12 thg 8, 2014

Nguyễn Cừ đã “Giải Nghĩa Tục Ngữ Việt Nam” như thế nào ? (phần III)


           Hoàng Tuấn Công



Ngoài “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”, Nguyễn Cừ còn là tác giả của “Tuyển tập tục ngữ-ca dao Việt Nam” (NXB Văn học); “Tục ngữ Việt Nam” (NXB Văn học) và là đồng tác giả của “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam” (trọn bộ 7 tập-NX Giáo Dục). Như vậy, Nguyễn Cừ là người có nhiều kinh nghiệm và lợi thế trong việc lựa chọn các đơn vị tục ngữ Việt Nam để đưa vào “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”.

Tuy nhiên, xem “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” chúng tôi thấy Nguyễn Cừ giống như người “Vào rừng không biết lối ra...” chẳng hề có biểu hiện gì của một người thợ sơn tràng dày dạn kinh nghiệm. Bởi tác giả chép sai rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, phá hỏng cả kết cấu, gieo vần, từ ngữ đăng đối của dân gian. Mặt khác, Nguyễn Cừ cũng giải thích sai luôn nội dung câu thành ngữ, tục ngữ đó. Sau đây là một số ví dụ:

 

-Thứ nhất thì chết mất cha, thứ nhì gánh , thứ ba ngược đò.

Chính xác là “gánh vã” chứ không phải “gánh rã”. Gánh vã tức là gánh bộ, vất vả nặng nhọc. (Nên có câu “Buôn thuyền (hoặc buôn vai) gánh vã, chẳng đã hà tiện.”)

-Sớm trực, trưa chầu.

Lỗi (không biết lỗi văn bản hay lỗi chính tả?): “chực” (trong chầu chực) chứ không phải “trực” (trong túc trực). Ở đây chơi chữ “chầu” và “chực”.

-Đồng bạc đâm toạc tờ giấy.

Chính xác là: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Hình cái nén bạc nhọn hai đầu mới gợi nên sức mạnh của thế lực đồng tiền có thể “đâm toạc tờ giấy” chứ ? Mà phải là dạng “Vàng thoi, bạc nén” mới có giá trị.

-Ném chuột còn ghê cùi bát.

Lỗi. “Cũi bát” chứ không phải “cùi bát”. “Cũi bát” tức cái giá, cái tủ làm bằng tre, gỗ đựng bát đĩa.

-Hơi có mã đã khoe mình đẹp.

Sai từ ngữ: “có mẽ” chứ không phải “có mã”. Vần “ẽ” gieo với vần “oe” mới đúng. Ta cũng hay nói “khoe mẽ” chứ không nói “khoe mã.”

-Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.

Tác giả viết sai dấu: “ngả đâu là giường” (ngả lưng nằm ngủ một cách tạm bợ); còn “ngã đâu là giường” là say xỉn mất rồi!

-Tránh voi không xấu mặt nào.

“Chẳng xấu” chứ không phải “không xấu”. Hiệu quả của hai từ “chẳng” và “không” khác hẳn nhau, không thể tùy tiện dùng mà được.

-Ba quan tha hồ mở bát:( ....) đặt tiền chọn mặt xấp ngửa.

Sai chính tả. “Sấp ngửa” chứ không phải “xấp ngửa”.

-Thương thì thương cho chót, vót thì vót cho nhọn.

Lỗi chính tả: “thương cho trót” chứ không phải “cho chót”.

-Giặc đến nhà đàn bà phải đánh.

“Cũng đánh” chứ không phải là “phải đánh”. Đánh giặc vốn không phải “nghiệp” của đàn bà. Thế mà “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, ấy mới là đề cao tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của giới “cân quắc anh hùng” chứ, thưa ông Nguyễn Cừ?

 -"Đắng cay cũng thể ruột già, ngọt ngào cho lắm vẫn là người dưng. Coi trọng tình nghĩa anh em họ hàng".

Chẳng có “ruột già” ruột non gì ở đây, mà là từ láy “ruột rà” đó. (Ý nói có quan hệ anh em, máu mủ, dòng tộc huyết thống nói chung). Vế sau: “cũng là người dưng” chứ không phải vẫn là người dưng”.

-"Trẻ được manh áo, già được bát canh".

Viết như Nguyễn Cừ là phá hỏng hoàn toàn hiệu quả gieo vần trong phương pháp sáng tác của dân gian. Hình thức đúng của câu tục ngữ này là: “Già mong mát canh, trẻ mong manh áo mới.” hoặc “Già được bát canh, trẻ được manh áo.

-“Mấy ai biết lúa ven, mấy ai biết con hư: Lúa nhà mình, con nhà mình làm sao mà xấu mà hư được, phê phán tâm lý luôn cho mình là nhất, quá thương con mà không biết con hư.”

Lúa “von” chứ không phải lúa “ven”. “Von” gieo vần với “con”. Hơn nữa “lúa von” là thuật ngữ nông học chỉ một loại bệnh do loài nấm Fusarium moniliforme gây nên bởi nguyên nhân truyền nhiễm hoặc lây nhiễm. Cây lúa (có thể bắt đầu từ thời kỳ mạ) bị bệnh này sẽ mọc cao hơn các cây bình thường, lá lúa nhỏ, dài, ngả màu vàng nên gọi là “von”, (“von” trong từ chon von). Trước đây công tác giống kém, đa số giống không thuần, độ đồng đều trên ruộng không cao. Ruộng lúa có khi chia làm mấy tầng cao thấp, nên khó phát hiện sớm lúa von. Nông dân chăm sóc mãi nhưng chỉ đến thời kỳ trổ bông, kết hạt, thấy lúa không trổ được hoặc có trổ nhưng hạt bị lép, mới biết là lúa bị “von”. Cũng như đứa trẻ mới sinh ra rất ngoan ngoãn, cha mẹ nuôi nấng trong bao niềm hy vọng, nhưng khi lớn lên nó bỗng sinh hư hỏng. (Cha mẹ sinh con trời sinh tính -tục ngữ). Lý do dân gian so sánh “lúa von” với “con hư” là như vậy. Không phải “Lúa nhà mình, con nhà mình làm sao mà xấu mà hư được, phê phán tâm lý luôn cho mình là nhất, quá thương con mà không biết con hư” như Nguyễn Cừ giải thích.

-"Mua trâu xem sừng, mua chó xem chân: Kinh nghiệm mua gia súc, chọn con trâu tốt là phải xem sừng, còn mua chó phải xem chân".

Sừng cũng là một tiêu chuẩn quan trọng khi xem tướng trâu (“Sừng mau cánh ná hiên ngang”-Các khía trên sừng dày, hai sừng phát triển đều, cong cong như cánh ná). Tuy nhiên, câu tục ngữ đang xét phải là “Mua trâu xem vó” chứ không phải “mua trâu xem sừng”, vì ở đây dân gian gieo vần “ó”: “Mua trâu xem vó, mua chó xem chân”. Mặt khác tục ngữ đang nói đến chân của hai loài vật nuôi. Với trâu, phải “xem vó” vì:“Bốn chân một vó ai bì/Móng tròn bát úp khi đi vững vàng” (Tục ngữ có hình thức ca dao) Trâu dù kéo cày hay kéo xe đều cần có bộ móng tròn đầy như bát úp làm việc mới khỏe. Nếu móng cong queo, hở, tõe hoặc móng tréo lên nhau sẽ không tốt khi lội ruộng, không vững khi bám mặt đất. Đối với chó, “xem chân” vì: “Tứ túc huyền đề” (bốn chân đều có móng đeo, kinh nghiệm dân gian là con chó khôn, quý). Như vậy, chẳng những Nguyễn Cừ chép sai về mặt hình thức câu tục ngữ mà cách giải thích “Kinh nghiệm mua gia súc, chọn con trâu tốt là phải xem sừng, còn mua chó phải xem chân” cũng rất chung chung, hời hợt, chẳng “đáng mặt” “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” tí nào.

-"Bìm bịp lại muốn leo nhà gạch: Không biết thân phận lại muốn chơi chèo với người cao hơn".

Câu này Nguyễn Cừ phạm hai lỗi: 1.Lỗi văn bản, từ ngữ: “Bìm bìm” (loài thực vật thân leo) chứ không phải “bìm bịp” (động vật lông vũ). Bởi vậy, hình thức đúng của câu thành ngữ là: “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”2.Lỗi chính tả: “trèo” (trong leo trèo) chứ không phải “chèo” (trong chèo lái).

Nói thêm: Cây bìm bìm thường mọc nơi hoang dại, phát triển rất mạnh. Vì bìm bìm vô dụng nên hay bị người ta tiêu diệt, phá bỏ để tránh ảnh hưởng đến cây trồng khác. Thậm chí, chỉ ở nơi bờ dậu đổ nát, hoang tàn, không ai quan tâm, bìm bìm mới có cơ hội leo lên và tồn tại (Dậu đổ bìm leo-tục ngữ). Bởi vậy, nhà gạch (ngày xưa quý, hiếm) đâu có chỗ dành cho bìm bìm ? (Gạch ngày xưa nung thủ công, tường xây vôi cát, nếu để loài cây phát triển mạnh, um tùm nhiều lớp như bìm bìm leo lên sẽ làm ẩm ướt, hỏng, thối gạch. Do đó, không bao giờ người ta để bìm bìm leo nhà gạch). Có dị bản “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”, ý là tự biết thân phận mình, không dám đua đòi tới chốn cao sang. Dị bản này “Từ điển tục ngữ Việt” của Tiến sĩ Ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích nghĩa đen: “Bìm bìm là thứ dây leo rất e ngại khi leo vào các tòa nhà gạch (vì cái nóng kinh khủng tỏa ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi)”. Điều này vừa phi thực tế vừa phi logic. Vì bìm bìm phát triển cực mạnh, chẳng ngán gì nắng nóng. Nên ngày nay nó thường được trồng để chống nóng cho các mái lán, chuồng trại chăn nuôi gia súc lợp bằng Fibro xi-măng. Bìm bìm chẳng những không hề “e ngại” thứ vật liệu hấp nhiệt nóng bỏng này mà còn kết thành tấm thảm xanh tươi, rung rinh hoa tím...Và nếu bìm bìm “e ngại” không thích nhà gạch, phải nói “Bìm bìm không thèm leo nhà gạch” mới đúng nghĩa đen.

-"Gà con ấp mẹ: Đặc tính của gà nuôi con bao giờ cũng ấp cũng như con người yêu con lúc nào cũng bế cũng bồng trên tay".

Câu này phải sửa lại thành “Gà con nấp mẹ”, hoặc “Gà mẹ ấp con” chứ không thể là “Gà con ấp mẹ”. Bởi gà con bé tí làm sao “ấp” được gà mẹ to xù?

-"Trời nắng chóng mưa, trời mưa chóng tối: Kinh nghiệm dự báo thời gian có căn cứ khoa học, trời nắng nhiều thì hơi nước bốc lên nhiều sẽ nhanh có mưa. Trời mưa, mây che mặt trời, lúc nào trời cũng như tối vậy".

Nguyễn Cừ giải nghĩa chỉ đúng nửa sau câu tục ngữ. Vế trước bị tác giả ghi sai: “Trời nắng chóng trưa” chứ không phải “Trời nắng chóng mưa”. Trời nắng, ánh mặt trời chói chang khiến người ta có cảm giác rất nhanh đến “trưa”. Thế nên, “chóng trưa” mới đối với “chóng tối” là vậy. Từ ghi sai, Nguyễn Cừ giải thích sai luôn. Dù dân gian tổng kết quy luật “Nắng lắm mưa nhiều”, nhưng không phải“trời nắng nhiều thì hơi nước bốc lên nhiều sẽ nhanh có mưa như Nguyễn Cừ suy diễn. Vì có khi nắng hạn kéo dài hàng tháng trời mà chẳng có nổi hạt mưa.

-"Cua nóng nước đã đỏ gọng: Cua biển bỏ vào nồi luộc, nước chưa sôi đôi gọng đã đỏ, ám chỉ người dễ mất bình tĩnh, dễ nóng tính chưa biết đầu cuối câu chuyện đã đùng đùng nóng giận".

Chưa nóng nước đã đỏ gọng”, chứ không phải là Cua nóng nước đã đỏ gọng”. Về phương diện khoa học: Thân cua có màu đỏ tôm trộn lẫn với các sắc tố khác nên bình thường không thể hiện rõ sắc đỏ tươi vốn có của nó. Nhưng sau khi luộc chín, các sắc tố khác bị phá huỷ và phân giải dưới nhiệt độ cao thì màu đỏ sẽ hiện ra. Do vậy, tất cả cua nấu chín đều sẽ biến thành màu đỏ. Và cua chỉ có màu đỏ tôm trong môi trường nước nóng. Vậy mà “chưa nóng nước đã đỏ gọng” rồi! Thành ngữ ám chỉ kẻ nhát gan, giống như con cua trong nồi, nước chưa nóng, chưa sôi đã sợ, gọng đỏ lên tựa như thể đã bị người ta luộc chín. Nếu nói như Nguyễn Cừ: “Cua nóng nước đã đỏ gọng” là điều hiển nhiên, có gì lạ? Và nghĩa bóng của nó không phải ám chỉ người dễ mất bình tĩnh, dễ nóng tính chưa biết đầu cuối câu chuyện đã đùng đùng nóng giận” như Nguyễn Cừ võ đoán.

-"Một tằm cũng phải hái dâu, một con trâu cũng phải thả đúng đồng: Một vợ chồng có một con cũng phải sắm sửa, tốn kém như sinh nở nhiều con vậy. Câu này xuất phát từ thực tế trước đây nghèo khổ nên sau khi đẻ đứa đầu thì toàn bộ đồ lót, đồ trẻ đều giữ lại cho đứa sau dùng, đỡ tốn kém rất nhiều".

Sai toàn phần! “Một con trâu cũng phải đứng đồng” chứ không phải “một con trâu cũng phải thả đúng đồng.” “Đứng đồng” nghĩa là đi chăn trâu, lẽo đẽo đi theo chăn dắt nó. Còn “thả đúng đồng” là thả trâu đúng ở cánh đồng cần thả chứ đâu có chăn dắt ? Về nghĩa bóng, cách giải thích của Nguyễn Cừ cũng rất khó thuyết phục. Bởi tục ngữ đang nói chuyện số lượng cùng một lúc, chứ không phải số lượng trước, sau kế tiếp. Hơn nữa, đâu phải đẻ nhiều con thì sẽ tận dụng được đồ dùng (quần áo) của đứa trước ? Ở đây, ý dân gian: nuôi một con tằm cũng mất công hái dâu để nuôi, chăn một con trâu cũng mất công một người đi theo chăn dắt. Bởi vậy, nên đầu tư chăn nuôi với số lượng lớn cho đỡ phí công lao động và thu được lãi lớn. (Ngày nay gọi là sản xuất hàng hóa, hoặc sản xuất lớn). Tục ngữ Hán đồng nghĩa: "養羊不成羣白誤一個人-Dưỡng dương bất thành quần, bạch ngộ nhất cá nhân-Nuôi cừu không thành đàn, phí công một người đi chăn".

 

-"Mua áo thì rẻ, mua rẻ thì đắt: Mua bán lúc cần thiết thì bao giờ cũng bị đắt hơn".

Vì viết nhầm “mua giẻ” thành “mua rẻ” nên câu của Nguyễn Cừ rất vô nghĩa. Hình thức đúng là: “Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì đắt”. Nghĩa là cũng với giá trị đồng tiền đó, nhưng được xem là rẻ hay đắt còn phụ thuộc vào chất lượng mặt hàng mình mua.

-"Được cãi cầm, thua cãi cố: Được cuộc, cãi vừa phải cho xong mang về, còn thua thì cãi đến cùng, sai cũng cố cãi".

Tác hại của “chữ tác thành chữ tộ” là vậy đó. Hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Được cãi cùng, thua cãi cố”. Đó là tâm lý chung trong các cuộc tranh luận. Bên nắm được lý lẽ, phần thắng thì muốn làm cho tới nơi; phía đuối lý, ở vào thế thua, biết mình sai, mình thua nhưng vẫn bảo thủ, cố cãi cho bằng được. 

Nếu trong thực tế có một dị bản là “Được cãi cầm, thua cãi cố”, thì lại phải hiểu “cầm” ở đây là “giữ lấy” (tức giữ chắc quan điểm lí lẽ của mình) chứ không phải “cầm lấy” vật gì mang về sau khi tranh cãi. Vì nếu “giải thích” như Nguyễn Cừ: “Được cuộc, cãi vừa phải cho xong mang về”, vậy chỉ còn kẻ thua đứng lại một mình  thì còn cãi với ai nữa?

 

-"Rượu treo, cháo thí, nghe hát nhờ: Đói nghèo, sống toàn phải dựa vào người khác".

Sai chính tả (hay kiến thức về từ ngữ?): Chỉ có “rượu cheo” mới có thể “uống theo” được, chứ “rượu treo” lủng lẳng thì chỉ có nước ngửa cổ nhìn mà thèm! Rượu “cheo”  là rượu nộp cho làng về việc cưới xin, kẻ được dự phần uống không mất tiền; “cháo thí” là cháo bố thí, “nghe hát nhờ” không mất vé (Cũng ăn uống, chơi bời nhưng là lợi dụng để không phải bỏ ra đồng nào).

-"Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly: Tâm lý của con người luôn cố gắng không thua kém bạn bè".

Sai văn bản. “Thua thầy” chứ không phải “thua trời”. Ai dám đem người ra so sánh với trời? Thầy giỏi hơn trò, nên trò thua thầy đến mấy cũng là chuyện bình thường. Nhưng bạn bè cùng trang lứa, cùng đi học một thầy mà “thua bạn, kém bè”, dẫu một chút cũng là điều nên lấy làm xấu hổ mà phấn đấu.

-"Muốn tu chùa ngói, bụt vàng, chùa tranh, chùa đất ở làng thiếu chi".

Sai văn bản. Vế đầu “chùa ngói, bụt vàng thì vế sau phải là “chùa tranh, bụt đất chứ? (Bụt vàng đối với Bụt đất) Ngày xưa thường có hai loại chùa: “Chùa ngói, Bụt vàng” là chùa sang trọng, kết cấu gỗ, lợp ngói, tượng Phật bằng vàng ròng (hiếm) hoặc điêu khắc gỗ sơn son thếp vàng. Tu ở “chùa ngói, Bụt vàng” dĩ nhiên có nhiều Phật tử, thiện nam tín nữ, được cúng dàng nhiều vật phẩm. Loại chùa nghèo, có khi tranh tre, mái lá, tượng Phật nặn bằng đất luyện kỹ rồi sơn son thếp vàng. Loại tượng này khá bền đẹp. (Thế nên có câu “Để là hòn đất, cất nên ông Bụt” hoặc “Chưa nặn Bụt đã nặn bệ”- Tượng nặn là tượng bằng đất) Có lẽ Nguyễn Cừ không hiểu “Bụt đất” là gì nên mới chữa thành “chùa đất” chăng?

-"Chó chê khỉ lắm lông, khỉ chê chó ăn rông ăn dài:

Không biết Nguyễn Cừ lấy đâu ra dị bản rất “kỳ dị” này? Chỉ có câu “Chó chê mèo lắm lông, chó cũng cùng tông với mèo.” (“Ghét nhau như chó với mèo.”-Hai con cùng ở một nhà, chủ cho chế độ ăn uống khác nhau. Mèo được ăn trong đĩa bát, thức ăn ngon. Chó ăn thức ăn đổ dưới đất, đồ ăn chỉ có lượng, ít ngon, nên chó mèo hay gầm gừ, tranh giành thức ăn của nhau) Ý nói: Không ưa nhau thì chê bai nhau, chứ thực chất có hơn gì nhau, cũng giống nhau (cùng “tông”) cả thôi. Còn con khỉ với con chó, một con ở rừng, một con ở nhà liên quan gì mà chê bai nhau? Cùng “lắm lông” như nhau mà lại chê nhau mới đáng nói, chứ một đằng “lắm lông”, một đằng “ăn rông...”, tuy là vần vè đấy nhưng có gì đặc biệt?  Hơn nữa, “ăn rông ăn dài là gì, thưa tác giả “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” ? Phải chăng ý tác giả là “ăn rông ăn rài”?

-Cua thâm càng, người thâm môi.

Nguyễn Cừ lại phá hỏng vần điệu. “Tục ngữ Việt Nam”của Nhóm Chu Xuân Diên đưa ra một số dị bản đúng: “Cua thâm còng, đàn ông thâm môi”; “Cua thâm càng, nàng thâm môi”; “Trai bạc mắt, gái thâm môi, những người lông bụng chớ chơi bạn cùng”.


-"Lá lành đùm lá rách, lá rách bọc lá lành:
 Tình thương yêu đoàn kết cả trong gia đình và xã hội, đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta".

Vế sau: “Lá rách bọc lá lành” (hay “lá rách ít bọc lá rách nhiều” như nhiều người thường nói) chẳng qua là kiểu vẽ rắn thêm chân, tác giả làm sách không nên bắt chước hay thu thập. Nhân đây cũng nên nói thêm, Nhà nghiên cứu không nên cho rằng “Tình thương yêu đoàn kết cả trong gia đình và xã hội, đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.” Vậy, các dân tộc, đất nước khác họ không có chắc? Thông thường ở đâu có “khẩu hiệu”, ở đó có vấn đề: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” rồi “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Đó là những lời kêu gọi, nhắc nhở hãy biết thương yêu nhau như anh em ruột thịt chứ không phải phản ánh sự thương yêu đùm bọc nhau trong thực tế. Nếu anh em cùng nòi giống, con người đã thực sự đùm bọc, thương yêu nhau rồi, chắc hẳn sẽ không xuất hiện những câu ca dao kêu gọi khẩn thiết như vậy.


-"Mười hũ vàng trôn không bằng cái trôn con lợn:
 đề cao ngành nghề chăn nuôi".

“Trôn” ở đâu ra mà lắm vậy thưa ông Nguyễn Cừ? “Mười hũ vàng chôn” (vàng chôn xuống đất để cất giữ) chứ không phải vàng trôn. Tục ngữ cũng không “đề cao ngành nghề chăn nuôi” nói chung mà cụ thể là nghề chăn nuôi lợn nái. Cái “trôn” là cách gọi tránh bộ phận sinh dục con lợn mà vẫn giữ được vần. Lợn nái đẻ ra lợn con giống như của cải sinh sôi vậy (Giàu lợn nái, lãi gà con). Trong khi hũ vàng có quý thật nhưng đem chôn xuống đất sẽ không đẻ thêm được...

Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ thông tin ở bìa 2 của sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt”, Nguyễn Cừ tự giới thiệu từng là “Chuyên gia tiếng Việt tại Liên xô”. Có lẽ không ai nghi ngờ việc ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy ở nước bạn. Tuy nhiên, chúng tôi lại trộm nghĩ: khi về Việt Nam, sao Nguyễn Cừ không lựa chọn công việc ngược lại trước đây để tùy đất mà dụng võ, khai thác sở trường, tránh sở đoản ?

 

Hết phần III (xem Phần I và  Phần II)

                                            HTC/8/2014

 

Mời các bạn đón đọc “Nguyễn Cừ đã giải nghĩa tục ngữ Việt Nam như thế nào?,”  phần cuối, chủ đề “Tham mà không khảo”

 

 

1 nhận xét:

  1. Nhà tôi hay nói câu “chưa nặn bụt đã nặn buồi” :)

    Trả lờiXóa