10 thg 1, 2014

Những sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM” của GS Nguyễn Lân

          Hoàng Tuấn Công    


          Từ điển là sách công cụ tra cứu, kho cứ liệu chuẩn mực, tin cậy để người dùng vận dụng chính xác từ ngữ, khái niệm, vấn đề cần tìm. Bởi thế, yêu cầu tối quan trọng của từ điển là phải chính xác. Sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”của GS Nguyễn Lân xuất bản lần đầu năm 1989, khi ông còn trường mạnh. Tuy nhiên cũng như hai cuốn “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (XB1989) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” xuất bản sau đó hơn 10 năm, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân có quá nhiều sai sót.



 Mà nói như Học giả An Chi: “Uy  tín của người viết sai càng lớn thì cái hại càng lớn vì người ta dễ tin theo những người đã thành danh”. Nếu những sai sót đó được nhiều người biết đến sẽ tránh được tình trạng “Dĩ hư truyền hư”, “Tiền mất tật mang” cho độc giả. Vậy nên có loạt bài viết này.
Những chữ in nghiêng, nghiêng đậm là của GS Nguyễn Lân. Phần gạch đầu dòng là trao đổi của Hoàng Tuấn Công:
 “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM”
DĨ HƯ TRUYỀN HƯ 1
Giải thích sai nghĩa đen, hoặc không giải thích, ghi sai, ghi nhầm dị bản dẫn đến hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ dân gian:
Thông thường, thành ngữ, tục ngữ dân gian đều có nghĩa đen (điều có thật, chuyện thực tế diễn ra như thành ngữ, tục ngữ nói) và nghĩa bóng (hàm ý của câu thành ngữ, tục ngữ). Nhiệm vụ của người làm từ điển (nếu khoa học, chặt chẽ) phải giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng và cách dùng của câu thành ngữ tục ngữ. Thậm chí thành ngữ, tục ngữ có mấy cách hiểu về nghĩa đen, mấy cách hiểu về nghĩa bóng, quan điểm riêng của tác giả ra sao hoặc những câu thành ngữ hiện chưa rõ nghĩa đen thế nào, chỉ biết nghĩa bóng và cách dùng cũng cần nói rõ. Tuy nhiên, cách biên soạn của GS Nguyễn Lân khá tuỳ tiện. Có câu giải thích nghĩa đen, có câu lại lờ đi, giải thích nước đôi, chung chung hoặc giải thích sai nghĩa đen dẫn đến hiểu sai ý câu thành ngữ, tục ngữ:
Bụng đói như bò bắt nợ (Con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói, chẳng béo tốt gì) ý nói: đói quá.
- Đói có muôn vàn kiểu đói, sao lại ví “đói như bò bắt nợ” ? Câu này không đơn giản chỉ là “ý nói: đói quá”, đói vì “con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói” như GS hiểu sai nghĩa đen và suy diễn. “Chó gầy xấu mặt nhà nuôi” vì chó ăn theo người. Nhà nghèo, người còn thiếu cơm ăn, chó làm sao béo tốt được ? Nhưng bò đâu có ăn cơm, thóc lúa, lương thực ? Nó ăn cỏ và uống nước lã. Thế nên, bò nhà nghèo vẫn béo tốt như thường. Thậm chí được chăm sóc cẩn thận và rất béo tốt, bởi đó là cả gia tài của họ. Hơn nữa, có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến bị bắt nợ. Không hẳn nhà nghèo mới bị bắt nợ. Vậy sao lại “đói như bò bắt nợ” ? Thực ra “bò bắt nợ” là con bò bị chủ nợ bắt về, bị buộc (nhốt) một chỗ (gây sức ép buộc con nợ phải lo trả nợ và tránh bị đánh tháo). Trong khi chưa chính thức thuộc quyền sở hữu của chủ nợ (bởi con nợ có thể đến chuộc) thì bò không được chăm sóc, cho ăn uống gì, luôn thể hiện vẻ sợ hãi, bồn chồn.
Ý thành ngữ là bị đói khát trong hoàn cảnh rất trớ trêu, bơ vơ nơi xa lạ, không được ăn uống chăm sóc, cũng không thể tự đi tìm kiếm thức ăn được…
Im như thóc đổ bồ (Người có thóc đổ vào bồ không muốn cho người ngoài biết, sợ người ta vay mượn) Ý nói im lặng một cách ích kỷ.
-GS không hiểu nghĩa đen câu thành ngữ nên giải thích sai. “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách nhà mình chăng ? !) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn như GS hiểu. Sự im lặng theo nghĩa đen này ám chỉ những hạt thóc đã ở yên  trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề nhúc nhích. Có dị bản mang tính nhấn mạnh hơn “Câm như thóc” hoặc “Im như thóc trầm ba mùa”. Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi.
  Ý thành ngữ: Sự sợ sệt, im thin thít, không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước một việc nào đó. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu tính hình tượng của thành ngữ dân gian.
Bán bò tậu ễnh ương Chê kẻ không biết làm ăn.
-Câu này không được giải thích nghĩa đen. Vậy con ễnh ương là con gì ? Tại sao có người vụng làm ăn tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về ?
Ễnh ương thuộc họ ếch nhái, đầu nhỏ nhưng bụng rất to (ễnh bụng ra). Môi trường sống của chúng là các khu vườn hoang rậm, ẩm thấp, nhiều lá rụng, hay ngập nước. Chúng giao phối, sinh sản vào mùa mưa và thường gọi bạn tình bằng những âm thanh không biết mỏi: ộp...ương...ộp...ương to như bò rống. Đặc biệt khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra. Thế nên, ễnh ương là hình ảnh được dân gian chỉ loại bò gầy, suy dinh dưỡng, thoái hóa do sinh sản cận huyết hoặc có bệnh. Vùng Thanh Hóa hay gọi loại bò này là “bò cóc”. Nghĩa đen “của nghĩa đen” câu thành ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương. Nghĩa bóng: chê kẻ vụng về, không biết làm ăn tính toán. Thế nên có bài ca dao cười diễn dịch rất hay câu thành ngữ này: "Nhà anh khéo liệu khéo lo, Bán một con bò tậu cái ễnh ương, Đem về thả ở gầm giường, Đêm nằm ương ộp lại thương con bò..." Gầm giường là môi trường sống của cóc, không phải của ễnh ương. Thế là cái “nhà anh” kia vụng về hết chỗ nói ! Phải hiểu được nghĩa đen mới thấy hết cái hay, cái sâu sắc của tục ngữ, thành ngữ.
Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư Chế người lẩm bẩm trong miệng điều gì không dám nói ra.
-Không ít bạn đọc chắc hẳn sẽ thắc mắc “đĩ khấn tiên sư” là gì ? Tại sao lại phải khấn “lầm rầm” ? Rõ ràng GS mới chỉ dừng ở mức giải nôm cách dùng, mà cách giải thích cũng chưa đúng.
Có câu: "Tâm động quỷ thần tri" nghĩa là: trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết.Khi khấn vái nghĩa là "giao tiếp" với “người âm” hay thần linh, người ta thường phải khấn lầm rầm, chỉ đủ để quỷ thần nghe thấy, đồng thời thể hiện sự tôn kính, sợ sệt. Tuy nhiên, ở đây thành ngữ dân gian không nói việc lầm rầm khấn vái nói chung mà là “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư”. Bên Tàu ngày xưa chốn lầu xanh thường có bàn thờ vị Tổ nghề thanh lâu “bạch mi xích nhãn” (mắt đỏ, lông mày trắng).Truyện Kiều có câu: “Giữa thì hương án hẳn hoi, Trên treo một tượng trắng đôi lông mày…Cô nào xấu vía có thưa mối hàng, Cổi xiêm lột áo sỗ sàng, Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm, Đổi hoa lót xuống chiếu nằm, Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi...” Đĩ khấn tiên sư nghĩa là khấn vái “tổ nghề” (bán trôn nuôi miệng), cầu xin được “đắt khách”. Mà khấn để cầu một việc đáng xấu hổ, buồn cười như vậy “đĩ” nào dám khấn to ? Thế nên, khi cúng bái nói chung người ta đã phải “lầm rầm” rồi, khấn tiên sư nghề làm đĩ lại càng phải lầm rầm hơn. Hơn nữa, cũng nên chú ý, lầm rầm là nói ra rồi, nhưng nói nhỏ chứ không phải là“không dám nói ra”như GS giải thích. Bởi “không dám nói ra” tức là chỉ để bụng mà thôi.
Nuôi khỉ giữ nhà Tức là làm một việc trái khoáy (Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi)
-Đúng là việc làm trái khoáy, nhưng GS giải thích “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi” thì thà rằng không giải thích, bởi ai cũng biết điều đó. Nếu thế khi sửa thành “Nuôi cáo giữ nhà” hoặc “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao ? Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ ?
Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, hay bắt chước, rất khó quản lý hoặc răn dạy chúng. Khỉ lại có khả năng leo trèo, cầm nắm, thực hiện một số động tác như người nên nếu được thả tự do trong nhà thì nó sẽ phá phách, nghịch ngợm ghê gớm. Từ vật dụng cho đến đồ ăn thức uống nó sẽ làm đảo lộn hết rồi bỏ đi.
Vậy ý câu thành ngữ là: Trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng, kết quả chỉ có hại.
Mèo già hoá cáo Chỉ những kẻ sống lâu ở nơi nào, lợi dụng sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy.
-Mèo là mèo, cáo là cáo, làm gì có chuyện mèo già hóa cáo. GS không giải thích nghĩa đen. Phần nghĩa bóng giải thích cũng không đúng.
Con mèo khi già, “mắt mờ, chân chậm”, không còn đủ sự tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi và nhu cầu ăn thịt sống,  mèo sinh ra tật xấu là rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ dạng xơ xác, lấm lét. Mèo già hoá cáo mà dân gian ám chỉ ở đây nghĩa là con mèo mang bản chất của một con cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt).
Như vậy câu thành ngữ “Mèo già hoá cáo” ám chỉ: Kẻ khôn ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian manh, xảo quyệt, không phải là “sống lâu ở nơi nào, lợi dụng nơi ấy để làm bậy” như GS giải thích.
Ốc chẳng mang nổi mình ốc, còn làm cọc cho rêu Chế giễu những người bản thân mình còn khổ sở, lại còn giúp đỡ người khác. Nhưng thực ra những người như thế lại đáng được khen, vì tinh thần hi sinh, quên mình vì người khác.
-Vì không hiểu ý dân gian nên khi giải thích xong, dường như GS vẫn còn băn khuăn, bận lòng cho rằng dân gian đã chế giễu oan người tốt nên phải nói lại một câu “Thực ra những người như thế lại được đáng khen vì tinh thần hy sinh quên mình vì người khác”.
  Cần giải thích nghĩa đen: Ốc là loài di chuyển rất chậm chạp, nặng nề, trên vỏ ốc thường bám đầy rong rêu. Dân gian mượn hình ảnh này để phê phán, chê cười những người có thói ôm đồm, không biết lượng sức mình, hay quan tâm những việc bản thân mình chưa lo nổi. Nếu “hy sinh, quên mình” là phải giúp được người khác. Bản thân còn chưa đủ khả năng lo cho chính mình thì giúp đỡ người khác sao nổi ?
Chễm chệ như rể bà góa Nói những người đàn bà góa chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng.
-Chủ thể câu thành ngữ là anh chàng rể nhà bà goá chồng, nhưng GS lại quay ra “nói những người đàn bà goá”. Theo nghĩa đen: con rể ở gia đình có người đàn bà (mẹ vợ) đã góa chồng thường được quý trọng, vì nể do ông bố vợ không còn, chàng rể nghiễm nhiên trở thành người đàn ông có vị trí quan trọng trong gia đình. Như thế anh chàng “rể bà goá” tự nhận thức được vị trí của mình trong gia đình nên làm oai, không phải do người đàn bà goá “chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng”.
 Nghĩa bóng: Mỉa mai thái độ làm oai nực cười của ai đó nhờ cơ hội nghiễm nhiên mà có.
Rào dậu ngăn sân Nói hai nhà ở gần nhau mà không giao thiệp với nhau.
-Câu này GS giải thích nghĩa đen, nhưng giải thích không đúng. Nhà nọ với nhà kia được “rào dậu” là chuyện bình thường ở thôn quê, không thể nói đó là “không giao thiệp với nhau”. Thành ngữ “Rào dậu ngăn sân” không nói chuyện “hai nhà” mà là chuyện một nhà: cái sân của một nhà nào đó bị rào lại, ngăn đôi ra, chia cắt thành hai nhà. Nghĩa bóng nói đến việc làm ngang ngược, chia rẽ tình đoàn kết máu mủ anh em một nhà khó chấp nhận. Khi đất nước ta bị chia cắt thành 2 miền, Tố Hữu dùng hình ảnh “rào dậu ngăn sân” để thể hiện niềm tin vào chính nghĩa, đấu tranh thống nhất một nhà: “Chúng ta con một cha, nhà một nóc, Thịt với xương, tim óc dính liền…Dù ai rào dậu ngăn sân, Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”,v.v…
No gì mà no, trong mo ngoài đất Ý nói: Có no đâu, thực ra vẫn túng thiếu lắm.
-GS chỉ giải nghĩa lơ mơ, sơ sài cách dùng, không giải thích được nghĩa đen“trong mo ngoài đất” là gì.
Câu nói này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích, đại ý: Có cậu bé đi chăn trâu thuê cho nhà chủ, vì ham chơi nên hay cột trâu một chỗ, không chăn dắt gì, để trâu đói. Mỗi khi trâu về chuồng, bà chủ thường đứng đón trước cửa quan sát xem hai cái hõm bên hông lưng trâu có đầy không, tức trâu có no không. Hôm nào cậu bé cũng cho trâu về chuồng lúc chập choạng tối làm như chăm chỉ chăn dắt lắm. Mặt khác cậu đánh lừa bà chủ bằng cách lấy mo cau độn vào hai bên hông trâu rồi lấy bùn đen trát lại. Trong ánh sáng lúc chập choạng tối, bà chủ cứ tưởng trâu được chăn dắt no căng bụng, hôm nào cũng khen ngợi: “Giỏi lắm, trâu ăn rất no”. Đếnmột hôm, trâu tức quá buột miệng tố cáo: “No gì mà no, trong mo ngoài đất”.
Như thế, con trâu trong chuyện cổ tích đang “nói” chuyện đói bụng, no bụng, no thật, no giả lại được GS lẩy ra làm câu “thành ngữ” và giải thích một nửa là nói về no bụng “có no đâu”, nửa kia lại nói về giàu nghèo “thực ra vẫn túng thiếu lắm”.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ Nói về sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được.
-Về nghĩa đen, con cá và cái lưỡi câu không thể là sự "gắn bó, kín đáo giữa hai người". “Biết đâu” có nghĩa là không biết cách nào, không thể nào mà gỡ ra được. Nhưng GS Nguyễn Lân lại nhầm tưởng “biết đâu” có nghĩa là sự việc bị bí mật giấu kín nên giải thích “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ” là “sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được”. Câu thành ngữ GS đưa ra thực chất là lẩy ra từ hai câu ca dao trong một bài ca dao nổi tiếng có câu: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lồng biết thuở nào ra”. Cá cắn câu nghĩa là con cá bị lừa bởi cái mồi hấp dẫn ở lưỡi câu, bị lâm vào tình thế vô cùng đau đớn, nguy hiểm, không thoát ra được. Nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này nói việc nào đó đã trót rồi, lỡ quyết định rồi, không thể xoay chuyển, thay đổi được nữa, giống như cá đã “cắn câu” (cũng như chim vào lồng) thì không nhả ra được nữa, càng vùng vẫy, càng bị gắn chặt và đau đớn hơn mà thôi.
Không ai phản đối việc cắt một ý, một đoạn trong câu ca dao, bài ca dao để dùng như một thành ngữ, tục ngữ đứng độc lập, tuy nhiên, việc gán cho nó một nghĩa mới trong trường hợp này là không có cơ sở và khó chấp nhận.
Nhiều câu thành ngữ thuần Việt có lẽ khi sưu tầm do ghi nhầm, ghi sai, lại không nắm được quy luật sáng tác dân gian dẫn đến GS rất lúng túng không biết nên hiểu thế nào, đành giải thích theo cách suy diễn, phỏng đoán của mình mà không cần biết nó có lý hay không, hoặc có đúng thực tế nghĩa đen hay không:
Lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng (Biên là bờ ruộng, trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng).
- GS chép nhầm từ “lụa tốt” thành từ “lúa tốt” nên hiểu lầm từ “biên” là mép của mảnh vải lụa thành “biên là bờ ruộng”, rồi tìm cho tục ngữ một cách hiểu khó chấp nhận: “trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng” (nên lúa ở bờ ruộng thường tốt ?). Nhưng xưa kia, thợ cấy lấy công, thường cấy thưa cho nhanh hết diện tích, nếu gần bờ họ “cấy cẩn thận” chỉ có một cách là cấy dày hơn, mà như vậy làm sao lúa tốt hơn giữa ruộng được ? Theo khoa học nông nghiệp giải thích, lúa gần bờ tốt hơn giữa ruộng vì được hấp thu nhiều ánh sáng và dinh dưỡng hơn lúa giữa ruộng. Từ kết luận này, ngày nay người ta áp dụng cách cấy mới, đó là cấy “hàng rộng, hàng hẹp”, mục đích tạo ra trên ruộng có nhiều hàng lúa tốt giống như lúa ven bờ ruộng, thuật ngữ nông học gọi là “hiệu ứng hàng biên” (ngày xưa nông dân cũng áp dụng biện pháp này gọi là cấy “rộng hàng sông, hẹp hàng tay”). Mặt khác, về tổng thể cách giải thích của GS hoàn toàn mâu thuẫn, bởi nếu có sự giả dối của người thợ cấy như ý GS nói thì phải làm ngược lại mới đúng: muốn biết lúa tốt hay không phải xem ở giữa ruộng ! (bởi cái tốt ở bờ là tốt lỏi, tốt giả, không đại diện cho cả ruộng lúa).
  Trở lại với câu thành ngữ “Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng”. Chất lượng của vải nói chung và lụa nói riêng, ngoài nguyên liệu tốt phải kể đến kỹ thuật dệt (tức là kết cấu, độ chặt, săn chắc của vải). Vì thế, muốn biết tấm lụa tốt hay xấu, người ta xem đường biên (mép của tấm lụa), xem sợi tơ dệt có săn không, miết tay vào xem vải có bị xô dạt hay không… Thời bao cấp chuộng ăn chắc, mặc bền. Khi mua vải, các bà các chị cũng thường dứt ra vài sợi ở đường biên xem có dai, bền hay không. Ngày nay, để thử lụa dệt bằng tơ tằm tự nhiên hay tơ nhân tạo, người ta cũng dứt ra vài sợi ở đường biên (mép vải) đốt lên, nếu có mùi khét kiểu như tóc cháy, than vón tròn, đưa tay miết nhẹ thì tan ra bột mịn là tơ thật. Ngược lại, đốt lên sợi tơ cháy khét như mùi ni lông cháy, than vón cục, khó phân huỷ được là tơ nhân tạo (theo kinh nghiệm của những người ươm tơ, dệt lụa).
Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó Nói sự băn khoăn của người phải gửi đồ lễ đến cúng cha mẹ hay ông bà ở một nơi nào, không biết gửi bao nhiêu là vừa.
- Câu thành ngữ này phải viết đúng là: “Thờ thời dễ, giữ  lễ thời khó”. (Dị bản: “Thờ dễ, lễ khó”) Nghĩa là việc thờ cúng ông bà cha mẹ không khó, cái khó là thờ cúng phải thật kính cẩn, thật lòng, giữ đúng lễ. Thành ngữ Hán-Việt có nhiều câu đề cao sự “giữ lễ” (kính cẩn, thật lòng) trong khi cúng tế, thờ phụng thần thánh, tổ tiên, (còn được sử dụng dưới dạng hoành phi treo ở gian thờ cúng) như: “Tế thần như thần tại” (Tế thần kính cẩn như thần đang hiện diện trước mặt); “Sự tử như sự sinh” (Thờ người chết kính cẩn như lúc còn sống). Hoặc câu thành ngữ thuần Việt: “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”, nghĩa là vật phẩm dâng cúng không câu nệ nhiều ít, quan trọng là ý thức của con cháu có giữ lễ (góp giỗ, làm giỗ) hay không.
Bánh ú đi, bánh gì lại ? Chê người chê ỏng chê eo, rút cục không được gì ?
- Lại một câu giải thích rất chung chung và nhầm lẫn giữa “bánh dì” với cái “gì”. Có lẽ GS cho rằng ví như: Tôi đem cho người ta cái bánh ú, bị chê ỏng chê eo, nhưng rốt cuộc thử hỏi người ta đã cho lại tôi cái bánh gì nào ? Xin thưa, “bánh dì” ở đây không phải là “cái bánh gì” (cái bánh nào), nên GS không thể đặt dấu chấm hỏi cuối câu. Bánh “gì” chính là cái bánh dì (hoặc bánh dầy, bánh dày) làm bằng bột nếp. Bánh ú làm bằng gạo nếp, bánh dì cũng làm bằng bột nếp, đều là bánh ngon quý. “Bánh ú đi, bánh dì lại”, có nghĩa: mình cho người ta cái này (bánh ú), thì người ta cũng sẽ đáp lại mình bằng thứ tương xứng (bánh dì), không đi đâu mà thiệt. Hoặc người ta đã cho mình bánh ú, mình cũng phải tìm cái tương xứng (bánh dì) để đáp lại, kiểu ứng xử “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thành ngữ gốc Hán có câu “Đầu mai, báo lý” nghĩa là: Quả mơ đi, quả mận lại. Mơ và mận là hai thứ quả thuộc phân chi mận mơ (theo khoa học) và họ mận mơ (theo dân gian) đều ăn ngon, cũng  ý nói cho và nhận đều là hai vật tương xứng. Trong trường hợp GS cứ khăng  khăng cho rằng, bánh dì (dầy) ở đây có nghĩa là cái bánh“gì”, bánh nào, thì thành ngữ lại được hiểu khác hẳn: Mình cho đi cái bánh ú, không biết (người ta) sẽ đền đáp lại mình cái bánh gì đây ? Tuy nhiên, việc phá vỡ cấu trúc một câu thành ngữ vốn có đã ổn định để đem đến một dị bản, một nghĩa mới do hiểu sai trong trường hợp này là rất khó chấp nhận !
Hay ăn vào bếp, chóng chết quản voi (Quản một con voi dữ thì nguy hiểm) Hai việc này không ăn khớp với nhau, nhưng chỉ có nghĩa là tự mình làm lấy mà ăn là một chuyện tất nhiên.
- Do ghi sai câu thành ngữ “Hay ăn nhà bếp” thành “Hay ăn vào bếp” nên GS cũng tự nhận thấy sự vô lý trong câu và thắc mắc “Hai việc này không ăn khớp với nhau”. Nhưng kết cục, có lẽ GS liên tưởng tới câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp”rồi phỏng đoán (dù “không ăn khớp với nhau”) “nhưng chỉ có nghĩa là tự mình làm lấy ăn là một chuyện tất nhiên”. Thưa GS, câu này viết đúng phải là “Hay ănnhà bếp, chóng chết quản voi” và được hiểu tương tự như câu “Giàu thủ kho, no nhà bếp”. Nhà bếp thì hay được ăn (vì trực tiếp nấu ra đồ ăn thức uống). Nên có câu: Làm cỗ không lo mất phần là vậy. Và quản voi thì dễ gặp nguy hiểm. Thực tế nghĩa đen: Voi tuy đã được thuần dưỡng, thường ngày hiền lành, chăm chỉ, nghe lời quản tượng. Tuy nhiên do bản năng hoang dã, đặc biệt đến mùa động dục (mùa sinh sản) voi thường biểu hiện rất hung dữ, có thể bất ngờ quật chết quản tượng.
Có nghĩa: Ai gắn bó với nghề nào thì được hưởng lợi trước tiên hoặc cũng bị nguy hiểm trực tiếp từ nghề đó. (Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp” là vậy).
Áo cứ chàng, làng cứ xã (xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình.
  GS chép sai chữ “tràng” thành chữ “chàng”. Đúng ra câu này là “Áo cứtràng, làng cứ xã”. “Tràng” là cái cổ áo (Từ Hán-Việt là y lĩnh). Cổ áo là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo. Muốn cầm cái áo, cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn gọn gàng nhất; cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu “xã” (trưởng) mà gõ xuống là xong. Có lẽ GS cho rằng “áo cứ chàng” nghĩa là: việc giặt giũ, vá may quần áo đáng lẽ người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ” (để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm; còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ” (ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình” ? !)
Thành ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa: Ông xã trưởng là người phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của làng; Muốn nắm được làng, phải nắm được ông xã trưởng, cũng như muốn cầm được cái áo phải cầm lấy cái cổ áo. (bạn đọc có thêm tham khảo thêm bài CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?” )
Lấy chất liệu từ nghĩa đen để hiểu theo nghĩa bóng, thành ngữ tục ngữ luôn chứa đựng trong nó tính biện chứng, đúc kết thực tế chặt chẽ, sâu sắc, rất khó bác bỏ. Bởi thế, không hiểu đúng nghĩa đen không thể giải thích đúng và hiểu hết cái hay, cái đẹp của tục ngữ thành ngữ./.
                                                                                         H.T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét