29 thg 4, 2014

BẮT BÈ BÈ

                                                               
Chim bè bè (chim giang)
                                               Ảnh:  Wikipedia

  Hoàng Tuấn Phổ

Làng tôi xưa có cánh đồng trũng lòng chảo, rộng ước 50 hecta, quanh năm ngập nước. Mùa khô, nhà nông cấy lúa chiêm ở ven đồng, lúa mọc lơ thơ, còi cọc. Thu hoạch mùa màng không đáng kể, nhưng tôm cá là “của kho vô tận”. Lệ làng cấm đánh lưới, chỉ cho phép đánh câu, đánh nơm, đánh nhủi,... 


Do đó thủy sản luôn luôn dồi dào, là nguồn thức ăn hấp dẫn bao giống chim trời, vịt nước, lắm khi chúng kiếm ăn lẫn với vịt nhà. Những con diệc xám cao lớn đứng trầm ngâm chờ lũ cá đến dâng mồi. Những con ngốc (cốc) đen kịt vừa lặn vừa chơi như trẻ tắm ao... To lớn nhất là con bè bè (chim giang hoặc giang giang). Mỏ nó bằng cả cánh tay người lớn. Thân hình nó thật đồ sộ, lông cánh lù xù giống chiếc áo tơi của bà con nông dân thời xưa khâu bằng lá kè. Nó kiếm ăn ở vùng nước sâu giữa đồng, mùa khô cũng ngập đến rốn. Nó di chuyển bằng cách nổi lềnh bềnh trên mặt nước như kẻ nhàn du, mặc cho gió đồng dợn sóng đẩy đưa. Tên bè bè có thể do người ta hình dung loại chim này giống một bè cỏ, hay bè rác đang trôi nổi trên đồng sâu chăng? Mà thật vậy, nhìn xa xa, rất khó phân biệt chim bè bè với những bè cỏ năn, rạ rác nhấp nhô trên đồng.
Săn bè bè theo cách cổ truyền ở quê tôi là bắt bằng tay không.
Lúa chiêm cấy chung quanh đồng. Gặt xong, người ta cắt rạ, đắp lại thành từng đống nhỏ. Sau cơn mưa rào, nước nổi, rạ rác nổi theo, bị sóng đồng đẩy trôi đến vùng nước sâu. Bè bè khi đã ních đầy diều cá, thường lên đống rạ, rỉa lông, chuốt mỏ, nghỉ ngơi thoải mái. Nó cũng hay khoanh cổ, rúc mỏ vào cánh đánh một giấc ngủ say như chết. Tuy vậy thính giác bè bè rất tinh nhạy. Một tiếng động lạ dù nhỏ đến đâu nó cũng dễ dàng nhận ra. Nó lập tức mở tròn đôi mắt, và nếu thấy có sự nguy hiểm, cả thân hình to kếch xù liền bật dậy, dưới đôi cánh trải dài tựa cánh quạt trực thăng...
Thỉnh thoảng vẫn có người từ nơi khác đến săn các loài chim nước bằng súng. Đôi khi họ bắn được vịt trời, két, diệc xám... nhưng chưa bao giờ làm rụng nổi một cái lông con bè bè. Trái lại, tiếng súng nổ càng khiến cho con bè bè thêm cảnh giác. Không có cách gì để tiếp cận nó, mặc dù người ta đội cả bè cỏ bơi ra...

Bè bè ở Kiên Giang
Cách bắt bè bè bằng tay không cũng dùng cỏ rác để ngụy trang. Thói quen của bè bè thường chỉ kiếm ăn ở một chỗ nhất định tại vùng nước sâu giữa đồng. Nếu không có sẵn những đống rạ, rác tại chỗ, người ta đem rạ rác từ nơi khác, tạo thành vẻ tự nhiên và để ít hôm bè bè làm quen, cảm thấy an toàn tuyệt đối. Chọn thời điểm trời còn tối, người ta chui vào đống cỏ rác, trên mình chỉ độc một chiếc khố, để màu da rám nắng dễ lẫn với màu rạ khô. Ai chịu lạnh kém, phải ngậm trong miệng một ngậm nước mắm tép cô đặc để chống run và chống ho. Khi bè bè đến, người ta phải nằm im phăng phắc, tránh mọi sơ hở khiến nó nghi ngờ bỏ đi.
Sáng sớm, diều bè bè lép kẹp. Nó xơi ngay mấy con cá bất kể to nhỏ để điểm tâm. Sau đó mới thong thả lựa chọn những chú cá vừa to vừa ngon như cá quả, cá diếc. Nó chẳng cần mất công lặn lội thân cò hay vất vả lặn mò thân vịt. Trong  giống chim nước nó là tay “sát cá” bậc nhất. Ăn no căng diều, phởn chí nó mới nghĩ tới chuyện chải chuốt làm duyên rồi đánh một giấc ngủ thần tiên như loài chim hạc ta thấy đứng co chân trên tranh vẽ.
Bấy giờ người ta nhẹ nhàng luồn tay khỏi lớp cỏ rác che hờ, tóm lấy cẳng chân bè bè. Cũng như hạc, khi ngủ bè bè chỉ đứng một chân. Vì thế tóm được chân nào phải nắm chặt thân ấy, bằng cả hai tay. Nó cố sức vùng vẫy, đôi cánh vạn dặm quạt tung cả nước. Người săn chim tưởng chừng bè bè có thể đưa cả mình bay lên như đại bàng trong truyện cổ tích. Nhưng không, nó chỉ vùng vẫy một lúc rồi đuối sức dần, người ta đè lên mình nó rồi bẻ gẫy cổ hoặc trói chặt đôi cánh.
Mỗi khi bắt được một con bè bè, cả nhà mừng, cả xóm vui, thậm chí cả làng già, trẻ kéo tới xem. Đó là niềm vui chung, niềm chinh phục thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên của người xưa bằng đôi tay trần trụi của mình.

                                                                                                  HTP

Trích "Văn hóa đánh bắt chim thú, tôm cá ở Thanh Hóa"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Khoa học xã hội-2004




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét