1 thg 5, 2014

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG TÁC HẠI SÂU XA VÀ LÂU DÀI ?

                                                    Phản hồi của bạn đọc Khải Nguyên
                                                                                                 (phucdau05@yahoo.com.vn)
                                                                                HaiPhong
  
TCTP: Hiện nay, Tuấn Công Thư Phòng chỉ đăng bài của chủ BLOG Hoàng Tuấn Công và Cụ thân sinh Hoàng Tuấn Phổ. Một số ý kiến của bạn đọc, dài hay ngắn đều được đăng ở dạng phản hồi. Riêng ý kiến của bạn đọc Khải Nguyên chúng tôi nhận được qua địa chỉ Email (không thể đăng dưới dạng phản hồi) nên xin được đăng riêng, nhưng cũng được xem như một kiểu phản hồi công khai của bạn đọc. Chúng tôi cho rằng, đây là những trăn trở rất có trách nhiệm và đáng suy nghĩ của bạn đọc Khải Nguyên. Cũng nhân đây, chúng tôi mở thêm tiểu mục "Tin nhạn" để đăng những phản hồi công phu và có nhiều ý nghĩa của bạn đọc.
Trân trọng cảm ơn Khải Nguyên và bạn đọc!
                                                                                                                                                 Tuấn Công Thư Phòng
  

Những sai sót tràn lan trong các cuốn tự điển và sách về tiếng Việt của cố giáo sư Nguyễn Lân đã được các ông Hoàng Tuấn Công, An Chi, Lê Mạnh Chiến, ... phát hiện từ đã khá lâu, đến nay không thấy ai phản bác (trừ phản ứng của ông N.L.D., nhưng không vì tri thức, học thuật mà vì “uy danh” đã được xác lập của một người “nổi tiếng”). Do vậy, vẫn được để cho vô tư “xài”. Rồi đây mãi thành “quen”, hoặc như ngạn ngữ đã nói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, chẳng còn ai lưu tâm hay chẳng ai “có sức”, có đủ kiên nhẫn để vạch ra nữa thì không biết “sự trong sáng của tiếng Việt” sẽ ra sao?! Tác hại trước mắt thì đã rõ trên không ít trên sách báo, trong các bài diễn đạt của học sinh, sinh viên, thậm chí của giáo viên, trong các văn bản chính qui và không chính qui, ...  Nữa, tác động đến các biên tập viên của báo chí, nhà xuất bản (người viết bài này từng nếm mùi “phiền lụy” khi  biên tập viên văn học của một nhà xuất bản viện đến tác phẩm của GS NL).
Trách nhiệm trước hết thuộc về tác giả các “công trình” kia, nhưng nay đã quá cố nên thuộc về  những người thừa kế tinh thần, nếu có. Kế đó là của nhà xuất bản từ biên tập viên trực tiếp cho đến tổng biên tập, giám đốc. Nhưng xét cho cùng thì tác động quyết định thuộc về các cơ quan chức năng và các tổ chức nghiệp vụ có liên quan., và do vậy, đó cũng là trách nhiệm tối hậu.
Tôi từng giản đơn nghĩ rằng lẽ ra, một khi đã được “báo” một “sự kiện động trời” như thế thì các cơ quan chỉ đạo có liên quan (Giáo dục&Đào tạo, Văn hóa), các tổ chức học thuật (ngôn ngữ, văn học, ... ) phải “động”. Người ta sẽ lập tức họp bàn, nhận định, kết luận rồi ra thông báo ngừng sử dụng, ra quyết định thu hồi hoặc tiêu hủy, vân vân. Gì chứ việc cấm và thu hồi thì ở nước ta đâu có nhu nhơ! Thường thì khá nhanh nhạy, có những số báo, cuốn sách vừa ra lò đã có lệnh thu hồi. Một khi đã phát hiện “có vấn đề”(!) thì kiên quyết xử lí, như trường hợp luận văn thạc sĩ của cô Đỗ thị Thoan cách nay chưa lâu. Thế mà trường hợp các tác phẩm về tiếng Việt của cố GS Nguyễn Lân thì  lại thờ ơ vậy!
Tất nhiên, chuyện chẳng hề đơn giản. Nhiều cuốn sách ra đã lâu, việc thu hồi hay tiêu hủy khó thực hiện thì có thể ra quyết định và thông báo “vô hiệu hóa”. Xong, không phải là hết chuyện. Ít ra thì nhà xuất bản phải cùng người thừa kế quyền tác giả mời những người phát hiện và một số chuyên gia ngôn ngữ (thực tài) tìm cách sửa chữa, hiệu đính trước khi tái bản, -với lời cáo lỗi. Nếu cách này không ổn thì cần dựa vào những người và cơ quan có khả năng và có trách nhiệm soạn thảo các tác phẩm thay thế. Không thể “bỏ trống trận địa” hoặc bỏ mặc! Đành rằng đã có những cuốn từ điển của những người khác, song các cuốn của cố GS NL lại nhân danh chuyên đề!
Hay là chuyện này chẳng chết ai, chẳng động đến quyền và lợi của ai! –Nhưng sẽ “chết” tiếng Việt, động đến văn hóa Việt, tinh thần Việt!
Hay là “vuốt mặt phải nể mũi” ! Chẳng ai vì nể “cái mũi”, dù quí giá cao sang mấy đi nữa, mà để dơ hay trơ “cái mặt”! Vả, dọn “cái mặt” chính là để chỉnh trang “cái đầu”! “Cái mũi” không góp phần thì thôi, chứ chẳng phải “hi sinh” gì cả! (“Cái mũi” khư khư giữ tiếng cho “cái mặt” hay cho chính nó?).
Thấy nói dự định của ông Hoàng Tuấn Công là sẽ công bố thành sách in những phát hiện của mình. Đây là một tin mừng. Nhưng chỉ “phản bác” như vậy e chưa đủ. Những tác phẩm của NL vẫn ngự trong các thư viện, tủ sách, hay đơn giản hơn là trong cặp, trên bàn làm việc của những ai cần tham khảo. Chẳng phải ai cũng biết đến hoặc có điều kiện đọc các bài phản bác. Cần kiên quyết dọn, càng quang càng tốt, “khu vườn tiếng Việt”; và cũng cần kiên quyết và kịp thời cho ra những tác phẩm thay thế, -mong và tin rằng ngày càng hoàn chỉnh. Vì người Việt và những ai yêu mến tiếng Việt! Chẳng những để cho các thế hệ mai sau mà cho chính lúc này!

                                                                                          29/4/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét