ra mà ngửi Ý nói: Bới việc xấu ra.
-Lời giải thích chung chung và quá đơn giản. Ý câu này chê trách, phê phán ai đó hay bới móc chuyện xấu, việc xấu của người ta thì trước hết tự mình dễ bị mang tiếng là bụng dạ xấu xa, hẹp hòi chuốc lấy phiền hà cho chính bản thân.
Chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào Ý nói chỉ sợ chồng ghét thì khó sống với nhau, chứ mẹ chồng mà ghét thì không ngại.
-Vì sao chồng ghét thì khó sống, trong khi mẹ chồng ghét thì lại không đáng ngại ? GS chỉ mới dừng ở mức diễn xuôi câu tục ngữ, nên không thoả mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc.
Ý dân gian là: khi chồng giận dữ (ghét) thì nên tránh đi (ra). (Có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê” hoặc “Chồng đánh tại miệng”).Còn mụ gia (mẹ chồng) có mắng (ghét) thì cũng không nên tỏ thái độ, giận dỗi bỏ đi mà nên biết chịu đựng, làm lành (vào). Đó là lời răn dạy cách ứng xử, ăn ở của người vợ đối với chồng và mẹ chồng. Dị bản: “Chồng giận thì ra, mụ gia giận thì vào”.
Hàm chó, vó ngựa Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ.
Câu này không chỉ dừng lại ở chuyện trêu chọc con chó, con ngựa lạ. Đó mới chỉ là nghĩa đen thôi. Nghĩa bóng khái quát của thành ngữ phải được hiểu: nên đề phòng, tránh xa những nơi hay xảy ra nguy hiểm khó lường.
Hết quan thì hoàn dân Ngày xưa có nhiều quan lại vì lý do gì đó không làm quan nữa thì trở về làm dân thường.
-Nếu chỉ dừng ở mức như GS diễn xuôi như vậy, chắc hẳn câu nói này không đáng gọi là tục ngữ. Đây là lời nhắc nhở: Cuộc đời làm quan có hạn, rồi sẽ đến lúc phải “hưu quan”, khi ấy lại trở thành người dân bình thường, nên hãy liệu cách ứng xử. Câu này gần nghĩa: “Quan nhất thời, dân vạn đại”.
  Ý nói: Không thể nắm mãi trong tay địa vị, chức tước; Hết địa vị chức tước sẽ trở lại như dân thường.
Không ai duỗi tay lâu ngày đến sáng ý nói: Không người nào lại muốn tự bêu xấu mình.
-Duỗi tay thì có gì là “bêu xấu”. Thật ngạc nhiên khi GS liên tưởng đến việc “tự bêu xấu mình” bằng hình ảnh “duỗi tay lâu” trong câu thành ngữ này !
Nghĩa đen: Trong một ngày hoặc một đêm con người ta tham gia vào nhiều hoạt động, dẫu có muốn cố tình nắm tay, hoặc duỗi tay thì cũng sẽ có lúc sơ sảy, quên đi mà phải co, duỗi tay ra. Câu “Không ai nắm tay từ sáng đến tối” hoặc“Không ai duỗi tay thâu ngày  đến sáng”(thâu ngày tức hết ngày, không phải lâungày như GS viết) Nghĩa bóng: Trong cuộc đời, sẽ có lúc nào đó, do khách quan hoặc chủ quan người ta sẽ không giữ được điều tốt đẹp mà mình đang có; không ai có thể chắc rằng mình giữ được sự giàu có, sung túc, sự tốt đẹp mãi. Gần nghĩa với câu : “Sông có khúc, người có lúc”, “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.
Môi hở răng lạnh Ý nói nếu mình không tốt với người thân của mình thì bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng xấu.
Câu “Môi hở răng lạnh” (thành ngữ Hán-Việt là “Thần vong, xỉ hàn”) đầy đủ là “Môi hở răng lạnh, máu cháy ruột mềm”. Nếu chỉ nói đại khái như GS thì sẽ không thấy được cái ẩn ý sâu xa của dân gian khi nói đến mối quan hệ anh em, máu mủ, ruột rà, lời khuyên đoàn kết, gắn bó, thương yêu lẫn nhau. Và cái hệ quả mà GS nêu “nếu mình không tốt với người thân của mình thì bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng xấu” đã làm sai lệch ý nghĩa câu “Môi hở răng lạnh”. Tục ngữ không nhằm nói chuyện tốt hay không tốt với người thân mà ý nói anh em ruột rà, hễ ai bị hoạn nạn, đau khổ mình đều bị tổn thương. Tương tự câu “Tay đứt ruột xót”.
Chó treo mèo đậy Ý nói Thức ăn phải đậy điệm, kẻo chó mèo sục vào.
-Đó chỉ là phần ngọn, cách dùng. Nghĩa đen là: Con chó to khoẻ, đánh mùi rất tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao. Ngược lại, mèo nhỏ yếu, đánh hơi kém chỉ cần đậy lại là chắc chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới.
 Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng (mối đe doạ) mà có biện pháp đề phòng hữu hiệu bằng cách khai thác triệt để điểm yếu, hạn chế điểm mạnh của đối tượng. Đây là nghệ thuật phòng gian.
Đò nào, sào ấy: Ý nói: Trong việc gì người ta đã quen dùng dụng cụ nào thì dụng cụ ấy là hợp nhất với người ta.
-Ở đây không nói “quen dùng” mà nhấn mạnh sự phù hợp của dụng cụ trong công việc (không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan “quen dùng” mà là thực tế khách quan, cần phải lựa chọn cho phù hợp). Chẳng hạn, con đò ngắn, đò nhỏ thì phải dùng sào ngắn, con đò to, dài thì phải dùng sào có kích thước tương ứng. Câu này tương tự câu “Trò nào trống nấy” hay câu ca dao: “Sào non chẳng cắm bến lầy…”. “Sào non” là cây sào vừa ngắn, vừa yếu, làm sao cắm nổi “bến lầy” ?
Nghĩa bóng: Tuỳ tính chất công việc mà lựa chọn dụng cụ cho phù hợp mới thành công.
Khôn chết, dại chết, biết thì sống Có ý đề cao sự hiểu biết, nó giúp người ta gỡ được những mối khó khăn. Nhưng người khôn chính là người có nhiều hiểu biết.
-Câu thành ngữ này khuyên người ta nên dung hoà trong cách sống, cách ứng xử: nếukhôn quá (khôn lỏi, chỉ biết thu vén cho mình) dễ bị loại trừ khỏi cộng đồng; ngược lại dạiquá cũng sẽ bị chèn ép, bắt nạt, và biết ở đây không phải là “sự hiểu biết” nói chung như GS lý giải mà chính là sự khôn khéo, biết điều, biết người biết ta. Do không hiểu các khái niệm “khôn”, “dại” và “biết” trong văn cảnh này nên GS “phản bác” lại dân gian“nhưng người khôn chính là người có nhiều hiểu biết”.
Khôn nên quan, gan nên giàu Nói lên một sự thật trong xã hội cũ là kẻ nào khôn ngoan chạy chọt thì được làm quan, còn kẻ nào kiên trì ki cóp thì trở nên giàu.
-“Khôn” ở đây nghĩa là thông minh, tài giỏi, không phải “khôn ngoan chạy chọt”; và“gan” tức dám nghĩ, dám làm, hoàn toàn khác “kiên trì, ky cóp” như GS giải thích. Nếu đây là “sự thật trong xã hội cũ” thì GS giải thích như thế nào khi dân gian nói “Có chí làm quan, có gan làm giàu” ? Liệu “chí” ở đây là chí hướng phấn đấu, học hành, rèn luyện để đạt được địa vị, danh vọng như mong muốn, hay “chí” cũng có nghĩa là “chạy chọt” ?
Nghĩa bóng: Thông minh, học giỏi, có chí khí sẽ giúp người ta đạt được chức tước địa vị, còn nếu muốn làm giàu thì phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, không sợ lỗ.
Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú Ý nói: Trong quan hệ họ hàng, người trên có đúng đắn, người dưới mới kính phục.
GS cho rằng câu thành ngữ nói đến mối “quan hệ họ hàng”, trên dưới, thứ bậc là không đúng. Bởi vì “người ta” (người đánh chú) ở đây ám chỉ một người dưng, không phải trong họ hàng hoặc gia đình. Nghĩa đen câu này được hiểu: Nếu người dưng đánh chú, tôi sẽ đứng ra bảo vệ chú, bởi chú là người ruột thịt, thân thiết với tôi. Tuy nhiên, nếu chú đụng đến cha tôi, người tôi đứng ra bảo vệ không phải là chú nữa mà là cha tôi (người thân thiết với tôi hơn so với chú). “Chẳng tha người”, với “chẳng tha chú” nghĩa là đều bị đối xử như nhau, đều không thể tha thứ được, mặc dù thân sơ có khác nhau.
Nghĩa bóng: người ta có quyền và trước tiên phải bảo vệ người thân thiết nhất của mình, hoặc bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình, bất kể kẻ xâm phạm là ai.
Ăn cây nào, rào cây ấy: Nói người có tình nghĩa luôn tỏ lòng biết ơn  người làm ơn cho mình.
Nên khái quát hơn nghĩa bóng: Tâm lý của người ta thường quan tâm, chăm sóc, vun vén đối với những người, hoặc những việc sẽ đem lại lợi ích cho mình.
Mỡ để miệng mèo Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đương mong muốn.
  Chưa đúng điều cần nói của thành ngữ.
Nghĩa bóng: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột.
Cạn ao bèo đến đất ý nói hết lượt người khác rồi đến lượt mình ?
Có lẽ GS cũng không chắc cách giải thích của mình có đúng hay không nên đã đặt dấu chấm hỏi (?) cuối câu. Và quả tình nó không ổn thật ! Bởi theo nghĩa đen, sở dĩ bèo nổi được, sống được là nhờ có nước. Hết nước thì bèo chạm đến đất và có thể chết vì khô héo. Vậy nghĩa bóng câu thành ngữ ý nói đã hết thời, hết chỗ dựa dẫm thì lộ bản chất thấp kém của mình, không phải hết lượt người khác rồi đến lượt mình. Chẳng nhẽ bèo đợi hết nước để đến lượt mình được chạm đất rồi chết chăng ?
Cậy thần phải nể cây đa (cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần)
Không hẳn cây đa “ở bên cạnh miếu thờ thần” mà có thể là thần trú ngụ trong chính cây đa. Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo”. Người ta quan niệm, ma, thần là những linh hồn phiêu diêu, vô định nên thường nương tựa vào cây cổ thụ, lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa, thay thể xác. Vì thần nằm ở trong chính cây đa nên cây đa cũng trở thành thiêng, được mọi người nể (kính nể, tôn trọng). Trong thực tế, dân gian thường kiêng chặt phá cây đa, cho dù có miếu thờ bên cạnh hay sự tích nào liên quan đến cây đa đó không. Dị bản: “Vì thần phải lạy cây đa”.
Giải thích sơ sài, nông cạn, thiếu chính xác là đặc điểm thường thấy trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài “Giáo sư Nguyễn Lân hiểu gì về nông nghiệp nông thôn” trên Blog: tuancongthuphong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét