11 thg 6, 2014

Trước giờ bóng lăn, “VIỆT VỊ” hay “LIỆT VỊ” ?

                                                  
Hoàng Tuấn Công

Có thể nói, World cup 2014 là một kỳ World cup đến một cách lặng lẽ chưa từng thấy. Chưa đến, chưa qua mà đã thấy buồn, thiếu hẳn sự háo hức, mong chờ, chuẩn bị như mọi lần. Có lẽ tất cả cảm xúc của người dân Việt Nam, ngoài đời cũng như trên báo chí đều đang hướng về biển đảo của Tổ quốc. 
Giàn khoan 981 của Tàu giống như mũi dao đang cắm sâu trên thân mình đất nước ta khiến ngọn lửa yêu nước và tự hào dân tộc dâng lên ngùn ngụt. Nhưng tình yêu bóng đá với Việt Nam cũng giống như nhu cầu ăn uống hàng ngày. Bốn năm mới có một đại tiệc bóng đá. Ta căm thù giặc ngoại xâm và làm tất cả để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng cũng không quên giành tình cảm cho những gì mình yêu thích. Phút “giao thừa” của cái “Tết bóng đá” với những bữa “đại tiệc” linh đình sắp đến. Tuấn Công Thư Phòng xin góp vài lời trước giờ bóng lăn để không khí bớt vẻ trầm lắng.
Trong môn bóng đá, trọng tài thường bắt lỗi vị trí của cầu thủ, gọi là “lỗi việt vị”, “bắt việt vị”. Hai từ “việt” và “liệt” có âm na ná như nhau, bình luận viên lại nói nhanh trên nền âm thanh sôi động của trận đấu nên nhiều người nghe nhầm, nói nhầm “việt vị” thành “liệt vị”. Họ suy đoán, “liệt” có lẽ là trong từ “tê liệt” (chỉ trọng tài phạt lỗi bắt dừng lại, không thể tiếp tục tấn công được nữa). Có người lại cho rằng, “liệt” ở đây là hàng lối. Ý là cầu thủ phạm lỗi “liệt” vị là băng xuống vị trí phía dưới hàng cầu thủ đối phương...Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không phải “việt vị” hay “liệt vị” mà là “việc vị” (!) Nhiều người dùng đúng, nhưng không ít người không biết “việt vị” và “liệt vị” dùng từ nào cho đúng; tại sao lại đúng, tại sao lại sai.
Với khán giả đam mê bóng đá là như vậy. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp chuyện phân biệt “việt” hay “liệt” cũng có sự lúng túng. Báo Lao động ngày 20/1/2014 đăng bài “Công Vinh bị fan chọc quê vì dùng từ “liệt vị”. Bài báo viết: “Công Vinh viết trên facebook của mình: “Rõ ràng là không có lỗi liệt vị.Về xem lại băng ghi hình cũng không phải liệt vị, làm mình ức chế tâm lý sau quả này ghê. Nhưng vẫn phải chấp nhận thôi biết sao được, quan trọng là đội mình hôm nay thắng trận đầu tiên ở tại sân Vinh. Hy vọng năm nay đầu xuôi đuôi lọt. Cheer”.

Kèm theo dòng trạng thái này, Công Vinh dán thêm đường dẫn video quay chậm bàn thắng. Ngay lập tức chủ đề này thu hút cả trăm bình luận và hơn nghìn lượt “like”. Nhiều fan nhanh chóng bắt lỗi chính tả của Công Vinh: “Việt vị chứ không phải liệt vị. Có phải Công Vinh không vậy?”. Một số fan ruột khác ra sức bảo vệ Vinh: “Ở miền Trung, liệt vị hay việt vị đều đúng nhé các thánh”. Còn số khác thì viện dẫn cả luật bóng đá để chứng minh “việt vị” mới là từ chuẩn. Thậm chí, có fan còn phân tích nghĩa Hán Việt của từng từ cấu thành nên chữ “việt vị” để giải thích cho rõ ràng”.
Tưởng thế là xong. Nhưng phía dưới bài viết này lại có thêm những phản hồi của bạn đọc:
Đăng Minh - 
 "Liệt vị" là đúng đấy các bạn ạ. Tiếng nga là "положение вне игры", tiếng anh là offside đều có nghĩa "vị trí ngoài cuộc chơi", tức vị trí liệt. Gọi việt vị là do không biết, dùng quen mồm..Lỗi ở tận VFF, bộ môn bóng đá của Đại học TDTT...Đã có 1 thời các bình luận viên bóng đá nói "liệt vị" chứ không nói "việt vị" như bây giờ đâu.
Thanh Nhàn
Thanh Nhàn - 

"Liệt vị" mới đúng. Tiếng Anh dùng từ "off site" nghĩa là " chỗ chết, "liệt" là chết, "vị" là vị trí. Cầu thủ đứng ở vị trí chết (dưới hàng phòng ngự), chờ sẵn bóng đến. Còn "việt vị" chẳng có ý nghĩa gì cả trong từ Hán-Việt. Chẳng qua dùng mãi thành quen giống như từ "khuyễn mại" mà mọi người dùng thành "khuyễn mãi". Khuyến là khuyến khích, mại là mua, khuyến khích mua, "thương mại "là là mua bán.
Thế là “việt vị” với ‘liệt vị” cứ lung tung cả. Ai phân tích nghe cũng có lý, chẳng biết đường nào mà lần !
Vậy “việt vị” hay “liệt vị” ? Có thể khẳng định rằng “việt vị” chứ không phải “liệt vị”. Nhưng tại sao lại gọi lỗi đó là “việt vị” ? Theo nghĩa Hán-Việt “việt” là vượt qua, vượt lên, “vị” là nơi, chỗ, vị trí. “Việt vị” nghĩa là một người nào đó (ở đây cụ thể là cầu thủ bóng đá) đã vượt quá vị trí mà luật bóng đá quy định trong tình huống tấn công. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bản tiếng Việt cũng như Hán ngữ đều dùng từ “việt vị” chứ không dùng “liệt vị”.

Túc cầu việt vị đồ giải (đồ giải tình huống việt vị trong bóng đá) 
                      trên một trang mạng Trung Quốc
Yếu tố gốc Hán “việt” với nghĩa vượt qua, vượt lên còn xuất hiện trong các trường hợp khác như: “việt cấp” (vượt quá bực) “việt lễ” (vượt qua lễ phép), “việt quyền” (vượt qua quyền hạn của mình),v.v...Trong khi từ Hán Việt, “liệt vị” chỉ có nghĩa là: các ngài !

Sách "Trung dung, việt vị" (Tố nhân trung dung bất bình dung, Tố sự đáo vị bất việt vị)" dạy cách xử thế: làm người trung dung mà không tầm thường, hết lòng vì công việc, chức vị mà không việt vị xuất bản ở Trung Quốc.
Nói đến lỗi việt vị trong bóng đá, chúng ta lại liên tưởng việc làm của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc chấp nhận tham gia Công ước quốc tế về Luật biển, nghĩa là chấp nhận luật chung của thế giới. Vậy mà khi vào cuộc chơi, Trung Quốc lại đòi đẩy vạch ngang ở đường trung tâm giao bóng xuống tận vòng 16m50 của đội bạn, đòi phần sân của mình phải sát đến cầu môn của đối phương rồi cứ ngang nhiên dẫn bóng xộc thẳng sang tấn công, bất chấp luật thế nào. Khi bị trọng tài thổi “việt vị” đội Trung Quốc vẫn cứ ngang nhiên “ghi bàn” và đòi công nhận “bàn thắng”. Khi bị cầu thủ đội bạn phản ứng thì Trung Quốc lại nằm lăn ra ăn vạ, khiếu nại trọng tài là bản thân mình bị “phạm lỗi”, mình bị “cản trở” tình huống tấn công. Rốt cuộc là cả “đội bóng” Trung Quốc, huấn luyện viên, lẫn cổ động viên nhà xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với trọng tài và đội bạn, đòi “kết thúc trận đấu” với phần thắng về phía mình (!)  Thật đáng xấu hổ !
Xem World cup 2014 chúng ta tin tưởng rằng, “đội bóng” Việt Nam của chúng ta, khán giả của chúng ta, trọng tài quốc tế và cả thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận cái kiểu ngang ngược, tự vẽ lại sân bóng, thay đổi luật chơi có lợi cho mình như kiểu của Trung Quốc. Trước sau, Trung Quốc cũng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã, ê chề trước bàn dân thiên hạ.

(Bài này được viết lại trên cơ sở bài “Việt vị hay liệt vị ?” đăng trên mục “Ngôn ngữ và đời sống” Báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa” số 531- 1998)                                                                                                                                                                  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét