Hoàng Tuấn Phổ
Bài “Bỏ cày cầm bút, “treo bút”, cầm dao...” với tên cũ“Tại sao tôi làm văn hóa quần chúng” do tập san Văn hóa cơ sở Thanh Hóa đặt tôi viết cho số kỷ niệm thành lập ngành. Tôi viết xong, không tin chắc được dùng, nhưng đã viết rồi thì cứ gửi để đúng lời hứa với người đặt bài. Quả nhiên, ông Huy Sơn giám đốc cơ quan Văn hóa cơ sở nói: “Không phải không dám đăng, chỉ vì nội dung bài không hợp với số tập san kỷ niệm”.
Tôi không muốn bỏ phí chút kỷ niệm đáng nhớ đã mất công ghi
lại trong lúc đang bận rộn, nên nhờ lấy bày về gửi Tuấn Công thư phòng, và Tuấn Công thư
phòng đã sửa lại đầu đề cho phù hợp. Tôi
rất vui mừng bài đăng lên được bạn đọc chiếu cố để mắt tới, một số bạn đọc quan
tâm phản hồi với thiện ý tốt. Tôi rất cảm động và xin gửi lời trân trọng cảm
ơn. Mấy anh em quen biết Tuấn Công, bằng trực tiếp hoặc điện tín chia sẻ thành
thực: Chúng tôi đã lâu cứ nghe nói nhà cậu là địa chủ phản động, nhưng vì tế
nhị không tiện, không dám hỏi, nay được đọc bài của ông bác, mới dần dần hiểu
ra…
Ý
kiến chung: đã là
năm 2014 mà câu kết bài “Bỏ cày cầm bút,
“treo bút”, cầm dao...” còn
viết như thế là dở quá ! Vâng, đúng là “dở quá” ! Nhưng đúng mà sai, sai mà đúng…
đúng đúng sai sai tùy quan điểm, cái nhìn và suy nghĩ mỗi người. Ở đời, chân lý chỉ có một, nhưng cái “chân” dễ
bị che lấp, cái “lý” không thuộc kẻ yếu mà do người nắm quyền định đoạt. Thế
mới có câu “Thiên lý vạn lý”, “sư nói sư phải vãi nói vãi hay”…, cho nên “Trời
không chịu đất thì đất phải chịu trời”, “vì chạy trời không khỏi nắng” !
Tôi
hay nghiên cứu văn hóa dân gian, nên biết một câu chuyện cổ:
Ngày
xưa, có một anh dân đen bỗng nhiên bị nhà vua bắt bỏ tù. Lúc tạ ơn vua, anh ta
lậy một lậy. Nhà vua cho là thằng mặt nhọ láo xược, truyền quan án khép vào tội
chết. Lần này anh dân đen lậy tạ ơn vua ba lậy. Vua cho rằng thằng khố rách dám
xỏ xiên, tăng hình phạt lên giết cả nhà, anh ta lại tăng số lậy tạ vua sáu lậy
! Vua cáu tiết, ra lệnh: Phải giết cả ba họ nhà hắn ! Anh dân đen liền phủ phục
lậy chín lậy ! Nhà vua vô cùng giận dữ, nhưng chợt nảy ra một ý bảo quan án cứ
thử thả bổng cho hắn, xem hắn tạ ơn trẫm bao nhiêu lậy cho đủ. Anh dân đen được
tuyên bố tha bổng. Trái với dự đoán của vua và triều thần: Sau khi được cởi bỏ
gông cùm, anh ta không vái lậy lia lịa mà phủi đít đứng dậy, quay lưng đi thẳng
! Nhà vua sai bắt cổ lại hỏi lý do tại sao lúc thì lậy một lậy, lúc lậy những
chín lậy, cuối cùng lại không chịu tạ ơn vua lậy nào ? Anh dân đen thưa: “Tôi
bỗng dưng bị bắt bỏ tù, tự nghĩ chỉ đáng tạ ơn một lậy. Khi vua nâng hình phạt
lên tử hình, tôi nghĩ may vua không giết cả nhà nên tạ ơn ba lậy. Vua lại tăng
hình phạt lên giết cả nhà, tôi phải tạ ơn thêm sáu lậy, vì vua thương không
giết cả họ. Đến khi vua ra lệnh giết cả họ, tôi phải tạ ơn chín lậy vì vua có
lòng nhân không giết cả làng ! Họ tôi bất quá chỉ một vài chục người, còn cả
làng mới đông, có lẽ đến nghìn người ! Còn bây giờ tôi lại được tha, tha là
phải, vì tôi nào có tội tình gì, cớ sao tôi phải tạ ơn vua ? Bất ngờ nhà vua
đùng đùng nổi giận quát lớn: Thằng dân đen dám lý sự cả với Hoàng đế ! Truyền
đem chém tức khắc kẻ khi quân này để làm gương cho muôn đời !
Năm
1954, gia đình tôi (bố mẹ và tôi) đói lắm ! Đồng ruộng không cày cấy gì được,
đất nẻ toác thấy âm ti, vì máy bay thực dân Pháp ném bom phá hỏng đập nước nông
giang Bái Thượng từ năm 1951.(1)
Người ta tố rằng bọn phản động đã đề nghị Thực dân Pháp phá đập nước để nhân
dân Thanh Hóa chết đói ! Bố tôi bị tố cáo đã tham gia tổ chức phản động, và đó
là một trong những tội ác ! Tôi sinh năm 1935, lúc ấy mới 16, 17 tuổi, nhưng
không tránh khỏi liên quan, cũng bị tình nghi phản động. Tôi nghĩ đơn giản:
Thực dân Pháp chủ trương xây đập Bái Thượng lấy nước tưới đồn điền, đồng ruộng nhằm bóc
lột kinh tế, tất nhiên họ phải biết phá đập cắt nguồn nước tưới để không có
lương thực tiếp tế chiến trường, khỏi cần mấy anh nhà quê đề nghị. Nghĩ mà
không dám nói, vì chỉ cần nói ra thì đích thị là phản động rồi !
Xóm
tôi có 25 gia đình, mấy gia đình còn bát ăn cũng được cấp gạo cứu tế, riêng gia
đình tôi đợt cứu tế nào cũng bị gạt ra ngoài danh sách ! Rau cỏ không còn để
hái, củ chuối không có để ăn. Mẹ tôi vay được mấy ống cám lợn cả nhà mừng. Cám
nấu cháu, đặc sền sệt như cám lợn, tôi chỉ nuốt được mấy miếng thì nghẹn tắc
cổ, vì trong cám có quá nhiều trấu cành, lại để lâu bốc mùi chua và gây, bụng đói
mà miệng ăn không nổi ! Mẹ tôi chắp thừng kè mang chợ bán, nhưng không ai mua
làm gì, họ có cần thắt cổ đâu ? Bố tôi là người có chữ, biết nghề thuốc, cũng
chẳng ai dám hỏi đến, không ai muốn “quan hệ” với phản động ! Còn tôi, tạng
người gầy yếu, thấp bé từ nhỏ, tay chân học trò, làm nghề ngỗng gì để sống? Tôi
mang chiếc đòn gánh, đôi giắng nứa ra chợ gánh thuê, cả buổi chả có ai gọi, vì
chợ búa lèo tèo, người ta toàn bưng và đội cả !
Mẹ
tôi vay được ít đồng bạc của dì tôi trên Nông Cống. Tôi thử theo mấy ông hàng
xóm đi Nga Sơn mua cói lác về để bán hoặc dệt chiếu. Làng tôi có nghề phụ dệt chiếu. Mẹ tôi đôi tay hơi chậm,
đưa cây lụi bóng ngóng làm bố tôi ngồi dệt bị đau lưng, sốt ruột, cáu tiết giật
go mạnh, đứt cả đay ! Hai ông bà nối sợi đay mãi không xong, thế là bỏ việc !
Thôi không dệt được chiếu thì đem cói đi chợ bán. Chả lẽ cả nhà ôm nhau chịu
chết đói ! Thương con, giận chồng, mẹ tôi chửi: “Ông ăn đất vô mồm hay răng mà xui thằng Tây hắn phá Bàn Thạch ? Bây
chừ cả nhà ông sắp chết đói, hỏi có ai thương ông, hay chỉ có thằng Tây thương
ông ?” Bố tôi nói: “Tôi không đời nào
dại dột như thế. Mà Tây hắn có biết tôi là thằng mô ? Nó ở Việt Nam
những 80 năm, có điều gì mà nó không biết ?” Mẹ tôi vặn lại : “Cái án 5 năm tù còn sờ sờ ra đó, ông không
làm, răng lại chịu nhận ?” Bố tôi cáu tiết: “Nhận cái mả cha đứa vu oan giá họa ! Không nhận mà được à !” Mẹ
tôi thở dài: “Rõ đường quang không đi, đi
đường rậm !”.
Đường
từ làng quê tôi (Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa) ra đến Hói Đào, Nga Sơn
(giáp Ninh Bình) có lẽ đến hơn 60 cây số. Tôi và mấy anh trong xóm xuất phát từ
5 giờ chiều nay, đi suốt đêm tới 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè “Sớm mai dời gót huyện Nga - Hậu, Hoằng rồi
đến Quảng ta xế chiều”.(2) Cói nhiều vô kể. Nhà nào cói cũng
chất đầy ngập tận nóc. Chúng tôi tha hồ chọn với giá vừa ý. Đóng gánh xong,
chúng tôi mượn nồi nấu cơm, ăn với mắm, dưa xin chủ nhà. Đêm nghỉ trọ lại dọc
đường vì mệt quá, chiều hôm sau về đến chợ Cung (Quảng Xương) chờ bán phiên chợ
mai hoặc vào chợ Hội. Cói Nga Sơn gốc trắng, sợ dài nên cũng dễ tiêu thụ. Tôi
chỉ gánh được 5 (gù) cói, tương đương 50kg. Bố tôi đi rước, gánh không nổi vì
không quen. Mỗi chuyến, tiền lãi một hai đồng đủ cho cả nhà rau cháo mấy hôm.
Chừng mấy tháng sau, thím tôi bán con bò được 45 đồng, tôi hỏi vay 38 đồng, mua
một chiếc xe đạp cũ thồ thay cho đôi vai. Cuối năm 1954, tôi trả tiền xe đạp,
chục đồng vốn còn nguyên vẹn.
Mẹ
tôi thương tôi sức yếu, người gầy, khó kham nổi cái nghề “ăn no vác nặng” !
Đúng là “ăn no vác nặng !”
Trong
kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Xương ra đến Hói Đào, Nga Sơn 60 cây số, đường
đất nhiều khúc quanh co, ngoắt ngoéo, dốc cong cánh cung, lở lói chỉ vừa bước
chân người, trâu bò đi phải lội ruộng, không thiếu ổ voi, ổ gà, những nổ lội
đắp sơ sài. Tôi chỉ dám thồ mỗi chuyến xe 10 gù (hơn tạ). Thồ cói khó nhất. Bấy
giờ dây cao su hiếm, phải buộc dây thừng, đường gồ ghề, khấp khểnh, xe xóc,
luôn luôn dừng lại để sửa dây buộc bị hỏng. Đã thế, cói lại rất trơn, sau mấy
lần bị xóc, cói tõe chân gốc, gãy ngọn chọc vào nan hoa, quệt vào bánh xe, cơ
khổ ! Cói chất lên xe, không thấy rõ lối đi, nếu tay cọc thồ nắm không vững,
tay ngai lái không khéo, qua cống nổ và khúc đường quá nhỏ, dễ bị lăn xuống
ruộng thì cái khổ còn không tả xiết !
Tôi
cũng thấy sức mình không trụ nổi nghề thồ cói Nga Sơn. Mà cái đói còn lâu dài,
nhà mình dễ chết đói lắm ! Lại nghe tin Thanh Hóa chuẩn bị Cải cách. Nhà mình
đã trải qua cuộc Đấu tranh chính trị kinh thiên động địa, nay đến Cải cách
ruộng đất nghe nói cũng long trời lở đất, liệu có qua nổi ? Tôi hỏi bố: Nhà ta ngày xưa ở ngoài Bắc, bố còn nhớ
quê quán cụ thể không? Bố tôi nói: Gia
phả các cục để lại đã bị đốt hồi Đấu tranh chính trị cùng tất cả giấy tờ, sách
vở, chỉ nhớ cụ Tổ ta vào Thanh Hóa cuối đời Tây Sơn, nguyên ở thôn Nhân Lý,
huyện Yên Mỹ, phủ Mỹ Hào, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng đã lâu lắm, anh em họ hàng không
tin tức gì với nhau.
Tôi
nghĩ: Phải tìm đường về quê, may ra còn được sống ! Tháng Chạp âm (đã sang đầu
1955) tôi đem chiếc xe đạp gửi nhà dì ruột ở thôn Phương Khê, huyện Nông Cống
(nay thuộc huyện Triệu Sơn). Tết năm ấy - Ất Mùi 1955, là 4 cái tết Nguyên đán
gia đình tôi không có Tết, bàn thờ tổ tiên cũng hương tàn khói lạnh ! Gia đình
tôi là tộc trưởng họ Hoàng, nhưng đã từ lâu không con cháu nội ngoại nào dám đến
cúng vì sợ bị tội “liên quan phản động” ! Đúng như lời các cụ: “Trưởng bại ông
vải hư !”
Sáng
mùng ba Tết, tôi quảy đôi quang thúng ra đi, cán bộ Chư (Từ Nhen) gặp tôi, hỏi:
“Đi đâu ?” Tôi lễ phép thưa: “Tôi lên chợ Thượng Cầu Quan coi có ai thuê mướn
chi không”. Ông ấy “Ừ !”, tôi mừng đầu năm thoát chuyện lôi thôi. Hôm sau,
dượng tôi lấy xe đạp giấu trong buồng kín đưa cho tôi, cho thêm bộ quần ái mua
từ lâu không mặc. Tôi ra đi với 5 đồng bạc trong túi (vốn buôn cói 10 đồng để
lại cho bố mẹ 5 đồng ăn đói), cứ đường Quốc lộ số 1 bắt đầu cuộc phiêu lưu đầu
đời. Năm ấy tôi đã 20 tuổi Dương, không còn nhút nhát như lúc thiếu thời. Tôi
đi qua Hà Nội, lên thị xã Bắc Ninh, xuống Mỹ Hào, lạc sang thị trấn Kẻ Sặt, Hải
Dương, rồi cuối cùng tìm được huyện Yên Mỹ và làng quê Nhân Lý chỉ cách phố
huyện chừng 1 cây số.
Người
làng đưa tôi đến nhà ông bác họ Hoàng Xuân Tống, nhà giàu có nhất xã, hơn 80
mẫu ruộng, căn gác hai, từng bị Tây chiếm đóng đồn bốt kiểm soát phía tây huyện
lỵ Yên Mỹ. Thời chống Pháp, bác Tống đi theo kháng chiến có vào ở Thanh Hóa,
còn gia đình bác lên Hà Nội. Hôm sau, họ Hoàng bố trí tôi ở tại nhà thờ họ. Nhà
thờ 5 gian nhà gỗ, cao ráo, rộng rãi, kiến trúc đơn giản, có một bà mẹ ông trưởng
họ ở trông nom. Tôi ăn uống chung với cụ bà. Mười hôm sau, bác Biển thôn trưởng
người trong họ giới thiệu với Ủy ban xã Thanh Long cho tôi dạy lớp ba trường
dân lập, xã mới thành lập còn thiếu giáo viên. Vì là trường dân lập, dân nuôi
(vùng mới giải phóng chưa có quyết định thành lập trường cấp I Quốc lập). Mỗi
tháng tôi được cấp 24 “ca” gạo tương đương 24kg gạo. Thôn bố trí cho tôi dạy
thêm buổi tối, lớp đặt tại nhà thờ, ai muốn học thì học từ vỡ lòng đến lớp bốn,
học viên có gạo thì góp, không có gạo cũng vui. Tôi gửi thư về nhà dì dượng
nhắn bố mẹ về Hưng Yên quê xưa để lánh nạn một thời gian, chờ “yên hàn” sẽ tính
liệu sau. Năm đồng bạc tôi để lại đã hết vèo từ lâu, ông bà phải ăn xin dọc
đường từ thị xã Thanh Hóa ra Hà Nội, xuống Hưng Yên gần 200km. Ông bà cũng được
bố trí ở nhà thờ họ. Bố mẹ tôi kể: Chú Thuyết tôi trong quê yếu lắm rồi, có lẽ cũng
chết vì ốm nặng, không có tiền mua thuốc, tiền bán bò tiêu hết từ lâu, không
được cứu tế gạo nên đến miếng cháo cũng không, mà củ chuối với cám không ăn
được ! Trong nhà còn nửa chum thóc. Thím tôi bảo phải để dành, lỡ chết còn có
bát gạo nấu cơm nhờ người ta đào huyệt ! (Chú tôi cùng can vụ án với bố tôi,
nhưng tội nặng hơn, bị xử 8 năm tù. Người ta cho rằng chú Thuyết (người rất
quan tâm chuyện học hành của tôi hồi nhỏ) vì học nhiều tiếng Tây, biết chữ Tây
nên thảo giấy tờ đề nghị Tây phá đập nước Bái Thượng – Vụ án này nằm trong vụ
án lớn “Liên tôn chống (hay diệt?) Cộng” do Tuệ Quang – Tuệ Chiếu cầm đầu. Chú
tôi bị giam ở vùng thượng du nước độc Nghệ An nên mắc bệnh sốt rét ngã nước,
khi được thả về thì đã thân tàn ma dại…)
Đầu
năm 1956, Đội cải về xã Thanh Long, trụ sở đóng tại nhà bác Tống, thôn Nhân Lý.
Trong dân một số người dư luận: Nhà ông Phổ trong Thanh chắc phải giàu có lắm,
nếu không, con cái không thể được học hành ? Họ nói thế là dựa vào tình hình
thực tế địa phương mình. Bố tôi linh cảm thấy mình khó yên ổn, bảo mẹ tôi: “Chạy
trời không khỏi nắng, ta nên trở về Thanh Hóa, có chết cũng còn có ông bà, tổ
tiên !”. Bắt đầu CCRĐ, đường sá canh gác nghiêm ngặt đề phòng địa chủ chạy
trốn, phải có giấy tờ tùy thân, nếu không sẽ bị bắt. Bác Biển chơi thân với ông
Cự chủ tịch xã cấp cho cái giấy chứng nhận ông bà về thăm quê cũ, nay trở về
nơi trú quán.
Hai
ông bà nhờ có lương thực và mươi đồng bạc mang theo, dọc đường đi khỏi bị đói
khát, nhưng cũng phải mất một tuần mới về đến nhà.
Nhà
cũ do ông bà nội tôi để lại: nhà trên 3 gian một chái, cột kèo gỗ hàng tạp, lợp
kè, vách sau dừng phên nứa, cửa trước bằng gỗ; nhà dưới (nhà ngang) 3 gian, 1
gian cổng trâu, bò, 2 gian đàn bà con gái ở; thêm cái xối nối hai nhà làm buồng
cất chứa đồ đạc thóc lúa. Cả hai nhà, đội CCRĐ đã chia cho 2 gia đình nông dân.
Ông bà xin ở nhờ cái đình Bắc, thấp nhỏ như cái điếm canh. Được một tháng thì
bị đuổi, ông bà xin chính quyền xã giúp đỡ, UBND xã trả lời: Việc nhà ở do Đội
cải cách phân chia xong rồi, xã không có quyền gì cả. Thương ông bà sống vạ vật
dưới gốc cây trôi đầu làng, anh Viên Hải con địa chủ rủ hai người cùng thành
phần, tìm kiếm ít tre nứa cũ che tạm một túp lều vịt bên bờ ao đình làng, tạm
có chỗ chui ra chui vào, che mưa, tránh nắng. Ông bà sắm mấy chục cái te làm
nghề kép tép. Gà gáy đầu ra đồng đặt te, mờ sáng thu dọn te, được dăm ba bát
tép, đem đi chợ Nguyễn bán mua gạo, mắm muối. Hôm nào bán ế vì biển lặng nhiều
cá, mang tép về phơi khô, chờ khi biển động. Tép đồng kéo te sạch hơn tép vê
nhủi, trăm con óng ả cả trăm, còn sống nhảy lao xao trong giành (một loại đồ
đựng đan bằng nứa) trông rất ngon, rất dễ bán. Gần đấy có ông từ Năm hiền lành
phúc hậu. Những hôm trời mưa gió, bố mẹ tôi không thể đi kéo te, ông thường cho
gạo và cà muối. Nhưng ông phải chờ đêm tối vắng người, vội ném đùm gạo hay gói
cà muối qua cửa vì sợ làng xóm trông thấy, quy cho là liên quan địa chủ phản
động, sẽ bị mất hết quyền lợi !
Ở
làng quê Nhân Lý, Hưng Yên, cuộc CCRĐ đang đến hồi “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Bác
Hoàng Xuân Tống nhà giàu, từng đi theo kháng chiến cũng có tên trong danh sách
nên vội bỏ trốn. Người ta đèn đuốc soi tìm, lùng sục suốt đêm vẫn không thấy. Vợ bác ở nhà thắt cổ chết. Sau nghe nói, bác có nhắn vội người quen: Tôi đi lần này không bao giờ trở lại
nữa, con cháu đừng đi tìm. Quả nhiên bác Tống biệt tăm cho tới tận bây giờ,
không biết sống chết ở đâu. Khi ấy, Đội cải cách yêu cầu tôi dời khỏi nhà thờ
họ Hoàng đến tạm trú cái bếp nhỏ ngoài cổng nhà bác Tống, trước kia là chỗ nấu
nướng của kẻ ăn người ở. Bếp lạnh ngắt, có một chiếc giường nhỏ, mấy cái nồi
đất, bát sành sứt mẻ. Không có gì để ăn. Tôi phải nhịn đói. Qua hôm sau, buổi
chiều tôi ra vườn hái nắm rau khoai lang nấu canh. Nhưng không có muối, tôi cứ
húp vào miệng tự nhiên lại nôn ra. Toàn thân run rẩy. Gần đó chỉ có nhà bác
Giáo 30 mẫu ruộng, tất nhiên là địa chủ lớn, bị niêm phong, ai nấy đi đâu không
rõ. Tôi không dám bước qua cổng gạch nơi Đội cải cách ở làm việc vì sợ phạm tội
! Người ta nói: Nhất Đội nhì trời ! Có lẽ Đội quên rằng giữ người phải cho
người ăn ? Cho dù tôi không phải là người cũng phải được ăn uống chứ ? Chỉ trộm
nghĩ trong lòng. Tôi muốn kêu lên “Trời ơi đói lắm !” nhưng không dám kêu, mà
dám kêu cũng không còn sức !
Sáng
ngày thứ ba, có một nắm cơm nhỏ và mấy quả cà muối nhét qua cửa sổ. Đến chiều
lại có một đùm gạo và một gói cà muối, ném vội qua cửa chính. Một bóng người
chạy biến. Nhưng tôi đã kịp nhận ra một học sinh lớp 4, thỉnh thoảng đến nhà
thờ hỏi tôi bài vở. Rất tiếc, tôi không thể nhớ ra tên cậu học trò ấy. Sau này
nghỉ hưu, tôi mấy lần về quê Tổ, không quên hỏi tìm nhưng không ai biết cậu ấy
là ai, hiện ở đâu.
Ngày
thứ năm, một cán bộ Đội vào nhà bếp tự giới thiệu: Anh là Đoàn Hưng Nông, cán
bộ Bộ Công an, đội phó Đội cải cách, phụ trách công tác tòa án của Đội. Anh nhờ
tôi viết lại mấy lá đơn tố cáo của khổ chủ, chữ viết quá xấu, nét bút như gà bươi,
không thể đưa vào hồ sơ. Không có gì khó, tôi chữa câu văn gọn, nội dung rõ
ràng, khiến anh hài lòng, nhờ tôi viết lại biên bản hỏi cung và cả án văn. Từ
đó, tôi được ăn cơm chung với Đội và ngủ luôn ở đó. Dăm bảy hôm, anh lại đưa
tôi cùng anh lên Đoàn ủy cải cách duyệt hồ sơ hoặc đi điều tra một số vụ án do
người Thanh Long gây ra ở nơi khác. Tôi biết khá nhiều cách làm việc của Đội xã
và Đoàn ủy cải cách nhưng xin phép tạm gác câu chuyện này ở đây.
Cuối
năm 1957, tôi nhận được thư của bố tôi bảo phải về quê Thanh để hỏi vợ, vì gia
đình tôi chỉ còn tôi nối dòng thờ cúng tổ tiên. Ở nhà Đảng đã sửa sai. Nhà tôi
trước chia cho hai gia đình nông dân ở, nhưng họ thấy như nhà có ma quỷ quấy
nhiễu nên bỏ đi từ đầu năm, sau khi phá hỏng nhiều thứ. Thế là bố mẹ tôi được
trở lại nhà cũ ! Tôi mừng thầm mình đã suy nghĩ đúng. Năm 1955, có hai người
vận động tôi vào Nam .
Từ làng sẽ có người đưa đi bộ đến phố Nối chừng 2km, lên tàu hỏa xuống Hải
Phòng, tàu thủy đón đợi sẵn chạy một mạch vào Nam. Năm ấy tôi mới 20 tuổi, xin
sang Pháp hay Mỹ học thêm chắc không khó khăn gì. Hai bố con bàn rất kỹ, nhất
trí: Mình không làm phản động, nay vào Nam thì làng nước cho là đúng sự
thật, phải ở lại để còn có cơ hội minh oan…
Vợ
tôi là con gái ông từ Năm (có 4 con đều con gái) người đã giúp đỡ bố mẹ tôi
ngày trước, nhà ở cách nhà tôi một nhà. Vợ tôi bị cả thôn, cả xã chửi là đồ ngu
dại, ai đi lấy con nhà phản động, lấy bọn phản động ! Nhưng sự việc không thay
đổi. Ngày cưới 24 tháng chạp âm, đã sang tháng 1/1958. Hôm cưới, người đưa dâu
không đến một chục, ngồi uống nước chè xanh trên cái giường cũ kỹ ọp ẹp. Đêm
tân hôn, chúng tôi có đôi chiếu mới để nằm và đắp. Không có màn. Trời rét quá,
vợ tôi sang nhà bố mẹ đẻ mượn tạm mảnh chăn vải sợi đôi của bộ đội cho thời
chống Pháp để đắp.
Qua
Tết, UBND xã gọi tôi lên hỏi bấy lâu đi đâu ? Tôi đưa trình giấy tờ. Ông Nguyễn
Hữu Vực (hiện còn sống)-Phó Chủ tịch, Trưởng công an xã giữ luôn giấy tờ, nói
để nộp lên cấp trên xem xét. Không biết quyết định cấp nào, ai ký, từ đó tôi bị
quản lý chặt, công an kiểm soát thường xuyên, chính quyền tuyên bố cải tạo lao
động không giam giữ, không cần xét xử.
Sống
trong cảnh bị đầy đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi bị tước đoạt quyền được
sống như những người bình thường. Đi đâu một bước phải báo cáo, xin phép, đêm
hôm có thể bị kiểm tra bất thường. Họp dân quân, tôi được gọi ra chỉ để điểm
danh, sau đó bị Đội đuổi về cho “anh em họp”. Đi dân công, tôi chỉ được tham
gia các công trình dân sự. Những gì liên quan đến quân sự như đi dân công hỏa
tuyến hay đắp đê Hàm Rồng, tôi đều không được phép. Đi qua khu vực trực chiến,
hay hầm hào công sự phải cúi mặt đi cho nhanh, không được nhìn ngang, nhìn ngửa.
Nhưng tôi không bi quan hay thất vọng mà tìm cách tồn tại... Cho đến năm 1967,
mười năm sau, đời tôi, bầu trời lại bật sáng…
Câu
chuyện phản động của gia đình tôi, của tôi đại khái là thế. Nhưng chỉ mới là
đại khái thôi, khác nào một ít cành cá trên ngọn, còn thân gốc xin để dịp khác.
Và có thể chuyện đến đây đã đủ để bạn đọc tạm hiểu tại sao, do đâu gia đình tôi
và tôi lại có dư luận là “phản động”.
Điều cần nhắc lại: Năm 1965 Bí thư tỉnh ủy Ngô Thuyền, Trưởng ban Tuyên giáo Lê
Hữu Khải, Trưởng ty Công an Thanh Hóa đã nhất trí: “Hoàng Tuấn Phố không có liên quan về chính trị”, sau đó quyết định
điều đi công tác thoát ly, chứng tỏ Đảng đã
minh oan cho tôi. Nhưng đường đời đâu có bằng phẳng! Địa phương tôi chưa
bao giờ công nhận điều đó.
Năm
1984, xảy vụ “Năm Tý họa thơ chuột”(3) Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh
Hóa Mai Bình đề nghị Bí thư tỉnh Ủy Hà Trọng Hòa cho công an điều tra lý lịch,
và Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Lê Trí Dậu (đã chết) được Chủ tịch xã Lê
Văn Dần nhất trí phê nhiều điều bịa đặt vô căn cứ. (Một lần điều tra, một lần
thẩm tra, có lẽ vấn đề còn lưu ở nơi nào đó cả hai bản lý lịch, để khi cần
người ta lại khui ra làm căn cứ để ….) Gần đây, nhân trò chuyện lâu với nguyên
Chủ tịch Lê Văn Dần, tôi nhắc lại việc Lê Trí Dậu phê lý lịch sai trái. Lê Văn
Dần ngồi im lặng. Ông nhớ lại sự đồng lõa của mình, nên cũng cảm thấy hổ thẹn
chăng ? (Nhất là chính ông Dần đã bị cách chức từ lâu vì bị kiện tội ăn trộm cá
nhà ông Lê Trí Bao !) Ngồi một lúc với tôi, không biết nói chuyện gì, ông đứng
dậy nói: “Rồi cuối cùng cũng chết cả !”
và ra về thẳng. Từ đó, ông cố tránh tôi...(4) Rất tiếc, ông nhận ra
vấn đề muộn quá. Nếu “Rồi cuối cùng cũng
chết cả”, sao khi sống, các ông không sống tử tế mà lại hại tôi, hại đến cả
đời con, đời cháu ! (Ví như năm 1985, Hoàng Tuấn Kiên-anh trai thứ hai của Hoàng
Tuấn Công thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đủ điểm đi du học, nhưng địa
phương không cho đi, thậm chí tước luôn
quyền đi học trong nước.
Hiện
nay, trong con mắt của không ít người, gia đình tôi (và tôi- tất nhiên) đang
còn đội lù lù cái án “ chống Đảng” trên đầu, và đeo cái biển đen ngòm “phản
động” trước ngực (một cái án chưa bao giờ được xử, một cái tội chưa bao giờ
được tuyên và dĩ nhiên cũng chưa từng được công khai tuyên bố “trắng án”). Mặc
dù năm 1967, tôi đã được Đảng quyết định sử dụng, trở lại làm người sau 10 năm
sống kiếp con vật. Tôi cảm ơn Đảng là phải.
Dẫu
biết bài đã dài làm phiền nhiều cho bạn đọc, nhưng nhân đây tôi xin nói thêm.
Năm 1967, tôi giống như con cá lấm lem ở vũng bùn lầy được vớt ném ra cái ao tù
nước đọng, dù môi trường sống có tốt hơn xưa. Thời ở “vũng bùn”, tôi bị cấm
viết. Năm 1960 - 1961, tôi ban ngày cổ cày, vai bừa, tối về chong đèn viết lách
(một trong nhiều bài như “Phê
bình cuốn khảo luận về Truyện Thúy Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh” được đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số tháng 10 năm 1960). Xã tố cáo tôi đêm đêm viết
bài gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Cán bộ Ân, Bộ công an về xã tôi tìm hiểu
cuộc Đấu tranh chính trị 1951-1952 ở Thanh Hóa có thẩm vấn tôi nhiều vấn đề. Về
việc viết lách tôi trình bày sự thật. Ông Ân gật đầu cho là một sự hiểu lầm.
Nhưng địa phương vẫn cấm và giám sát chặt. Lên huyện công tác, ông Phó Chủ Tịch
văn xã huyện Lê Bá Dậy tiếp tục cấm tôi: 1- Không được đọc sách, dành tất cả
thời gian cho công tác quần chúng cơ sở. 2- Không được viết sách báo để đăng ở
Tỉnh, Trung ương, vì ăn lương của huyện phải phục vụ cho huyện ! Ông trực tiếp
đến bưu điện huyện và gửi thư lên Ty văn hóa hỏi về tiền nhuận bút gửi cho tôi.
Ông áng chừng: Tiền nhuận bút cộng 45 đồng lương thành số tiền còn cao hơn cả
lương lãnh đạo! Đó là một trong những lý do 10 năm tôi không được tăng lương,
tính từ năm 1968 (Quyết định biên chế chính thức UBND tỉnh) đến năm 1978. Lại
nói, đầu năm 1966, tôi và anh Đỗ Đăng Lâm (xã Quảng Đức) cùng làm dân công ở
cầu Chào (bắc qua sông Lý cũ). Anh Lâm làm thợ xây móng đá. Tôi làm bò kéo xe chở
đá để xây cầu. Cuối năm 1966, tôi được điều về huyện làm công tác văn hóa đã
thấy anh Lâm làm cấp dưỡng cho UB huyện. Năm 1978, lương anh đã 60 đồng, còn
tôi 10 năm vẫn dẫm chân tại chỗ 45 đồng như khởi điểm!
Tôi
làm đơn đề nghị gửi ông Trưởng phòng tổ chức UBND huyện Quảng Xương xét tăng
lương. Hoàn toàn bị bất ngờ, anh Hoạt Trưởng phòng văn hóa bảo tôi, ý kiến kết
luận của ông Trưởng phòng tổ chức huyện: “Anh
Phổ đòi tăng lương là không tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng !” Anh
nói thêm: “Theo tôi anh nên rút đơn về,
nếu để cấp ủy biết thì lôi thôi đấy!” Tôi không hiểu tại sao lại đối xử bất
công đến như vậy ? Phải chăng Đỗ Đăng Lâm “xuất thân” tầng lớp thợ thuyền, còn
Hoàng Tuấn Phổ “xuất thân” con bò kéo xe ? Suy đi, nghĩ lại tôi nghe lời khuyên
của anh Trưởng phòng văn hóa (Bản thân anh, lương công tác văn hóa từ 1952, đến
nay cũng chỉ mới 50 đồng!” ).
Ngay
hôm ấy, tôi lên Phòng Tổ chức UB huyện xin
lỗi ông Trưởng phòng, để được rút đơn ! Cầm lại lá đơn, tôi mừng lắm, ra về
không quên thành thực cảm ơn ông
Trưởng phòng ! Tôi xin lỗi là đúng vì
Đảng giao quyền phán xét cho ông, tôi xin lỗi ông là xin lỗi Đảng. Tôi cảm ơn ông cũng không sai vì ông chưa
báo cáo sự việc lên cấp ủy.
Những
việc tương tự như vậy trong đời tôi nhiều vô kể ! Chắc là cái số mệnh tôi nó
thế, “Bắt phong trần phải phong trần...”
Hoàng Tuấn
Phổ- 7/2014
Chú
thích:
(1)
Đập
nước Bái Thượng (còn gọi Ba-ra Bàn Thạch) Pháp xây dựng từ sau chiến tranh thế
giới lần thứ nhất. Xem “Le Thanh Hoa”-Le Breton.
(2)
“Hậu,
Hoằng rồi đến Quảng ta” tức qua huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá rồi đến Quảng Xương ta.
(3)
Tuấn
Công thư phòng sẽ có bài viết riêng, nhân 30 năm vụ án văn chương “Năm Tý hoạ
thơ Chuột”.
(4)
Cụ
Hoàng Tuấn Phổ hiện sống ở quê (Chú thích trong trang của HTC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét