25 thg 8, 2014

Nguyễn Cừ đã “Giải Nghĩa Tục Ngữ Việt Nam” như thế nào? (phần cuối)

Hoàng Tuấn Công

Làm sách khảo cứu, biên soạn cũng giống như dựng một ngôi nhà. Với tư cách tác giả, người ta phải một mình làm tất cả. Từ chuyện lo vật liệu đến thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật... Muốn cho ngôi nhà vừa có kiểu dáng độc đáo của riêng mình, vừa hội tụ được tinh hoa kiến trúc của thiên hạ, giá trị sử dụng cao, cha đẻ của nó phải đi tham khảo nhiều công trình khác nhằm kế thừa cái hay, cái đúng; tránh cái dở, cái sai của người đi trước.

Ngoài ra, trong muôn vàn loại vật liệu kiến trúc, tác giả công trình còn phải tìm cách phân biệt thật giả, tiếp cận được loại vật liệu "thứ thiệt", kỹ thuật thi công phải ưu việt hơn so với cái cũ để đảm bảo cho ngôi nhà bền đẹp, trường tồn với thời gian. Để làm nên công trình “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” Nguyễn Cừ cho biết: “đã tham khảo rất nhiều cuốn sách liên quan đến tục ngữ, thành ngữ, đã trao đổi và học hỏi nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hoá học, dân tộc học, ngôn ngữ học, các bạn đồng nghiệp và ý kiến bạn đọc.” Tuy nhiên, nhìn vào thư mục tham khảo của Nguyễn Cừ, người ta thấy ông sớm thất bại ngay từ khâu chuẩn bị vật liệu.

Nguyễn Cừ nói: “đã tham khảo rất nhiều cuốn sách liên quan đến tục ngữ, thành ngữ” nhưng thực tế lại thấy ông đã: tham khảo rất nhiều cuốn sách liên quan đến ca dao, dân ca, hát ví, hát phường vảiTrong 19 đầu sách, đáng chú ý chỉ có: “Tục ngữ phong giao” (Nguyễn Văn Ngọc, NXB Minh Đức-Hà Nội 1957, 2 tập) “Tục ngữ Việt Nam” (Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri-NXB Khoa học xã hội-1975); “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan-in lần đầu NXB Văn Sử Địa-1956, sửa chữa và tái bản nhiều lần)...  Ngoài một số sách văn học dân gian nói chung của các địa phương: Thái Bình, Bến Tre, Hà Tây.., có tới nửa số đầu sách mang những cái tên như: Ca dao trước cách mạng-Viện văn học-NXB Văn học-1963) Ca dao sưu tầm ở Thanh Hoá-Nhóm Lam Sơn-NXB Văn học-1963) Ca dao Nghệ Tĩnh-Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao-Sở VHTT Nghệ Tĩnh-1984) Ca dao, dân ca Nam Bộ-Nhóm Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát...NXB Tổng hợp TPHCM) Ca dao trữ tình Việt Nam-Vũ Duy...NXB Văn học, Hát ví Nghệ Tĩnh-NXB Văn hóa-1961) Hát phương vải-Ninh Viết Giao-NXB Văn hoá-1961)... Trong khi đó, loại sách từ điển giải thích thành ngữ, tục ngữ lại hoàn toàn vắng bóng (đây là một bất lợi và thiệt thòi lớn cho Nguyễn Cừ). Không ai phủ nhận tác dụng nghiên cứu, tham khảo tổng hợp các thể loại văn học dân gian đối với tục ngữ. Tuy nhiên, nếu nói rằng nó phục vụ trực tiếp cho một công trình như "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" thì không. Làm như vậy chẳng khác nào một người muốn dựng ngôi nhà Việt cổ truyền nhưng lại tìm đến ngôi nhà sàn Thái, hoặc biệt thự cao tầng để tham khảo, học tập.

Không biết Nguyễn Cừ Nguyễn Cừ đã trao đổi, học hỏi và tham khảo những gì trong số 19 đầu sách. Nhưng chỉ cần lấy 2 cuốn: “Tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Chu Xuân Diên) và “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan) để so sánh cũng đủ đưa ra nhận xét: tác giả "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" có "tham" nhưng không "khảo". Hoặc có "khảo" nhưng làm ngược lại: cái đúng, cái hay thì không tiếp thu; cái dở, cái không chính xác lại được Nguyễn Cừ sử dụng.
          1.Về phương pháp luận:
 "Tục ngữ Việt Nam"- Nhóm Chu Xuân Diên (CXD) và "Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam"- Vũ Ngọc Phan (VNP) đã thống nhất định nghĩa, phân biệt tục ngữ với thành ngữ, tục ngữ với ca dao. Tuy chưa làm công việc giải nghĩa tục ngữ nhưng 2 cuốn sách này đã thực hiện khá tốt việc sưu tầm tập hợp, phân loại những đơn vị thuần tục ngữ, đáng được gọi là tục ngữ Việt Nam (đặc biệt là cuốn “Tục ngữ Việt Nam” với phần tiểu luận công phu của Chu Xuân Diên) Theo tôi, Nguyễn Cừ chỉ cần tham khảo và sử dụng phần lớn các câu tục ngữ đã được Nhóm Chu Xuân Diên và Vũ Ngọc Phan sưu tầm phân loại để "giải nghĩa" đến nơi đến chốn đã là quá đủ, thậm chí là quá sức. Tuy nhiên, (như chúng tôi đã trình bày trong Phần I bài viết), Nguyễn Cừ đã không nhận ra con "đường quang" của người đi trước để kế thừa, phát huy...Hậu quả: ông đã nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ, thậm chí không hiểu tục ngữ là gì khi đưa vào sách "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" phần lớn những đơn vị chỉ là thành ngữ, câu đố, quán ngữ, cụm từ láy hoặc cụm từ đơn thuần như: Xấu như ma, Dai như đỉa đói, Con đóng khố, bố cởi truồng, Lép ba, lép bép; Lệt bà lệt bệt; Tuần trăng mật, Cạo đầu đi tu, Mưa bóng mây, Ái nam ái nữ, Rét nàng Bân... những thứ gần như hoàn toàn vắng bóng trong phần tục ngữ của Nhóm Chu Xuân Diên và Vũ Ngọc Phan.
2.Vấn đề “chữ tác đánh chữ tộ”:
          Hiện tượng “chữ tác đánh chữ tộ” chúng tôi chỉ ra trong phần III loạt bài viết cũng xuất phát từ nguyên nhân Nguyễn Cừ chưa xử lý được tư liệu, không phân biệt được cái nào sai, cái nào đúng; có khi bỏ cái đúng, theo cái sai:
a.Không xử lý được tư liệu:
Sách "Tục ngữ Việt Nam" của Nhóm Chu Xuân Diên (CXD) và "Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam"- Vũ Ngọc Phan ngoài phần nghiên cứu, các tác giả chỉ làm nhiệm vụ sưu tầm tập hợp chứ chưa làm công việc tuyển chọn và giải thích, (như chính Nhóm Chu Xuân Diên đã lưu ý “đây không phải là một “tuyển tập” mà là một “sưu tập”). Nhóm tác giả “sưu tập” ở đâu? Lời dẫn sách cho biết họ “sưu tập”  từ hai nguồn: “những sưu tập tục ngữ (thường được biên soạn lẫn với thành ngữ và ca dao) đã công bố trên sách báo”“những tài liệu được sưu tầm trực tiếp trong nhân dân”. “Nhân dân” là ai? Là những cá nhân cụ thể đã cung cấp tư liệu, những dị bản tục ngữ cho các nhà sưu tầm. Bởi vậy, họ có thể đúng, có thể sai, có thể nhầm lẫn...Tuy nhiên, giống như công việc của người sưu tầm cổ vật đang có nguy cơ mai một, trước mắt phải tận thu, "vơ vét" cái đã. Chuyện giám định giá trị thực của cổ vật đến đâu sẽ được tiến hành ở những bước tiếp theo. Việc sưu tập nhiều dị bản tục ngữ của Nhóm Chu Xuân Diên cũng là một cách tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tìm tòi, tiếp cận sau này. Là người đi sau, đáng ra Nguyễn Cừ phải xử lý lại tư liệu, xem đúng sai đến đâu, rồi tuyển chọn dị bản hay nhất, đúng và phổ thông nhất để giải nghĩa. Tuy nhiên, nhiều câu bị sai lạc về văn bản (do người cung cấp tư liệu nhớ nhầm hoặc lỗi đánh máy...) vẫn được Nguyễn Cừ “tuyển chọn” và tìm cách “giải nghĩa”, bất chấp sự vô lý của nó. Ví dụ:
-Được cãi cầm, thua cãi cố (dị bản của Nhóm CXD)
Nguyễn Cừ suy diễn chữ "cầm" này là: kẻ được thì cãi cầm chừng rồi mang về (!) Tuy nhiên, “Được cãi cùng, thua cãi cố” mới đúng.
-Chó chê khỉ lắm lông, khỉ chê chó ăn rông ăn dài (CXD)
Chính xác “Chó chê mèo lắm lông, chó cũng cùng tông với mèo” mới có lý. Mặt khác "Rông rài" chứ không phải "rông dài". Sách viết sai chính tả (hay do lỗi đánh máy ?) nhưng Nguyễn Cừ không hề "khảo", cứ thế bê nguyên vào sách.
-Hơi có đã khoe mình đẹp (CXD)
"Mã" tuy không sai, nhưng không đúng với cách gieo vần của dân gian. Chính xác là: “Hơi có mẽ đã khoe mình đẹp”
-Giặc đến nhà đàn bà phải đánh (VNP)
Nói thế hóa ra việc đánh giặc là của đàn bà? Chính xác phải là: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
-Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly (CXD-VNP)
 “Thua thầy” chứ không phải “thua trời”. Định so tài cao thấp, làm mưa, làm gió với trời sao ?
v.v...
Nguyễn Cừ không "đọc kỹ hướng dẫn trước khi  sử dụng", hay “Vào rừng không biết lối ra, Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm”? (bạn đọc tham khảo phần phân tích cụ thể của chúng tôi ở phần III )
b/Bỏ cái đúng, theo cái sai:
Nhiều câu tục ngữ Nhóm Chu Xuân Diên và Vũ Ngọc Phan đưa ra dị bản đúng, nhưng Nguyễn Cừ lại bỏ cái đúng để theo cái sai. Vì không có đủ 19 đầu sách tham khảo của Nguyễn Cừ nên chúng tôi không biết đó là sáng tạo của riêng ông, hay ông đã theo cái sai ở sách nào. Ví dụ:
-Chu Xuân Diên: Một con tằm cũng phải hái dâu, Một con trâu cũng phải đứng đồng (đúng)
+Nguyễn Cừ: Một con tằm cũng phải hái dâu, Một con trâu cũng phải thả đúng đồng (sai)
-Chu Xuân Diên: Vịt già, gà tơ (đúng)
+Nguyễn Cừ: Vịt già, gà to (sai)
-Chu Xuân Diên: Lá lành đùm lá rách (đúng)
+Nguyễn Cừ: Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá lành (thừa, sai)
-Chu Xuân Diên, Vũ Ngọc Phan: Trời nắng chóng trưa, trời mưa chóng tối (đúng)
+Nguyễn Cừ: Trời nắng chóng mưa, trời mưa chóng tối (sai)
-Vũ Ngọc Phan: Nén bạc đâm toạc tờ giấy (đúng)
+Nguyễn Cừ: Đồng bạc đâm toạc tờ giấy (sai)
-Chu Xuân Diên: Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì đắt (đúng)
+Nguyễn Cừ: Mua áo thì rẻ, mua rẻ thì đắt (sai)
Tại sao đúng, tại sao sai, chúng tôi đã phân tích, chứng minh cụ thể trong phần III bài viết.
Như vậy, Nguyễn Cừ có đến “tham quan” hai “ngôi nhà” của Nhóm Chu Xuân Diên và Vũ Ngọc Phan, nhưng cái đáng học tập đã không được Nguyễn Cừ để mắt; còn những cái lạc hậu, bất hợp lý người ta chưa có điều kiện phá đi làm lại, Nguyễn Cừ lại ngỡ đó là "tinh hoa kiến trúc" nên vội tiếp thu đưa vào công trình của mình.

Vậy còn kết quả của việc Nguyễn Cừ "đã trao đổi và học hỏi nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hoá học, dân tộc học, ngôn ngữ học, các bạn đồng nghiệp và ý kiến bạn đọc” thì thế nào? Theo chúng tôi không có gì đặc biệt, ngoại trừ một vài câu tục ngữ mà nhiều từ điển nhưTừ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn hóa-2000); Từ điển tục ngữ Việt (TS Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân-NXB Thời đại-2010) đều giải thích sai, nhưng Nguyễn Cừ lại giải thích gần đúng: "Chiêm khôn hơn mùa dại: Trước đây nông dân chỉ có hai vụ lúa trong một năm, vụ lúa mùa và vụ lúa chiêm. Trong hai vụ lúa thì lúa mùa là lúa chính, còn vụ lúa chiêm là phụ. Tuy nhiên, nếu vụ lúa chiêm mà thu hoạch tốt, được mùa thì giá trị của nó còn hơn vụ mùa bình thường". Chúng tôi nói gần đúng, bởi đáng lẽ phải hiểu cụ thể: nếu ở vụ chiêm biết chăm sóc, đầu tư kỹ thuật, phân bón (khôn) lúa vẫn có thể cho năng suất cao hơn so với vụ mùa mà kém chăm sóc, đầu tư (dại) mới chính xác. 
Những câu thuộc diện này trong sách của Nguyễn Cừ khá hiếm hoi.
3.Không “tham” mà giống như “tham”:
          Trong số 19 đầu sách tham khảo mà Nguyễn Cừ liệt kê, chúng tôi không thấy có cuốn nào của cụ Nguyễn Lân. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những cái sai của Nguyễn Cừ lại giống hệt như cái sai trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của cụ Nguyễn Lân. Ví như: tuyển chọn cả câu đố, ca dao cười, ngữ danh từ, quán ngữ, cụm từ láy, cụm từ đơn thuần vào sách làm “tục ngữ”; viết sai chính tả, sai hình thức các câu tục ngữ, chữ tác đánh chữ tộ, giải nghĩa theo kiểu đoán mò, suy diễn, v.v... Nếu bạn đọc từng biết tới loạt bài  "Dĩ hư truyền hư..." và "Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn Từ điển, GS Nguyễn Lân..." của chúng tôi sẽ dễ dàng nhận ra những cái “rất giống” đó. Bởi vậy, sau đây, chúng tôi chỉ cần làm công việc đơn giản là copy lại một số đoạn trong loạt bài  "Dĩ hư truyền hư..." và "Thử lý giải những sai sót để đời..." viết về cái sai của cụ Nguyễn Lân rồi Paste vào chỗ sai của Nguyễn Cừ là xong. Độc giả đọc những dòng chúng tôi trao đổi về cụ Nguyễn Lân sẽ hiểu chúng tôi muốn nói gì với Nguyễn Cừ:
-Nguyễn Lân: Chó già, gà non Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm.
-Nguyễn Cừ: Chó già, gà non: Chó già thịt dai, nạc, thơm, còn gà non mềm thịt.
Chúng tôi (dưới bút danh Hoàng Tuấn Công) đã giải thích trong loạt bài  "Dĩ hư truyền hư..." như sau: “Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó trương tấm biển “Cầy tơ bảy món” cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già ăn dai nhách. Nếu hầm cho mềm, nhừ thì đã teo tóp, ra hết nước, ăn làm sao ngon được? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo. Nếu dùng để ăn thịt, luộc, rang, ít nhất gà cũng phải ở tuổi trưởng thành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngon nhất là gà đang đẻ lứa thứ nhất, thứ hai (Cải vòng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ).
Câu “Chó già, gà non” nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn. Nó chính là dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non”. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi chỉ còn tính quy ước. Giống như câu “Khôn chi không trẻ, khỏe chi khỏe già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khỏe già”. Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm.
-Nguyễn Lân: Vịt già, gà toÝ nói vịt già thì ăn được, còn gà thì phải to béo, chứ gà già thì thịt dai". 
-Nguyễn Cừ: Vịt già, gà to: Vịt già thơm thịt, gà to nhiều thịt ít xương.
“Câu "Vịt già, gà " thuộc loại tục ngữ có cấu trúc đối sánh: Vịt với gà; già với (non). Nhưng vì không xét đến quy luật cấu trúc câu, từ của dân gian nên GS Nguyễn Lân sẵn sàng để già (chỉ mức độ già, non) đối với to (chỉ khối lượng to, nhỏ). Cách giải thích này trở nên vô lý bởi gà "to béo" đâu có nghĩa là gà tơ, thịt không dai? Ngược lại, con gà "to béo" hoàn toàn có thể là con gà già, đã đẻ nhiều lứa, thịt dai.
-Nguyễn Lân: Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngà lại phải chiếu ngà mâm son: Tả cái cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước.
-Nguyễn Cừ: “Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngà lại phải đũa ngà mâm son: Cảnh sung túc và cách bày đặt các đồ dùng của gia đình giàu có thời phong kiến, chỉ nhìn thấy cách sử dụng này đã biết là nhà có của”.
HTC: “Về mặt văn bản, không phải chiếu ngà mà là đũa ngà (Nguyễn Cừ bớt được cái sai này) Vì vế trên đã có chiếu hoa, và thực tế cũng không có chiếu nào gọi là chiếu ngà. Mặt khác, không phải “bát ngà” mà là bát ngọc. Bát ngọc đi với đũa ngà mới đúng: Màn hoa lại phải chiếu hoa, Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son. Từ “trải” trong cụm từ “lại trải chiếu hoa” phải thay bằng “phải”. Mấy từ “lại phải” rồi “lại phải” chính là nói lên yêu cầu tương xứng giữa cái nọ với cái kia. Dân gian có câu: “Tiếc thay hạt gạo tám xoan, Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà” hoặc “Trai tơ mà lấy nạ dòng, Như nước cáy thối chấm lòng lợn thiu” rồi “Đũa mốc lại chòi mâm son”. Ấy là nói về những sự kết hợp không cân xứng, không hài hoà. Câu tục ngữ: "Màn hoa lại phải chiếu hoa, Bát ngọc lại phải đũa ngà, mâm son" nói lên cái đẹp cân xứng, hài hoà, đồng bộ đi với nhau, không khập khiễng. Nếu hiểu: “tả cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước” thì hình thức câu tục ngữ phải là: "Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngọc lại có đũa ngà mâm son" mới đúng”.
-Nguyễn Lân: Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú Ý nói: Trong quan hệ họ hàng, người trên có đúng đắn, người dưới mới kính phục”.
-Nguyễn Cừ: “Chú đánh cha tôi, tôi tha gì chú: Phê phán con cái bênh vực cha mẹ hỗn xược với chú bác ngành trên, mất tôn ti trật tự”.
Nếu cho rằng câu tục ngữ nói đến mối “quan hệ họ hàng”, trên dưới, thứ bậc là không đúng. Bởi vì “người ta” (người đánh chú) ở đây ám chỉ một người dưng, không phải trong họ hàng hoặc gia đình. Nghĩa đen câu này được hiểu: Nếu người dưng đánh chú, tôi sẽ đứng ra bảo vệ chú, bởi chú là người ruột thịt, thân thiết với tôi. Tuy nhiên nếu chú đụng đến cha tôi, người tôi đứng ra bảo vệ không phải là chú nữa mà là cha tôi (người thân thiết với tôi hơn so với chú).“Chẳng tha người”, với “chẳng tha chú” nghĩa là đều bị đối xử như nhau, đều không thể tha thứ được, mặc dù thân sơ có khác nhau, nói lên vị trí người cha là vô cùng quan trọng trong gia đình, xã hội. Ý câu thành ngữ muốn khẳng định lẽ thường: người ta có quyền và trước tiên phải bảo vệ người thân thiết nhất của mình, hoặc bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình, bất kể kẻ xâm phạm là ai”.
-Nguyễn Lân: Im như thóc đổ bồ (Người có thóc đổ vào bồ không muốn cho người ngoài biết, sợ người ta vay mượn) Ý nói im lặng một cách ích kỷ.
-Nguyễn Cừ: Im như thóc đổ bồ: Có thóc đổ bồ phải giấu kín vì sợ người ta vay hoặc sợ trộm cắp.
 “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách nhà mình chăng?!) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn. Sự im lặng theo nghĩa đen này ám chỉ những hạt thóc đã ở yên  trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề nhúc nhích. Có dị bản mang tính nhấn mạnh hơn “Câm như thóc” hoặc “Im như thóc trầm ba mùa”. Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi.
  Ý thành ngữ: Sự sợ sệt, im thin thít, không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước một việc nào đó. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu tính hình tượng của thành ngữ dân gian.
-Nguyễn Lân: Mặt sứa, gan lim Như câu: Mặt rắn như sành.
-Nguyễn Cừ: Mặt sứa, gam lim: con người lì lợm cả về hình thức lẫn tính cách.
 Câu “Mặt rắn như sành” nhận xét khuôn mặt lộ rõ bản chất của con người rắn mày, rắn mặt, ương bướng. Còn câu “Mặt sứa, gan lim” lại nói mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung. “Mặt sứa” (bề ngoài) thì tỏ vẻ hiền lành, trắng bợt, mềm nhũn như con sứa (một loài động vật không xương sống ở biển, thân rất mềm, trắng), nhưng bên trong (gan) lại đen và rắn như gỗ lim. Câu này thường hay dùng để nhận xét về những người bề ngoài có vẻ hiền lành nhu mì nhưng lại dám làm những chuyện tày đình. Trái với câu “Mặt sứa gan lim”“Miệng hùm, gan sứa”.
-Nguyễn Lân: Máu loãng còn hơn nước lã Quan niệm cũ cho rằng dù là họ hàng xa cũng còn hơn người dưng.
Máu mủ chẳng thương, thương thiên hạ hàng xứ: Lời trách móc theo quan niệm cũ cho rằng có họ hàng với nhau thì phải đùm bọc, thương yêu hơn là đối với người dưng.
-Nguyễn Cừ: Chín đời còn hơn người dưng: Thiên vị huyết thống dòng tộc.
Giọt máu đào, hơn ao nước lã: Đề cao huyết tộc quá mức.
Cách giải thích này sai về phương pháp luận. Bởi với người làm từ điển, thành ngữ tục ngữ được dân gian hiểu và dùng thế nào thì giải thích đúng như thế. Không nên bỏ nhiệm vụ giải thích rồi sa vào phê phán. Hơn nữa các câu tục ngữ trên khuyên người ta phải biết yêu thương người thân, máu mủ, ruột thịt; đề cao tình cảm huyết thống, dòng tộc. Điều đó không có gì là xấu, là “quan niệm cũ kỹ”. Bởi “Gia đình là tế bào của xã hội”, con người trước tiên phải ý thức được tình cảm máu mủ, ruột thịt, phải biết yêu thương ông bà, cha mẹ mới có thể yêu thương anh em, bạn bè, đồng chí. Rộng hơn nữa là ý thức đồng bào, dân tộc rất đáng được trân trọng. Và thương yêu người thân không có nghĩa ghét bỏ người dưng. Người trong một nước thương yêu nhau không có nghĩa là ghét bỏ nhân loại. Như câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vậy GS Nguyễn Lân nghĩ sao?”
Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp cái sai của Nguyễn Cừ giống cụ Nguyễn Lân. Vì bài đã dài, chúng tôi xin không nêu thêm.
Sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” ra đời năm 1988, “để giúp cho thế hệ trẻ dùng được vốn từ ngữ trong văn hóa dân gian”(Lời nói đầu của cụ Nguyễn Lân). Hai lăm (25) năm sau (2012) sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” mới xuất bản, “bắt nguồn từ sự cần thiết dùng cho học sinh, sinh viên và nhiều các đối tượng khác”(Lời nói đầu của Nguyễn Cừ). Lúc này Nguyễn Cừ đang là “Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học”; còn cụ Nguyễn Lân đã 9 năm thành người thiên cổ. Như vậy không có chuyện cụ Nguyễn Lân chịu ảnh hưởng của Nguyễn Cừ. Tuy nhiên cũng khó có thể nói Nguyễn Cừ chép lại của cụ Nguyễn Lân. Bởi người xưa nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chuyện kẻ trước, người sau, tuy không đi chung một đường nhưng cuối cùng vẫn gặp nhau tại một điểm là chuyện thường.
Sách của hai Nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển Nguyễn Lân và Nguyễn Cừ đều hướng tới đối tượng độc giả là "thế hệ trẻ""học sinh, sinh viên". Không rõ hai tác giả họ Nguyễn nghĩ sách của mình đã đạt chuẩn "giáo khoa", hay cho rằng "thế hệ trẻ""học sinh, sinh viên"  “trẻ người non dạ” nên muốn biên soạn thế nào cũng được ?
Từ những gì đã thấy trong “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”, bạn đọc có quyền nghi ngờ chất lượng một số công trình biên soạn khác của Nguyễn Cừ như: “Tục ngữ Việt Nam” “Tục ngữ-ca dao Việt Nam”...
                                                                    HTC/8/2014

Mời độc giả đón đọc loạt bài “Những sai lầm của PGS,TS Nguyễn Công Lý trong “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở của Hoàng Tuấn Công trên Quê Choa và Tuấn Công Thư Phòng

2 nhận xét:

  1. Tuyệt vời Hoàng Tuấn Công. Tôi xin chôm các bài này để cho các cháu trong nhà đọc hầu mở mang trí óc lớp trẻ. Cám ơn HTC nhiều.

    Trả lờiXóa