Sách của GS Nguyễn Lân giới thiệu tại Hội thảo |
Hoàng Tuấn Công
Một đời chính tả
Học sai nên hành sai
( Kỳ 7-phần II)
TCTP: Nhiều bạn đọc gửi thư hỏi, HTC là “Học giả, Nhà nghiên cứu, hay Nhà ngôn ngữ...” ? Xin thưa rằng KHÔNG ! HTC không phải và không hề dám nghĩ mình là một “nhà” nào trong số đó. HTC chỉ là người đọc sách nhưng không hoàn toàn tin vào sách. Nay cóp nhặt mấy điều không tin ấy chia sẻ cùng bạn đọc mà thôi.
Ngày thường, HTC phải “cùng nông dân ra đồng”, lại làm thêm lo chuyện cơm áo. Thời gian dành cho viết chỉ là tranh thủ. Bởi thế, thư trả lời hay bài đăng các kỳ có “chậm ra lò” (chữ của bạn Tam Ngo ) mong bạn đọc thông cảm.
Sau đây là kết quả của những giờ tranh thủ. Mời các bạn cùng xem !
Cuối
năm con Rắn (2013) ngay sau khi “Dĩ hư
truyền hư...” (loạt bài thứ 1) đăng được kỳ I, có độc giả gửi thư cho chúng
tôi. Đại ý hỏi: GS Nguyễn Lân trong bài
viết có phải là NGND, GS Nguyễn Lân, người
vừa được tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc
đời và sự nghiệp, được vinh danh là “sư biểu của thời đại mới” và Hà Nội có
kế hoạch sẽ đặt tên ông cho một con đường dài 2000m ở nội thành Thủ đô không ?
Chúng tôi (khi ấy) đã thưa rằng: Dạ, không phải ! GS Nguyễn Lân chúng tôi nói
đến ở đây là một người khác. Đó là Nguyễn Lân (với tư cách) là tác giả của các
cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ tục ngữ
Việt Nam”; “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”; “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và
nhiều sách công cụ khác. Vì trên các sách đều ghi tên tác giả là “GS
Nguyễn Lân” nên chúng tôi tôn trọng gọi y nguyên như thế. Với sự nghiệp
đào tạo, giảng dạy của GS, NGND Nguyễn Lân, hay chuyện Hà Nội sẽ có đường
Nguyễn Lân dài mấy mét mà bạn đọc nói đến, chúng tôi không biết rõ và cũng
không dám bàn tới. Nhưng chúng tôi luôn tin rằng, những người được đặt tên cho
đường phố, dù ở Thu đô hay tỉnh lẻ, ngoại thành hay nội thành, dù dài hay ngắn,
họ đều có công trạng cụ thể và xứng đáng với điều đó.
Đến
hôm nay (đã tới kỳ 7 của loạt bài thứ hai), mục đích duy nhất của chúng tôi vẫn
là chỉ ra những "sai lớn sai nhỏ" của GS Nguyễn Lân “rất có hại cho tiếng Việt” (chữ của Lê
Mạnh Chiến) đang còn nằm trên giấy trắng mực đen. Ví như sách “Muốn đúng chính tả” của GS lại thành “muốn
sai chính tả”chẳng hạn. Đó cũng chính là nhận xét của chúng tôi khi kết
thúc “trắc nghiệm” chính tả của GS Nguyễn Lân
thời soạn giả ở tuổi 40 tràn đầy trí lực.
NĂM
MƯƠI NĂM SAU
Năm
mươi năm sau, ở độ tuổi 90, GS Nguyễn Lân dồn hết tâm trí cho sách “Từ điển từ và ngữ
Việt Nam ".
Dân gian hay nói “Thầy già con
hát trẻ”, “Gừng càng già càng cay”. Quả thật, đối với người lao động trí óc,
kinh nghiệm và sự tích lũy kiến thức vô cùng quan trọng. Thế nhưng, dường như cái “bóng ma” quái gở ở “nhà vệ xinh” và “hầm chú
ẩn” thời chiến tranh vẫn tiếp tục “ám" vào những con chữ của soạn giả. Bởi
kiểu sai chủ yếu của Nhà biên soạn từ điển vẫn là S thành X,; TR thành CH, R thành GI, R thành D... và ngược lại. Tuy nhiên, nếu "Muốn đúng chính tả" chỉ dừng
lại ở vấn đề chính tả, thì trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam" cái sai của GS
nghiêm trọng hơn nhiều: Từ chỗ viết sai
dẫn đến giảng sai luôn nghĩa của từ:
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra: Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú-mỡ)
*Sai: GS Nguyễn Lân
đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ
do GS tự nghĩ ra) có nghĩa không chắc
và bất trắc với nghĩa không lường được trong câu thơ của Tú
Mỡ. -Việt Nam tự điển: "Trắc : Lường: trắc lượng. Nhân tâm nan trắc;
Người bất trắc không tin được”.
-Các
sách Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả đều ghi nhận “bất TRắc”. Không có sách nào ghi nhận “bất chắc” như GS Nguyễn Lân.
Người
Việt chỉ nói không chắc chứ không
dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Sai sót này xuất
phát từ lỗi phát âm không phân biệt “ch”
và “tr” dẫn đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của Nhà biên soạn từ điển.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Chung kiếp
(chung: cuối cùng; kiếp: thời vận) Cuối
đời: đến Chung kiếp vẫn còn giữ tròn
được nhân phẩm.
*Sai: Vì
không hề biết đây là "sản phẩm" của sai chính tả, TR thành CH nên GS đưa ra một kết hợp từ hoàn toàn xa lạ và nghĩa hoàn toàn
mâu thuẫn. Nếu "kiếp" = "thời vận" như cách giảng của
soạn giả thì "chung kiếp"
phải hiểu là thời vận cuối cùng, sao
lại có nghĩa là "cuối đời"
? Mặt khác, chỉ có khái niệm TRung kiếp (中劫),
không có “CHung kiếp”.“Kiếp” ở đây
không phải là "thời vận" mà
là số kiếp, đời kiếp, tiếng Phạn là kiếp ba (劫
波). Hán Việt tự điển (Thiều
Chửu): “Tính từ lúc người ta thọ được 84.
000 tuổi, trải qua một trăm năm, lại giảm đi một tuổi, giảm mãi cho đến lúc chỉ
còn thọ được có mười tuổi, rồi cứ một trăm năm tăng thêm một tuổi, tăng cho đến
84.000 tuổi, trong một thời gian tăng giảm như thế gọi là một tiểu kiếp小劫. Hai mươi lần tăng giảm như thế
gọi là trung kiếp中劫.
Trải qua bốn trung kiếp thành, trụ, hoại, không là một đại kiếp大劫 (tức là 80 tiểu kiếp)”. Theo
Phật
học từ điển (Đoàn Trung còn): "Trung kiếp: Thường thì kêu
kiếp, tức là trung kiếp (kiếp
vừa vừa). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp,
tính ra có 336.000.000 năm".
-Việt Nam tự điển, Từ điển tiếng Việt, Từ
điển chính tả (1+2) không ghi nhận “chung
kiếp”với nghĩa “cuối đời”, chỉ có
chung thân nghĩa là suốt đời, hết đời.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Chiêu mộ1 (Chiêu: sáng; mộ buổi chiều) sáng và chiều:
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng
(HXHương).
*Viết sai “TRiêu” thành “CHiêu”. Chữ “TRiêu” 朝 (bộ nguyệt vần TR) mới có nghĩa là buổi
sáng. Còn “CHiêu” 招 (bộ thủ vần CH) lại có nghĩa là vời, vẫy, tuyển mộ. Chiêu (招) mới chính là chữ có nghĩa như GS đã giảng trong mục Chiêu mộ2 (Chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm).Tuy
nhiên, việc đặt chiêu mộ1
và chiêu mộ2 là cũng sai
nốt.Vì cách trình bày này chỉ đúng khi cả triêu
và mộ đều là những cặp từ cùng tự
dạng, đồng âm nhưng dị nghĩa. Cuối cùng và tất nhiên, phải trả lại cho câu thơ
của Hồ Xuân Hương là "Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng".
-Việt Nam tự điển:
“Triêu: buổi sớm (không dùng một mình). Triêu mộ: buổi sớm-buổi tối. Tiếng
chuông triêu mộ”.
-Các
sách Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính
tả (1+2) đều ghi nhận TRiêu mộ với nghĩa là buổi sáng và chiều tối. Hồ Chí Minh có bài thơ “Triêu cảnh” (Cảnh buối
sớm). Không ai viết “chiêu mộ” như
GS Nguyễn Lân. Đây chính là kiểu sai ở “hầm chú ẩn”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Con Dạ: Con đẻ ra từ lần thứ hai trái
với con so là con đẻ lần thứ nhất.
*Sai: con Rạ
(vần R) không phải con Dạ (vần D)
-Việt Nam tự điển:
Rạ: nói về những đứa con đẻ từ lần
thứ hai trở đi: con so, con rạ.
-Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả
(1+2) đều ghi nhận con rạ.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Khịu:
Ngã xuống vì yếu hay vì đau: ôm chặt lấy
ngang lưng cho đỡ khịu.
*Sai:
Khuỵu chứ không phải “khịu”. Cái vần uỵu, khiến người ta phải đánh lưỡi, vừa vẹo môi vừa chu mồm như
huýt sáo để đọc ấy nó có tác dụng biểu ý co gấp của đôi chân hơn “khịu” nhiều. Cũng giống như khúc
khuỷu vậy. Vần uỷu thể
hiện sự hiểm trở quanh co gấp nhiều lần "khúc khỉu": "Dốc lên khúc
khuỷu dốc thăm thẳm, Heo hút cồn mây
súng ngửi trời" (Quang Dũng). Chính tả tiếng Việt nhiều khi không chỉ
phụ thuộc vào việc chúng ta quy ước với nhau viết như thế nào (dì hay gì; ti hay ty) mà còn phải viết đúng như vậy (khuỵu, chứ không phải khịu). Điều này phục thuộc vào sự gợi
nghĩa, biểu cảm của chữ nghĩa, âm đọc.
-Việt Nam tự điển:
không ghi nhận “khịu”. Chỉ có “Khuỵu: Gập khớp xương lại: Ngã khuỵu đầu gối”.
-Từ điển tiếng Việt:
Không ghi nhận "khịu". Chỉ có “Khuỵu:
Gập chân lại, không đứng thẳng nữa: khuỵu
chân lấy đà; hơi khuỵu gối xuống để chào. 2.Gập hẳn chân xuống, không đứng
thẳng lên được nữa, do bị trượt ngã hoặc do không còn sức. Ngã khuỵu”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Sơ cứng:
Không linh hoạt: Giải quyết vấn đề một cách sơ cứng.
*Sai:
Xơ cứng (vần X), không phải "Sơ cứng" (vần S).
-Việt Nam tự điển không
ghi nhận từ "sơ cứng" hoặc xơ cứng.
-Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính
tả tiếng Việt chỉ ghi nhận "xơ cứng", không
có “sơ cứng”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Sềnh sệch
trạng từ Nói kéo thứ gì sát mặt đất.
Viết
đúng là Xềnh xệch, không phải
"sềnh sệch". Mặt khác, đây là động từ, không phải “trạng từ.”
-Từ điển tiếng Việt:
“Xềnh xệch: từ gợi tả dáng điệu lôi kéo lết mạnh trên mặt đất một cách không thương
tiếc.
-Từ
điển từ láy tiếng Việt: “Xềnh xệch”. Không ghi nhận “sềnh sệch”.
-Từ điển chính tả
(1+2): Xềnh xệch.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Khum lưng uốn gối: Chê kẻ có thái độ
quỵ luỵ: Không chịu khum lưng uốn gối trước kẻ cầm quyền.
*Sai:
KhOm lưng, không phải "khUm lưng". Trường hợp này có thể
sai do chính tả, có thể sai do khả năng tiếng mẹ đẻ hạn chế, không phân biệt
được ý nghĩa của "khum"
với khom. “Khum” có thể là khum xuống (như mui thuyền) hoặc khum lại, khum lên (như đôi bàn tay khum
lại để vốc nước, vốc gạo...) Nhưng khom lại
là hành động rất “người” liên quan đến cái lưng. Và vần om ở đây cũng rất quan trọng. Bởi om trong từ “khom” gợi
tả dáng điệu mang nghĩa gốc, âm gốc cho hàng loạt cấu tạo từ, biến âm khác xoay
quanh nó như: lom khom, lọm khọm, khom
khom, lòm khòm, khòm khòm... Nếu là "khum
lưng" như GS Nguyễn Lân, chắc hẳn từ láy "lom khom" sẽ biến
thành "lum khum". Và Bà Huyện Thanh Quan hẳn phải tái thế để sửa lại
thơ cho mình: "Lom khom dưới núi
tiều vài chú" thành: "Lum khum" dưới núi tiều vài chú (!)
-Việt Nam tự điển phân biệt rõ
giữa khum và khom: "Khum: cong vồng
lên: khum như mui thuyền; Khom: cúi cong lưng xuống: khom lưng. Văn liệu: Rặng cây khuất khuất, lưng cầu khom
khom". Trong trường hợp này nếu "văn liệu": "Rặng
cây khuất khuất, lưng cầu khum khum"
chỉ là một câu nói tầm thường. Nhưng khi nhân cách hóa "lưng cầu khom khom"
lại làm toát lên cả ý thơ, tạo nên một bức tranh ký họa cảnh tình bằng ngôn từ
rất sinh động. Việt Nam tự điển không
ghi nhận “khum lưng”.
-Từ điển tiếng Việt: "Khom lưng uốn gối:
tả thái độ khúm núm, quỵ luỵ". Từ điển này không ghi nhận "khum lưng".
Từ điển chính tả (1+2) cho kết quả
tương tự.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Lâm dâm 1.
Nói
nhỏ trong miệng không ra tiếng: Khấn vái lâm dâm 2. Nói mưa nhỏ mà lâu: Mưa
lâm dâm ướt dầm hoa sói (cd) Nói đau ít và kéo dài ở trong bụng: Đau bụng lâm dâm.
*Sai: Lâm Râm (vần R), không phải “lâm Dâm” (vần D).
-Từ điển tiếng Việt
không ghi nhận lâm Dâm. Chỉ có "Lâm Râm: [mưa] nhỏ hạt và kéo dài, không thành cơn. [đau] âm ỉ
kéo dài, không thành cơn. đau bụng lâm Râm". Riêng với khấn vái, chỉ có
"khấn vái lầm rầm" không có khấn vái "lâm râm" càng không
có khấn vái "lâm dâm".
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Muỗi như CHấu:
Muỗi nhiều quá: Ở vùng đó, muỗi như CHấu.
*Sai:
TRấu (vần TR) không phải “CHấu” vần (CH). Có nghĩa, TRấu đây là vỏ ngoài của hạt thóc khi xay ra, không phải con châu CHấu ngoài đồng.
Viết
sai chính tả, nhưng có thể GS Nguyễn Lân sẽ đưa ra lý giải: muỗi nhiều giống
như đàn châu chấu. Tuy nhiên, sự xuất
hiện của châu chấu có khi nhiều, khi ít. Mà nó ở tận ngoài đồng, có tập tính
vừa bay vừa nhảy, không hút máu người, hình dáng cũng khác xa con muỗi. Bởi
thế, rất khó để so sánh châu chấu với con muỗi hoặc đồng nghĩa châu chấu với sự
gì rất nhiều. Nhưng muỗi là sinh vật biết bay, trấu không biết bay. Trấu cũng
chẳng đốt người ? Vậy tại sao muỗi lại được so sánh với trấu ? Xưa kia, nông
dân hay dùng bổi (hạt thóc lép, lẫn gié lúa, cọng rơm nát-phụ phẩm của quá
trình tuốt lúa) vãi thêm trấu lên trên và xung quanh để làm đống nhấm (dấm) tạo
khói hun muỗi. Bởi thế, khi vãi, muôn ngàn mảnh vỏ trấu bay xuống, xung quanh
đàn muỗi vẫn vo ve, hung hăng, thậm chí bay lẫn cả với trấu, khiến người ta
liên tưởng bầy muỗi cũng nhiều như trấu. Nhiều như chính những vỏ trấu đem ra
để tiêu diệt muỗi. Người Thanh Hóa nói rõ hơn: “Muỗi nhiều như trú (trấu) xay”. Trong khi Từ điển tiếng Việt cũng ghi nhận: "Muỗi nhiều như vãi
TRấu".
Nói
thêm: Có một thứ cũng được người ta ví với muỗi, đó là
ong: "Muỗi như ong". Vì ong
cũng đốt người, cũng kêu vo vo, vu vu, cũng có hình dạng, kiểu bay giống như
muỗi nên được ví như muỗi. (Trong tự nhiên còn có giống ong gọi là ong muỗi. Chúng có kích thước, hình dáng
tựa con muỗi). Để nói muỗi nhiều, còn có một hình ảnh được so sánh nữa, đó là
tiếng sáo. "Muỗi kêu mà như sáo
thổi, Đỉa lềnh tựa bánh canh" (Lời bài hát “Em về miệt thứ”, Ý nói đất Cà Mau thời còn hoang vu, điều kiện
sống và lao động rất khổ cực). Tiếng bầy muỗi đói kêu vu vu, vo vo rất hung
hăng nên được ví như tiếng sáo. Đỉa lượn dưới nước như thể bánh canh, vì kích
thước sợi bánh canh cũng mong mỏng, mềm mềm, lượn lượn như thể con đỉa.
Mọi
hình tượng được dân gian lấy để so sánh cái này với cái kia đều có lý do của
nó. Đâu phải muốn gán ghép thế nào cũng được ?
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Rắn GIáo Thứ rắn
đầu nhọn, mình dài: Thằn lằn, rắn
giáo.
Cái
sai này xuất phát từ chỗ phát âm không phân biệt được Gi và R, dẫn đến viết
sai chính tả rồi suy diễn. Ở nước ta không có loại rắn nào tên là “rắn GIáo”, mà chỉ có rắn ráo. Trường hợp ở địa phương nào đó có
một giống rắn gọi là ‘rắn giáo” (do “đầu nhọn, mình dài”) thì bên
cạnh loài “rắn giáo” này, GS phải có thêm
mục từ phổ thông cho con “rắn ráo” chứ ? Nhân tiện cũng nói về mặt từ ngữ mô tả
rắn của GS Nguyễn Lân. Theo chúng tôi được biết, ở Việt Nam chỉ có một loài “rắn
vuông”, “đặc hữu” cùng quê với anh chàng nói khoác trong truyện cười “Con rắn
vuông”. Còn đã là rắn, con nào cũng “mình
dài”, đâu phải chỉ con “rắn giáo”
của Giáo sư Nguyễn Lân mới có đặc điểm nhận biết “mình dài” ?
Thơ
Lê Quý Đôn: “Rắn đầu biếng học”: “Ráo
mép chỉ quen lời lếu láo”. Thường ngày, nếu muốn nói phích nước hay ấm
không còn giọt nào, người ta cũng hay chơi chữ là “có con rắn ráo ở trong đó”. Dược điển Đỗ Tất Lợi
(mục nói về “Rắn”): Rắn ráo
hay rắn hổ chuối. Sách không ghi nhận “rắn giáo”. Các sách từ điển tiếng Việt cũng không sách nào ghi nhận “rắn
giáo” mà chỉ có “rắn ráo”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Sả:
lá sả, chim sả, lăn sả vào.
*Sai:
Lăn Xả (vần X), không phải "lăn Sả"
(vần S). “Xả” ở đây chính là trong từ “Xả thân vì nước”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Xàm:
Tầm bậy: Tính nó hay nói xàm.
-Xàm bậy:
Bậy bạ lắm: Những lời nói xàm bậy.
-Xàm xỡ:
Sỗ sàng đối với phụ nữ: Chày sương chưa
nện cầu Lan, Sợ lần khân quá ra xàm xỡ chăng (Kiều)
*Đây
là kiểu sai S thành X, (kiểu nhà "vệ sinh" thành nhà "vệ xinh") lỗi chính tả Giáo sư từng mắc 50 năm trước đây trong “Muốn đúng chính tả” và đã được chúng
tôi nêu ra trong phần I của “Một đời chính tả...”.
-Quốc âm tự vị (Xuất
bản 1895): Sàm: gièm. Sàm nịnh, Sàm siểm, sàm dua, sàm ngôn.
-Việt Nam tự điển (Xuất
bản 1931): “Sàm nói dèm: Miệng sàm dệt gấm thêu hoa. Sàm báng: dèm pha: nghe lời sàm báng mà làm hại kẻ trung lương”.
-Từ điển tiếng Việt (Bản
mới 2013): “Sàm sỡ. ăn nói sàm
sỡ. cử chỉ sàm sỡ”; sàm
ngôn. lời gièm pha, nói xấu. lời sàm
ngôn.
-Từ điển Truyện Kiều (xuất
bản 1974): Sàm sỡ: Sỗ sàng, thô bỉ. Vd Sợ
lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?
-Từ điển chính tả
(1 và 2) Sàm: sàm báng, sàm nịnh, sàm sỡ.
-Hán Việt tự điển
(Thiểu Chửu) Sàm: Gièm
pha, thêu dệt các lời nói bậy làm cho mất cái hay cái phải của người đi gọi là sàm”.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Sâu đặm:
Rất thắm thiết. tình cảm sâu đặm.
*Sai,
đẬm chứ không phải "đẶm"
-Việt nam tự điển:
Đậm: Hơi mặn, không nhạt: canh hơi đậm. 2.Hơi
đẫy: cô kia hơi đậm người. Đậm
đà: cũng nghĩa như trên: câu chuyện đậm đà, người coi đậm đà.
-Từ điển tiếng Việt:
có ghi nhận “sâu đặm” nhưng xếp vào phương
ngữ, từ ít dùng và hướng dẫn xem, sử dụng “sâu đậm”. Một cuốn từ điển biên
soạn và in ấn ở thế kỷ 21 như sách của GS Nguyễn Lân, “sâu đậm” viết thành “sâu
đặm” có thể xem như sai chính tả. Vì trong thực tế không ai viết như vậy.
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam ":
-Trôm trôm:
danh từ (thực vật) Loài cây lớn, hoa đỏ, quả ăn được: Quả trôm trôm có dầu.
*Việt
Nam không có giống thực vật nào tên gọi “trôm trôm”, dù là thân gỗ hay thân
thảo, là hoa hay quả. Có sự lầm lẫn “nửa nọ nửa kia” ở đây chăng ? Nếu nói đến
tinh dầu thì đó là quả cây trôm,
không phải là “trôm trôm”. Còn nói về
“quả ăn được”, thuộc họ Bồ hòn, đó là quả “chôm chôm” không phải “trôm trôm”. Giáo sư là người Việt, làm
từ điển cho người Việt dùng sao ngôn ngữ lại bất đồng đến thế ?
Sai
chính tả không chỉ khiến GS Nguyễn Lân đưa ra những từ không hề có trong tiếng
Việt mà còn tạo ra một dị bản “không giống ai”, kèm theo cách hiểu, cách giải
thích không thể chấp nhận. Đó là trường hợp “Áo cứ tràng...” thành “Áo cứ
chàng...”
Áo cứ chàng, làng cứ xã. Chê người có tính ỷ lại không biết tự mình
lo việc cho mình: Chị
ta dạo này thì áo cứ chàng, làng cứ xã, chẳng muốn làm ăn gì.
Chính
xác hình thức của câu này phải là “Áo cứ tràng,
làng cứ xã”. “Tràng” là cái cổ áo, bộ phận quạn trọng nhất của cái áo. Cũng như
“xã” (xã trưởng, lý trưởng) là bộ phận chủ chốt, quan trọng nhất của làng (xin
xem bài CHÀNG hay TRÀNG, ).
Đây là một trong những sai sót được soạn giả bê nguyên xi từ cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam .
“Từ điển thành ngữ tục
ngữ Việt Nam ":
-Ăn
Sổi
ở thì.
*Sai:
Ăn Xổi (vần X) không phải “ăn Sổi” (vần S). Đáng chú ý là lỗi chính tả này GS
Nguyễn Lân mắc ngay trong phần lời nói đầu của sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”. Chắc soạn giả chưa bao giờ
được ăn hay nếm thử. “Xổi” là món ăn
dân gian phổ biến: Dưa muối xổi, cà muối
xổi.
-Quốc âm tự vị:
“Xổi: mới, xắp thì. Làm
xổi: làm liền bây giờ. Bóp
xổi: dụng bóp muối mà ăn liền bây
giờ (dưa, cải). Ăn xổi: Ăn đồ làm theo
cách ấy".
-Việt Nam tự điển:
“Xổi: tạm bợ cho có để mà dùng ngay.
Dưa muối xổi; Ăn xổi ở thì; buôn xổi; làm
xổi".
Trong sách “Tôi yêu tiếng Việt”, GS Nguyễn Lân viết: “Chính tả có nghĩa là viết đúng. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng coi việc đúng chính tả là một sự chứng tỏ trình độ văn hóa của người viết (...) Ở miền Bắc, người ít học khó phân biệt các phụ âm CH và TR, S
và X; D, GI và R;
còn có địa phương lẫn lộn cả l và n”(**). Đã qua 12 kỳ, với hai loạt bài
phê bình (16 bài đăng) dài tới cả trăm trang viết, chúng tôi luôn đưa ra ý kiến
phản bác GS Nguyễn Lân. Nhưng lần này, với kết luận chắc nịch về lĩnh vực thế
mạnh của Giáo sư, chúng tôi thấy có thể tin được. Ít nhất cũng là nửa tin nửa
ngờ. Thậm chí, tin nhiều hơn ngờ !
Trên đây là một phần “cốt lõi của cốt
lõi; sự thật của sự thật” về "huyền thoại" chính tả-GS Nguyễn Lân. Theo
chúng tôi, tác giả "Muốn đúng chính
tả" và "Từ điển từ và ngữ
Việt Nam" vẫn sẽ mãi mãi đi vào “huyền thoại”. Tuy nhiên lịch sử biên
soạn từ điển Việt Nam
sẽ phải vẽ lại chân dung một "học
giả". Bởi “Nhà biên soạn từ điển vô
địch”, “ông vua chính tả” đã khước từ "ngôi vương" danh giá mà
thiên hạ yêu mến suy tôn. Âm thầm và lặng lẽ, người đã lựa chọn chiếc
"ngai vàng" khiêm tốn mà "thần dân" không hề phù ủng để “đăng
cực”: Chiếc "ngai" giành cho những ông "Chúa" viết sai
chính tả !
HTC
(Hết phần II)
Mời đón xem
phần III
Học sai nên hành sai
(**)
Dẫn theo:“Một số trở ngại trong sự thống nhất chính tả của ta”-GS.NGND
Nguyễn Lân- Rút trong cuốn “Tôi yêu
tiếng Việt” -NXB Khoa học Xã hội-1995, Tạp chí Tác phẩm mới-số 3/2013 đăng lại ở Mục Chuyện ngôn ngữ.
Những tài liệu đã dẫn
và tham khảo:
1,“Đại
Nam quấc âm tự vị”
(Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của - Sài Gòn 1895.
2,Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -
GS Nguyễn Lân (NXB Văn Hóa -
1989)
3,Việt Nam tự điển
-
Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931 (bản Scan của
vietnamtudien.org )
4, Từ điển An Nam-Lusitan-La tinh (Thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La)
Alexandre De Rhodes - Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính -
NXB Khoa Học Xã Hội - 1991.
5, Hán Việt tự điển - Thiều Chửu - NXB
Thành phố Hồ Chí Minh - 2004.
6. Hán Việt Từ điển - Đào Duy Anh biên
soạn - Hãn Mạn Tử hiệu đính - NXB Trường Thi - Sài Gòn 1957.
7. Từ điển truyện Kiều-Đào
Duy Anh-NXB Khoa học xã hội-1974.
8. Từ điển chính tả-Hoàng
Phê-NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học-2006.
9.Từ điển tiếng Việt-Hoàng Phê chủ
biên-In lần thứ 5 có sửa chữa bổ sung-NXB Đà Nẵng-2013.
9.Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn
Thế Truyền-NXB Thanh Niên-2012.
10.Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện
ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội-2011.
11.Từ điển Nho Phật Đạo-Lao Tử- Thịnh Lệ
(chủ biên) -NXB Văn Học-2001
12.Những cây
thuốc và vị thuốc Việt Nam-Đỗ Tất Lợi-NXB Khoa học kỹ
thuật-1977.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét