9 thg 7, 2015

HẠC THÀNH

Chim hạc về đỉnh núi Long (TP Thanh Hóa)
                                  Ảnh: Đặng Phương Mai

HOÀNG TUẤN PHỔ

Sau khi lên ngôi (1802), kinh đô ở Phú Xuân nhưng vua Gia Long rất quan tâm đến xứ Thanh, quê hương phát tích nhà Nguyễn. Ông cho rằng: Trấn lỵ cũ của nhà Lê Trung hưng ở Dương Xá địa thế chật hẹp không xứng với quí hương đứng đầu cả nước, phải tìm nơi hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Sau thời gian xem xét, triều thần tâu chỉ có đất xã Thọ Hạc, huyện Đông Sơn là đắc địa nhất, được vua Gia Long chuẩn tấu.


Địa danh Thọ Hạc cuối Lê đầu Nguyễn là tên chung cả ba đơn vị, ba cấp hành chính cơ sở: thôn Thọ Hạc, xã Thọ Hạc, tổng Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn. Thọ Hạc là một làng lớn, thuộc loại “nhất xã nhất thôn”, là thôn cũng là xã, một xã lớn nhất tổng, danh vọng đứng đầu, được cả tổng lấy làm tên chung. Thọ Hạc là tên chữ nho, “Thọ” là sống lâu, “Hạc” là chim hạc, người xưa cho rằng chim Hạc sống lâu muôn tuổi, thọ cùng trời đất. Địa danh Thọ Hạc duy nhất ở đây, cả miền Bắc không nơi nào có, dù chỉ đồng âm không đồng nghĩa.

Hạc là một giống chim (không phải là cò vạc gì đó như có nhà nghiên cứu lầm tưởng). Tầm vóc chim hạc lớn bằng hoặc hơn ngỗng trời (Thiên nga), sống ẩn dật, ưa yên tĩnh, thích kiếm ăn nơi đầm nước, hồ ao vắng vẻ, mò bắt tôm cá. Xưa kia địa thế làng Hạc rất rộng lớn. Dân làng cư trú tập trung chỗ thuận lợi nhất. Phía đông nam giáp làng Phú Cốc, vô số hồ chằm, trên bờ cây cỏ um tùm, dưới nước sâu, bùn lầy, nhiều thủy sản. Mặt tây nam làng, cồn hoang bãi rậm kéo dài mở rộng đến tận Mật Sơn và Rừng Thông.

Đầu năm 1789, vua Quang Trung hành quân cấp tốc từ Phú Xuân ra Thanh Hoa, dừng lại duyệt binh trên bãi cao đồng làng Thọ Hạc để phô trương thanh thế với Thang mộc nhà Lê, rồi mới hội quân Tam Điệp tiến đánh Thăng Long. Hơn mười năm sau, cũng trên bãi đồng cao này, vua Gia Long cho xây dựng trấn thành Thanh Hoa, trong dư âm, tiếng quân reo, voi gầm, ngựa hý quân Tây Sơn, còn nghe mơ hồ đâu đây trong làn gió thoảng.

Để bảo vệ trấn lỵ, thành trì xây dựng đồng loạt khắp nước, thành trấn nào mang tên trấn ấy. Theo quy định chung, thành trấn lỵ Thanh Hoa tên đơn vị hành chính là thành trấn Thanh Hoa hay Thanh Hoa trấn thành. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) đổi tên trấn ra tỉnh, mới gọi là Thanh Hoa tỉnh thành. Năm 1841, vua Thiệu Trị kiêng chữ Hoa tên húy Hồ Thị Hoa mẹ nhà vua đã được sắc phong Hoàng Thái hậu, phải đổi gọi là Hóa, dĩ nhiên tên gọi tỉnh thành cũng thay “Thanh Hóa tỉnh thành”.

Thành tỉnh Thanh Hóa các sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí, Thành Thái Đại Nam nhất thống chí đều chép thống nhất: Thành Thanh Hóa xây bằng gạch đá, cao 1 trượng, chu vi 630 trượng, có 4 cửa, hào rộng 8-9 trượng, sâu 7 thước (Mỗi trượng là 10 thước, mỗi thước bằng 0m40). Điều các tài liệu địa chí không nói, thành không xây theo kiểu truyền thống 4 mặt tượng trưng 4 phương trời cũng là tượng trưng của đất (trời tròn đất vuông) theo kiến trúc truyền thống phương Đông, mà theo kiểu “lục lăng” (sáu cạnh). Sách Thanh Hóa tỉnh chí giải thích thành “Lục lăng” theo kiểu thành “Lục Hoa” của Lý Tĩnh đời Đường Thái tông. Không đúng. Vì “Lục Hoa” của Lý Tĩnh là “Lục hoa trận pháp” hay trận đồ, không phải kiểu thành xây mà là cách bày trận đánh địch. Lý Tĩnh dựa vào “Bát trận đồ” của Khổng Minh Gia Cát mà đặt ra. Nó không có hình “lục lăng”. Theo cách giải thích của Lý Tĩnh trong sách Võ kinh: Ở ngoài thì hình vuông ở trong thì vòng tròn, biến hóa khôn lường là Lục Hoa trận pháp.

Thành tỉnh Thanh Hóa cũng như nhiều thành tỉnh trong nước xây dựng theo kiểu Vauban (Vô băng) tên một kỹ sư người Pháp, rất phổ biến ở Pháp thế kỷ XVII, XVIII, nhưng đến thế kỷ XIX bắt đầu trở thành lạc hậu, không đủ sức chống lại súng đại bác có sức công phá lớn mới phát minh. Bởi vậy, năm 1885, thành Thanh Hóa đã bị Pháp chiếm dễ dàng. Sau đó, thành trở thành nơi ở của bộ máy cai trị gồm ba quan lớn tỉnh dưới quyền điều khiển của viên công sứ người Pháp. Trong thành có trại lính, dinh thự, kho tàng, cả trại giam để tra tấn, đánh đập dã man những chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Năm 1947, thành Thanh Hóa bị phá hoại cùng với phố xá, quyết tâm kháng chiến trường kỳ. Từ đây thành Thanh Hóa vĩnh viễn đi vào lịch sử. Nhưng có một tên thành Thanh Hóa khác của đời sống văn hóa vẫn sống, còn sống mãi, không ngừng tỏa lộc đâm chồi, nở hoa kết trái không chỉ trong lòng nhân dân xứ Thanh. Đó là thành Hạc, Hạc Thành !

Khó có thể biết hai tiếng thành Hạc hay chữ Hạc Thành bắt đầu xuất hiện từ bao giờ? Câu thơ dân gian khá nổi tiếng:
Thanh Hoa thắng địa là nơi
Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành.
Một bức họa biểu tượng, do trí tưởng mà cũng từ hiện thực. Vì nơi thắng địa này, một vùng núi sông kỳ thú: Hàm Rồng, Hòn Ngọc (Bắc), Sông Mã (Đông), Long Chầu, Hổ Phục (Nam), Thiên Trụ (Ba cột đá chồng đỡ bầu trời, phía Tây). Và cánh chim Hạc nghìn xưa còn bay, bay, bay mãi trên đất Thọ Hạc này.

Khoảng những năm bảy mươi của thế kỷ XIX, khi quân Pháp chưa xâm chiếm tỉnh Thanh, triều đình Nguyễn cử triều thần Tôn Thất Thuyết làm Tổng đốc đất quý hương. Ông xây dựng gần phía trước cửa Tả tỉnh thành một ngôi lầu đặt tên Huyền Hạc lâu – lầu Huyền Hạc để nghỉ ngơi sau việc nước. Hoàng Hạc lâu Trung Quốc từng nổi tiếng với câu thơ Thôi Hiệu: “Hạc Vàng nay đã đi đâu – Nghìn năm mây trắng trên đầu vẫn bay”. Huyền Hạc lâu đã bị quân Pháp hủy hoại để làm đường mở phố. Nó trở thành một nhân chứng lịch sử về tội ác xâm lược của đế quốc, thực dân. Nhà thơ yêu nước, chí sĩ cách mạng Nguyễn Thượng Hiền (người Hà Đông cũ, nay thuộc TP Hà Nội) đỗ Hoàng Giáp năm 1892. Gia đình ông có nhà riêng ở núi Nưa, nên rất gắn bó với Thanh Hóa. Ông lại là con rể Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết đứng đầu phe chủ chiến, chống Pháp đến cùng. Nguyễn Thượng Hiền không muốn làm quan, khi về núi Nưa, lúc ở lầu Huyền Hạc. Ông đau lòng trước cảnh quê hương, đất nước bị chiến tranh tàn phá bởi thực dân Pháp xâm lược. Na Sơn và Hạc Thành là những đề tài quen thuộc trong thơ ông. Bài Hạc Thành xuân vọng sáng tác bằng chữ Hán, Nguyễn Thượng Hiền viết tại lầu Huyền Hạc, trước cảnh giặc Tây nhốn nháo trong thành Hạc:

 Sông núi xa mờ chốn quí hương
Cờ Tây trông bóng, lệ tràn thương!
Nước bon ngựa đá chân còn đất
Mây cuốn xe loan bụi lấp đường
Bè lái đêm côi, sao khuất bóng,
Kèn thành mai lạnh, cỏ đầm sương.
Lầu cao mắt dõi sầu khôn tả
Lăng miếu, kinh thành khói tỏa vương.
                      (Hoàng Tuấn Phổ dịch thơ)

       Trong bài Thư hoài (Tả mối cảm hoài), Nguyễn Thượng Hiền có câu: “Hạc Phố thư lai trần dục ám – Huyền Lâu kiếm trụy nguyệt cô minh" nghĩa là "Hạc Phố thư về làm bụi thẳm - Lầu Huyền gươm nảy mảnh trăng đơn"

         Như vậy, Thanh Hóa có Hạc Thành, có cả Hạc Phố, trong thành trì, ngoài phố xá. Hạc Thành và Hạc Phố, tên nào cũng hay, cũng đẹp, đều nói về một "thắng địa" bậc nhất xứ Thanh. Hiếm thấy một vùng đất hội tụ đầy đủ khí thiêng sông núi: Rồng vờn hạt châu, ngựa thần tung vó, long chầu hổ phục cùng chim bái, Huyền hạc không bay về trời mà đậu lại... trong lòng người, trong văn chương để đưa những vần thơ ý đẹp lời hay cất cánh bay lên.

        Có lẽ nhà thơ Phạm Thanh (1820 - 1863) nói đến Hạc Thành, Hạc Phố sớm nhất trong thơ mình. Ông đỗ Bảng nhãn năm 1851, giữ chức Tham trị bộ lại, mất sớm (43 tuổi), tác phẩm Nghị Trai thi văn tập. Bài thơ tiễn bạn Phạm Thúc Minh từ Huế lên đường nhậm chức Án sát Thanh Hóa, Phạm Thanh Viết:

                                  Phiên âm:

                                 Long Hạm phong kỳ, Mã thủy thanh
                                 Lâm phong tương tống phiếm phàm khinh
                                 Du nhân khước hữu tư gia mộng
                                 Dạ dạ tòng quân đáo Hạc Thành.

                                  Dịch thơ:

                                  Sông Mã trong xanh, biếc núi Rồng,
                                  Buồm đi gió tiễn nhẹ xuôi dòng.
                                 Nhớ quê tôi có về trong mộng 
                                  Thành Hạc đêm dài, bác thấy không?

                                                             (Hoàng Tuấn Phổ dịch)

       Hạc Thành, Hạc Phố, cái tên đã đi vào lịch sử. Nó không còn là danh xưng của một tòa thành hay một phố xá, đã thành biểu trưng một vùng thắng địa, một thành phố lớn của Xứ Thanh - thành phố Thanh Hóa.

       Thành phố Thanh Hóa thời cách mạng, đổi mới và hội nhập với nhiều tiềm năng và văn hóa - kinh tế, du lịch đang nổi lên như là thế mạnh đầy hứa hen. Tuyến du lịch phía bắc Hạc Thành từ núi Ngọc, Hàm Rồng mở ra thời gian sâu thẳm trong không gian bao la, đến với đỉnh cao văn minh Đông Sơn thời Hùng Vương, rồi ngược lên bốn mươi vạn năm trước, thuở cái nôi loài người đu đưa trên núi Đọ mang dáng Rùa thiêng bên dòng sông Mã. Đằng  nam Hạc Phố cũng là một thế giới kỳ diệu soi bóng lung linh vào truyền thuyết và thơ ca:

                               Đồn rằng Cầu Bố vui thay
                               Bên đông có tỉnh, bên tây có chùa
                               Ở giữa có miếu thờ vua
                               Dưới sông nước chảy đò đưa dập dềnh...
                                                              (Ca dao dân gian)

      Thái miếu Bố Vệ đã được tôn tạo, chùa Mật Sơn đã được khôi phục. Còn nhiều di tích đang chờ bàn tay tái tạo: núi Long, núi Hổ, hòn Kim Đồng, hòn Ngọc Nữ đứng soi bóng dòng sông Lê... Bên kia Cầu Bố là Quảng Thắng với di chỉ văn hóa trống đồng Đông Sơn, Quảng Thịnh với Núi Voi hùng vĩ, chung quanh một quần  thể di tích cỏ kính: Chùa Phủ, Văn miếu, nhà thờ Trịnh Huệ, vị Trạng Nguyên cuối cùng của nước ta,... Những thi gia nổi tiếng như Lê Thánh Tông, Nguyễn Khuyến, Học Lạc... cũng đã từng dừng gót hài lãng du đôi bờ sông Bố Vệ, ngâm, đề những vần thơ tuyệt tác.

   Cầu Bố xưa kia là thượng gia hạ kiều của đất quê vua nhà Lê; đưa con đường thiên lý từ Nam ra Bắc, qua Cầu Hàm Rồng bất tử, pho "tượng đài" kỳ vĩ xây bằng 108 máy bay siêu cường của đế quốc Mỹ xâm lược. Đó cũng là xương sống con chim Hạc khổng lồ mà đôi bên phố phường thành phố Thanh Hóa như đôi cánh mênh mông không ngừng mở rộng đang vẫy lên bầu trời tương lai bao la đầy hứa hẹn.


                                                                             HTP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét