Cổng phía Nam thành Tây Đô Ảnh: ST |
“Thành đá không bằng dạ người Thành (xây bằng) đá cũng chẳng (bền vững bằng những thứ được ghi giữ lại trong) lòng dạ con người. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Những gì được người đời ghi giữ trong lòng mới là những thứ lâu bền đích thực”.
Đó là giải thích của Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010).
Nguyễn Đức Dương hiểu sai nghĩa đen nên giảng sai luôn nghĩa bóng. Ông đã lầm “thành đá” ra “bia đá”, rồi liên tưởng đến câu “Trăm năm bia đá còn mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” chăng?
Thực ra, “thành đá” ở đây ví
với sự xây đắp, củng cố lực lượng để bảo vệ cơ đồ của một triều đại hoặc một
thể chế, một quốc gia. Nhưng quân đội lớn mạnh, thành cao, hào sâu bao nhiêu
chăng nữa mà không thu phục được nhân tâm, không được ủng hộ bởi lòng dân, lòng
trời, thì triều đại, thể chế, quốc gia ấy không những khó có thể đứng vững, mà còn sẽ
nhanh chóng sụp đổ, nhường chỗ cho một triều đại, thế lực mới, thậm chí mất cả
giang sơn vào tay ngoại bang.
Có lẽ câu tục ngữ tổng
kết từ bài học lịch sử cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.
-Hồ Quý Ly trong tay có
tất cả: giang sơn gấm vóc, quân đội hùng mạnh, thành cao, hào sâu... Nhưng “Nhân họ Hồ chính sự
phiền hà / Để trong nước lòng dân oán hận”[1] Khi nhà Minh lăm le xâm lược, Tả tướng quốc
Hồ Nguyên Trừng đã sớm bày tỏ sự lo ngại với Thượng
hoàng Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ
sợ lòng dân không theo”.
Một đoạn thành đá Ảnh: ST |
Hồ Nguyên Trừng giăng xích sắt trên
sông, dựng phòng tuyến trải dài mấy trăm dặm quyết tâm chống giặc...Nhưng rồi
tất cả thành luỹ,, phòng tuyến ấy đã lần lượt và dễ dàng tan vỡ trước sức tấn
công ào ạt của quân Minh. Họ Hồ bỏ Kinh đô, lui dần, lùi dần về Thanh Hoá. Thái
thượng hoàng Hồ Quý Ly, Hoàng thượng Hồ Hán Thương, Tả tướng quốc Hồ Nguyên
Trừng,... đã không dám thủ thành chiến đấu. Cha con họ Hồ bỏ cả cơ đồ Đại Ngu,
bỏ cả Tây Đô thành đá sừng sững có một không hai... trốn chạy vào vùng Nghệ An,
Hà Tĩnh. Nhưng rồi giặc Minh cũng đuổi kịp. Chỉ có bảy thằng giặc quèn mà đủ
sức trói cổ một ông vua oai trùm thiên hạ - Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly - giải
về Kim Lăng kinh đô nhà Minh, cùng với tất cả anh em con cháu họ Hồ lần lượt bị
bắt sống sau đó.
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai Ảnh: ST |
-Lê Lợi dựng cờ khởi
nghĩa khi đất nước đã rơi vào tay giặc:
“Vừa khi cờ nghĩa dấy
lên/Chính lúc quân thù đang mạnh./... Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu…/Khi
Linh Sơn lương cạn mấy tuần / Lúc Khôi Huyện quân không một đội...”.[2]
Nhưng Lê Lợi được lòng trời, lòng người. Khắp vùng miền Tây Thanh Hoá-Nghệ An, không ở đâu in dấu chân nghĩa quân Lam Sơn mà không lưu giữ những truyền thuyết về sự che chở tài tình của thần linh, mưu trí của dân chúng, giúp Lê Lợi và nghĩa quân bao lần thoát chết trong gang tấc trước sự truy đuổi ráo riết của giặc Minh. Đặc biệt, khi Lê Lợi bị vây hãm ở Trịnh Cao, Lê Lai liều mình cứu chúa, giả xưng là Chúa Lam Sơn, dẫn 500 quân cảm tử xông vào trại giặc tả xung hữu đột để mở đường thoát cho Chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân.
“Quân lính một lòng
phụ tử”, trải mười năm nếm mật nằm gai, Lê Lợi cùng đại quân từ Nghệ An, Thanh
Hoá, tiến dần ra Bắc, lần lượt phá luỹ, vây thành, hạ trại, quét sạch giặc Minh
khỏi bờ cõi, thu lại giang sơn gấm vóc Đại Việt.
Bài học lịch sử “Thành
đá không bằng dạ người” đến hôm nay vẫn còn giá trị.
HTC/7/2021
Chú thích: [1]; [2] trích “Bình Ngô đại cáo”.
Kiến giải uyên bác, thuyết phục. Cám ơn HTC. Đặc biệt, càng minh định tục ngữ, thành ngữ Việt không có tính đa nghĩa.
Trả lờiXóa