21 thg 5, 2014

HẢI GIÁM, NGƯ CHÍNH CỦA TA HAY CỦA TÀU ?

                         

                                    Hoàng Tuấn Công

Tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Kiểm ngư Việt Nam
bằng vòi rồng

Nhiều người sẽ có câu trả lời ngay. Thậm chí bực mình: “Của Tàu chứ còn gì nữa, chẳng lẽ lại của Ta !?” Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng hiểu biết được như vậy. Cách đây một năm, Báo Giáo dục Việt Nam (Giáo dục.net.vn) thứ ba ngày 16/4/2013 có bài: “Sinh viên Việt Nam 'mù tịt' về tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc?!” Bài báo cho biết:

“Để tìm hiểu nhận thức của học sinh, sinh viên về chủ quyền biển đảo, nhóm PV Báo Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ (phỏng vấn ngẫu nhiên) với khoảng 40 sinh viên thuộc các Trường ĐH Thương Mại, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Công nghệ, ĐH Mở và ĐH Sư phạm Hà Nội, với 4 câu hỏi cơ bản: 
1. Trung Quốc gọi quần đảo của Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là gì?(đáp án: Tây Sa và Nam Sa)
2. Trung Quốc đang bành trướng trên biển Đông bằng việc phái các tàu chuyên dụng gì ra biển Đông (ngoài tàu đánh cá và tàu quân sự)? (đáp án: tàu Hải giám, Ngư chính)
3. Trung Quốc cố tình vẽ ra đường phi pháp gì trên bản đồ biển Đông vi phạm chủ quyền Việt Nam và một số nước Đông Nam Á? (đáp án: đường lưỡi bò)
4. Sự kiện mới đây nhất liên quan đế tàu cá của Việt Nam và tàu Trung Quốc là gì? (tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin tàu cá Việt Nam)
Điều đáng buồn là, hầu hết sinh viên không trả lời được 2 câu đầu tiên, đa phần trả lời được câu số 3, và rất ít trả lời được câu số 4 (chứng tỏ ít theo dõi thời sự biển đảo quan trọng của đất nước). Bi hài ở chỗ, có sinh viên nhận thức kiểu nghe loáng thoáng, trả lời "râu ông nọ cắm cằm bà kia", khi nói Trung Quốc gọi Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là... “đảo lưỡi bò” (thực tế chỉ có khái niệm "đường lưỡi bò"). Hoặc buồn không kém khi một số chủ nhân trong tương lai gần của đất nước hầu như không biết khái niệm tàu Hải giám, Ngư chính - 2 loại tàu thể hiện âm mưu thâm độc và chiến lược mới của Trung Quốc nhằm bành trướng, độc chiếm biển Đông...” (Trích từ Báo Giáo dục Việt Nam lúc 8 giờ 41 phút ngày 21/5/2014)
Về những ý kiến thảo luận, Báo GDVN cho biết: “Bên cạnh nhiều ý kiến chê trách thì cũng có độc giả cho rằng không nên vội trách sinh viên chính vì công tác tuyên truyền về biển đảo chưa được tốt.
Bạn Ngô Tuấn Dũng viết: “Tôi nghĩ những người được phỏng vấn không phải đại diện cho phần lớn sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên kết quả như thế này thì khá kém. Trách sinh viên một phần thì trách các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, tổ chức hội sinh viên, đoàn thanh niên 10 phần”.
Bạn Lê Quang Hải nêu ra một thực tế: “Sinh viên, học sinh và rất nhiều người dân cũng chưa biết về Trường Sa, Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng một số đảo và chiếm đóng bằng cách nào. Tại sao Trung Quốc chiếm đóng các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa mà người dân chúng ta không được biết ví dụ như: Để mất đảo lớn Gạc Ma hy sinh 64 người, thế mà nhà nước chúng ta không công bố, không tuyên truyền cho người dân được biết. Nếu chúng ta kêu gọi nhân dân đứng lên bảo vệ các đảo thì làm gì để mất các đảo về tay Trung Quốc? Hiện nay, công tác tuyên truyền của chúng ta quá yếu, không có hệ thống và chiều sâu. Để lúc nào kẻ thù vào chiếm các đảo của chúng ta mới kêu gọi thì đã quá muộn”.
Bạn Nguyễn Hùng: “Xin đừng đổ hết lỗi cho sinh viên, lỗi đây chính là do nền giáo dục (nó bét đến nỗi không thể tạo được thành cái hình gì cả). Do sự nhún nhường thái quá không dám cho phơi nên mặt báo thì làm sao đạị bộ phận sinh viên không biết là đúng thôi. Mới đây mới dám đưa nên đôi chút. Chỉ có người quan tâm đến thời sự chính trị thì mới biết thôi. Nói thực là chỗ tôi làm có khoảng 400 CBCNV, nếu được trả lời những câu hỏi trên tôi xin cam đoan đếm dưới 10 đầu ngón tay có thể trả lời được câu hỏi này”.
Bạn Đinh Phùng Đạt tán đồng: “Đừng vội vàng trách sinh viên, nên suy nghĩ sâu hơn, mọi thông tin tuyên truyền thời sự hầu như là không có phần đa thời lượng phái sóng trên truyền hình đều là show game này kìa giành cho showbiz làm loạn. Phần giáo dục thì suốt ngày cải cách, thành tích chả được cái gì”.
Tuy nhiên, ý kiến của bạn Minh cũng chỉ ra rất rõ: “Đúng là công tác tuyên truyền của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề (bao gồm cả việc dạy sử lẫn thông tin tuyên truyền), tuy nhiên nguyên nhân quan trọng là do sự thờ ơ của chính bản thân sinh viên, chủ nhân tương lai của đất nước. Bây giờ là thời đại thông tin. Họ hoàn toàn có thể tìm hiểu những thông tin này thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet. Rất nhiều bạn trẻ tuy thường xuyên truy cập Internet nhưng không phải để tìm hiểu những thông tin bổ ích mà chỉ để chat chit, chơi game hoặc thậm chí tìm kiếm những thông tin không lành mạnh” (Báo Giáo Dục)
Chúng tôi cho rằng những ý kiến đa chiều trên đây của bạn đọc đã giải thích phần nào nguyên nhân nhiều người Việt Nam không có được những  hiểu biết chính xác, cần thiết về tình hình và những từ, ngữ liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà.
Đã hàng chục năm nay, khi tạm lắng, lúc sôi sục, những từ, ngữ như: ngư chính, hải giám, hải cảnh, tuần duyên, đường lưỡi bò, đường chín đoạn...thường được báo chỉ nhắc đến, gắn với những cuộc gây hấn liên tục của Trung Quốc như áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, bắt bớ ngư dân Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 2, v.v...Thông thường, mỗi khi gặp một từ ngữ khó hiểu trên sách báo hoặc giao tiếp hàng ngày, chúng ta tìm đến Từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khi tìm trong hàng chục sách Từ điển tiếng Việt, có cuốn dày tới cả mấy ngàn trang cũng không hề thu thập và giải thích những từ này. Dường như những “hải giám”, “ngư chính” nó tận đẩu tận đâu và chẳng liên quan gì đến xứ ta. Chỉ duy nhất cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm từ điển học Vietlex tái bản, sửa chữa bổ sung gần đây nhất là 2013 và 2014) thu nhận và giải thích hai từ “ngư chính”“hải giám”. Tuy nhiên, cuốn từ điển này lại giải thích không đến nơi, đến chốn, có thể gây hiểu lầm, lẫn lộn “địch với ta” rất tai hại. “Từ điển tiếng Việt” (sách đã dẫn) giải thích các từ “ngư chính”, “hải giám”, “kiểm ngư” như sau:
-“Ngư chính: danh từ: ngành quản lý các hoạt động đánh bắt thủy sản nói chung.
-“Hải giám: động từ, danh từ:
+động từ: giám sát đường biển. tàu hải giám.
+danh từ: cơ quan giám sát đường biển.
-Kiểm ngư: động từ. kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn thủy, hải sản. trạm kiểm ngư. cán bộ kiểm ngư.”
Cách giải thích trên của Từ điển tiếng Việt khiến nhiều người lầm tưởng ở Việt Nam bên cạnh lực lượng “kiểm ngư”, ta cũng có “ngư chính” và “hải giám”. Nhưng xem ảnh chụp những hoạt động gây hấn, xâm phạm vùng biển Việt Nam chúng ta thấy rõ những chữ viết rất lớn trên thân tàu Trung Quốc như: Trung Quốc ngư chính 中國漁政, Trung Quốc hải giám 中國海監, hoặc Trung Quốc hải cảnh 中國海警. Trong khi tàu của Việt Nam có dòng chữ là: Kiểm ngư Việt Nam hay Cảnh sát biển Việt Nam. Như vậy “ngư chính” 漁政 “hải giám” 海監 (hay Hải cảnh 海警) là cách người Việt Nam nói và viết tắt theo nguyên văn tiếng Trung Quốc phiên âm Hán-Việt (không dịch) để gọi những công cụ và hoạt động trên biển của riêng phía Trung Quốc.
Trở lại vấn đề Từ điển tiếng Việt giải thích “Ngư chính: danh từ: ngành quản lý các hoạt động đánh bắt thủy sản nói chung”. Vậy nếu bạn đọc hỏi lại: cái “ngành” đó ở đâu, trực thuộc Bộ, Cục, Sở... nào của Việt Nam ? Hoặc “Hải giám: danh từ: Cơ quan giám sát đường biển”. Vậy xin hỏi “cơ quan giám sát đường biển” nào của Việt Nam có tên là “Hải giám” ? Rồi “tàu hải giám” là của ai, đi “giám sát đường biển” nào ? Chúng tôi tin các nhà biên soạn từ điển sẽ không giải thích được nếu không gắn với những công cụ và hoạt động trên biển của phía Trung Quốc. Đến từ điển còn lơ mơ như vậy, hỏi sao sinh viên không “mù tịt về tàu hải giám, ngư chính” ?
Chúng ta có thể so sánh phương pháp, nguyên tắc của người làm từ điển thế này: khi thu nhận từ “hà mã”, Từ điển tiếng Việt (cũng như đa số các sách từ điển khác) đều giải thích: “Hà mã: thú lớn gần với lợn, da trần và dày, đầu to, mõm rộng, mắt nhỏ, tai ngắn, ăn cỏ, thường sống thành đàn ở vùng sông, đầm châu Phi”. Hoặc như: “Chuột túi: thú di chuyển bằng cách nhảy bằng hai chân sau, con cái có túi ở trước bụng để đựng con mới đẻ, có nhiều ở Australia. Đồng nghĩa: kangaroo”. Như vậy, Việt Nam không có hà mã chuột túi, nhưng nhiều người biết đến hai loài thú này nên từ điển đã thu nhận. Tuy nhiên các nhà biên soạn đã đúng khi nói rõ nguồn gốc “châu Phi” “Autralia” của chúng. Vậy khi giải thích các từ “ngư chính”“hải giám” từ điển cũng cần chú thích rõ cái “bản quán” bên Trung Quốc của nó để phân biệt với lực lượng kiểm ngư của Việt Nam.
Bản thân chúng tôi cũng không biết nên tìm hiểu chính xác và chính thống các từ hải giám, ngư chính ở đâu. Đành phải tìm đến Từ điển “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”:
“Hải giám: Hải giám Trung Quốc Trung văn giản thể: 中国海监总队; bính âm: Zhōngguó Hǎijiān Zǒngduì, Hán-Việt: Trung Quốc Hải giám Tổng đội; tiếng Anh: China Marine Surveillance) là cơ (quan giám sát hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hải giám là một trong 5 tổ chức hành pháp liên quan đến bờ biển ở quốc gia này, gồm: Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu; và giám sát, kiểm tra, theo dõi các vùng biển, hải phận thuộc Trung Quốc.
Hải giám là tổ chức được thành lập mới đây nhất trong các cơ quan nêu trên, vào năm 1998. Cơ quan này thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (trực thuộc Quốc vụ viện), chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.

Theo kế hoạch của Trung Quốc, lực lượng của Hải giám sẽ tăng quân số từ 9.000 lên 10.000 người, mua thêm 36 tàu tuần tra. Hải giám thời điểm 2011 có 300 tàu và 10 máy bay. Ngoài ra, Hải giám cũng thu thập và điều phối dữ liệu từ các hoạt động của tổ chức tại 10 thành phố lớn và 170 đơn vị hành chính khác ở vùng vùng duyên hải”.Tuy nhiên, theo bài “Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) là công cụ quyền lực để Bắc Kinh cụ thể hóa những yêu sách chủ quyền phi pháp của mình trên biển” (Soha.vn) thì thông tin về các loại tàu “ngư chính”,  “hải giám”, “hải cảnh” của Trung Quốc được cập nhật hơn: Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) gọi tắt là Hải cảnh được thành lập tháng 03/2013 bằng cách hợp nhất các lực lượng Hải giám (CMS), Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng (BCD), Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp (FLEC/Ngư chính) cùng Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).

Trước khi được sáp nhập vào Hải cảnh thì Hải giám và Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng là 2 lực lượng có quy mô lớn nhất.
Việc hợp nhất 4 lực lượng hàng hải thành một tổ chức thống nhất, nằm dưới sự điều hành của một cơ quan chủ quản duy nhất là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nham hiểm của Trung Quốc nhằm phát triển lực lượng tuần duyên có quy mô và sức mạnh ngang bằng với các nước như Mỹ, Nhật Bản...”
Điều đáng chú ý, trong khi Hải giám, Ngư chính-những công cụ và hoạt động rất thâm hiểm của Trung Quốc có lịch sử 16 năm hoạt động và thường xuyên vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì ngày 15/4/2014, Bộ NN&PTNT mới tổ chức lễ ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Đây là lực lượng có chức năng tuần tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên biển và góp phần tham gia bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Mới ra đời được nửa tháng, vào ngày 01.05.2014, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam non trẻ đã phát hiện và phải đối mặt với giàn khoan nước sâu khổng lồ HD 981 và lực lượng bảo vệ hùng hậu của Trung Quốc hạ đặt khoan trái phép, thăm dò ở nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Điều đáng nói, trong những ngày cả nước sục sôi khí thế chống giặc Tàu, tin tức, bài vở về vùng biển Hoàng Sa tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng có người vẫn nhầm lẫn tàu Kiểm ngư Việt Nam với tàu Ngư chính của Trung Quốc. Đơn cử bài Cộng đồng Việt Nam tại Bỉ hướng về biển đảo quê hương” (báo Dân trí (18/5/2014) dẫn lại bài của Việt Nam thông tấn xã, mục Tin tức) viết: Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bỉ, ông Marnix Smets, Giám đốc công ty Pinakes kêu gọi Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay hành động xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án. Theo ông Smets, việc tàu Trung Quốc được máy bay yểm trợ đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển của Việt Nam đang làm nhiệm vụ "là hành động xâm lược không thể chối cãi". Chúng ta không rõ đó là nguyên văn lời ông Marnix Smets nói và ông ấy đã nhầm hay người dịch, người viết bài nhầm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu ông Marnix Smets nhầm, TTXVN tại Bỉ khi dịch nên đính chính lại cho phù hợp với thực tế và cách hiểu của người Việt Nam.
 Trở lại vấn đề từ ngữ tiếng Việt với chủ quyền biển đảo. Điều đáng khen của Từ điển tiếng Việt (Vietlex) là đã cập nhật hai từ rất “thời sự” là “ngư chính”“hải giám”. Tuy nhiên, điều chưa được ở đây là Từ điển đã không giải thích đến nơi đến chốn như chúng tôi đã nói. Mặt khác, việc bổ sung những từ này cho việc tái bản lần thứ năm của Vietlex dường như đang còn mang tính tự phát. Do đó mục đích hướng tới độc giả còn rất lơ mơ. Mặt khác, nhiều từ liên quan đến những hoạt động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông được báo chí nói đến hàng ngày chưa được Từ điển thu nhận, giải thích một cách có hệ thống, đầy đủ như: hải cảnh, tuần duyên, đường chín đoạn, đường lưỡi bò,v.v...
Có thể đối với những từ, ngữ như đường chín đoạn, đường lưỡi bò, các nhà làm từ điển sẽ lý giải rằng: Việt Nam không công nhận khái niệm đó nên không đưa vào từ điển. Tuy nhiên theo chúng tôi, dù không công nhận, nhưng hàng ngày hàng giờ, chúng ta và cả thế giới vẫn phải đối mặt với những yêu sách ngang ngược ấy của Trung Quốc. Mà nhiệm vụ của Từ điển là thu thập và giải thích một cách khách quan những từ ngữ, khái niệm được dùng trong thực tế cuộc sống. Người xưa có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bởi vậy, để có thể đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược biển đảo, bác bỏ đòi hỏi sai trái của họ, mọi người dân chúng ta trước hết phải được hiểu rõ hải giám, ngư chính, hải cảnh hay cái gọi là đường chín đoạn, đường lưỡi bò của Trung Quốc thực chất nó là cái gì. Kẻo không chuyện “bi hài” như Báo Giáo Dục Việt Nam nêu: “có sinh viên nhận thức kiểu nghe loáng thoáng, trả lời "râu ông nọ cắm cằm bà kia", khi nói Trung Quốc gọi Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là... đảo lưỡi bò”, “mù tịt về tàu ngư chính, hải giám”, hoặc gọi tàu kiểm ngư Việt Nam là “tàu ngư chính” sẽ còn diễn ra dài dài theo cuộc chiến chống giặc Tàu.
Chúng tôi mong rằng, các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt cần nhanh nhạy hơn để theo kịp tình hình thực tế và không đứng ngoài cuộc trong việc góp phần tuyên truyền, đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét