23 thg 4, 2014

THẠCH BẤT CẢM ĐƯƠNG ! ? Câu hỏi về một phiến đá "hèn nhát" ở Thanh Hóa

                                                                                                                                           
Đá có chữ "Thạch bất cảm đương"
HTC phát hiện tại Hậu Lộc

                                   Ảnh: Tuấn Công 
  Hoàng Tuấn Công

Tiết Kinh Trập năm con Rồng (2012), tôi “Cùng nông dân ra đồng”, phòng trừ sâu bệnh hại lúa tại huyện Hậu Lộc - Thanh Hoá. Khi đang đứng bên hè Hội trường của một thôn nhỏ xã Liên Lộc, chợt thấy cái gì đó rất hấp dẫn ở phí luỹ tre (có lẽ vì thấp thoáng sau luỹ tre là ngôi nhà lá đơn sơ chăng?). Bèn bước chân tới đó. Nhìn vào sân không thấy bóng người. Lá vàng rụng đầy trên lối ngõ rêu xanh và mặt nước ao tù. Chiếc cổng tre đơn sơ dù chỉ khép hờ cũng đủ khiến tôi không dám tự động vượt qua cái ngưỡng ấy. Vậy là đứng ngó quanh bờ rào. Nhìn trời nhìn đất… Bỗng nhiên tôi giật mình! Ngay dưới chân là một dòng chữ Hán. Bốn chữ mới nhìn tưởng quen, nhưng lại hoá ra rất lạ:
“THẠCH BẤT CẢM ĐƯƠNG”!

Đá dài độ 90cm, rộng 40cm. Có vẻ như được chọn từ một phiến đá vốn có hình thù tự nhiên như vậy. Trông hình đá gồm gồm ở giữa, mỏng dần về xung quanh như cái mai mực vậy. Chất đá không phải đá xanh mà là kiểu đá có nhiều thớ, thường thấy ở các núi đá lẫn đất. Chữ trên đá là loại chữ chân nghiêm cẩn, đúng pháp, nét bút lông mảnh. Nét viết dứt khoát như được thể hiện trực tiếp lên đá cho thợ đục. Nét đục cũng khá sâu, đường đục đanh, rõ ràng, rành mạch.


“Thạch cảm đương” hay “Thái Sơn thạch cảm đương” là những chữ nhà phong thuỷ Tàu thường dùng để trấn trạch phòng ốc, trừ tà ma, quỷ quái. Hiện bên Tàu vẫn làm rất nhiều những tấm biển “Thạch cảm đương” với đủ mọi kích cỡ, hình thù, chất liệu. Có khi “Thạch bất cảm đương” chỉ nhỏ xíu bằng mấy ngón tay, bán cho du khách để lên bàn làm việc. 

Thạch cảm đương để bàn

Ở bên ta (như Hà Nội) cũng có một số nơi dựng biển đá “Thạch cảm đương” ngay bên hè đường phố hoặc nơi có công trình kiến trúc cổ. (Tôi từng thấy một phiến đá có chữ “Thạch cảm đương" chôn ngay trên hè một con phố Hà Nội, hiện không nhớ tên phố là gì). Ngay dưới chân tháp Bút, Hà Nội hiện cũng còn phiến đá đề 5 chữ: Thái sơn thạch cảm đương. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng có bài viết Luận về “Thái Sơn thạch cảm đương” và có nhắc đến tấm đá ở đền Ngọc Sơn này.

Thái sơn Thạch cảm đương
ở khu vực đền Ngọc Sơn, dưới chân tháp Bút

Ba chữ “Thạch cảm đương” nghĩa là Đá dám đương đầu, đá có thể chống lại mọi thế lực hắc ám. Thật là kiêu hãnh! Thế nhưng, khi thêm chữ “bất” vào sau chữ “thạch”, bốn chữ “Thạch bất cảm đương” như tôi thấy ở Hậu Lộc lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại. Một sự “thú nhận” công khai, rõ ràng: Đá không dám đương đầu, đá không dám chống lại ai cả!

Thạch bất cảm đương ở Liên Lộc, góc chụp rộng hơn

Tôi hỏi một số người dân địa phương, nhưng họ không biết gì về phiến đá này. Thậm chí không hề biết rằng nó đang có mặt ở đó. Bà con cũng cho biết, gần khu vực này không có núi đồi, cũng chẳng có chùa chiền, đền miếu hay công trình kiến trúc cổ nào. Khi ấy, tôi có hỏi thăm vào nhà một ông cụ cách phiến đá chừng trăm mét. Ông cụ ở độ 80 tuổi, là người được học chữ Hán. Cụ nói có khả năng ngày trước, khi xe ô tô chở vật liệu do máy xúc đào ở khu vực khác đến đây để làm đường và đã chở luôn tấm đá ấy về. Do đá có chữ, lại to dài so với loại đất đá tiêu chuẩn làm đường nên đã bị người ta loại ra. Ông cụ nói bốn chữ “Thạch bất cảm đương” nghĩa là “Đá chẳng dám đào”. Ý là tấm đá vốn chôn vào khu vực núi đá nào đó để người ta không dám khai thác. Với tôi, cách giải thích này thật khó thuyết phục.
Ông cụ biết chữ Hán nhà gần nơi có phiến đá "Thạch bất cảm đương"
          HTC có ghi tên ông Cụ trong một cuốn sổ tay, hiện chưa tìm thấy.

Nhìn tổng quan, đứng về mặt văn bản học, thạch văn, tôi cho rằng tấm biển này khá cổ. Cổ tới mức nào thì chưa dám nói, nhưng tôi dám khẳng định, nó không phải sản phẩm ngụy tạo của thời hiện đại!
Vậy, ai đã tạo ra tấm biển đá “hèn nhát” có một không hai này trên đất Thanh Hoá. Họ tạo ra để làm gì ?
HTC có nghĩ ra một cách giải thích nhưng chưa dám thưa thốt. Ttrước tiên, xin kính mời quý vị bạn đọc luận bàn. Nếu có thể cho Tuấn Công Thư Phòng vài lời giải thích hay nhận xét!

                                                                                                       HTC

1 nhận xét:

  1. Làng Bồng Trung( xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, TH) có lịch sử hơn 500 năm. Trong danh sách làng cổ ở TH thì không thấy. Cho biết thêm về lịch sử làng này? Xin đa tạ .

    Trả lờiXóa