Hoàng Tuấn Phổ
Năm 1964, nhà văn Nguyễn Thế Phương chuyển công tác từ Hà Nội về Thanh Hóa. Anh phụ trách phần văn xuôi tập san Người bạn văn hóa do Ty văn hóa Thanh hóa ấn hành. Mùa hè năm 1965, lần đầu tiên tôi được gặp anh trong ngôi nhà cơ quan sơ tán ở huyện Đông Sơn. Anh cởi trần, đang nằm dài trên giường, tay phe phẩy quạt mo, vẻ mệt nhọc. Tôi thầm đoán anh đi công tác mới về. Vì có lần tôi nghe một người kể: Anh Phương không khỏe lắm, nhưng mỗi khi đi công tác, hễ ngồi lên xe đạp là cắm đầu cúi cổ phóng liền một mạch, cho đến lúc đến nơi phải nằm lăn ra giường thở dốc và nghỉ ngơi hàng giờ mới lại sức. Tôi định lui ra, song không kịp. Anh Phương thấy khách liền vùng dậy chào hỏi niềm nở. Khi biết tôi là ai, anh bắt chuyện ngay:
-Tôi có đọc mấy bài của
anh viết về Truyện Kiều trên tập san Nghiên cứu văn học, tôi muốn hỏi anh,
trong Truyện Kiều có câu nào là hay nhất ?
Tôi ngồi ngây người không trả lời được. Bởi tuy có
nghiên cứu Truyện Kiều, nhưng tôi chưa hề đặt vấn đề: đi tìm câu hay nhất
của Nguyễn Du. Vả chăng, còn phải tùy theo "tâm" và "trạng"
của từng người, câu ấy với ông kia có thể là "treo giải nhất", song đối
với bà này thì chỉ "thường thường bậc trung" thôi thì sao ?
Thấy tôi lúng túng thật sự, anh Phương chăm chú nhìn
"nhà nghiên cứu" phút chốc rồi tự trả lời:
-Tôi thấy trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du chỉ viết
được một câu hay nhất là:
"Khi
tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa"
Tôi nhìn lại anh, tỏ vẻ
hết sức đồng cảm.
Rồi vui chuyện, anh Phương kể: thời gian vợ chồng
anh chung sống với nhau, tâm tính hai người có chỗ không phù hợp. Tính chị
không thích thức khuya nhưng lại hay dậy sớm. Tính anh nửa đêm còn ra sân ngóng
đất trông trời một mình. Đến lúc vào ngủ đang ngon thì chị đã dậy làm công việc
của người đàn bà tần tảo: xay thóc, giã gạo, băm rau lợn...khiến anh phải tỉnh
giấc và thức luôn đến sáng. Vì thế, để có thể đi ngủ sớm, anh dùng thứ "thuốc an thần" là rượu. Tối tối,
anh làm vài chén, say ngà ngà, lên giường đánh thông một lèo. Đã quen với rượu,
những khi vui anh uống nhiều đã đành, hễ gặp chuyện buồn phiền, anh càng
"vô hồi kỳ trận", cốt "mượn tửu binh giải phá thành sầu". Uống
say vào ngủ là quên hết, ngủ tốt. Nhưng rồi men nhạt, rượu phai, chợt tỉnh giấc,
tâm trạng càng vô cùng u ám, nặng nề. Quả đúng là "Giật mình, mình lại thương mình xót xa". Ôi ! Nguyễn Du
sao mà tài tình làm vậy !
Gần hai chục năm sau, tôi có việc ra Hà Nội, thấy ở
cổng Nhà xuất bản Văn học một ông già
mặt bủng beo, râu ria lởm chởm, tóc tai bù xù. Biết tôi ở Thanh Hóa mới ra, ông
hỏi thăm tình hình cơn bão vừa qua thế nào, tôi chỉ trả lời cho qua chuyện. Lúc
ông già đi khỏi, tôi hỏi anh bạn ở Nhà xuất
bản Văn học: "Ai đó ?" thì được trả lời "Nguyễn Thế Phương
!"
Trời ! Anh Phương mà đổi
khác đến thế kia ư ? Thì ra con ma men hành hạ anh, hãm hại, tàn phá đời anh
quá sớm ! Tôi hối lỗi đã không nhận ra anh ! Nghe nói anh đang nhận viết cho
NXB Thanh Niên một tiểu thuyết trường thiên nhưng tiền tạm ứng đã uống rượu hết
mà bản thảo thì chưa...
Bây giờ Nguyễn Thế Phương,
người có công đối với một thế hệ nhà văn ở Thanh Hóa đã không còn nữa ! Song mỗi
khi nhớ tới nhà văn tài hoa, bậc đàn anh đó, thì câu Kiều anh cho là hay nhất ấy
lại vọng về trong tôi:
"Khi
tỉnh rượu, lúc tàn canh...”
HTP
Đặc san Văn nghệ 1994
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét