22 thg 4, 2014

QUÂN TỬ Ố KỲ VĂN CHI TRỨ "Văn" là gì, "trứ" là gì ?



      Một độc giả từ địa chỉ hoabay1@ymail.com hỏi: Làm ơn chỉ giùm: trong câu "quân tử ố kì văn chi trứ" có phải "văn" là nghe, "trứ" là trứ tác (trước tác) ?
                                                        Xin cảm ơn trước !
                                                            Ng. Kim Bay

HTC: Phán đoán của bạn đúng mà không đúng ! Vậy, chính xác "văn" là gì, "trứ" là gì ? Xin độc giả cùng chúng tôi dài dòng một chút.

Câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” thấy có trong giai thoại về Nguyễn Công Trứ. Đại khái: Nguyễn Công Trứ và Hà Tôn Quyền là bạn đồng liêu, cũng là bạn văn chương. Hai người đều có mặt trong Hương Bình Thi Xã, thường vẫn giao du xướng họa. Tuy nhiên, họ vừa phục văn tài của nhau, vừa ngầm đua tài với nhau. Riêng Nguyễn Công Trứ không ư­a Hà Tôn Quyền ở chỗ miệng l­ưỡi khéo léo, nịnh hót lấy lòng nhà vua. Một hôm có viên quan đại thần mở tiệc mừng con trai đậu cử nhân. Rượu thịt ngà ngà, nhân trông thấy trước sân có cây vông trổ hoa, một viên quan bảo Nguyễn Công Trứ làm bài thơ vịnh cây vông cho vui. Cũng là cách chúc chủ nhân có con trai thi đỗ, tựa như cây trồng đến lúc trổ hoa vậy. Nguyễn công vốn hay châm chọc bèn đọc ngay bài thơ Nôm:

Biền nam khởi tử chẳng vun trồng
Cao lớn làm chi những thứ vông
Tuổi tác càng già già xốp xáp
Ruột gan chẳng có, có gai chông
Ra tài lương đống không nên mặt
Dựa chốn phiên ly chút đỡ lòng
Đã biết nòi nào thời giống ấy
Khen cho rứa cũng trổ ra bông !

Nghe xong bài thơ, viên quan đại thần sầm mặt, giận lắm. Bạn đồng liêu với Nguyễn Công Trứ là Hà Tôn Quyền mới ra tay “chữa cháy”. Nói “Có câu đối này thách ngài đối lại: “Quân tử ố kỳ văn chi...quan lớn”. Nguyên câu này là trong sách xưa là “Quân tử ố kỳ văn chi trứ”, được Hà Tông Quyền chữa lại và dùng với nghĩa: người quân tử ghét cái lối văn như của quan lớn (tức Trứ).
Nguyễn Công Trứ thấy Hà Tông Quyền muốn lấy lòng bề trên mà lại giễu cợt mình thì bực lắm, lập tức chẳng chịu lép vế đối ngay rằng: “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng...quý ngài”. Đây cũng vốn là câu “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền” có sẵn trong sách xưa, nghĩa là: Bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng quyền. Nguyễn Công Trứ cũng theo cách của ông Quyền thay chữ Quyền bằng chữ “quý ngài” với dụng ý xỏ xiên: Bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến ông Quyền”.
Về câu“Quân tử ố kỳ văn chi trứ”  tác giả “Giai thoại văn học Việt Nam” (NXB Văn học-2010), Kiều Thu Hoạch cho biết: “Nguyên đây là câu liền trong sách “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” nghĩa là: Người quân tử ghét lối văn hoa mỹ, lòe loẹt”. Hà Tôn Quyền vờ kiêng tên ông Trứ, thay bằng chữ “quan lớn” với dụng ý mỉa mai: “Người quân tử ghét cái văn của anh Trứ”.
Về giai thoại này,  Tạp chí Văn hóa Nghệ An (vanhoanghean.com) đưa ra dị bản “Quân tử ố kì văn chi Cụ lớn” và giải nghĩa:Nguyên đây là một câu cổ văn trong sách Trung Dung “Quân tử ố kì văn chi trứ”, nghĩa là “Người quân tử ghét lối vănchương loè loẹt bề ngoài”.
Như vậy, cứ theo như tác giả Kiều Thu Hoạch và  Tạp chí Văn hóa Nghệ An thì chữ “văn” ở đây là “văn chương”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chữ “văn” trong câu đã được Hà Tông Quyền sửa đi và vận dụng thành “Quân tử ố kỳ văn chi...quan lớn” để châm chọc Nguyễn Công Trứ, được hiểu là “văn chương” có thể đúng (Các vị ấy có quyền làm thế, và đang lấy sự đồng âm của chữ để "chơi nhau"). Còn chữ “văn” trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” lấy ý trong sách Trung Dung lại có nghĩa là văn hoa, vẻ bề ngoài, không phải là văn chương. Xin trích nguyên văn chữ Hán: 詩 曰: "衣 錦 尚 絅" 惡 其 文 之 著 也. 故 君 子 之 道 闇 然 而 日 章. 小 人 之 道 的 然 而 日 亡). Phiên âm: “Thi viết: “Ý cẩm thượng quýnh” ố kỳ văn chi trứ dã. Cố quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương. Tiểu nhân chi đạo, đích nhiên nhi nhật vong”.  
HTC tạm dịch: Áo gấm chuộng mặc lồng (áo gấm mặc trong, bên ngoài phủ thêm một cái áo đơn). Bởi người sang trọng không thích kiểu phô bày cái gấm hoa rực rỡ, lòe loẹt vậy. Cũng giống như cái đạo người quân tử, tuy lờ mờ mà ngày càng rõ rệt. Còn đạo kẻ tiểu nhân bề ngoài rõ vậy mà ngày càng mất dần đi. (Lưu ý: chữ “y” nghĩa là cái áo, đọc là ý” nghĩa là mặc áo).
Trong sách Luận Ngữ, ông Tử Hạ cũng nói rằng: "Tiểu nhân chi quá dã, tất văn" (小   文)Nghĩa là: Kẻ tiểu nhân hay dùng lối văn sức bề ngoài mà tô điểm những tội lỗi của mình. Nghĩa của chữ "văn" trong câu này được hiểu như chữ "văn" trong "Quân tử ố kỳ văn chi trứ".

Nghĩa gốc của chữ văn nghĩa là “xăm mình”. Hình chữ cổ trong Giáp Cốt văn và Kim văn giống như một người trước ngực (hoặc sau lưng) có xăm những hoa văn. Sách Trang tử viết: Việt nhân đoạn phát văn thân (越人断髮文身), nghĩa là Người Việt cắt tóc, xăm mình. Chữ văn này khác với văn nghĩa là nghe mà bạn đọc Ng. Kim Bay hỏi. Văn nghĩa là nghe có bộ nhĩ nằm phía trong bộ môn, hình trong Giáp cốt văn giống như một người đang quỳ, lấy tay che miệng, vểnh tai nghe ngóng tiếng động. Nghĩa gốc là nghe thấy. Về sau dùng mũi ngửi cũng gọi là “văn” .
Còn chữ “trứ”. Tuy cùng có tự dạng là trứ , nhưng trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ” thì trứ 著 không phải là soạn thuật, trứ tác (trước tác) như bạn Ng. Kim Bay đoán, mà có nghĩa là nổi bật, rõ ràng (cũng là trứ trong trứ danh 著名). Cụm từ “ố kỳ văn chi trứ” nghĩa là ghét cái vẻ bề ngoài phô trương ấy.
Vậy xin trả lời bạn đọc Ng. Kim Bay: Trong câu “Quân tử ố kỳ văn chi trứ”, chữ vănnghĩa là hoa văn, vẻ bề ngoài; chữ trứ nghĩa là nổi bật, rõ ràng.
Cảm ơn bạn Ng. Kim Bay và bạn đọc đã quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công Thư Phòng.
                                                                         Hoàng Tuấn Công



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét