18 thg 8, 2014

“Đả thảo kinh xà” và màn “Kim thiền thoát xác” của Báo Đất Việt

       Hoàng Tuấn Công
         Ngày 8/8/2014 Blog Tuấn Công Thư Phòng có bài viết "Sự ngụy tạo ác ý trong "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa", ký tên Huỳnh Cống Tuân. Sau đó, bài này được đăng trên Quê Choa với bút danh Đoài Thôn Nhân.

Bài viết lật tẩy kẻ "ngụy tạo" bài văn viết thư của học sinh trường Tiểu học Kim Đồng-Quy Nhơn, dựng chuyện quan hệ bất chính giữa một Công an phường tên Thanh với vợ một người lính đảo, mặt khác phê phán một số báo đã vô tình "nối giáo cho giặc" như “Đời sống pháp luật" (Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), “Báo Đất Việt” (baodatviet.vn-Diễn đàn của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) Việt Báo (Vietbao.vn -Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI)-Bộ thông tin và truyền thông đăng lại từ Báo Đất Việt-Ban đầu, bài viết của chúng tôi có nêu tên báo này, sau tìm lại, không biết do trục trặc thế nào không thấy đường link, chúng tôi sợ mình nhầm nên gỡ bỏ) Bài của Tuấn Công Thư Phòng được nhiều Blog đăng lại và bạn đọc quan tâm, chia sẻ. Đa số ý kiến bạn đọc đồng tình với quan điểm của chúng tôi.
Vậy trước dư luận bạn đọc, các báo phản ứng thế nào ? 
Ngày 11/8/2014 thấy Báo “Đời Sống Pháp Luật" đã gỡ bài đăng (chỉ còn lại đường link tên bài, kích chuột vào thấy hiện ra đầu báo ĐSPL, nhưng bài bị báo lỗi). Hai Báo Đất ViệtViệt Báo vẫn hiện bài đăng bình thường. Sau đó, dư luận lại xôn xao về một bài báo khác có tên "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ". Ngày 15/8/2014, Bộ Thông tin truyền thông ra quyết định phạt 207 triệu đồng và đình bản Trí thức trẻ 3 tháng vì vụ này. Lại thử xem phản ứng các báo đăng “Bài văn của trẻ...” thế nào, thấy ngay cả đường link bài trên báo Đời Sống Pháp Luật cũng đã được xoá. (Có vẻ với phản xạ nghề nghiệp Báo ĐSPL đã nêu cao tinh thần "cảnh giác", sớm âm thầm chọn kế "Tẩu vi thượng sách” trước khi Bộ Thông tin truyền thông "ra đòn" "Đập cỏ cho rắn sợ" ?) Thấy Trí Thức trẻ gặp “chuyện lớn”, Báo Đất Việt không còn giữ được sự “tự tại” nữa. Tuy nhiên, có lẽ thấy kiểu "Cao phi viễn tẩu" như Báo Đời Sống Pháp Luật không "đáng mặt anh  hùng" nên Báo Đất Việt mới dùng tương kế "Kim thiền thoát xác" rất ngoạn mục để đối phó: Vẫn giữ nguyên tít "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa" của Báo như cũ, nhưng nội dung thì thay bằng bài  "Sự ngụy tạo ác ý trong "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa" tạm gọi là "của" Tuấn Công thư phòng rồi đưa vào mục “Giáo dục” thay vì mục “Góc nhìn văn hóa” trước đây.
Chúng tôi viết "tạm gọi" vì trong khi diễn màn "thoát xác", không hiểu Báo Đất Việt nghĩ thế nào mà lại chọn cách "hoàn hồn" tối kỵ: nửa Đất Việt, nửa Tuấn Công thư phòng. Nghĩa là Báo Đất Việt lấy bài "Sự ngụy tạo ác ý trong "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa" (kể cả tên bài) của Tuấn Công thư phòng, đem về sửa chữa, thêm bớt câu chữ theo ý của mình, tuồn vào vị trí có tít bài cũ "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa" từng bị chúng tôi lên án, ký tên "Hải Lý" rồi mở ngoặc: “theo Blog Tuấn Công thư phòng”. Thế là một bài báo có tới hai tít, theo kiểu “Hồn Trương Ba, Trương Bốn, da Hàng Thịt, Hàng Cá” (?!!)
Trong bài viết của Tuấn Công thư phòng, chúng tôi chỉ đích danh và không đồng tình với cách làm của báo Đời sống pháp luật và của chính Báo Đất Việt, tại sao Báo Đất Việt tự ý “biên tập” lại, bỏ những đoạn ấy đi, chĩa mũi dùi vào bạn đọc rồi mở ngoặc là “theo Tuấn Công thư phòng” ? Chúng tôi có viết như vậy đâu mà “theo” ? Ví dụ, Tuấn Công thư phòng viết: Điều đáng buồn là nhiều trang báo được xem là “chính thống”, “lề phải” có tên tuổi cũng nhảy vào cuộc cùng “câu like”, vô tình nối giáo cho giặc. Mà xem ra trình độ của kẻ “nối giáo cho giặc” này cũng chẳng hơn kẻ làm ra văn bản ngụy tạo kia là bao. (“Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” là một câu tục ngữ lại bị người viết bình luận xếp vào thành ngữ; “Đi hỏi già...” lại viết thành “Đi hỏi nhà...” rất vô nghĩa. Một bài viết như vậy mà cũng thi nhau đăng tải được sao ?)” Thế nhưng nội dung sửa chữa trên Báo Đất Việt lại theo hướng đổ lỗi hoàn toàn cho bạn đọc. Vì bạn đọc thích "mua vui" nên mới có sản phẩm ngụy tạo như vậy. Xin trích nguyên văn: Điều đáng buồn hơn nữa là bài văn khi xuất hiện được rất nhiều người chia sẻ và bình luận như một trò mua vui, giải trí. Nếu không có sự quan tâm của đông đảo mọi người thì thử hỏi có kẻ rỗi hơi nào lại dày công dàn dựng nên những sản phẩm vô văn hóa như thế?”
Đây là những lời bình luận mượn danh Tuấn Công thư phòng rất dị thường của Báo Đất Việt. Vì chính Báo Đất Việt là một trong những “thủ phạm” sớm tham gia vụ việc, tuyên truyền cho “sản phẩm vô văn hóa”, ấy sao bây giờ lại “la làng” lên và đổ hết lỗi cho bạn đọc ? Báo đăng bài phục vụ bạn đọc, khi bạn đọc quan tâm chia sẻ vấn đề mình nêu ra lại phê phán, nào“đáng buồn” vì “được rất nhiều người chia sẻ và bình luận như một trò mua vui, giải trí”, rồi cho rằng nếu bạn đọc không quan tâm thì sẽ không có kẻ nào “rỗi hơi” nguỵ tạo ra “những sản phẩm vô văn hóa như thế” (!) Chẳng lẽ bản Báo quên rằng“sự quan tâm đông đảo của mọi người” trong đó có một “người” rất nhiệt tình là Báo Đất Việt ? (chúng tôi đã kịp ghi lại những lời bình luận về "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa" đó trên chính Báo Đất Việt và in kèm bài viết, nhưng đã bị báo này bỏ đi khi đăng lại bài của chúng tôi).
Thời buổi Internet tựa lưới trời lồng lộng ngang dọc hoàn cầu thì sự lừa dối, bưng bít thông tin chạy đâu cho thoát ? Ví dụ ngay sau khi TCTP đăng bài đã có rất nhiều trang đăng lại. Riêng Lều Báo.vn đăng lại bài viết (có lời xin phép hẳn hoi nhé) và lập tức cộp “dấu chứng nhận": “Lều Báo.vn” đỏ chót cho hai Báo Đời sống pháp luật và Báo Đất Việt kèm bản chụp bài đăng "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa".
Hình ảnh trên trang Lều Báo.vn

Blog không phải là một tờ báo đúng nghĩa với những Giấy phép hoạt động, ban bệ quản lý... Tuy nhiên Blog cũng là một phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi có tên tuổi địa chỉ đàng hoàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật cùng bạn đọc về những phát ngôn của mình. Chúng tôi có quyền tác giả đối với những bài viết đã được công bố với sự chia sẻ và xác nhận của bạn đọc. Bởi vậy, Báo Đất Việt chớ nghĩ rằng bài đăng trên Blog thì không có giá trị bản quyền rồi muốn cắt xén, xào xáo, sử dụng lại thế nào tùy ý. (Bài viết trên Báo Đất Việt ký tên Hải Lý và mở ngoặc “theo Blog Tuấn Công thư phòng” còn lược bỏ, sửa chữa, thêm bớt nhiều đoạn, nhiều câu trong bài viết của chúng tôi  một cách thô bạo. Xin không nêu ra ở đây vì bài đã dài. Bạn đọc có thể so sánh cụ thể ở phần phụ lục cuối bài viết này).
Dân gian có câu: “Con sâu bỏ rầu nồi canh, Một người làm đĩ xấu danh đàn bà”. Chúng tôi không vơ đũa cả nắm mà nghĩ rằng: mọi sai sót đều xuất phát từ những lý do, nguyên nhân và trách nhiệm rất cụ thể. Dân gian cũng nói “Có gan ăn muống, có gan lội hồ”. Ai làm sai, người ấy phải chịu trách nhiệm. Ít ra thấy bài không phù hợp thì cũng nên chọn “thượng sách” như báo Đời Sống Pháp Luật. Sao báo Đất Việt lại lựa chọn màn ảo thuật "Ve vàng lột xác", lập lờ đánh lận con đen, dối trên, lừa độc giả như thế ? (Riêng Việt Báo.vn- Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) thuộc Bộ thông tin và truyền thông đến thời điểm 15 giờ 20 phút ngày 18/8/2014 chúng tôi vẫn thấy “bình chân như vại” với "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa". (Chắc không phải có ý chờ chứng nhận “Lều Báo.vn” ?) Có vẻ tiếng động từ “đám cỏ” Trí Thức Trẻ đã khiến Đời Sống Pháp Luật và Báo Đất Việt hoảng hốt và đã quá lo xa, vì “Trạng chết Chúa cũng băng hà” !
Ảnh chụp màn hình lúc 3 giờ 20 phút ngày 18/8/2014
Qua hai vụ: "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" "Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa", chúng tôi lấy làm ngạc nhiên với quy trình sản xuất bài vở của các báo đăng những bài này. Trong khi “dân chơi” Blog (đến cái danh báo “Lá Cải” cũng chưa bao giờ được vinh dự gọi tên) luôn cân nhắc, rất tôn trọng và hiểu nguyên tắc khi đăng lại bài của nhau, dẫu thay đổi cái tít bài hay lược bớt nội dung cũng phải xin phép hoặc chú thích để bạn đọc hiểu rõ, vậy tại sao Báo Đất Việt lại không nắm được nguyên tắc tối thiểu đó ? Giả sử Tuấn Công thư phòng copy bài viết bản quyền của Báo Đất Việt về rồi sửa chữa, thêm bớt theo quan điểm của mình, ký tên Tuấn Công rồi lại mở ngoặc “theo Báo Đất Việt” liệu có được không ? Nếu không tiếp cận được bài gốc mà chỉ đọc bài “của” Tuấn Công thư phòng trên Báo Đất Việt bạn đọc sẽ nghĩ gì về cách nhìn nhận thiếu công bằng của tác giả ?
Với tư các là tác giả (dưới bút danh Huỳnh Cống Tuân và Đoài Thôn Nhân) người giữ bản quyền bài viết  Sự nguỵ tạo ác ý trong Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa”.. và trách nhiệm đối với độc giả, Tuấn Công thư phòng và bạn đọc chờ một lời giải thích từ Báo Đất Việt.

                                                          HTC 18/8/2014

                                             
Sau đây là màn “Kim thiền thoát xác” của Báo Đất Việt:
“Bài văn khiến cho giáo viên và phụ huynh ngã ngửa
(Giáo dục) - Sự ngụy tạo ác ý trong “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa”
Mấy ngày qua, nhiều trang mạng xã hội và báo điện tử đã đăng tải và chia sẻ “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” khiến cộng đồng mạng xôn xao bàn tán.
Khi được một thành viên chia sẻ trên diễn đàn xã hội, bài văn đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, bình luận của cư dân mạng, nhìn chung là cảm giác ái ngại, “sốc” và … “ngã ngửa”.
Nguyên văn bài văn như sau:
Đề: Các em hãy viết một lá thư gửi cho người thân.
Bài làm:
“Bố kính mến!
Đầu thư con chúc bố sức khỏe, con yêu bố. Thưa bố, từ ngày bố đi công tác ngoài đảo, con rất nhớ bố, nhưng một thời gian con đã quên và không còn nhớ bố nữa, nên bố yên tâm công tác. Ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui, con học hành có tiến bộ hơn trước, bố đừng lo cho con.
Con và mẹ ở nhà có hàng xóm yêu thương và giúp đỡ rất nhiều nhất là chú Thanh công an Phường, ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng me, chú mua rất nhiều quà cho con, còn tổ chức sinh nhật cho con nữa, thỉnh thoảng chú còn khen con đẹp giống mẹ.
Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ, sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về...Con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa, nên bố hãy yên tâm công tác, khi nào xong nhiệm vụ trở về gia đình mình lại sum họp bố nhé. Chúc bố khỏe.
Quy Nhơn,28/07/2014
Người viết thư
Lê Yến Vy”
Bài văn có giọng điệu hồn nhiên, thật thà của con trẻ nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi cho những người lớn xung quanh em. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ bài văn, ta có thể nhận ra sự ngụy tạo vụng về trong bức thư này.
Thứ nhất, xét về hình thức của giấy kiểm tra, ở các trường tiểu học ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố có điều kiện (chi tiết “chú Thanh công an phường”), học sinh làm bài kiểm tra trên mẫu giấy in sẵn chuyên dùng, có chỗ ghi tên trường, lớp, họ tên và khung khi điểm, lời phê của giáo viên.
Còn theo hình ảnh của bài văn ngụy tạo, tờ giấy kiểm tra lại là một tờ giấy ô li được xé ra từ vở, học trò tự kẻ khung, đề họ tên, lời phê. Giả sử trường này không dùng mẫu giấy kiểm tra in sẵn thì thông thường các em cũng được hướng dẫn ghi họ tên, trường lớp, môn kiểm tra ở trên, ở dưới kẻ khung ghi “Điểm” và “Lời phê của thầy, cô giáo” chứ không phải ghi họ tên một bên, một bên là ô ghi “Lời phê” cộc lốc như trong bài văn ngụy tạo kia.
Thứ hai, xét về chữ viết, nét chữ trong bài làm có thể đúng là nét chữ của học sinh tiểu học. Điều này không khó vì kẻ ngụy tạo có thể nhờ một đứa trẻ chép lại. Tuy nhiên phần nhận xét của giáo viên trong ô “Lời phê” thì quả là vụng về.
Luyện viết chữ đẹp là một trong những môn học quan trọng hàng đầu ở bậc Tiểu học, thế nên các cô giáo đều phải viết chữ đẹp, nắn nót để làm mẫu cho học sinh. Còn xét chữ “Xin ý kiến phụ huynh” trong bài văn ngụy tạo kia, một cô giáo Tiểu học không thể viết ẩu, viết xấu và càng không thể nhận xét bài văn một cách cộc lốc, không rõ ràng như thế.
Thứ ba, xét về ngôn ngữ trong bài văn thì càng có nhiều điểm đáng ngờ. Một học sinh Tiểu học không thể viết mỗi một chữ “Đề” mà phải ghi đầy đủ là “Đề bài”. Điều này thì khi chép đề lên bảng cô giáo cũng phải ghi rõ ràng. Hơn nữa trong cách ra đề văn, giáo viên thường chỉ viết “Em hãy…” chứ không dùng từ “Các em”.
Từ này chỉ dùng trong khi nói chứ không viết thành đề bài cho học sinh. Còn về ngôn ngữ diễn đạt của cô bé học sinh trong bài văn, bề ngoài có vẻ ngây ngô, thật thà khi kể tất cả những chuyện không đáng kể ở nhà cho bố nhưng thực chất, nội dung của bài lại được dàn dựng một cách có chủ đích.
Bài làm luôn nhấn mạnh đến “nỗi đau” mất mát tình cảm bố con, nỗi “trớ trêu” của người lính đảo bị vợ phản bội: “ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui (…) ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng mẹ (…) hàng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ (…) con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa…”
Nếu xét về mặt logic, một học sinh Tiểu học đã học đến cách viết một bức thư thì rõ ràng đã có thể nhận thức được về người bố đi lính ngoài đảo xa, không thể nào thờ ơ với bố đến mức như thế mà chấp nhận một “người hàng xóm” ăn ngủ ở nhà mình. Hơn nữa thực tế không thể có một “chú Thanh” nào dám công khai đi lại với vợ một người lính đảo giữa bàn dân thiên hạ, đặc biệt chú Thanh ấy lại còn là công an phường.
Những căn cứ trên đã quá rõ ràng để có thể nhận thấy sự ngụy tạo vụng về đầy ác ý của bài văn. Đây không phải là trường hợp duy nhất bởi thời gian gần đây xuất hiện không ít những bài văn của “học sinh” gây “sốc” được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm mục đích mua vui, “câu like”.
Trong khi báo chí công bố những bức thư thấm đẫm tình cảm của vợ con người lính đảo, khích lệ người lính chắc tay súng vì biển đảo quê hương thì lại có những kẻ thiếu văn hóa, thừa thời gian ngụy tạo ra những bài văn giễu cợt sự hy sinh của người lính, bịa đặt chuyện phản bội ở hậu phương. Càng không thể chấp nhận khi sự giễu nhại ấy lại được đặt dưới trang viết hồn nhiên, vô tư của học sinh Tiểu học. 
Điều đáng buồn hơn nữa là bài văn khi xuất hiện được rất nhiều người chia sẻ và bình luận như một trò mua vui, giải trí. Nếu không có sự quan tâm của đông đảo mọi người thì thử hỏi có kẻ rỗi hơi nào lại dày công dàn dựng nên những sản phẩm vô văn hóa như thế?  (HTC tô đỏ)
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam còn để lại vô vàn những hình ảnh, câu chuyện đẫm nước mắt, đầy đau thương và cảm động về những người vợ, người mẹ có chồng đi lính xa nhà. Câu chuyện đau lòng của “người thiếu phụ Nam Xương” vẫn còn đó, liệu có cần nhẫn tâm dùng chiêu trò mượn lời con trẻ để bịa đặt, mua vui, tạo nên một bi kịch của “vợ chàng Trương” giữa thế kỉ 21?
 Hải Lý (Theo blog Tuấn Công thư phòng)”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét