18 thg 4, 2014

XIN HAY KHÔNG XIN? SAO LẠI XIN? XIN CÁI GÌ?



Chiến sĩ Công an nhổ nước bọt vào mặt dân, sau đó đã
đưa ra lời xin lỗi
Ảnh: ST
Bác Lê Hữu Nghĩa hỏi: 
“Thưa Anh Hoàng Tuấn Công. Tôi có ý chút suy nghĩ thế này, mong được anh chỉ giáo thêm. Lâu nay, và cũng nhân đọc báo thấy Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Cán bộ công chức phải biết 4 xin đối với nhân dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép". Tôi thì cho rằng Tiếng Việt mình làm gì có "xin chào" và "xin cảm ơn" phải không thưa Anh? Chào là chào, thường đi kèm với, ví dụ cháu chào ông, em chào anh, chào cháu, chào em... cũng như thế, cám ơn (cảm ơn) là cám ơn chứ sao lại "xin cám ơn"? Phải chăng, lâu thành quen rồi từ đó sai thành đúng? Anh có nhận xét gì về "4 xin" không?
Rất mong được Anh hồi âm. Chân thành cám ơn Anh”.


Đúng là thông thường, theo lẽ thường, chúng ta chỉ nói “xin lỗi”, “xin phép”. Từ “xin” ở đây có nghĩa ngỏ ý với người nào, mong người ấy cho mình cái gì hoặc đồng ý cho mình được làm điều gì đó. Tuy nhiên, đôi khi từ “xin” lại được dùng ngay với cả những tình huống tưởng chẳng cần gì phải “xin” người ta cũng cho (hoặc phải) cho. Nghe có vẻ thật vô lý ! Tuy nhiên từ “xin” này được hiểu dùng để biểu thị thái đội khiêm nhường, cung kính, không dám “vô phép” ngay cả với “lời chào” lời “cảm ơn” đầy thiện ý.

-Sách “Việt Nam tự điển” của Hội khai trí tiến đức, xuất bản năm 1931 đã ghi nhận từ “xin” theo nghĩa thứ hai này: “2.Tiếng nói với người ngoài tỏ ý cung kính: Xin cảm ơn, Xin vô phép”.

-Từ điển tiếng Việt (Vietlex) "xin: 1 ngỏ ý với người nào đó, mong người ấy cho mình cái gì hoặc đồng ý cho mình làm điều gì : xin tiền ~ xin chữ kí ~ đơn xin việc ~ xin phép mẹ đi chơi ~ xin tha tội. 2 từ dùng ở đầu lời yêu cầu, biểu thị thái độ khiêm tốn, lịch sự : xin giữ trật tự ~ xin mọi người chú ý ~ xin quý khách vui lòng cho xem vé ~ “Tay bưng chén muối đĩa gừng, Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.” (Cdao). 3 từ dùng trong những lời chào mời, cảm ơn, v.v., biểu thị thái độ khiêm tốn, lễ phép : xin vâng ~ xin cảm ơn ~ xin mời vào ~ xin ông cứ tự nhiên ~ xin chúc cụ một năm mới an khang".


-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) "Xinđt. Cầu người hay thần thánh cho mình vật gì, ân-huệ gì, hay làm cho việc gì : Ăn xin, cầu xin, cưới xin, nài xin; xin chỗ làm, xin tiền; Xin trời đừng nắng đừng mưa, Dâm-dâm bóng mát cho vừa lòng tôi (CD).
• Tiếng lễ-phép mở đầu một lời nói : Xin cám ơn, xin vui lòng; Tấm lòng xin ngỏ, chút lời xin thưa (NĐM).
• (R) a) Ăn-mày, xin tiền xin cơm mỗi người, mỗi nhà : Ăn xin, đi xin; b) Xin tha tội nói tắt : Cháu lỡ dại lần đầu, ông cho tôi xin".
    
Trong tiếng Hán, ngoài cách nói “cảm ân” 感恩 (cảm ơn, ít dùng) “tạ tạ” 謝謝 (cảm ơn); “đa tạ” (cảm ơn nhiều) cũng có cách nói biểu thị thái độ cung kính, khiêm nhường, đồng nghĩa với “Xin cảm ơn” trong tiếng Việt. Như Kính tạ 敬謝,(tạ = cảm ơn, kính = cung kính) hoặc: Thỉnh biểu tạ thầm 請表謝忱 (Xin chân thành cảm ơn).

Như vậy, “xin” trong “xin cảm ơn”, “xin chào”...là cách nói biểu thị sự cung kính, nhún mình, nặng về phép xã giao. Bởi vậy, không phải trong văn cảnh nào, mối quan hệ nào thêm từ ‘xin” này vào cũng phù hợp. Ngược lại, nó sẽ trở thành khách sáo, cứng nhắc, thậm chí buồn cười, nếu ta dùng nó trong giao tiếp hàng ngày, ngay với cả những người thân thiết của mình như “Con xin chào bố; con xin chào mẹ” hay “Cháu xin cảm ơn bà”...

Về “4 xin” (đọc bài "Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ phải biết 4 xin") như độc giả Lê Hữu Nghĩa nói. Theo tôi “4 xin” ở đây chỉ có ý muốn nhấn mạnh một điều duy nhất, đó là thái độ phục vụ của những người ở cơ quan công quyền (cụ thể là lĩnh vực cải cách hành chính). Tuy nhiên do yêu cầu phải “tóm” cả “4 xin” lại  thành “khẩu hiệu” đều có chữ "xin" cho dễ nhớ, (kiểu thi đua “Hai tốt” hay phong trào “Ba đảm đang”), trường hợp này có vẻ hơi khiên cưỡng, mơ hồ, vừa thừa, vừa thiếu, dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm (nhất là trong lĩnh vực hành chính rất “nhạy cảm” này). Ví dụ nói “xin cảm ơn” với dân, dễ bị hiểu lầm thành “vòi vĩnh”. Hoặc cán bộ “xin phép” dân trong thủ tục hành chính là "xin phép" cái gì? Xin đi muộn, xin về sớm hay xin phép từ chối (không tiếp, không nhận, không làm), hay cứ làm sai, miễn sau đó nói "xin lỗi" là xong? Và có lẽ lời "xin lỗi" ở đây là "Xin lỗi, chúng tôi không thể làm khác được". Hoặc liệu “4 xin” này đã tập hợp đầy đủ những cái cần “xin” chưa? Quy định thủ tục hành chính còn rắc rối, lằng nhẳng, nghiêu khê, thì thay đổi thái độ phục vụ chỉ là thay đổi cái ngọn. 


Lưu ý, tất cả những câu nói được tóm gọn thành dạng khẩu hiệu, hay "công thức" cho dễ nhớ như: “Bốn đúng” (trong Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật), hay “Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng” (trong Phòng chống bão lụt)... khi nói gọn thì chung chung, nhưng từng điều một ứng với nó lại phải hết sức rõ ràng, cụ thể, đầy đủ, (về mặt chuyên môn) không thêm, không bớt được. 


Thế nên, câu "Danh chính ngôn thuận" không phải lúc nào cũng đúng và đúng trong mọi trường hợp!                                                                                                                                                                                             HTC




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét