26 thg 6, 2015

Thêm một vụ đột nhập Tuấn Công thư phòng

         
       HOÀNG TUẤN CÔNG

Báo “Người Lao Động” số ra các ngày 15 và 16/6/2015, đăng bài “Văn mẫuđầy…sạn” của Hoàng Tuấn Công (Bản đầy đủ “Bốn Thạc sĩ văn học và những bàivăn mẫu đầy sạn” ngay sau đó đăng trên Blog Tuấn Công thư phòng). Bài viết chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong hai tập sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” (NXB Văn hóa thông tin tái bản lần 2) của Nhóm 4 Thạc sĩ: Trương Thị Hằng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đào Thị Thủy, Nguyễn Thị Dậu.


Hơn 1 tuần sau, báo “Nông nghiệp Việt Nam” số 124 (4797) ra ngày 23/6/2015 đăng bài “Ê chề văn mẫu” của Tâm Huyền, cũng viết về sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” của Nhóm 4 Thạc sĩ nói trên. Điều đáng nói, bài viết của Tâm Huyền đã vi phạm nguyên tắc tối thiểu của người cầm bút, đó là: trích dẫn khi sử dụng thông tin, tư liệu của người khác. Nói cách khác, đây là một kiểu đạo văn khá tinh vi.

Bài viết của Tâm Huyền trên báo "Nông nghiệp Việt Nam"


Phần lớn nội dung bài “Ê chề văn mẫu” tóm tắt một số sai sót trong sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” mà chúng tôi đã chỉ ra trước đó 8 ngày trên báo “Người Lao Động” và Blog Tuấn Công thư phòng. Nhưng cô (?) Tâm Huyền không hề dẫn nguồn tham khảo hay trích dẫn cụ thể. Ngược lại, tác giả bài báo đã "mập mờ đánh lận con đen" khi viết: “Nhiều đơn vị xuất bản lao vào cuộc đua ấn hành văn mẫu, khiến mảng sách nhạy cảm này trở thành một thị trường bát nháo và hỗn loạn. Cuốn sách“Những bài làm văn mẫu lớp 8” vừa bị phanh phui là một ví dụ ê chề!”. Và "không chỉ hành văn chuệch choạc, hàng loạt kiến thức ngây ngô trong cuốn sách đã được độc giả chỉ ra.” (chúng tôi nhấn mạnh)

          Xin hỏi, “vừa bị phanh phui” ở đâu, “độc giả chỉ ra” là ai? Một kẻ chôm đồ của thiên hạ về dùng, lại đề mấy chữ chú thích: “Vật tôi đang dùng này của một người khác” rồi ung dung tự cho rằng ta không hề ăn cắp mà được sao?

Bài "phanh phui" của chúng tôi đăng trên báo “Người Lao Động” (gồm cả báo giấy, báo điện tử, sau đó đăng lại trên trang Blog cá nhân của tác giả), phải đâu chuyện tào lao vỉa hè khiến báo “Nông nghiệp Việt Nam” không biết trích dẫn, hay liên hệ xin phép tác giả thế nào?

Một mặt, tác giả Tâm Huyền sử dụng thông tin của chúng tôi, mặt khác đánh lừa bạn đọc bằng cách thêm vài câu bình luận cho có chút "sáng tạo". Thế nên, nếu không đọc bài trên báo NLĐ và TCTP bạn đọc sẽ không biết thông tin nào do "độc giả chỉ ra", thông tin nào của Tâm Huyền “phát hiện”. Điều đáng nói, những câu Tâm Huyền thêm thắt, xào xáo chứng tỏ tác giả hiểu rất lơ mơ về vấn đề đang bàn. Ví dụ:

          -Trong bài “Văn mẫu đầy…sạn” chúng tôi viết:"Phần “Dàn bài”, nhóm soạn giả viết: trâu có “thời gian mang thai 11 tháng” (tr. 58). Phần “Bài làm” (tr. 59) lại viết: “Thời gian mang thai của trâu kéo dài 12 tháng”. Chỉ trang trước, trang sau, cùng nói về thời gian mang thai của trâu nhưng 2 số liệu chênh lệch nhau tới 1 tháng. Vậy các em học sinh biết tin vào đâu? Quan trọng hơn, cả hai thông tin này đều không chính xác. Bởi thời gian mang thai của trâu trong khoảng từ 10-11 tháng, tùy giống (giống trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày) Chưa thấy tài liệu nào nói trâu mang thai 12 tháng."

          -Bài “Ê chề văn mẫu” Tâm Huyền viết: "dàn ý viết “trâu có thời gian mang thai 11 tháng”, thì phần bài làm lại viết “thời gian mang thai của trâu kéo dài 12 tháng”. Thử hỏi, 1 tháng dôi dư kia, học sinh trung học phổ thông biết vứt đi đâu?". Đáng chú ý, Tâm Huyền bình luận thêm: "Không cần phải trích lục đến tài liệu khoa học của Viện Chăn nuôi, hầu hết người dân có chút hiểu biết về nông thôn đều có thể khẳng định trâu có thời gian mang thai khoảng 320 - 325 ngày...."

          Đây là một kết luận hồ đồ, vì vấn đề không hề đơn giản như vậy. (Có vẻ như Tâm Huyền ngầm chê chúng tôi đã phải dẫn quá nhiều tài liệu tham khảo khi viết bài?) Thực tế, dù đã hỏi những gia đình nông dân trực tiếp chăn nuôi trâu nái (không phải “người dân có chút hiểu biết về nông thôn” nói chung), chúng tôi vẫn nhận được đáp số rất khác nhau về thời gian mang thai của trâu (có thể chênh lệch nhau tới 1 tháng). Sách "Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu" (TS Phùng Quốc Quảng-NXB Nông nghiệp-2009) cũng viết như sau: "Độ dài thời gian mang thai của trâu dài hơn của bò (ở bò trung bình 280 ngày), biến động từ 331 đến 334 ngày (phần lớn từ 300 đến 330 ngày)". Từ xa xưa, những người mang thai quá 9 tháng 10 ngày chưa đẻ, dân gian gọi là "chửa trâu" là vậy (nghĩa là thời gian mang thai dài hơn bình thường, không theo kỳ hạn nhất định). Trâu Việt Nam thuộc nhóm trâu đầm lầy, nhưng đã được lai tạo với trâu Mura-Ấn Độ (thuộc nhóm trâu sông) từ những năm 70 của thế kỷ trước. Bởi vậy, thời gian mang thai cụ thể của mỗi con trâu càng có sự khác biệt. Nếu nói: "Không cần phải trích lục đến tài liệu khoa học của Viện Chăn nuôi, hầu hết người dân có chút hiểu biết về nông thôn đều có thể khẳng định trâu có thời gian mang thai khoảng 320 - 325 ngày" là nói liều. Ấy là chưa kể đến việc cầm bút phản biện mà không có căn cứ khoa học khác nào "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"?

-Chúng tôi chỉ ra cái sai của Nhóm 4 Thạc sĩ khi phân tích bài thơ “Nhớ rừng”, Tâm Huyền cũng chỉ ra cái sai của Nhóm 4 Thạc sĩ khi phân tích bài “Nhớ rừng”. Tuy nhiên, do không biết sách “Những bài tập làm văn mẫu” mày ngang mũi dọc thế nào, lại không đọc kỹ bài viết của chúng tôi nên Tâm Huyền đã nhầm lẫn. Ví dụ:

-Chúng tôi viết: “các soạn giả đã hiểu câu thơ"Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt" thành "con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình" và "Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát", "đầy kinh hãi lo lắng"?  Có thể khẳng định, các vị Thạc sĩ văn học đã giảng bậy,hiểu sai hoàn toàn ý thơ của tác giả "Nhớ rừng". Vì, câu thơ trên nằm trong đoạn hồi tưởng "Thuở tung hành hống hách những ngày xưa..." của chúa sơn lâm với sức mạnh vô song và quyền uy tuyệt đối: "Ta biết ta chúa tể của muôn loài, Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi...", mỗi bước chân "ngài" đều "dõng dạc đường hoàng" ("Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng")...đâu có chuyện con hổ bị "truy sát", "đầy kinh hãi lo lắng"?

“Ê chề văn mẫu” của Tâm Huyền viết: “Bài thơ “Nhớ rừng” rất nổi tiếng của Thế Lữ, mượn lời một con hổ trong vườn bách thú để bộc lộ tâm tình. Không ngờ, văn mẫu lại phân tích: “Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát, con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình”. Có sự nhầm lẫn nào ở đây chăng? Một bài cảnh báo săn bắt thú rừng đã đánh tráo bài tập làm văn chăng? (…) Văn mẫu của thạc sĩ đúng là “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”!

Căn cứ đoạn trích trên, chúng tôi cho rằng, Nhóm tác giả “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” có thể đồng khởi kiện cô Tâm Huyền về tội vu khống. Vì Nhóm 4 Thạc sĩ chỉ hiểu sai câu thơ “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” (nằm trong đoạn con hổ hồi tưởng về những tháng ngày tự do), chứ không giảng sai, hiểu sai toàn bộ nội dung bài thơ như Tâm Huyền quy kết.

Ngoài “tham khảo” bài “Văn mẫu đầy…sạn” trên báo “Người Lao Động”, Tâm Huyền còn đột nhập TCTP, chép lại một đoạn viết không có trên NLĐ.Nếu so sánh, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy:

          -“Bốn Thạc sĩ văn học và những bài văn mẫu đầy sạn” (bản TCTP) viết: "Có bạn đọc sẽ nghĩ rằng: sinh học không phải là địa hạt của các Thạc sĩ văn học, bởi vậy, nhóm soạn giả khó tránh khỏi sai sót, chúng ta nên thông cảm. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Khả năng cảm nhận, phân tích, hành văn của Nhóm soạn giả cũng có nhiều điều đáng nói."

          -"Ê chề văn mẫu" viết: "Những thiếu sót về kiến thức phổ thông có thể bỏ qua, nếu biện giải thạc sĩ văn chương thường… lơ mơ. Tuy nhiên, khi bàn trực tiếp về văn chương thì cuốn sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” càng bộc lộ thái độ tùy tiện và lệch lạc về cảm nhận tác phẩm."
         
          Nếu báo “Nông nghiệp Việt Nam” có ý tốt, muốn thêm nhiều độc giả biết tới những sai sót trong “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8”, chỉ cần đăng lại bài của chúng tôi là đủ, sao phải nhọc lòng xào xáo, thuật lại những điều “độc giả” “nào đó” đã “phanh phui”?

Nhìn chung, “Ê chề văn mẫu”  là một bài viết nặng về sao chép, què quặt về thông tin. Trong khi chúng tôi chỉ ra một cách hệ thống những sai sót trong sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” thì trong khi “xào” lại, Tâm Huyền đã bỏ bớt đi nhiều thông tin quan trọng và thêm vào những lời bình sai lệch, vụng về. Ngay như bức ảnh minh họa “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” chúng tôi chụp còn in hằn nếp gấp khi tra cứu, sử dụng cũng bị “Ê chề văn mẫu” copy về sử dụng mà không một dòng chú thích.









Ảnh trên: Chụp màn hình ảnh minh họa bài "Ê chề văn mẫu" trên báo điện tử "Nông nghiệp Việt Nam"

Ảnh dưới: Ảnh minh họa bài đăng trên báo Người lao động và Tuấn Công thư phòng.



Trong bài, “Thời của hai chữ đạo văn” (đăng trên TCTP và báo Lao Động-Bắc miền Trung-Xuân 2015) chúng tôi đã viết như sau:

“Có lẽ hành vi trộm cắp đầu tiên của con người đơn giản chỉ là miếng ăn, sau đó mới đến của cải vật chất; cuối cùng, và “cao cấp” hơn cả là ăn cắp trí tuệ! Tuy nhiên, xét bản chất hành vi thì ăn cắp trí tuệ đáng phê phán và đáng hổ thẹn nhất. Bởi những người đạo văn đều có chữ, được học hành, giáo dục tử tế, đáng ra là lực lượng trí thức sáng tạo của đất nước. Vậy mà họ lại trộm cắp trí tuệ, giết chết văn chương, học thuật sáng tạo-học theo cái nghề thượng cổ vốn là vụng trộm miếng ăn, miếng uống của kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”!

Nếu những sai sót trong “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” là “ê chề” thì việc làm của tác giả bài báo “Ê chề văn mẫu” còn…“ê chề” hơn nhiều. Bởi Nhóm 4 Thạc sĩ có thể sai sót, non kém về kiến thức, nhưng họ không phạm điều cấm kỵ đối với người cầm bút: ĐẠO VĂN!

          Chúng tôi và độc giả báo “Người Lao Động”, “Tuấn Công thư phòng” đợi lời giải thích từ báo “Nông nghiệp Việt Nam” về nội dung bài “Ê chề văn mẫu” của Nhà báo Tâm Huyền.



                                          Hoàng Tuấn Công-Thanh Hóa 24/6/2015

Một số vụ đột nhập trước đây:

1.Báo Đất Việt.

2.P/vBáo Giáo Dục Việt Nam

3. P/v Báo Gia đình.net

4.P/V Báo Đại đoàn kết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét